Cũng có thể tôi là đứa con nuôi nên mới bị đối xử tệ bạc thế nhưng tôi vẫn ước giá như tôi là con một.
Mẹ đẻ em khi tôi vào lớp một. Tôi có một em trai từ đó.
Chắc chắn nếu các mẹ muốn sinh hai, ba con thì sẽ thật sự không hiểu hết nỗi lo của một đứa con đầu lòng như tôi. Mà nếu mẹ có muốn sinh một đứa con cũng chưa chắc đã hiểu hết. Và tôi càng khẳng định rằng nếu là con một thì sẽ không thể hiểu được rất nhiều điều. Nếu có điều ước, tôi chỉ mong mẹ chỉ có một mình tôi thôi!
Nếu nói là sinh thêm một đứa con để cho vui cửa vui nhà, có đồng minh, có người chơi cùng thì thực sự tôi không bao giờ chơi với em tôi. Việc học ở trường, bài tập bề nhà, công việc nhà mẹ dồn lên vai tôi làm tôi còn không có thời gian nghỉ ngơi chứ đừng nói là chơi đùa với em.
Nếu nói là sinh thêm một đứa để sau này có chị em lo cho nhau, sự thực là tôi toàn lo cho em: từ khi em chào đời đã phải phụ mẹ lo cho em, phải làm một người tốt, gương mẫu để cho em noi theo, có món gì ngon cũng nhường nhịn em. Việc của tôi không ai quan tâm đến nhưng phải quan tâm, chăm sóc em thì mới là con ngoan. Đến khi trưởng thành, việc chăm lo bố mẹ thì tôi phải chịu, còn em thì thì thừa hưởng tất cả gia sản, thảnh thơi đi tìm hạnh phúc riêng. Thậm chí ba mẹ tôi còn quay ngoắt 180 độ. Lúc sinh em thì bảo tôi “phải thương yêu, chăm sóc em”, đến khi em lớn thì bảo rằng: “anh em cũng không giúp được gì nhau đâu con ạ. Thôi con hãy tìm đường ra khỏi nhà đi.” Tôi phải tay trắng ra đi, đó thực sự không phải nhà của tôi.
Tôi đã buồn vô cùng từ ngày mẹ sinh thêm em. (ảnh minh họa)
Nếu mẹ không sinh thêm em, chưa chắc tôi đã hiểu ra được nhiều điều như thế này. Sau những chuỗi ngày ở cùng bố mẹ và em cũng như khi đã bị đuổi ra đường, tôi đã rút ra kết luận những điều mà đứa con một không bao giờ biết được:
- Tôi chăm chỉ, chăm sóc em như vậy vì tôi sợ rằng, với gành nặng mà cha mẹ phải chịu, nếu họ có chuyện gì kiệt sức hay mệt mỏi… thì một đứa con chưa đến 18 tuổi, tay trắng, ăn chưa no, lo chưa tới như tôi thì làm sao có thể gánh vác được thêm một đứa em nữa.
- Chuyện làm việc nhà mẹ đổ hết lên đầu tôi vì mẹ còn phải lo kiếm tiền. Nói như mẹ thì ba lo cho chị lớn còn mẹ lo cho em nhỏ. Nhưng có ai biết ba thì không bao giờ nấu cơm, ba không bao giờ giặt đồ, rửa chén, quét nhà… Ba chỉ đi làm về và ngủ thôi, tới tháng thì đưa tiền ăn, tiền học cho con. Và tôi nhận ra rằng khi mẹ đi làm cũng thế thôi. Mẹ đi làm về là ngủ, việc nhà dồn hết lên vai tôi. Một đứa con một sẽ không bao giờ biết cái cảm giác khi phải rửa chén, quét nhà, giặt đồ, học bài… vừa khóc vì mẹ đang chăm sóc một đứa khác.
- Tôi cô độc, sợ hãi không thể chia sẻ cùng ai. Tôi sợ những bất trắc có thể xảy ra mà không thể nói cùng ai. Khi chia sẻ bất cứ điều gì không hay, mẹ luôn ngăn cản vì tôi phải làm gương cho em.
- Đứa em đó ngày ngày cứ theo tôi như hình với bòng nhưng không phải để vui đùa, giúp đỡ tôi mà là để được chăm sóc vì từ trước tới giờ tôi luôn chăm sóc em, tôi luôn phải nhường nhịn. Đó sẽ là gánh nặng suốt đời tôi phải mang theo. Tôi chưa có gia đình nhưng coi như tôi đã có cơ hội làm mẹ rồi. Một kinh nghiệm quá hãi hùng, cay đắng với tôi.
Nếu tôi lập gia đình, tất cả cũng chỉ là để sửa chữa những nỗi đau quá khứ trong tôi. Nếu tôi có con, tôi sẽ không để con phải như mình khi xưa.
Cũng có thể tôi là đứa con nuôi trong gia đình nên mới bị đối xử tệ bạc thế nhưng tôi vẫn ước giá như tôi là con một để không chịu thiệt thòi và nếu bố mẹ có sinh hai con thì cũng đừng để đứa con đầu bị bỏ rơi, bị đau khổ như tôi…
Độc giả thmai…@yahoo.com
2014-06-02 03:48:34
Nguồn: http://eva.vn/ba-bau/toi-uoc-me-chi-de-mot-minh-toi-c85a182067.html