Trong vấn đề Biển Đông hiện nay, một câu hỏi được quan tâm là nước Mỹ sẽ phản ứng ra sao và phản ứng đến mức độ nào đối với Trung Quốc?
Phản ứng mạnh mẽ
Từ hôm 6/5 Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng cảnh báo việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào khu vực Biển Đông là hành động gây mất ổn định khu vực.
Theo TTXVN, bà Jen Psaki – người phát ngôn ngoại giao Hoa Kỳ đã nói: “Mỹ đã và đang xem xét nghiêm túc tới sự vụ này. Căn cứ vào lịch sử căng thẳng ở Biển Đông, việc Trung Quốc đưa giàn khoan là một hành động khiêu khích và không có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Diễn biến này càng cho thấy các tuyên bố về chủ quyền của các nước trong khu vực cần phải được dựa trên luật pháp quốc tế”.
Phó phát ngôn viên Marie Harf trong buổi họp báo 8/5.
Vẫn theo TTXVN, ngày 8/5, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ – bà Marie Harf lại có đánh giá về hoạt động của Trung Quốc: “Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào là vô cùng nguy hiểm. Nó có thể dẫn đến những tính toán sai lầm và kéo theo các hành động khiêu khích khác và làm gia tăng căng thẳng… Chúng tôi muốn căng thẳng và tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình và các tuyên bố chủ quyền phải dựa trên luật pháp quốc tế”.
Cùng thời gian đó, ông Daniel Russel – Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến thăm đến Hà Nội ngày 7 và 8/5 cũng đã lên tiếng. Theo báo Dân Trí, tại cuộc họp báo chiều 8/5 với một nhóm phóng viên trong và ngoài nước tại Trung tâm Hoa Kỳ, tòa nhà Vườn Hồng – Ngọc Khánh – Ba Đình – Hà Nội, ông Russel nói: “Quan điểm tôi đã nhấn mạnh trong cuộc đối thoại với giới chức Việt Nam là quan điểm mạnh mẽ của Mỹ rằng những tuyên bố chủ quyền chồng chéo trên những vùng tranh chấp, trong đó có Hoàng Sa, phải được giải quyết một cách hòa bình, phải theo phương thức ngoại giao và phải giải quyết theo đúng luật quôc tế”.
Ông Russel cũng nhấn mạnh rằng: “Tất cả các nước trong khu vực phải kiềm chế, tránh có hành động đơn phương gây tổn hại tới hòa bình, làm gia tăng căng thẳng”.
Cùng với các tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao, giới học giả cùng các nghị sĩ Mỹ cũng đã mạnh mẽ lên án hành động sai trái của Trung Quốc. Theo báo Vnexpress, thượng nghị sĩ John McCain đã ra một thông cáo báo chí đăng lên trang web chính thức của ông hôm 7/5. Thông cáo viết: “Các tàu Trung Quốc bao vây và đâm vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam là biểu hiện của quấy rối hung hăng. Không có gì nghi ngờ rằng Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng này”.
Ông Gregory Poling, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á của Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế có trụ sở tại New York khi trả lời phỏng vấn của đài DW (Đức) đã nói: “Đối với các bên tranh chấp khác với Trung Quốc trong khu vực Biển Đông như Philippines, Malaysia và Brunei, cũng như Nhật Bản ở biển Hoa Đông, sự kiện này cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục lập trường hung hăng, cứng rắn trong tranh chấp biển”.
Mức độ tăng dần
Ngày 12/5, cuối cùng Ngoại trưởng Mỹ – John Kerry cũng đã lên tiếng chính thức về vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981.
Nguồn tin của AFP nói rằng bà trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho hay Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đưa ra chỉ trích trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.
Ông Kerry nhấn mạnh Mỹ “vô cùng quan ngại” về những diễn biến gần đây trên Biển Đông và hối thúc hai bên giảm căng thẳng, đảm bảo an toàn cho các tàu hoạt động trên biển và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Ngoại trưởng Mỹ gặp Ngoại trưởng Singapore hôm 12/5.
Trực tiếp hơn, chính ông John Kerry trước cuộc gặp Ngoại trưởng Singapore tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 12/5 đã nói với báo giới: “Chúng tôi đặc biệt quan ngại, tất cả các quốc gia có hoạt động giao thông hàng hải ở vùng Biển Đông và vùng biển Hoa Đông, đều rất lo ngại về hành động hiếu chiến này. Chúng tôi muốn được chứng kiến việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử. Chúng tôi muốn chứng kiến vấn đề này được giải quyết một cách hòa bình thông qua luật biển, thông qua trọng tài, thông qua mọi phương tiện khác chứ không phải đối đầu trực tiếp và những hành động hiếu chiến”.
Đây là lần đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ phát biểu quan điểm về vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam.
Nhìn vào các phản ứng của người Mỹ chúng ta thấy rằng các phản ứng là có hệ thống và theo mức độ tăng dần. Từ người phát ngôn Ngoại giao đến trợ lý ngoại trưởng và đến bây giờ là ngoại trưởng.
Tuy nhiên, phản ứng của Hoa Kỳ sẽ phát triển đến đâu nếu Trung Quốc tiếp tục leo thang thì vẫn còn khó nói. Theo đánh giá của một vài nhà quan sát Việt Nam, hiện nay Mỹ còn đang bận rộn đối phó với điểm nóng Ukraine ở châu Âu. Mặt khác Mỹ cũng có quan hệ kinh tế với Trung Quốc mật thiết hơn với Việt Nam. Do đó, sự phản ứng của Mỹ có thể chỉ dừng ở trên phương diện những tuyên bố phản đối mà không thể đi xa hơn.
Nhà báo Hiroki Sugita của hãng tin Kyodo cách đây không lâu cũng có bài bình luận đăng trên website của hãng tin tức này nói rằng các nước châu Á không nên quá vui mừng vì lời hứa hẹn của ông Obama trong chuyến công du hồi tháng 4. Tác giả này chỉ ra rằng từ khi công bố chiến lược xoay trục sang châu Á, ông Obama từng 2 lần hủy các chuyến đi tới châu Á để giải quyết các vấn đề đối nội. Trong chuyến thăm, ông Obama cũng đã khẳng định rằng sẽ không nhượng bộ với Nhật Bản và các nước TPP khác trong đàm phán thương mại vì sợ chọc giận một số ngành công nghiệp Mỹ. Như vậy, chúng ta cũng nên hiểu rằng trong bất kỳ tình huống nào, nước Mỹ sẽ đặt lợi ích quốc gia của họ lên hàng đầu.
Theo nhà báo Hiroki Sugita, dẫu nước Mỹ luôn vỗ ngực tuyên bố không bao giờ bỏ rơi đồng minh thì Việt Nam hiện nay không phải là đồng minh của họ. Mặt khác Mỹ cũng từng có “kinh nghiệm” bỏ rơi đồng minh vì lợi ích của họ. Do đó phản ứng của Mỹ đối với căng thẳng biển Đông hiện nay sẽ đến mức nào, có đủ áp lực để Trung Quốc bớt hung hăng không thì vẫn là điều chưa thể lạc quan.
Vũ Thủy
Xem thêm video clip: Tàu Trung Quốc liên tục dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam
2014-05-13 04:24:20
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tinh-hinh-bien-dong-my-se-phan-ung-den-muc-nao-a132499.html