Khoảng 300 người dân vô gia cư tại thành phố New York đổ xô đến nhà hàng Loeb Boathouse ở Công viên Trung tâm vào hôm thứ Tư vừa qua đều không phải là thực khách quen thuộc của nơi này, khi mà một bữa ăn ba phần (khai vị, món chính, tráng miệng) có giá khoảng 175 đôla Mỹ mỗi người. Và khi những lát philê mọng nước của món thịt bò sốt cải ngựa, khoai tây nghiền và rượu vang đỏ được mang ra, thì hai người phụ nữ biến dạng người Trung Quốc cũng được gọi lên sân khấu, để bôi nhọ một môn tập luyện tinh thần cổ xưa của Trung Quốc.
“Tôi tin rằng tiền bạc và các tuyên truyền chính trị đã bị lạm dụng” – Lorenz, một người tham dự sự kiện.
Sự khó hiểu bắt đầu bao trùm ngay lúc này: Tại sao, ngay lúc đầu, doanh nhân người Trung Quốc Trần Quang Tiêu lại cho đăng một quảng cáo nguyên trang trên tờ New York Times, để mời “1000 người dân vô gia cư” đến nhà hàng Boathouse vào thứ Tư, với lời hứa tặng cho mỗi người 300 đôla tiền mặt? Tại sao ông lại cho vài chục cư dân Trung Quốc địa phương mặc đồ bán quân đội diễu hành vào bên trong nhà hàng, rồi đứng xung quanh khi ông chơi một bài hát tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản vào những năm 50? Và nhất là tại sao ông ta lại biến một sự kiện kiểu lễ hội vui vẻ như thế này thành một cơ hội để lan rộng những lời tuyên truyền về Pháp Luân Công?
Và đây cũng không phải là màn biểu diễn đầu tiên của Trần Quang Tiêu. Vào tháng Giêng, ông ta cũng đã tổ chức một trò giật gân tương tự ở New York, khi ông ta tuyên bố sẽ chi trả cho chi phí điều trị y tế của Chen Gui- một trong những người phụ nữ được cho là đã tự thiêu vào năm 2001.
Vào dịp đó, lý do chính thức được nêu ra khi ông ta đến New York là để mua lại tờ báo New York Times. Ngay khi đến nơi, ông ta đã cho tổ chức sự kiện chống Pháp Luân Công. Lần này, chủ đề Pháp Luân Công hoàn toàn không được nhắc tới, cho đến lúc cuối cùng của bữa tiệc. Rất dễ hiểu khi các phóng viên địa phương ở thành phố New York, vốn có mục đích ban đầu là đưa tin về một “nhà tài phiệt Trung Quốc kỳ quặc” muốn chi trả cho các bữa ăn trưa đắt tiền và đưa tiền mặt cho những người vô gia cư, đã hoàn toàn bị bất ngờ.
Đầu tiên, ông ta hát các bài hát, khá tệ. Sau đó ông ta cho một số “người tình nguyện” vào phía sau nhà hàng và hát nhép. Rồi ông lôi ra Chen Guo – người phụ nữ Trung Quốc biến dạng mà ông đã chi trả cho phí điều trị tại Bệnh viện New York Presbyterina.
Khi một bài hát tuyên truyền vào những năm 50 được chơi phía sau, cô đã không ngần ngại vẫy đôi bàn tay bị cụt trước sau theo phong cách của một nhạc trưởng. Sau đó Trần Quang Tiêu cho cô tham dự một trò “ảo thuật”, trong đó ông mang ra một bông hoa hồng bằng nhựa với những cánh hoa màu đỏ tự động mở và đóng, rõ ràng là theo mệnh lệnh. Có thể nhìn thấy những ai không tham gia ăn thịt bò philê đang lắc đầu cảm thán trước khung cảnh này.
Khi màn biểu diễn kết thúc, cô Chen Guo đứng lên đọc đoạn hội thoại của cô ta trước micro, trong đó công kích Pháp Luân Công và cảm ơn ông Trần vì sự hào phóng của ông và bệnh viện đã chăm sóc cô ta. Rất khó để có thể độc lập xác nhận các chi tiết về những người phụ nữ này, về tiểu sử của họ, và về quá trình điều trị y tế như được kể trên. Trong sự kiện hôm thứ Tư vừa qua, hai người phụ nữ này không tiếp các lời mời phỏng vấn của một phóng viên ở đó. David Isacksen, một vệ sỹ của Công ty Bảo vệ MSA Security, mà công ty thuê (họ không nói là bởi ai) để giữ trật tự cho sự kiện, đã cảnh báo một phóng viên không được nói chuyện với họ. Bệnh viện New York Presbyterian đã không thể trực tiếp phản hồi các bình luận.
Phụ tá của Trần Quang Tiêu, người đã giúp tổ chức sự kiện tại nhà hàng Boathouse, nhưng lại không cung cấp tên của cô cho một phóng viên, nói rằng cô không biết trước là ông Trần đã lên kế hoạch mang ra các nạn nhân bị bỏng.
Cái viễn cảnh của việc hai người phụ nữ Trung Quốc biến dạng cảm ơn ông Trần vì lòng tốt của ông, trong khi bôi nhọ Pháp Luân Công bằng cùng một loại giọng điệu như của chính quyền Trung Quốc, là phần kỳ quặc nhất trong ngày, là phần ít được ngờ tới nhất đối với rất nhiều khách tham dự, và là phần cần dàn dựng công phu nhất.
Cuộc đàn áp
Pháp Luân Công là một môn tu tập tinh thần của Trung Quốc đã bị đàn áp ở Trung Quốc Đại Lục trong 15 năm qua. Trong những năm 90, nó đã được tập luyện một cách rộng rãi và thậm chí được khuyến khích bởi chính quyền cộng sản, vốn đã từng nhìn nhận nó là một cách để tiết kiệm chi phi y tế. Ủy ban Thể thao Trung Quốc nói rằng có 70 triệu người dân tập luyện Pháp Luân Công vào năm 1998. Vào tháng 7 năm 1999, ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch đàn áp và tuyên truyền bạo lực sâu rộng, và Pháp Luân Công đã trở thành ‘Kẻ thù số một của công chúng’. Giống như các phong trào chính trị khác ở Trung Quốc trong quá khứ, những học viên Pháp Luân Công đã bị cô lập trong cái gọi là “đấu tranh chính trị” giống với chủ đất, nhà tư bản, hoặc “phe cánh hữu” trong quá khứ.
Nhưng cuộc vận động chống lại Pháp Luân Công, với các nguyên lý bám rễ trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, đã không thuận lợi lúc đầu. Theo các báo cáo lúc đó, công chúng nhìn chung không ủng hộ chiến dịch này. Cho tới ngày 23 tháng 1 năm 2001, truyền thông Trung Quốc khi đó có đầy rẫy các báo cáo về năm học viên Pháp Luân Công tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn, trung tâm của Bắc Kinh, không phải như một hành động biểu tình chống đàn áp, mà bởi vì một hành động như vậy sẽ giúp họ “lên thiên đường”.
Pháp Luân Công nghiêm cấm sát sinh, và các lỗ hổng trong câu chuyện chính thức là khá nổi bật. Khi một phóng viên của tờ Washington Post đến thăm ngôi làng của một người phụ nữ trong nhóm tự thiêu, ông phát hiện ra rằng cô ta làm việc ở quán bar, hay cặp kè cùng đàn ông, và chưa ai từng nhìn thấy cô ta tập Pháp Luân Công.
Nhưng điều đó không mấy quan trọng ở Trung Quốc, nơi mà chính quyền kiểm soát truyền thông rất chặt chẽ, và công chúng được bảo rằng một cuộc đấu tranh mới chống lại Pháp Luân Công là cần thiết. Các ghi nhận về trường hợp các học viên Pháp Luân Công bị tra tấn và tử vong khi bị bắt giữ tăng lên hàng ngày- theo tờ Washington Post.
Các cuộc thanh trừng
Hơn một thập kỷ đã qua, các cá nhân liên quan đến vụ tự thiêu đã biến mất khỏi các báo cáo truyền thông, cho tới khi Trần Quang Tiêu mang hai người lộ diện trước công chúng (nếu họ thật sự là những người năm đó, một yếu tố khó có thể xác nhận được) tại sự kiện tháng Giêng vừa qua.
Thời gian xảy ra vụ này là khá khác thường, với bối cảnh chính trị như hiện nay ở Trung Quốc. Các chiến dịch chống lại Pháp Luân Công là gắn liền với cựu chủ tịch đảng Giang Trạch Dân, người đã phát động cuộc đàn áp và biến nó thành một chiến dịch con cưng của ông ta. Giang rời khỏi tất cả các vị trí lãnh đạo chính thức vào năm 2004, và rất nhiều đồng minh của ông ta đã bị thanh trừng kể từ đó.
Những người này bao gồm Lý Đông Sinh, trước đây là lãnh đạo của cơ quan phụ trách việc đàn áp Pháp Luân Công. Vào lúc khởi đầu sự nghiệp của ông ta, Lý phụ trách chương trình “Tiêu Điểm” trên Đài Truyền hình Trung Ương, công cụ truyền thông chính thức, mà ông ta sử dụng để phát sóng các tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công, trong đó bao gồm vụ tự thiêu nói trên.
‘Những con rối’
Hầu hết các câu chuyện đằng sau, về môn tu tập tinh thần của Trung Quốc, cuộc đàn áp chính trị, các âm mưu và các câu chuyện bịa đặt, dường như khá xa lạ đối với những người tham dự. Rất nhiều các báo cáo truyền thông sau đó chỉ đơn giản bỏ qua không đề cập đến Pháp Luân Công.
“Tôi không thấy một kết nối rõ ràng ở đây”- Ron Lorenz, 32 tuổi, khách hàng của tổ chức New York City Rescue Mission, người đã dự bữa ăn trưa với dự định nhận 300 đôla tiền mặt, nói.
“Tôi cảm thấy như chúng ta đã bị lợi dụng như những con rối”- người bạn của anh, Andrew Vega, 34 tuổi, cũng là một khách hàng của Tổ chức Rescue Mission, lẩm bẩm. Những người khác đã đứng lên hò hét trong giận dữ với ông Trần khi khá rõ ràng rằng, vào lúc cuối bữa ăn, sẽ không có một đồng tiền mặt nào được phân phát.
Ông Trần muốn làm dịu lòng những người tham dự, nên đã hứa sẽ tự tới tổ chức Mission ở khu phố Tàu để phân phát tiền mặt. Điều này có vẻ như đã chọc tức Michelle Tolson, Giám đốc Quan hệ công chúng của tổ chức Mission, khi ông đã cảnh báo trước đó rằng nó có thể tạo nên cảnh tượng hỗn loạn trên đường phố một khi lời tuyên bố này lọt ra ngoài, và cũng bởi ông Trần đã đặc biệt hứa trước đó sẽ không liều lĩnh như vậy. Cuối cùng, ông Trần đã không đến tổ chức Mission, và không một đồng tiền nào được phân phát- theo Lorenz. (Ở Trung Quốc, ông Trần đã có tiếng hay nuốt lời khi hứa hẹn chi trả cho những khoản tiền từ thiện của mình).
Ông Trần nói rằng, thay vào đó ông sẽ tài trợ 90.000 đôla Mỹ cho hoạt động của tổ chức Mission. Chỗ này sẽ được thêm vào khoản 175.000 đôla Mỹ chi phí duy trì quảng cáo trên tờ New York Times, cộng với khoảng 40.000 đôla tiền đặt chỗ nhà hàng, theo tính toán thô của Robin Newlan, một thành viên của Công đoàn Địa Phương số 6 (Local 6 Union), người đã từng làm việc trong một số nhà hàng cao cấp ở New York trong một vài năm. An ninh, phương tiện, và chỗ ở có thể làm gia tăng chi phí thêm hàng chục nghìn đôla nữa.
Lorenz nói rằng, mặc dù được phục vụ bữa trưa đắt tiền, rất nhiều người vô gia cư đáng lý ra phải là người thụ hưởng sự hào phóng của ông Trần rốt cục lại phải ngậm đắng. “Sự phẫn nộ đang tràn lan nơi đây”- ông nói, khi đang đứng bên ngoài trụ sở của tổ chức Mission. “Vẫn có nhiều người ở đây kêu gào, hò hét, chờ đợi ở trước cửa”.
Ông nói rằng, câu chuyện về những nạn nhân bị bỏng đột nhiên trở nên rất đáng ngờ. “Tôi tin rằng họ không chỉ được sử dụng như một công cụ tuyên truyền, nhưng cũng được trả tiền để nói những điều mà họ đã nói”- ông nói. “Tôi tin rằng tiền bạc và các tuyên truyền chính trị đã bị lạm dụng”.
Theo vietdaikynguyen