Vừa qua, Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM, thuộc Sở KH&CN TP.HCM phát hiện nhiều mẫu mỳ chứa chất béo dạng trans, ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ.
Thông tin này đã khiến nhiều người lo ngại, thậm chí tẩy chay mì ăn liền. Vậy ngoài chất béo trans, trong mỳ còn chứa những gì nguy hại cho sức khoẻ con người?
Mỳ ăn liền chứa trans
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, các loại thực phẩm chế biến sẵn do dùng các loại dầu thực vật đã được hydro hóa trong quá trình chế biến để sản phẩm tươi giòn, có màu sắc và hấp dẫn người tiêu dùng.
Một số loại thực phẩm có chứa nhiều transfat như: các loại bánh ngọt, chocolat, bánh trung thu, thức ăn chiên bán trong tiệm như khoai tây, gà chiên, mỳ tôm… Nếu ăn trung bình khoảng 3,6g transfat/ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch tới 3 lần so với mức 2,5g/ngày.
Hãy đun sôi mỳ trong nồi nước.
Transfat khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây đông đặc máu và tạo ra những mảng tiểu cầu dạng mỡ bám vào thành mạch, dần dần bịt kín khiến cho máu không lưu thông. Transfat không thể chuyển hóa được trong cơ thể mà đọng lại, nếu dùng lâu dài sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho cơ thể.
Gói gia vị có bảo đảm?
GS.TS Hoàng Đình Hòa, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, 100g mỳ tôm thì thành phần dinh dưỡng chủ yếu trong bột mỳ, chiếm khoảng 280kcal, không thể đáp ứng đủ dinh dưỡng cho một bữa ăn.
Mặt khác, các gói gia vị thường được ngâm vào dầu thực vật, khi ta bóc ra sẽ thấy mỡ, để lâu gói dầu này sẽ bị ôi, oxy hóa, mà càng nguy hiểm khi dầu đó không rõ nguồn gốc.
Các túi thịt băm, hải sản băm cũng vậy. Nếu là thịt tươi, ngon thì không sao, nhưng chúng ta cũng đặt ra câu hỏi một gói mỳ có hơn 2.000đ thì không thể đáp ứng chuẩn chỉnh về chất lượng và an toàn vệ sinh, nên việc nhà sản xuất dùng các loại thịt vụn, hải sản thứ cấp chế biến rồi đóng gói là không tránh khỏi.
Mà họ sản xuất thường phải có nguyên liệu dự trữ, chúng ta chỉ quan tâm và thường kiểm nghiệm tới gói mỳ, chứ mấy ai quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng của những gia vị này.
Hơn nữa, nếu mỳ tôm sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, khi đó dầu bị đứt mạch tạo thành các hợp chất chứa nitơ là một trong những chất gây ung thư.
Vì vậy, khi nấu mỳ, để an toàn chúng ta hãy đun sôi mỳ trong nồi nước chứ không nên đổ nước sôi vào bát rồi ăn ngay. Khi mỳ chín, bỏ vào rổ cho ráo nước, xóc rổ 3 hoặc 4 lần trước khi sử dụng. Đun một nồi nước sôi khác bỏ mỳ đã chín vào, tắt lửa rồi sau đó bỏ gói bột nêm vào trước khi ăn.
Thống kê tại New York, mỗi năm có đến hơn 500 người chết vì bệnh tim mạch có liên quan đến transfat. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo, mỗi người không nên tiêu thụ transfat quá 3g/ngày.
Theo Bee
Nguồn: http://www.vietgiaitri.com/suc-khoe/2010/08/kiem-soat-cac-goi-gia-vi-trong-my-tom/
Bài 2. Những tác hại khi ăn mỳ tôm
Nhiều khi vì không có thời gian để nấu ăn hoặc thậm chí chỉ muốn để tiết kiệm tiền mà ăn mì ăn liền quá nhiều, có thể bạn sẽ bị ngộ độc và gây nhiều nguy hại cho sức khỏe!
Nguyên nhân khiến bạn không nên ăn quá nhiều mỳ ăn liền?
Chắc hem cần nói nhiều bạn cũng đã biết rằng, mỳ ăn liền nghèo giá trị dinh dưỡng nhưng lại giàu các chất phụ gia và các chất bảo quản. Ngoài chứa rất ít chất xơ, các vitamin và khoáng chất; chúng còn không tốt cho sức khỏe do chứa nhiều chất béo, calo, bột ngọt…
Đặc biệt, đáng nói hơn là các lớp sáp bao phủ sợi mì (sáp này làm cho mì ăn liền không dính vào nhau khí nấu ăn). Bằng cách này, khi các sợi mỳ được đun sôi, nó sẽ thay đổi cấu trúc phân tử gây ra nó để trở nên độc hại hơn. Điều này có thể gây hại cho sức khỏe của bạn.
Nấu mì như nào để hạn chế lớp sáp bao phủ sợi mỳ độc hại?
Cách nấu mỳ sai:
-Bạn để mỳ ăn liền trong một chiếc bát và cứ thế đổ nước nóng lên trên, sau đó, đậy miệng bát lại ngâm mỳ trong vòng 3 phút. Đây là cách mà nhiều nhân thích ăn mỳ rất “kết” vì cho rằng ăn mỳ khi chưa chín hẳn mới ngon và giòn.
-Đun sôi mỳ trong một nồi nước. Khi nước sôi, bạn cho thêm bột ngọt, hành mỡ hoặc những chất phụ gia có trong gói mỳ vào. Và bạn nấu trong 3 phút thì những sợi mỳ bắt đầu chín. Lúc này bạn bỏ ra bếp và cho vào bát ăn luôn.
-Thậm chí có những nhân có sở thích “mỳ ăn liền” tiện lợi là sẵn sàng nhai ngau ngáu những miếng mỳ ăn liền sống khi chiếc dạ dày biểu tình.
Tác hại khi ăn mỳ ăn liền sống hoặc nấu chưa đúng cách: Khi ăn mỳ ăn liền sống hoặc nấu mỳ sai theo 2 cách trên thì tức là bạn đang tăng thêm lớp sáp phủ những sợi mỳ độc hại.
Theo đó, các sợi mỳ có chứa lớp sáp bao phủ khi được đun sôi sẽ thay đổi cấu trúc phân tử gây ra nó để trở nên độc hại. Một thứ khác mà bạn có thể hoặc có thể không nhận ra là, những sợi mỳ được phủ một lớp sáp này sẽ cần một khoảng thời gian là 4-5 ngày sau khi bạn ăn mỳ mới biến mất. Vì thế nó có thể gây ung thư hoặc cực kỳ có hại cho sức khỏe của bạn.
Những nguy hiểm khác bạn có thể gặp khi ăn quá nhiều mỳ ăn liền:
*Là nguyên nhân có thể gây phát ban đột ngột
*Phải uống thêm nhiều nước trên một chiếc dạ dày trống rỗng
*Dễ bị đầy bụng và cảm thấy lưỡi quánh đặc khi bạn thức dậy
Những cách nấu mỳ đúng mà có thể bạn chưa biết:
1.Đun sôi mỳ trong một nồi nước đầy ngập mỳ.
2.Khi những sợi mỳ được nấu chín, bạn nên vớt mỳ ra sóc qua sóc lại một vài lần và vứt nước nấu mỳ có chứa lớp sáp bao phủ sợi mỳ đi nhé.
3.Đun sôi mới một nồi nước sôi khác và cho mỳ đã luộc chín lần 1 vào khi nước đang sôi rùi sau đó mới tắt bếp đi.
4.Chỉ ở giai đoạn này khi bếp đã tắt và trong khi nước còn rất nóng, bạn có thể cho thêm các thành phần phụ gia hoặc bột nêm vào trong nước để bát mỳ ăn liền hấp dẫn hơn.
5.Tuy nhiên, nếu bạn cần mì khô, bạn nên cho bột nêm lúc luộc chín lần 2 và sóc nó để được món mì khô.
Lưu ý:
Mì ăn liền thì khá là tiện lợi, rẻ tiền và giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian nấu ăn của bạn cho mỗi bữa ăn. Và do hoàn cảnh khác nhau, nhiều nhân đã phải ăn mỳ ăn liền liên tùng tục hoặc ăn nhiều ngày liền cho cả bữa trưa và bữa tối.
Tuy nhiên, bạn nên hạn chế ăn chúng quá nhiều nhé. Đặc biệt mỗi khi ăn mỳ ăn liền, bạn nên cẩn thận áp dụng nấu chín chúng theo các hướng dẫn trên đây để giảm thiểu những tác hại của lớp bao phủ sợi mỳ với sức khỏe trên nhiều phương diện nhé!
Bài 3. Mì tôm đang đầu độc cả thế hệ sinh viên
(Sức khỏe) – Mì tôm chứa chất gây sỏi thận, đọng ứ các khớp xương; cơm bình dân tẩm đầy hóa chất đang đe dọa cả thế hệ trẻ nước nhà.
Sinh viên, được mệnh danh là nguồn lực tương lai của xã hội, thế hệ trẻ đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Thế mà giờ đây, nhu cầu cơ bản nhất được ăn uống sạch sẽ, đủ chất, hợp vệ sinh có lẽ đang trở nên quá xa xỉ. Đặc biệt, là đối với những sinh viên đang ở ký túc xá, không được phép nấu ăn thì việc ăn cơm bình dân, mì gói là chuyện hết sức bình thường.
Đáng buồn thay, những gói mì, đĩa cơm (nguồn cung cấp năng lượng cho sinh viên học tập, nghiên cứu) đang chứa những chất độc vô cùng nguy hiểm.
Mì tôm chứa chất gây sỏi thận
Cuối tháng hết tiền, sinh viên ăn mì tôm; cần tiết kiệm tiền, sinh viên lại tìm đến mì tôm;…Mì tôm, món ăn ngon giúp no cái bao tử với giá chỉ từ 3.000 – 5.000 đồng, chỉ bằng chưa đến 1/3 so với cơm bình dân. Thế nên chẳng ngoa khi nói đời sinh viên gắn liền với mì tôm.
Phượng, sinh viên trường Đại học Kinh tế Luật, hài hước cho biết: “Sinh viên xa nhà, tiền ba mẹ gửi lên cố định hàng tháng. Nếu muốn học thêm, mua sắm, hay tụ tập đi chơi với bạn bè,…thì tụi em phải cắt bớt chi tiêu ăn uống. Cơm sinh viên 15.000 đồng/ dĩa nhưng không ít bạn trong phòng em một ngày chỉ ăn một bữa cơm, còn một bữa ăn mì tôm để tiết kiệm. Một tuần phòng em lại mua một thùng mì tôm để chia nhau”.
Với các nguyên liệu chính: bột mì, dầu ăn cùng một số gia vị tạo hương vị, bột ngọt, mì ăn liền chỉ là thực phẩm làm no dạ dày chứ không có giá trị nhiều về dinh dưỡng do rất ít chất xơ, vitamine, khoáng chất,… trong thành phần của mì. Chưa kể nó còn chứa các chất điều chỉnh axit, chất tăng cường hương vị, chất làm đông đặc, chất giữ ẩm, chất chống ôxy hóa, chất xử lý bột, hóa chất bảo quản,…
Kết quả kiểm nghiệm được GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, công bố chiều ngày 26/12, khiến dư luận bàng hoàng: 100% mẫu mì tôm, măng tươi đều có axit oxalic, tác nhân gây ra sỏi thận.
Cụ thể, từ cuối tháng 6 đến ngày 10/12/2013, công ty cổ phần dịch vụ khoa học công nghệ sắc ký Hải Đăng đã tiến hành phân 62 mẫu mì tôm (trong nước lẫn nhập khẩu) thì 100% đều có sự hiện diện của axit oxalic với nồng độ khoảng (30,8 – 449mg/kg).
Cơm trộn hóa chất
Cơm bình dân cũng chẳng khá hơn. Thông thường, chủ quán cho miễn phí cơm, “bao no” để góp phần thu hút nhiều khách hàng hơn. Thế nhưng, chỉ với một gói bột hóa chất 8.000 đồng, các quán cơm bình dân có thể biến 10kg gạo thành cơm nở bung, hạt to, dẻo thơm tương đương với nấu 20kg.
Không ít các bạn sinh viên mua cơm trễ khoảng 1-2 giờ trưa sẽ chứng kiến những giỏ thịt, cá ôi thối, rau củ héo úa, bùi nhùi được giao tận nơi cho quán cơm bình dân. Chủ quán chỉ cần lấy một ít bột màu trắng cho vào thau, đổ nước vào đánh tan rồi cho vào thì thì ngay lập tức miếng thịt sẽ tươi ngon và nở to gấp đôi.
Tuấn sinh viên Đại học Bách khoa TP.HCM tặc lưỡi cho biết: “Có lần mua cơm sớm, thấy cái khăn lau bàn rớt xuống nồi canh, cô bán cơm liền nhanh tay vớt ra và lại thoăn thoắt múc canh vào bịch cho khách. Muỗng đũa dơ dáy, đồ ăn màu sắc sặc sỡ đầy hóa chất, nhưng nếu không ăn thì nhịn đói à?”.
Theo các chuyên gia y tế, độ tuổi từ 18-22 tuổi, với sự sung mãn về cả thể chất lẫn tinh thần, có thể những món ăn độc hại chưa gây tác động ngay lập tức.
Thế nhưng, với 4 năm ăn uống kém vệ sinh như thế này, khi ra trường làm việc liệu sức khỏe họ có bảo đảm? Có quá hay không khi nói thế hệ chủ chốt cho đất nước đang bị “đầu độc” từng ngày?.
Lan Anh
Bài 4. Mỳ Tiến vua: vỏ ghi không transfat, kiểm nghiệm lại có
(VTC News, 5/9/2011) – “Mỳ Tiến Vua không chứa Transfat”, đoạn quảng cáo đã gây được ấn tượng mạnh với người tiêu dùng vì chất béo Transfat được cảnh báo là có hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, khi đi kiểm nghiệm mẫu mỳ Tiến Vua, nhiều người mới ngã ngửa vì trong thành phần của mỳ cũng có Transfat.
Quảng cáo nói không, kiểm định nói có!
Ngay sau khi có đoạn quảng cáo với thông điệp “Mỳ Tiến Vua – Mỳ vì sức khỏe”, “Mỳ Tiến Vua không sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, không chứa Transfat (loại chất béo gây chứng đột quỵ, đau tim và bệnh mạch vành)” được phát trên truyền hình, khán giả ngay lập tức có cảm giác lo sợ về việc ăn phải loại mỳ có chứa chất Transfat và mỳ Tiến Vua của công ty CP Hàng tiêu dùng Masan mới là loại tốt cho sức khỏe.
Tuy chưa có con số chính thức về lượng sản phẩm bán ra sau khi có đoạn quảng cáo trên, nhưng nếu tổng hợp ý kiến của độc giả cũng như khách hàng trên các báo và diễn đàn, có thể thấy ngay thái độ yên tâm và việc sẵn sàng “móc” hầu bao ra mua mỳ Tiến Vua như thế nào.
Chị Hoàng Thy (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Xem quảng cáo, thấy sợi mỳ Tiến Vua so với những mỳ khác có màu vàng nhạt hơn thật, giá cả lại hợp lý nên tôi mua về nhà dùng. Các con tôi sáng nào cũng đòi ăn mỳ tôm. Còn chồng tôi thì đặc biệt chỉ ăn mỳ Tiến Vua chua cay. Nghe quảng cáo không có Transfat ăn thấy an tâm hơn”.
Điều đáng nói, không chỉ quảng cáo, mà trong mục thành phần ghi trên bao bì của mỳ Tiến Vua, hàm lượng Transfat được ghi là 0g (Hàm lượng Transfat ghi nhãn theo quy định số 86 FR 41434 của cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Với cách ghi này, người tiêu dùng Việt Nam rất dễ hiểu là mỳ Tiến Vua không chứa chất Transfat. Và người tiêu dùng sẽ “ngã ngửa” khi kết quả kiểm định mẫu mỳ Tiến Vua cho thấy hoàn toàn ngược lại với thông điệp đoạn quảng cáo đưa ra.
Cụ thể, theo kết quả phân tích mẫu số 10071105/107315 của Cty Cổ phần Khoa học công nghệ Sắc Ký Hải Đăng (TP. HCM) thì trong một gói mỳ Tiến Vua, tỷ lệ chất Transfat là 0,097%, chứ không phải là zero, tức là hoàn toàn không có như đã quảng cáo.
Lý giải về sự mâu thuẫn này, Công ty Masan đã có công văn số 0105/CV/2010/MSI cho rằng, theo quy định của pháp luật VN về ghi nhãn hàng hóa, việc ghi nội dung này trên bao bì chưa được quy định cụ thể mà tùy thuộc vào ý thức của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với rất nhiều quốc gia việc ghi hàm lượng Transfat trên nhãn hàng hóa là bắt buộc.
Chẳng hạn, vào ngày 11/7/2003, Cơ quan quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành quy định “Federal Register 68 FR 41434” về ghi nhãn thực phẩm có hiệu lực ngày 01/01/2006 buộc các nhà sản xuất thực phẩm phải liệt kê đầy đủ Transfat trong “bảng thông tin dinh dưỡng” trên bao bì các loại thực phẩm.
Theo quy định của FDA, nếu thực phẩm chứa lượng trans fat nhỏ hơn 0,5 g trên mỗi khẩu phần ăn (mỗi gói mỳ 75g – PV) thì được ghi trên nhãn mác là không chứa Transfat. Như vậy, kết quả kiểm nghiệm mỳ Tiến Vua là 0, 097% (tương đương khoảng 0,073 g/75 g mỳ Tiến Vua – PV), tức là nhỏ hơn 0,5 g theo quy định của FDA.
Căn cứ vào các cơ sở trên, Masan cho rằng “Việc ghi thông tin trên sản phẩm mỳ Tiến Vua là hoàn toàn có cơ sở khoa học và tuân thủ các quy định của luật pháp hiện hành”.
Tuy nhiên, theo Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về nhãn hàng hóa đã nêu khá chi tiết về việc ghi thành phần các chất phụ gia có trong thực phẩm.
Cụ thể “Thành phần của hàng hóa là các nguyên liệu kể cả chất phụ gia dùng để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa và tồn tại trong thành phẩm kể cả trường hợp hình thức nguyên liệu đã bị thay đổi”.
Về nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của hàng hóa, Nghị định cũng nêu rõ, đối với phụ gia thực phẩm, phải có đầy đủ các yếu tố: Định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần định lượng, hướng dẫn sử dụng và hướng dẫn bảo quản.
“Thành phần định lượng” được giải thích theo Nghị định này là “các nguyên liệu, kể cả chất phụ gia dùng để sản xuất ra hàng hóa”. Điều đó có nghĩa là các chất dù định lượng ít hay nhiều nhưng đã xuất hiện trong hàng hóa thì đều bắt buộc phải ghi trên nhãn sản phẩm.
Đặc biệt, tại điều 18 chương II về thành phần, thành phần định lượng còn nêu rất cụ thể: “Trường hợp tên thành phần được ghi trên nhãn hàng hóa để gây sự chú ý đối với hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng’’.
“Nếu thành phần là chất phụ gia, phải ghi tên nhóm chất phụ gia, tên chất phụ gia, mã số quốc tế (nếu có). Trường hợp chất phụ gia là hương liệu, chất tạo ngọt, chất tạo màu ngoài các nội dung trên còn phải ghi thêm chất đó là chất “tự nhiên” hay chất “tổng hợp”.
Như vậy, trong quy định của pháp luật Việt Nam, việc phải ghi rõ các thành phần chất phụ gia là khá rõ ràng và đầy đủ. Việc trong mẫu sản phẩm mỳ Tiến Vua có chứa 0,097% chất Transfat mà không được ghi lên trên bao bì là chưa đúng với các nội dung trong Nghị định 89 về ghi nhãn hàng hóa này.
Quảng cáo “lừa” khách hàng?
Không chỉ liên quan đến chất Transfat, gần đây mỳ Tiến Vua của Masan lại một lần nữa khiến dư luận phải chú ý khi tung lên truyền hình đoạn clip quảng cáo mỳ Tiến Vua bò cải chua với sợi mì không phẩm màu độc hại E 102 (còn có tên gọi màu tổng hợp Tartranzine 102).
Trong khi đó, khi khảo sát trên thị trường, một số sản phẩm của Masan, trong đó có mỳ Tiến Vua (loại cũ) và mỳ Omachi đều chứa E 102, và ghi rõ ràng thành phần: Màu tổng hợp Tartranzine 102 (E 102).
Đặc biệt, kèm theo clip quảng cáo là những thông tin về tác động của chất E102 đến sức khỏe con người, khiến cho người tiêu dùng rất hoang mang khi lựa chon các sản phẩm mỳ gói.
Trả lời về vấn đề này, một lãnh đạo của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã trao đổi với báo chí, nói phẩm màu E102 là độc chất có hại cho sức khỏe là không thông tin đầy đủ. “Nếu loại phẩm màu này là độc chất, có hại cho sức khỏe người tiêu dùng thì Bộ Y tế đã cấm sử dụng chứ không để cho các công ty làm như hiện nay. Ngay cả công ty mới có sản phẩm mì gói không chứa E102 thì hiện tại họ vẫn đang sử dụng ở các sản phẩm khác”.
Đặc biệt, thông tin từ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng nêu rõ, phẩm mầu E102 được sử dụng đúng hàm lượng thì vẫn đảm bảo an toàn. Như vậy, việc quảng cáo của mỳ Tiến Vua không chỉ khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về việc sử dụng chất E102, mà hơn thế, việc quảng cáo một đằng, nhãn mác một nẻo đã khiến người tiêu dùng thêm hoang mang khi sử dụng các sản phẩm mỳ gói.
Cũng liên quan đến ngành mỳ, trước đó, clip quảng cáo mỳ khoai tây Omachi (của công ty Masan) cũng khẳng định rằng ăn mỳ khoai tây không lo bị nóng. Tuy nhiên, trong thành phần ghi sau gói mỳ cho thấy khoai tây chỉ chiếm tỷ lệ 10g/1kg, tương đương… 1%.
Như vậy, thành phần chính của “mỳ khoai tây” Omachi vẫn là bột mỳ như mọi loại mỳ khác, và thậm chí được coi là dòng mỳ “cao cấp”, nhưng vẫn có cả chất E102 và không ghi rõ tỷ lệ bao nhiêu.
Với cách quảng cáo “thổi phồng” sự thật như thế, đã khiến nhiều người tiêu dùng phải tự hỏi, loại khoai tây làm mỳ Omachi liệu có phải là “thần dược” không khi chỉ có 1% khoai tây mà có thể giúp người sử dụng không lo bị nóng?
Để kết lại câu chuyện quảng cáo mỳ tôm và để trả lời cho câu hỏi, liệu việc tung ra các clip quảng cáo này có phải là một “chiêu” câu khách của Masan? Xin được trích đăng phản hồi của độc giả có nickname David Nguyen trên một tờ báo điện tử về clip quảng cáo mỳ Tiến Vua không có Transfat, độc giả này đã liên tưởng tới vụ nước tương không chứa 3-MPCD mà Masan đã từng quảng cáo trước đây:
“Tôi nhớ mãi khi vấn đề 3-MPCD ở nước tương trước đây (3-MPCD là chất có khả năng gây ung thư cho người với liều tiếp xúc cao), Masan cũng đã lợi dụng tình huống đó để tập trung quảng cáo và giành thị phần.
Trong cách nghĩ thông thường thì quảng cáo “không 3-MPCD” của Masan khi đó là bình thường, thậm chí thông minh nhưng về bản chất không phải như vậy. Thời điểm đó tôi đang làm cho một công ty về thực phẩm và đồ uống rất nổi tiếng trên thế giới, công ty cũng có sản phẩm nước tương nên trong một cuộc họp của Sales & Marketing, tôi có đề xuất với Tổng Giám đốc là tại sao mình không tranh thủ lúc này để quảng cáo rằng sản phẩm của mình lên men tự nhiên và không có 3-MPCD.
Các bạn có biết câu trả lời của ông là gì không? Ông nói “chính sách của tập đoàn không cho phép chúng ta lợi dụng (tình huống khủng hoảng) để đánh bóng thương hiệu của mình, có thể trước đây chúng ta chưa làm tốt trong việc giáo dục người tiêu dùng, nhưng làm chuyện đó trong tình huống này là không đúng đắn.
Những người tiêu dùng thông minh sẽ hiểu và mặc dù chúng ta quảng cáo đúng cũng như không động chạm tới đối thủ, người ta vẫn có thể nhìn nhận đó là cạnh tranh không lành mạnh và tẩy chay chúng ta…”
Thật ra việc nhắm trực tiếp hay ngụ ý vào đối thủ là cách mà một số công ty trong nước của chúng ta rất hay áp dụng”.
Châu Anh
Bài 5. Ăn nhiều mì ăn liền không đủ chất, mất cân bằng về giá trị dinh dưỡng
Trong đời sống bận rộn hiện nay, mì ăn liền đang trở thành loại thực phẩm được sử dụng rất phổ biến. Ưu điểm của mì ăn liền là rẻ tiền, tiện dụng và giúp tiết kiệm thời gian nên được nhiều người chọn dùng, nhất là những người thường xuyên bận rộn với công việc, những người sống độc thân ngại thổi nấu và nhóm học sinh, sinh viên…
Mì ăn liền (còn được gọi là mì tôm, mì gói) là món mì khô chiên trước với dầu, thường được dội nước sôi vào, đợi 3 – 5 phút là ăn ngay không phải đun nấu. Tuy nhiên, suất mì ăn liền không thể thay được bữa ăn hằng ngày vì không đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, giá trị dinh dưỡng không cân bằng. Mì ăn liền chứa rất nhiều chất béo bão hoà (shorteming) và chất bột, nhưng thiếu pô-tê-in động vật, thiếu chất xơ và thiếu vitamin.
Có quá nhiều chất béo bão hoà trong mì ăn liền. Qua khảo sát một số nhãn sản phẩm mì ăn liền phổ biến nhất trên thị trường nước ta thấy trung bình mỗi gói mì cung cấp 30% năng lượng chất béo. Đây là chỉ số quá cao, vì theo tiêu chuẩn mỗi người chỉ cần 15 – 20%, tối đa là 25% hàm lượng chất béo trong khẩu phần năng lượng bữa ăn. Trong khi đó hàm lượng pô-tê-in trong mỗi gói mì chỉ đạt dưới 10% khẩu phần năng lượng và đều là đạm thực vật, thiếu đạm động vật, thiếu chất xơ và những vitamin từ rau quả, mất cân bằng về giá trị dinh dưỡng. Với khẩu phần dinh dưỡng trong các gói mì ăn liền hiện nay đang bị mất cân bằng như vậy, nếu ăn nhiều mì thay thế bữa ăn hằng ngày mà không bổ sung thêm thịt, rau bên ngoài sẽ dẫn đến thiếu máu, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin, nhưng lại tăng nguy cơ béo phì, cao huyết áp, tiểu đường… Đối với những người mắc bệnh tim mạch, ăn thường xuyên mì ăn liền càng có hại hơn. Một người bình thường cũng không nên ăn quá một gói mì ăn liền mỗi ngày.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, ta không nên dùng mì ăn liền thay cho bữa ăn chính hằng ngày vì sản phẩm này không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Để bảo đảm sức khoẻ, khi sử dụng mì ăn liền chúng ta nên bổ sung thêm rau xanh và các loại đạm động vật như thịt, trứng… để bù đắp lượng vitamin và pô-tê-in thiếu trong mì ăn liền.
Cảnh giác với mì ăn liền có chứa Trans fat
Gần đây, Trung tâm dịch vụ Phân tích Thí nghiệm thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã phát hiện Trans fat có trong nhiều sản phẩm mì ăn liền rất đáng ngại: 38% mẫu mì gói chứa Trans fat. Điều này làm cho nhiều người tiêu thụ giật mình, nhất là những người dùng mì ăn liền hằng ngày.
Chất béo Trans fat được sinh ra trong quá trình chế biến thực phẩm ở nhiệt độ cao sử dụng phương pháp hyđro hoá. Trong quá trình sản xuất, mì ăn liền được chiên với dầu shorteming ở nhiệt độ cao nên dầu dễ bị ô-xy hoá, nếu dùng để chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ có khả năng tạo ra các chất béo dạng Trans fat nhiều hơn. Trans fat là loại chất béo vô cùng nguy hiểm. Nó làm tăng cô-lét-tơ-rôn xấu đồng thời làm giảm cô-lét-tơ-rôn tốt trong máu dẫn đến các bệnh tim mạch.
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trans fat gây tăng mức cô-lét-tơ-rôn xấu trong máu dẫn đến nguy cơ tăng các bệnh tim mạch: Ngoài ra khi xâm nhập cơ thể, chất béo này tạo ra những mảng mỡ bám vào thành mạch máu gây hẹp lòng động mạch làm giảm sự lưu thông của máu, dần dần bịt kín mạch máu khiến máu không lưu thông được, gây tắc nghẽn và dẫn đến nguy cơ đột qụy. Trans fat nguy hiểm như vậy, ở nhiều nước phát triển đã có luật cấm dùng chất béo Trans fat trong thực phẩm và bắt buộc các nhà sản xuất phải ghi đầy đủ hàm lượng Trans fat có trong thực phẩm ngay trên nhãn mác. Cũng vì vậy, trên nhãn sản phẩm mì ăn liền ở những nước này đều có ghi rất đầy đủ thành phần dinh dưỡng và axit béo bão hoà, axit béo dạng Trans fat. Còn tại nước ra hiện vẫn chưa có bất cứ quy định nào của cơ quan quản lí thực phẩm về Trans fat. Tuy nhiên hiện nay đã có nhà sản xuất mì ăn liền tiên phong trong việc ghi rõ thông tin không có Trans fat trên bao bì sản phẩm.
Trong khi chờ đợi những quy định về hạn chế Trans fat được ban hành và thực thi ở nước ta, người tiêu dùng cần tự bảo vệ bằng cách chọn lựa sản phẩm của những nhà sản xuất có uy tín, đọc kĩ thông tin in trên bao bì, không mua những sản phẩm không có lợi cho sức khoẻ, những sản phẩm nghi ngờ có Trans fat.
Bác sĩ Kim Minh
Bài 6. Sự thực về mì tôm!
Tại Hội thảo về An toàn thực phẩm được tổ chức cuối tháng 12 vừa qua, một thông tin được công bố đã làm “sốc” rất nhiều người, đặc biệt là những người “nghiện” mì tôm: Kết quả kiểm nghiệm mì tôm cho thấy, 100% mẫu chứa axit oxalic, một hóa chất gây sỏi thận rất nguy hiểm.
100% mì tôm chứa chất gây sỏi thận
Đây là thông tin được GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Hội Y tế công cộng công bố tại Hội thảo.
Theo GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn, từ hạ tuần tháng 6 đến trung tuần tháng 12 vừa qua, Công ty CP Dịch vụ Khoa học công nghệ sắc ký Hải Đăng, TP Hồ Chí Minh đã tiến hành phân tích 873 mẫu bún, bánh phở, mì tôm, hủ tiếu, há cảo, bánh bông lan… thì phát hiện 363 mẫu, tương ứng với khoảng 42% có chứa axit oxalic rất cao. Đặc biệt với mì tôm, kiểm nghiệm 62 mẫu thì cả 62 mẫu đều có chứa axit oxalic, trong đó không những mỳ sản xuất trong nước mà cả mì nhập khẩu đều chứa độc chất này với nồng độ dao động 30,8-449mg/kg.
Ông Sơn cho rằng, việc có hóa chất axit oxalic trong mì tôm hoặc các loại mì, bún… khác không phải để “nhuộm vàng” các sợi mì mà chính là để tẩy trắng bột nguyên liệu. Vì qua phân tích 353 mẫu bột, có 120 mẫu đã sẵn axit oxalic. Bởi vậy, một số nhà sản xuất mì tôm khẳng định không cho hóa chất nói trên vào mì nhưng khi xét nghiệm lại có trong sản phẩm của họ là như vậy.
Axit oxalic, theo hệ thống phân loại quốc tế là một chất chuyên dùng để tẩy rửa trong công nghiệp. Cho nên dù với bất cứ lý do gì thì hóa chất đó không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm do khi vào cơ thể, nó có xu hướng kết tủa nếu gặp chất dinh dưỡng có chứa canxi. Và sự kết tủa này sẽ gây sỏi thận và “đóng” ở các khớp xương thành “gai”, gây nên đau đớn cho những người mắc bệnh này.
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm nói gì?
Trước những thông tin mì tôm cùng một số loại mì khác chứa axit oxalic trên đây, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế phản hồi như thế nào? Bởi vì đây là lĩnh vực thuộc Cục quản lý và hơn nữa với mức tiêu thụ 5,1 tỉ gói mì tiêu thụ trong năm 2012, Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ mì gói thứ 4 thế giới sau Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản?
Thay vì một câu trả lời như mong đợi rằng, bên cạnh sự chia sẻ sẽ làm rõ những loại mì tôm nào chứa axit oxalic cũng như thực hiện những kiểm nghiệm trên diện rộng tất cả các mặt hàng này để trên cơ sở đó giúp người tiêu dùng tẩy chay thực phẩm độc hại, kém chất lượng thì Cục An toàn vệ sinh thực phẩm chỉ đưa ra một nội dung rất đơn giản, thờ ơ rằng: Đó là lấy mẫu một số sản phẩm chứ không phải tất cả. Nên người dân không nên hoang mang!?
Với cách trả lời ấy, rõ ràng ai cũng hiểu đó chỉ là trấn an dư luận nhưng đồng thời mặt khác người ta lờ mờ nhận ra “tuyệt chiêu” né tránh trách nhiệm một cách gián tiếp, “xuê xoa” về khả năng quản lý yếu kém của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Vì càng nói ra, càng đào sâu có thể Cục An toàn vệ sinh thực phẩm dễ rơi vào cảnh “nói dài, nói dai, nói dại” theo cách hiểu “bất lợi” cho cơ quan quản lý. Thế mới hiểu vì sao sau bao nhiêu năm, dù là vấn đề “nóng”, bức xúc nhưng đến nay vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn “dậm chân tại chỗ”, thậm chí ngày một tồi tệ hơn theo thời gian!
Thực ra, kết quả kiểm nghiệm lần này không phải là lần đầu tiên cảnh báo người tiêu dùng trong nước về mì tôm mà trước đó, cách đây khoảng hơn 1 tháng, Hiệp hội Người tiêu dùng Penang, Malaysia, cũng đưa ra khuyến cáo chung cho các quốc gia “mì ăn liền” sau khi kiểm tra trên 10 mẫu mì ăn liền, phát hiện 3 mẫu trong đó chứa hơn 1.000mg natri, 7 mẫu còn lại chứa 830mg natri, một lượng muối quá nhiều so với quy định cho phép ở một món ăn vào cơ thể. Như vậy, sẽ dẫn đến các bệnh: huyết áp cao, mỡ máu, suy thận, đột quỵ, tim…
Hiệp hội Người tiêu dùng Penang còn nói rõ: “Nếu ăn mì ăn liền thường xuyên, lượng natri trong cơ thể sẽ tăng cao và chắc chắn nhiều hơn mức cho phép mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định là: 2.400mg natri/ngày cho người trưởng thành vì cùng với mì sẽ còn nhiều món ăn khác trong ngày có natri”. Cũng vì nguyên nhân này mà Hiệp hội Người tiêu dùng Penang kêu gọi người dân Malaysia “tẩy chay” mì ăn liền, thực phẩm được coi là “đồ ăn nhanh” của châu Á và gần như không thể thiếu trong mỗi ngày của nhiều người dân.
Cùng với Hiệp hội Người tiêu dùng ở Malaysia, nhiều chuyên gia dinh dưỡng ở các quốc gia khác, nhất là những quốc gia có lượng tiêu thụ mì ăn liền hàng đầu như Trung Quốc, Nhật Bản… cũng cho rằng, không nên ăn mì ăn liền trừ trường hợp “bất khả kháng” bởi thực tế đây là thực phẩm không giàu chất dinh dưỡng mà chỉ là bột mì chiên dầu cùng với một số gia vị tạo hương vị, bột ngọt… Chưa nói đến còn có chất propylene glycol, chính là chất sáp bao lấy sợi mì để chống “đông” (không đóng bánh) mỗi khi cho mì vào nước sôi vào. Chất này dễ tích tụ trong gan, thận, tim gây những bất thường và tổn thương. Để kiểm chứng chất propylene glycol có trong mì, chỉ cần để nguội lạnh bát mì đã nấu là thấy nó nổi lên trên như váng mỡ trên bề mặt nước.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới không chỉ đối với mì ăn liền mà nói chung cho thực phẩm thì: Nếu thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, ăn những thức ăn ít có nguy cơ gây bệnh, người tiêu dùng sẽ ngăn ngừa ít nhất được 30% tất cả các bệnh ung thư, còn những bệnh khác không kể. Cho nên đối với mì ăn liền nếu không có chất dinh dưỡng, nguy cơ gây bệnh lại cao thì tốt nhất… không nên ăn.
Theo Anh Tuấn
Petrotimes
Filed under: Độc hại – đồ ăn sẵn Tagged: mỳ tôm