Một số xe tăng bị đốt cháy ở Thiên An Môn cách đây 25 năm
Khi những con phố yên lặng trở lại và tiếng súng không còn vang lên sau vụ trạm chán bạo lực giữa người biểu tình và binh lính hồi tháng Sáu năm 1989, chính quyền Trung Quốc bắt đầu bắt giữ những người họ cho là tội phạm.
Nhiều người bị tạm giữ và sau đó được thả nhưng 1.600 người bị kết án tù.
Giờ người ta tin rằng chỉ còn duy nhất một người bị kết án khi đó còn ngồi tù.
Chúng tôi không có ảnh của ông mà chỉ có tên: Miêu Đức Thuận.
Ông Miêu là công nhân nhà máy ở Bắc Kinh và bị kết tội gây hỏa hoạn vì ném rổ vào xe tăng đang bốc cháy.
Vì vi phạm tưởng không có gì to tát này, ông bị kết án tử hình treo và vài năm sau được giảm xuống chung thân.
Theo lịch giam giữ hiện nay, ông Miêu sẽ không được tự do cho tới ngày 15/9/2018.
“Ông là người ít nói và cũng hay bị trầm cảm,” bạn tù Đổng Thịnh Khôn và người cũng bị kết án vì vụ Thiên An Môn nhớ lại.
Tất cả những người biết ông Miêu mà BBC từng phỏng vấn nói ông gầy trơ xương.
“Cả hai chúng tôi đều bị kết án tử hình treo và đáng ra phải bị cùm chân,” ông Đổng nói.
“Tôi bị cùm chân nhưng ông ấy không bị. Ông nói có thể những người lính gác nghĩ ông gầy quá không đeo cùm nổi. Ông khó có thể đi lại được nếu bị cùm chân.”
Sống hay chết?
Những người quản lý nhà tù ở Bắc Kinh từ chối trả lời các câu hỏi liên quan tới Miêu Đức Thuận và nói thêm họ không bao giờ phản hồi các câu hỏi từ nhà báo nước ngoài.
Tuy nhiên tổ chức Đối Thoại có trụ sở ở Hoa Kỳ và bảo vệ quyền pháp lý của tù nhân Trung Quốc nói khó có khả năng ông Miêu là tù nhân cuối cùng của vụ Thiên An Môn hồi năm 1989.
“Khi người ta kết án tù, những người dân thường bị kết án nặng nhất… Vương Đan, một trong những nhà tổ chức, chỉ chịu án bốn năm tù.”
Cựu tù nhân Trưởng Bảo Quân
Dĩ nhiên có thể ông Miêu đã chết trong tù cách đây vài năm mà người ta chưa biết. Ban quản lý nhà tù chỉ xác nhận tình trạng của tù nhân với người thân của họ.
Nhưng nếu ông Miêu còn sống thì tại sao ông vẫn phải ở tù trong khi hầu hết những người khác đã được thả?
Hầu hết các cựu tù nhân đều đồng tình rằng ông Miêu đã không ký đơn thú lỗi vì tham gia biểu tình ở Thiên An Môn như nhiều tù nhân khác.
Ông cũng không chịu lao động trong tù mà ngồi trong xà lim đọc báo.
“Ông ấy là tù nhân cuối cùng vì ông ông bao giờ nhận mình sai, không chấp hành các quy định và không tham gia lao động cải tạo,” cựu tù nhân Tôn Lập Dũng nói.
Ông Tôn hiện sống ở Sydney, Australia và làm công nhân xây dựng. Ông cũng dành thời gian rỗi để giúp các nạn nhân và cựu tù nhân của vụ Thiên An Môn.
Ông nói ông không chắc là ông Miêu còn sống:
“Tôi giữ liên hệ với các bạn tù và lần nào tôi cũng hỏi xem họ có biết gì về ông Miêu không.
“Lần cuối người ta thấy ông đã cách đây 10 năm rồi.”
Ông Miêu bị chuyển tới nhà tù Diên Khánh ở nơi xa xôi hẻo lánh
Nhưng những cựu tù nhân khác lại cho rằng án tù dài của ông Miêu là do xuất thân không có gì nổi bật của ông.
“Khi người ta kết án tù, những người dân thường bị kết án nặng nhất,” cựu tù nhân Trưởng Bảo Quân nói
“Những người có quan hệ tốt và những người được các hội đoàn bảo vệ chịu án nhẹ hơn.
“Không ai bảo vệ những người như chúng tôi cả,” ông Trưởng nói. “Vương Đan, một trong những nhà tổ chức, chỉ chịu án bốn năm tù.
“Hồi đầu thập niên 1990 gia đình ông ấy [Miêu Đức Thuận] tới thăm nhưng ông không gặp gia đình,” ông Đổng Thịnh Khôn nói.
“Ông không muốn bố mẹ già phải lặn lội đường xa tới thăm ông.
“Kể từ đó không ai gặp ông nữa. Đôi khi tôi và ông Miêu bị nhốt trong cùng phòng, xà lim của tôi đối diện với xà lim của ông ấy.
“Người ta đối xử với ông như thể ông bị điên. Tôi nghe nói sau này ông bị chuyển đi Diên Khánh,” ông Đổng nói và cho biết ông không biết gì thêm về nhà tù đó ngoài chuyện nó ở rất xa.
‘Lương tâm trong sạch’
BBC đã lái xe nhiều giờ qua các dãy núi để tới cổng nhà tù Diên Khánh, nơi giam giữ các tù nhân già và bị bệnh thần kinh.
Địa điểm xa xôi này cho thấy Miêu Đức Thuận đã bị mang đi rất xa khỏi chính trị Thiên An Môn.
Các cựu tù nhân năm xưa cũng đã cố gắng để tìm lại cuộc sống thường ngày.
Biểu tình Thiên An Môn hồi năm 1989 cho thấy sự chia rẽ trong giới lãnh đạo TQ
Sau khi ra tù hồi năm 2003, ông Trưởng Bảo Quân đã làm nhiều việc khác nhau để giúp vợ và con nhỏ, vốn sinh ra sau khi ông hết hạn tù.
Ông coi thời gian ở tù là “vết nhơ” trong lý lịch và tự chất vấn hành động của chính ông hồi năm 1989.
“Tôi sẽ không tham gia vào chuyện gì tương tự như thế nữa. Thật là vô nghĩa.
“Chúng tôi chẳng thể thay đổi đất nước dù chúng tôi cố gắng tới đâu,” ông Trưởng giải thích.
Còn ông Đổng Thịnh Khôn không thể tìm được việc làm toàn phần nào kể từ khi ra tù tám năm về trước.
Ông cũng sống ly thân với vợ con và sống với mẹ già 76 tuổi.
Nhưng ông không hối tiếc về lựa chọn của mình.
“Lương tâm tôi hoàn toàn trong sạch,” ông nói.
“Nhiều người đã hy sinh rất nhiều. Họ không hy sinh cho xã hội theo chủ nghĩa vật chất ngày nay.
“Người Trung Quốc đã giàu lên nhưng chúng ta không thể bớt quan tâm tới xã hội vì chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.”
Khi được hỏi về ông Miêu Đức Thuận, ông Đổng nói:
“Tôi không ngạc nhiên nếu ông ấy vẫn bị giam. Đã 25 năm rồi nhưng chính quyền vẫn có thể làm bất cứ điều gì họ muốn.”
Theo BBC