Rất nhiều người đã áp dụng phương pháp nhịn ăn để chữa bệnh; người khỏi bệnh cũng có mà người không khỏi cũng nhiều. Ở VN hiện chưa có công trình khoa học nào khẳng định dứt khoát rằng việc nhịn ăn thực sự có tác dụng chữa bệnh hay không. Trong giới bác sĩ cũng có nhiều ý kiến trái ngược về vấn đề này.
Giáo sư Từ Giấy, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, nói: “Do chưa có các nghiên cứu cụ thể nên chưa thể biết việc nhịn ăn giúp chữa những loại bệnh gì. Nhưng trong những năm chiến tranh, tôi từng thấy nhiều người khỏi một số bệnh sau vài hôm bị đói. Tôi cho rằng phương pháp này có khả năng giải quyết chứng thừa cân, các bệnh về tim mạch và đường tiêu hóa với điều kiện là có bác sĩ hướng dẫn cụ thể, vì việc nhịn đói quá lâu có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Còn nếu ai nói rằng phương pháp này có khả năng chữa bách bệnh, kể cả ung thư, HIV/AIDS thì là chắc chắn là bịp bợm”.
Bác sĩ Đỗ Hoài Nam, nguyên Chủ nhiệm khoa Nhi Bệnh viện 108, cũng tin rằng phương pháp nhịn ăn có thể đem lại hiệu quả chữa bệnh. Theo ông, khi bệnh nhân tạm dừng việc cung cấp dinh dưỡng, cơ thể sẽ phải tự điều chỉnh hoạt động sinh lý bằng cách lấy dưỡng chất thừa trong các mô mỡ, tế bào thoái hóa, mụn nhọt, u bướu… để nuôi các cơ quan quan trọng (tim, gan, phổi, thận…). Những độc tố tích tụ trong cơ thể cũng theo đó mà bài tiết ra ngoài. Trong thời gian này, phần lớn các bộ phận được nghỉ ngơi, có cơ hội tự phục hồi những phần hư hỏng (ngay cả các chấn thương do ngoại lực cũng mau lành). Đến khi bệnh nhân ăn trở lại, cơ thể sẽ sản sinh các tế bào mới khỏe mạnh.
Theo bác sĩ Nam, chữa bệnh là cả một quá trình, trong đó việc nhịn ăn chỉ có tính chất bứt phá, phải thực hiện trong một số trường hợp nhằm làm sạch cơ thể. Việc điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý sau đó mới là quan trọng. Ông Nam cũng trích dẫn quan điểm của Hải Thượng Lãn Ông: “Phục dược bất như giảm khẩu” (dùng thuốc không bằng giảm ăn).
Ngược lại với các ý kiến trên, dược sĩ Đông – Tây y Lê Thị Hồng Duyên (Hà Nội) khẳng định: “Nhịn ăn chữa bệnh là điều phi lý, bịp bợm. Người bình thường nếu nhịn ăn, cơ thể cũng đã suy kiệt, huống chi con bệnh. Bệnh nhân cần dinh dưỡng, cần dùng thuốc hợp lý. Gạo lức muối vừng tuy rất tốt cho cơ thể vì chứa nhiều vitamin nhóm B nhưng nếu chỉ ăn 2 thực phẩm này thì cơ thể sẽ thiếu chất. Vì ngoài tinh bột và vitamin B, cơ thể còn cần protein, lipit, các khoáng chất và nhiều vitamin khác”.
Có cùng quan điểm trên là bác sĩ Phạm Hưng Củng, Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền (Bộ Y tế): “Từ trước đến nay, Bộ Y tế chưa công nhận một tài liệu nào viết rằng việc nhịn ăn tuyệt đối trong thời gian dài có thể chữa khỏi bệnh. Nếu nhịn ăn lâu ngày, bệnh nhân sẽ bị suy kiệt và có thể tử vong. Vì vậy, không thể nói nhịn ăn là một phương pháp chữa bệnh”.
Sau đây là ý kiến của một số người từng nhịn ăn để chữa bệnh:
- Ông Đinh Ngọc Thiệu, 54 tuổi, giáo viên ở TP HCM: “Tôi từng bị thấp khớp, người gầy gò, chân tay ra nhiều mồ hôi. Tôi còn bị chứng đau ngang lưng, nhiều lúc vùng thắt lưng bị mất cảm giác. Ngoài ra, mỗi khi ăn kem hoặc uống nước đá, tôi thấy đau buốt trên đầu. Trên mỗi sợi tóc của tôi lại có “trứng”. Năm 1978, tôi nhịn ăn 21 ngày theo chỉ dẫn của lương y Hoàng Đình Thiều, các bệnh trên tiêu hết, đến nay không xuất hiện trở lại, cơ thể lại tăng cân nữa”.
-
Ông Ngô Quang Tiến, 50 tuổi, TP HCM: “Tháng 5/2000, tôi bị u đại tràng, phải mổ cấp cứu. Sau khi mổ, các bác sĩ đưa ruột tôi ra bên hông để đại tiện bằng hậu môn giả, hẹn 3 tháng sau tái khám, nếu vết cắt lành tốt, họ sẽ đưa ruột trở lại vị trí cũ. Đến hẹn, tôi đến bệnh viện và được trả lời là chưa thể nối ruột được. Tôi rất buồn phiền, đành thực hiện phương pháp nhịn ăn. Sau 20 ngày, tôi trở lại tái khám thì có kết quả tốt, được bệnh viện mổ đưa ruột trở lại. Sau ca mổ này, tôi ăn gạo lức muối vừng 3 tháng, đến nay sức khỏe đã hoàn toàn bình phục”.
-
Ông Hoàng Việt Hùng, 48 tuổi, giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM: “Tôi bị cao huyết áp từ 10 năm nay, đã có di chứng nhồi máu cơ tim. Cuối năm 2000, tôi bị phình động mạch chủ ngực và phải bóc tách động mạch. Lúc đó, Việt Nam chưa thực hiện được phẫu thuật này. Tôi đành chỉ dùng thuốc theo đơn và đi khám định kỳ, cứ nghĩ rằng mình sẽ phải uống thuốc suốt đời. Bí quá, tôi đành thực hiện nhịn ăn. Sau 14 ngày nhịn tuyệt đối, tôi sút 12 kg. Trước kia huyết áp của tôi dao động từ 170/150 đến 220/170, nay chỉ còn 130/80 đến 140/90. Hiện tôi đang ăn gạo lứt muối mè và không hề phải dùng thuốc”.
-
Ông Nguyễn Văn Anh, 73 tuổi, TP HCM: “Tôi thoát chết nhờ phương pháp nhịn ăn. Năm 1986, miệng và lưỡi tôi bị sưng to, mất hết cảm giác, mỗi lần ăn cơm toàn cắn vào lưỡi khiến máu tươm ra bát. Các bác sĩ cho biết tôi bị ung thư lưỡi, sống thêm được 6 tháng là cùng. Đang lúc tuyệt vọng, tôi gặp ông Nguyễn Minh Khái, người chuyên nghiên cứu phương pháp nhịn ăn chữa bệnh. Sau 21 ngày nhịn ăn, miệng và lưỡi tôi hết sưng. Sau đó, tôi ăn gạo lức muối vừng suốt 5 năm liền và sống khỏe cho tới nay”.
Các nhà khoa học và những người quan tâm đến phương pháp nhịn ăn chữa bệnh đều mong muốn Bộ Y tế chính thức nghiên cứu, thử nghiệm để có kết luận chính thức về phương pháp này.
(Theo Lao Động)
Copy từ http://vnexpress.net/gl/suc-khoe/2003/03/3b9c5b18/, 8/3/2003
Bài 2. PHƯƠNG PHÁP NHỊN ĂN 12 NGÀY ĐỂ CHỮA BỆNH
Phương Pháp này các vị đạo gia gọi là phương pháp Thanh Lọc Bản Thể, còn theo khoa học dựa vào kết qủa thực tế trong chữa bệnh gọi là phương pháp thanh lọc độc trong cơ thể.
Lần đầu tiên cách đây 30 năm khi còn ở Việt Nam, tôi theo các sư huynh y sĩ áp dụng phương pháp nhịn ăn, tôi hơi sợ sức khỏe của mình không đủ sức chịu đựng trong thời gian nhịn ăn lâu đến 12 ngày, (vì tôi bị bệnh phổi), nhưng nhìn vào các sư huynh vẫn thường dùng phương pháp này mỗi năm 2 lần, lần thứ nhất bắt đầu từ ngày nhập hạ rằm tháng 4, lần thứ hai bắt đầu vào ngày mãn hạ rằm tháng 7, kết qủa là các vị sư huynh càng trẻ và khỏe mạnh hồng hào so với tuổi và không bao giờ bị bệnh tật, nên tôi cũng bớt sợ và tin vào kết qủa của phương pháp này.
Tôi nghĩ chắc khi theo phương pháp nhịn ăn cần phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng để khỏi mất calories, nhưng ngược lại, các sư huynh khuyên tôi vẫn tiếp tục đi làm, đi chữa bệnh bình thường như mọi ngày, chỉ khác một điểm khi đến giờ ăn thì mình uống nước, và khi khát mình cũng uống nước, khi thèm ăn mình cũng uống nước. Một loại nước pha chế đặc biệt không phải là nước lạnh như phương pháp của Thầy Phạm Văn Chính trong lúc nhập thất, không làm việc.
Phương pháp nhập thất nhịn ăn của thầy Phạm Văn Chính bên California, ngắn hạn là theo thầy 3-7 ngày, đến giờ ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, thầy mời chúng ta cùng ăn với thầy bằng các bài tập các động tác dưỡng sinh, sau đó ai khát muốn uống nước thì cứ uống tự nhiên, và uống ít, rồi ngồi lại với nhau, giảng giải về phương pháp, rồi tập hít thở, rồi cân trọng lượng cơ thể, đo áp huyết…. rồi đến giờ ăn thầy lại mời chúng ta ăn bằng các bài tập.
Sau một ngày có người cân sụt mất 1-2 kg, bạn tôi là một dược sĩ, bị bệnh phong thấp đau nhức, mập phì, cao áp huyết, sau 2 ngày xuống 3 kg, Những người chịu đựng nổi 1 tuần sẽ thấy kết qủa khả quan, nhưng cơ thể mất nhiều calories không đủ sức làm việc, nên khi ra khỏi nhập thất, cơ thể đói hơn ăn nhiều hơn, sau 1 tháng trọng lượng gia tăng, chính những thức ăn đem vào cơ thể lại là mầm gây ra bệnh trở lại, đường, áp huyết, cholesterol lại cao như cũ .Cho nên phương pháp này Thầy Chính khuyên thỉnh thoảng phải áp dụng để cơ thể có thời giờ nghỉ ngơi và giải độc
Còn phương pháp nhịn ăn 12 ngày của chúng tôi, vẫn đi làm bình thường, chỉ uống nước pha chế uống thay bữa cơm, mỗi ngày uống từ 4-6 lít.
Thành phần pha chế của 1 lít nước như sau :
1 lít nước nấu chín pha vào 3-6 quả chanh với đường ngọt vừa đủ, công thức pha chế thế nào cho hợp với mình để đừng chua qúa đừng ngọt qúa. Cứ thế áp dụng cho 4 lần hay 6 lần trong ngày. Những người bị loét bao tử cho bớt chua tăng ngọt hơn để khi uống thử, bao tử không có phản ứng khó chịu, hoặc những người có bệnh tiểu đường pha bớt ngọt nhưng khi uống không có cảm tưởng bị ê răng, là những dung dịch pha chế hợp với cơ thể mình.
Cách uống :
Khi đến giờ ăn cơm, uống 1 ly 250cc, nửa giờ sau 1 ly, nửa giờ sau nữa 1 ly.
4 bữa ăn sàng, trưa, chiều, tối mất 12 ly là 3 lít, còn 1-3 lít để uống vào khi cảm thấy khát, mỗi lần ½ ly. Như vậy mỗi ngày tiêu thụ 4-6 lít.
Chanh và đường tiêu thụ mỗi ngày với tiêu chuẩn 4 lít một ngày là từ 12-16 qủa chanh.
Đường giúp cơ thể giữ năng lượng và thân nhiệt, không làm suy tim hay cơ bắp bị mệt mỏi khi làn việc, chanh để tẩy độc hạ áp huyết, cholesterol, tan mỡ, lọc máu
Đối với kinh nghiệm của tôi, trước khi nhịn ăn, tôi sợ đói, hôm trước tôi ăn thật nhiều gấp 2 lần bình thường, rồi mới dám nhập cuộc với các sư huynh vào ngày hôm sau.
Mỗi ngày tôi vẫn đi chữa bệnh cho các bệnh nhân ở các phòng mạch từ thiện từ chùa này sang chùa khác bằng xe đạp, thỉnh thoảng lại lấy nước ra uống, đến những bữa cơm, thấy người ta ăn cơm mình lại thèm, lại uống 3 ly nước nước thay 3 chén cơm, rồi cũng qua 1 ngày, đi tiểu nhiều hơn, đi đại tiện phân vẫn có lọn cục bình thường.
Ngày thứ hai đi phân vẫn có lọn cục mềm hơn, đi tiểu nhiều hơn.
Ngày thứ ba bắt đầu đi phân loãng 50% nước 50% phân.
Ngày thứ tư phân ra như tiêu chảy 70% nước 30% phân.
Ngày thứ năm, buồn đi cầu là đi ngay tiêu ra nước ồ ạt nhiều nước hơn phân.
Ngày thứ sáu mỗi lần đi đại tiện giống như mở một túi nước đổ ra 1 lần chảy ào ào là xong.
Từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 8 đi tiểu nhiều hơn, đi đại tiện toàn ra nước trong, không có phân, tôi nghĩ có lẽ xin mấy sư huynh cho nghỉ, cơ thể sạch lắm rồi, uống nước vào là đi ra nước ngay, cơ thể không mệt mỏi, vẫn đi làm bình thường vui vẻ, nhưng cảm thấy thèm ăn. Các sư huynh khuyên cố lên 4 ngày nữa.
Quả nhiên có điều kỳ lạ xảy ra. Ngày thứ 9 tự nhiên hơi đau lâm râm trong bụng và mắc đi đại tiện liền, chảy ra nước xối xả toàn là mầu đen như nước ống cống.
Ngày thứ mười, tiêu chảy ra nước đen hơi lợn cợn .
Ngày thứ mười một đi đại tiện 2-3 lần ra rất nhiều khoảng 2 kg phân lầy nhầy, lung bùng, mầu đen có lẫn mỡ, bùi nhùi, giẻ rách, có xơ sợi, tôi nghĩ đây chắc là mấy sợi rau muống … hay dưa giá …, nó dính vào thành ruột bị chất chanh làm tróc ra.
Ngày thứ mười hai, uống vào một ly nước, là đi ngay ra một ly nước trong không có tí phân nào. Uống vào ly nào là ra ngay ly ấy. Trong bụng bao tử và ruột thật sạch, vách thành bao tử và ruột mỏng đi.
Ngày thứ nhất đến ngày thứ tư lên cân 2 kg, từ ngày thứ năm đến hết 12 ngày xuống mất 2 kg., trong bụng hơi bào bọt muốn đòi ăn là vừa đúng hết hạn kỳ chấm dứt vào lúc 7 giờ tối. Tất cả tụ tập lại nhà đại sư huynh để ăn một món ăn do đại sư tỷ nấu để phục hồi lại chức năng trường vị.
Món ăn đặc biệt là món cháo huyết heo với nhiều gừng xắt chỉ, mỗi người được quyền ăn 1 tô nhỏ, ăn xong, chất bột cháo lót lại vách thành bao tử và ruột, chất gừng làm ấm trường vị giúp các cơ co thắt lại, trong thời gian uống nhiều nước cơ co bóp của trường vị chứa nhiều nước đã bị giãn nở, còn huyết heo theo đông y là đội quân dùng để lấy độc tố còn sót lại trong máu theo đường phân ra ngoài. Ai nấy ăn xong, lấy thêm một tô lớn đem về nhà để dành cho bữa điểm tâm sáng hôm sau là ngày thứ mười ba. Lúc đó mới xong một giai đoạn thanh lọc độc trong cơ thể, trưa ngày hôm thứ mười ba, chỉ được quyền ăn 1 chén cơm với thức ăn nhẹ là canh, chiều ăn 2 chén. Ngày thứ mười bốn ăn trở lại bình thường 3 chén cơm với canh, thịt, cá, sau đó ăn uống như thường lệ. Cơ thể lại phục hồi trọng lượng như cũ, nhưng thần sắc hồng hào khỏe mạnh, nhiều năng lượng vô cùng. Ăn rất ngon miệng, dễ ăn không kén ăn, các lục phủ ngũ tạng đều được thanh lọc độc thay cũ đổi mới, không còn những bướu mỡ, hay máu cặn bẩn hóa vôi trong cơ thể, trong xương khớp, không còn đau đớn, hay đau bệnh vặt, áp huyết, đường cholesterol ổn định.
So sánh với các phương pháp nhịn ăn khác, có chỗ khác biệt ở chỗ chưa lấy ra ra được hết phân đen bùi nhùi giẻ rách xơ bướu trong cơ thể ra hết được bằng phương pháp thanh lọc độc trong cơ thể.
Những người bị bệnh cao áp huyết, tiểu đường, cholesterol, đau thấp khớp, huyết hóa vôi, bệnh bao tử, đường ruột, gan thận, ung thư, nếu áp huyết không bị qúa thấp, có thể áp dụng phương pháp này. Nhịn ăn trong 12 ngày chính là cho các tế bào ung thư bị bỏ đói, thêm vào phương pháp hít thở (ăn không khí) làm tăng hồng cầu và giúp khí huyết tuần hoàn khắp cơ thể phục hồi lại các tế bào khỏe, tăng khả năng miễn nhiễm phòng chống bệnh tật, giúp phục hồi các cơ co bóp tống độc ra ngoài bằng đường tiêu tiểu, thì dấu hiệu ung thư sẽ từ từ biến mất.
Phương pháp này không áp dụng được cho người áp huyết thấp và bệnh thiếu máu.
Còn những người mập phì, muốn giảm mập nên theo phương pháp Nhập Thất của Thầy Phạm Văn Chính trong link sau đây :
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=117&nid=118835
Thân, doducngoc
Nguồn: http://khicongydaovietnam.wordpress.com/2010/03/29/phuong_phap_nhin_an_12ngay/
Bài 3. Nhịn ăn chữa bệnh, hồi xuân, tuyệt thực đi về đâu?
Xem toàn bộ tài liệu và download >>
Một số bài về lý thuyết nhịn ăn
Bài 4. Thanh niên 18 tuổi chết não do nhịn ăn thanh lọc cơ thể
[Khampha.vn, 7/7/2014] – Vì áp dụng phương pháp nhịn ăn 12 ngày để thanh lọc cơ thể, giảm cân, một thanh niên 18 tuổi ở Hà Nội đã bị chết não.
Các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, bệnh nhân ở Hà Nội nặng gần 90 kg, học giảm béo trên mạng, nhịn ăn khoảng 10 ngày, chỉ uống nước cầm hơi. Khi bệnh nhân đưa đến viện, đã ngừng tim khoảng 50 phút.
Tại bệnh viện, sau khi các bác sĩ hồi sức, nhịp tim của bệnh nhân trở lại. Tuy nhiên, các bác sĩ tiên lượng bệnh nhân đã chết não.
Trước đó, trên mạng xã hội chia sẻ phương pháp nhịn ăn 12 ngày để chữa bệnh như một phương pháp thanh lọc cơ thể của một bác sĩ. Trong bài viết của mình, vị bác sĩ cho biết, nhiều người thường dùng phương pháp này mỗi năm 2 lần. Tất cả đều trẻ hơn, khỏe mạnh hồng hào hơn so với tuổi và không bao giờ bị bệnh tật.
Nói về lợi hại của phương pháp nhịn ăn thanh lọc cơ thể, các chuyên gia đều khẳng định đây là phương pháp phản khoa học.
GS.TS Tạ Long, Chủ tịch Hội Tiêu hóa Việt Nam, cho biết, chưa có nghiên cứu khoa học chính thống nào trong nước khẳng định phương pháp nhịn ăn 12 ngày để thanh lọc cơ thể. Do đó, không thể nói được cái lợi của việc nhịn ăn đối với sức khỏe con người.
GS Long nhận định, nhịn ăn lâu ngày cơ thể sẽ gầy tọp. Đặc biệt, nhịn ăn ảnh hưởng đến tiêu hóa, đường ruột. Cơ thể không tiết axit ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có thể nguy hiểm đến tính mạng.
“Nhịn ăn sẽ khiến cơ thể bị suy kiệt, bệnh tật đầy mình, nguy hiểm đến tính mạng. Một số người còn bị rối loạn ăn uống, đau bụng, đi ngoài, táo bón, trầm cảm…”, Giáo sư Tạ Long nói.
TS Cù Thị Hậu, Nguyên Giám đốc Trung tâm Viện Dinh dưỡng Quốc Gia, cho biết, áp dụng phương pháp nhịn ăn 12 ngày trong thời gian đầu có thể cân nặng sẽ giảm nhưng khi ăn trở lại, cân nặng sẽ tăng và có thể còn tăng cân nhiều hơn trước.
TS Hậu lý giải, khi nhịn ăn, cơ thể cần tiết kiệm năng lượng và dưỡng chất nên sẽ tự hạ thấp chuyển hóa năng lượng tối thiểu cần thiết để duy trì sự sống, cơ thể giảm nhu cầu năng lượng để đáp ứng với nhu cầu ăn ít.
Diệu Thu
Filed under: Lý thuyết sức khỏe Tagged: nhịn ăn chữa bệnh
2014-07-07 19:39:10
Nguồn: http://khoahocvadoisong.wordpress.com/2014/07/08/20110429nacb/