Một minh họa cho một cơn bão cát sa mạc Sahara, giống như một trong đó một đội quân Ba Tư của 50.000 được cho là đã biến mất. Phù điêu cổ của Persepolis, Iran. (Thinkstock)
Nơi yên nghỉ cuối cùng của đội quân 50.000 lính Ba Tư cường tráng bị một trận bão cát bất thình lình nuốt chửng họ ở sa mạc Sahara vào năm 524 TCN, là một trong những bí ẩn lớn nhất lịch sử cổ đại. Trong những năm qua, có nhiều người tuyên bố đã tìm thấy đội quân bị mất tích, nhưng hầu hết những lời tuyên bố này đều bị chứng minh là lừa bịp. Hiện tại, một nhà khảo cổ học người Hà Lan tin rằng ông đã giải mã được bí ẩn về điều đã xảy ra với đội quân xấu số 2500 năm trước.
Theo sử gia người Hy Lạp Herodotus thì Cambyses II- con trai cả của Cyrus Đại Đế, vua nước Ba Tư, đã cho quân đến phá hủy Đền thờ Amun ở ốc đảo Siwa sau khi các tu sĩ ở đây từ chối hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền của ông đối với Ai Cập. Đội quân 50.000 người đã tiến vào sa mạc phía Tây gần Luxor của Ai Cập nhưng khi đi đến nửa đường, một trận bão cát khổng lồ nổi lên và được cho là đã chôn sống tất cả bọn họ.
“Một cơn gió nổi lên từ phía Nam, mạnh mẽ và chết người, mang theo những cột lốc cát khổng lồ, bao phủ toàn bộ đội quân và làm họ biến mất hoàn toàn”- Herodotus viết.
Một bản điêu khắc Ba tư cổ đại . (Thinkstock)
Mặc dù nhiều nhà nghiên cứu Ai Cập cổ đại xem đây là chuyện thần thoại nhưng nhiều chuyến thám hiểm đã được tổ chức để tìm kiếm tàn tích của những người lính bị mất tích. Hầu hết đều ra về tay trắng, trong khi những người tuyên bố tìm được tàn tích đã bị chứng minh là giả mạo.
Vào năm 2009, hai nhà khảo cổ người Ý tuyên bố rằng họ đã định vị được những tàn tích người, công cụ và vũ khí gần ốc đảo Siwa ở Ai Cập có niên đại cùng thời điểm đội quân biến mất. Tuy nhiên, việc này rất đáng nghi vấn và đã bị nhiều học giả bác bỏ dựa trên cơ sở rằng họ chọn công bố chúng trong một bộ phim tài liệu thay vì một tạp chí khoa học. Hơn nữa, hai nhà nghiên cứu này đã từng sản xuất 5 bộ phim tài liệu gây sốc về người Châu Phi, vốn gây tranh cãi vào những năm 1970.
Giáo sư Olaf Kaper, một nhà khảo cổ học tại Đại học Leiden ở Hà Lan, tin rằng ông biết những gì thực sự đã xảy ra với đội quân bị mất tích. “Một số người trông đợi sẽ tìm thấy toàn bộ đội quân được trang bị đầy đủ. Tuy nhiên, thực nghiệm từ lâu đã chỉ ra rằng bạn không thể chết trong một trận bão cát”- Kaper cho biết, theo báo Sci-News tường thuật. Giáo sư Kaper tranh luận rằng đội quân bị mất tích của Cambyses II không hề biến mất mà đã bị đánh bại. Theo Kaper, đích đến cuối cùng của đội quân này là ốc đảo Dakhla – nơi đóng quân của lãnh đạo quân phiến loạn Ai Cập Petubastis III.
“Ông ta đã mai phục đội quân của Cambyses II, và bằng cách này từ căn cứ của mình ở ốc đảo đã tái chinh phục một phần lớn Ai Cập, sau đó ông ta được phong làm Pharaoh ở thủ đô Memphis”.
Kaper giữ vững quan điểm rằng số phận của đội quân không được nói rõ trong một thời gian dài là do vua Ba Tư Darius I, người chấm dứt cuộc bạo loạn của người Ai Cập hai năm sau thất bại của Cambyses II, đã quy thất bại xấu hổ của tổ tiên mình cho một trận bão cát để giữ thể diện, và nó trở thành lời giải thích được chấp nhận cho những gì đã xảy ra.
Tàn tích khai quật ở ốc đảo Dakhla đã tiết lộ danh tính của lãnh đạo quân nổi loạn Ai Cập Petubastis III, được khắc trên các cột đá của một đền thờ cổ, điều gợi ý rằng nơi đó từng là một thành trì vào giai đoạn khởi đầu của người Ba Tư. Hy vọng rằng những nghiên cứu tiếp theo sẽ được tiến hành theo sau hướng đi hứa hẹn này, để có thể giải đáp một trong các bí ẩn lớn nhất chưa có lời giải của ngành khảo cổ học.
Theo Vietdaikynguyen.com