Thành ngữ Trung Hoa 守株待兔 (Thủ Chu Đãi Thỏ) có nghĩa là “ôm cây đợi thỏ”.
Thành ngữ được dùng để ám chỉ những kẻ ngốc nghếch không chịu làm việc mà “há miệng chờ sung”, hay ung dung đứng đó mà làm lợi trên lưng người khác.
Câu thành ngữ có nguồn gốc từ câu chuyện trong cuốn sách Hàn Phi Tử (1) (“韓非子”) được Hàn Phi (281-233 TCN) viết. Ông là nhà triết học Pháp gia (2) sớm nhất tại Trung Quốc.
Thời Xuân thu chiến quốc (770-476 TCN) tại nước Tống có một người nông dân, giữa cánh đồng của anh ta có một cái cây. Mỗi khi làm đồng mệt anh thường dựa lưng nghỉ dưới gốc cây.
Một ngày nọ, khi đang làm đồng bỗng anh ta thấy một chú thỏ đang hoảng loạn chạy vụt qua và đâm đầu vào cây, rồi gãy cổ mà chết.
Người nông dân liền chạy tới nhặt chú thỏ lên, hí hửng buổi tối sẽ có món thỏ hầm ngon lành.
Kể từ đó anh ta bỏ cày, bỏ bê công việc đồng áng, rồi ngồi nuôi hy vọng một chú thỏ khác sẽ đâm đầu vào gốc cây mà chết.
Tuy nhiên, đợi mãi mà không thấy con thỏ nào xuất hiện, thế là anh nông dân trở thành đối tượng bị chê cười. Cuối cùng anh ta chẳng được gì, chỉ còn lại ruộng đồng bỏ hoang và trơ trụi.
Câu thành ngữ Trung Hoa “ôm cây đợi thỏ” rất giống với thành ngữ “há miệng chờ sung” của người Việt Nam. Ngụ ý nói đến người chỉ muốn dựa vào may mắn hay ước nguyện để đạt được mục tiêu mà không cần phải tốn chút công sức nào.
Ghi chú:
1. Cuốn sách có 55 chương mô tả chi tiết về triết lý chính trị của Hàn Phi, một trong những pháp gia sớm nhất của Trung Quốc.
Cuốn sách làm phong phú thêm kho tàng truyện ngắn về Trung Quốc thời kỳ này.
2. Pháp gia: một trong bốn trường phái triết lý thời Xuân Thu chiến quốc. Nó mang nhiều tính cách triết lý chính trị thực tiễn hơn là triết học về luật.
Theo Vietdaikynguyen.com