Khối ASEAN đang phải đối mặt với nguy cơ suy giảm tiếng nói trong giải quyết căng thẳng Biển Đông vì tình hình bất ổn chính trị ở Thái Lan.
Quân đội bất ngờ đảo chính
Chiều 22/5 quân đội Thái Lan đã tuyên bố kiểm soát chính quyền trong một vụ đảo chính. Tướng tư lệnh Lục quân Thái Lan – Prayuth Chan-ocha tuyên bố trên truyền hình rằng lực lượng quân đội Thái Lan kiểm soát chính quyền để đưa tình hình đất nước trở lại bình thường sau thời gian dài căng thẳng vì các cuộc biểu tình của phe áo vàng (những người chống chính phủ Yingluck) và phe áo đỏ (những người ủng hộ bà Yingluck).
Sau đảo chính, quân đội đã ra lệnh giới nghiêm từ 22h đến 5h hàng ngày đồng thời nêu danh sách một số quan chức của chính phủ phải ra trình diện. Người đứng đầu danh sách là bà Yingluck Shinawatra. Cho đến hôm nay, danh sách phải trình diện đã lên tới 114 người.
Cuộc đảo chính của Thái Lan đã diễn ra rất bất ngờ với thế giới vì trước đó quân đội nước này cam kết không đảo chính. Mỹ – đồng minh thân cận nhất của Thái Lan cũng không biết gì. Bằng chứng là vào ngày 20/5, người phát ngôn ngoại giao Mỹ Psaky vẫn khẳng định nước này vẫn duy trì liên lạc thường xuyên với quân đội Thái Lan và tin rằng đảo chính không thể xảy ra.
Quân đội Thái Lan ở nơi Tư lệnh Prayuth Chan-ocha tổ chức cuộc gặp với các phe phái. Ảnh: Reuters.
Thêm vào đó, đảo chính diễn ra ngay sau cuộc gặp không đi đến đâu giữa phe áo vàng và phe áo đỏ nhằm tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị. Do vậy hành động đột ngột của quân đội Thái Lan khiến nhiều nước ngỡ ngàng.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan tính đến nay đã qua 8 năm. Nó bắt đầu từ tháng 9/2006 khi ông Thaksin bị quân đội lật đổ. Sau đó là một giai đoạn đầy sóng gió trong chính trường Thái Lan khi ông Thaksin vẫn được đông đảo người dân ủng hộ nhất là những nông dân miền Bắc đất nước.
Họ đã tập hợp biểu tình phản đối các chính phủ mới nhiều lần khiến các chính phủ này hoạt động không hiệu quả. Vào năm 2011, sau chiến thắng trong cuộc bầu cử, bà Yingluck Shinawatra – em gái ông Thaksin đã đắc cử chức Thủ tướng Thái Lan.
Tuy vậy, vào lúc này chính trường Thái Lan lại hình thành một phe nhóm đối lập chống thế lực gia đình Thaksin. Sự tồn tại của hai thế lực ủng hộ và chống gia đình Thaksin khiến xã hội và chính trường Thái Lan ngày càng lún sâu vào khủng hoảng bế tắc.
Trước khi cuộc đảo chính nổ ra, trong 7 tháng qua, phe chống đối bà Yingluck đã liên tục phát động biểu tình làm tê liệt hoạt động của các cơ quan chính phủ.
Trong bối cảnh chính trị phức tạp của Thái Lan hiện nay, hành động đảo chính của quân đội khó có thể đưa đến một kết quả tốt đẹp hơn cho Thái Lan. Bởi vì quân đội Thái Lan hiện nay đang ở vị trí trung gian giữa hai phe. Chỉ cần quân đội có một động thái ngả về bất kỳ bên nào thì sẽ bị phe kia phản đối quyết liệt.
Mặt khác ngay trong nội bộ quân đội Thái Lan cũng đang bị chia rẽ và không có gì đảm bảo rằng tất cả tướng lĩnh đều ủng hộ ông Prayuth. Như thế, vụ đảo chính của quân đội Thái Lan không giải quyết được vấn đề gì vì bản thân quân đội giống như người trung gian giữa hai phe áo vàng và áo đỏ. Bất kỳ động thái ngả về bên nào của quân đội Thái Lan sẽ bị phe kia phản đối quyết liệt.
ASEAN sẽ bị suy yếu?
Tình hình chính trị ở khu vực Đông Nam Á thời gian qua đã chịu nhiều sóng gió do sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong khi tình hình chưa lắng dịu thì Thái Lan lại xảy ra cuộc đảo chính.
Sự kiện này trước hết có ảnh hưởng đến an ninh chung của khu vực cũng như sự vững mạnh của cộng đồng ASEAN. Theo tin tức từ The Straits Times của Singapore, Bộ Ngoại giao nước này đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về diễn biến mới nhất ở Thái Lan. Tuyên bố nêu rõ: “Thái Lan là một quốc gia trong khu vực và là thành viên quan trọng của ASEAN. Bất ổn kéo dài tại Thái Lan sẽ kéo theo bất ổn tại khu vực nói chung”.
Các Bộ trưởng Quốc phòng khối ASEAN dự hội nghị ADMM-8 tại Myanmar hôm 20/5.
Ở một khía cạnh khác, vì chính sách đối ngoại bắt nguồn và phụ thuộc vào chính sách đối nội cho nên sự bất ổn chính trị sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là Thái Lan không thể có một chính sách đối ngoại nhất quán mà có thể sẽ thay đổi thất thường.
Một góc độ khác nữa là bất ổn ở Thái Lan sẽ khiến cho mối quan hệ Mỹ – Thái có những xáo trộn. Ngay hôm qua, một quan chức Quốc phòng Mỹ cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ xem xét lại toàn bộ các hỗ trợ cũng như can dự quân sự của Mỹ vào Thái Lan.
Theo luật pháp Mỹ, nước này sẽ buộc phải áp đặt các lệnh trừng phạt nếu xác định rằng một quân đội nước ngoài tiến hành đảo chính. Năm 2006 Mỹ đã tạm thời ngừng hợp tác với quân đội Thái Lan sau khi lực lượng này làm đảo chính lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Nếu như Mỹ có các động thái xa rời hoặc đình chỉ hợp tác quân sự với Thái Lan thì đó sẽ là cơ hội cho một nước lớn khác “thọc bàn tay” vào Thái Lan để từ đó chia rẽ khối ASEAN.
Trong vấn đề Biển Đông, cộng đồng ASEAN vừa đạt được sự đồng thuận nhất định ở hội nghị thượng đỉnh Myanmar khi ra Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về căng thẳng sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam. Trong tình thế hiện nay, sự đồng thuận, đoàn kết của cộng đồng ASEAN là yếu tố quan trọng để cộng đồng này phát triển và có tiếng nói hơn trong việc đảm bảo an ninh cho khu vực cũng như trong quan hệ với các nước lớn.
Bởi thế, khi ASEAN không thể đoàn kết, hậu quả có thể nhìn thấy trước mắt là khối sẽ mất đi sức mạnh trong việc giải quyết căng thẳng trên Biển Đông hiện nay.
Trần Vũ
2014-05-23 15:56:18
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/dao-chinh-thai-lan-anh-huong-den-tinh-hinh-bien-dong-a133618.html