Vụ nổ trường trung học ở Urumqi vào tháng Năm 2014
Hơn một chục người thiệt mạng và bị thương trong vụ bạo lực ở Tân Cương, Trung Quốc hôm thứ Hai.
Một nhóm người dùng dao xông vào tấn công đồn cảnh sát và các văn phòng chính phủ ở hạt Shache, theo Tân Hoa Xã.
Cảnh sát đã bắn chết nhiều kẻ tấn công, bài báo viết, “hơn chục người” người Uighur và dân thường người Hán bị thiệt mạng và bị thương.
Rất khó để xác nhận được chính xác tin này do chính sách kiểm soát thông tin ngặt nghèo đối với khu vực Tân Cương.
Các nhà hoạt động cho biết bạo lực bùng phát khi người Tân Cương biểu tình chống lại một vụ đàn áp.
Tân Hoa Xã nói hơn 30 xe cảnh sát đã bị hỏng hoặc phá hủy và sáu chiếc xe bị đốt trong vụ “tấn công khủng bố”.
Một cảnh sát địa phương được dẫn lời nói “một chục người Uighur và dân Hán bị giết hoặc bị thương”.
Theo cơ quan truyền thông của Trung Quốc, băng đảng này bắt đầu tấn công ở thị trấn Elixku trước khi di chuyển sang khu dân cư gần đó, tấn công người dân thường và xe cộ trên đường phố.
“Cảnh sát tại hiện trường đã bắn chết khoảng hơn một chục thành viên của băng du côn,” bài báo viết.
Một quan chức Trung Quốc nói với BBC rằng 13 người Hán đã bị giết trong vụ bạo lực bùng phát, là sự kiện mới nhất xảy ra ở khu vực vốn nhiều xung đột.
Trong khi đó nhóm hoạt động mang tên Hội người Mỹ Uighur đặt tại Hoa Kỳ dẫn nguồn giấu tên từ Tân Cương, nói người Uighur biểu tình “chống lại lực lượng an ninh Trung Quốc đàn áp mạnh tay lễ Ramadan… và việc sử dụng phi pháp lực lượng gây chết người trong những tuần qua ở khu vực”.
Hôm 18/07, theo hiệp hội, một gia đình người Uighur bị sát hại ở một thị trấn lân cận. Rất nhiều gia đình khác sau đó đã bỏ trốn sang Elixku, nơi diễn ra vụ biểu tình hôm thứ Hai.
Một nhóm khác, Hội đồng Uighur Thế giới đặt tại Đức, nói với hãng tin AFP rằng “người Uighur đứng lên để chống lại chính sách cai trị cực đoan của Trung Quốc”. Phát ngôn viên của hội, ông Dilxat Raxit, đưa ra con số thiệt mạng và bị thương lên tới 100, dẫn theo nguồn từ địa phương.
Toàn bộ những thông tin trên chưa được kiểm chứng độc lập và cũng không rõ vì sao truyền thông Trung Quốc lại mất nhiều thời gian đến vậy để đưa tin sự việc.
Lo ngại an ninh
Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của cảnh sát và quân đội ở Tân Cương
Hạt Shache còn được gọi là Yarkant, nằm ở vùng cực tây của Tân Cương, gần biên giới với Tajikistan.
Khu vực này được cho là trái tim của cộng đồng dân tộc thiểu số người Uighur hồi giáo.
Căng thẳng giữa người Uighur và người Hán nhập cư vốn đã sôi sục trong nhiều năm, với người Uighur phản đối sự cai trị của Trung Quốc ở Tân Cương.
Năm 2009, vụ bạo động trên diện rộng giữa người Hán và cộng đồng người Uighur ở thủ đô Urumqui của Tân Cương khiến khoảng 200 người – chủ yếu là người Hán – thiệt mạng.
Nhưng trong vài tháng gần đây thường xuyên xảy ra bạo lực liên quan tới Tân Cương mà chính quyền đổ lỗi lên phần tử ly khai người Uighur.
Hồi tháng Năm, ít nhất 31 người chết khi hai chiếc xe đâm vào khu chợ ở Urumqi và gây nổ.
Tháng Ba xảy ra vụ đâm chém nhiều người ở ga tàu Côn Minh làm 29 người thiệt mạng.
Đáp trả, chính quyền Trung Quốc thực thi chiến dịch kéo dài một năm trong đó bao gồm tăng cường sự hiện diện của cảnh sát và quân đội tại các thành phố và thị trấn chính ở Tân Cương.
Hơn mười người đã bị tạm giữ và bỏ tù do các cáo buộc hành vi phạm tội cực đoan, một số bị xử tập thể công khai.
Nhưng nhiều nhà hoạt động người Uighur và các nhóm về quyền nói việc Trung Quốc tăng cường đàn áp và áp bức lên văn hóa và tín ngưỡng của người Uighur chỉ đổ thêm dầu vào lửa.
Trong khi đó Trung Quốc nói đang tích cực đầu tư vào khu vực nhằm cải thiện đời sống của người dân và bạo lực ở Tân Cương là do “khủng bố” lấy cảm hứng từ các nhóm Hồi giáo ở nước ngoài.
Theo BBC