Sắp tới đây, tại Bắc Đới Hà sẽ diễn ra cuộc nhóm họp không chính thức giữa các quan chức cấp cao trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, kể cả đương nhiệm lẫn nghỉ hưu.
Cuộc họp nhằm kiểm tra thẩm quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình trong chiến dịch chống tham nhũng.
GS Trương Minh của Trường ĐH Nhân Dân nhận định tình hình khá phức tạp, phe đối lập có thể phản pháo ông Tập Cận Bình ngay tại Bắc Đới Hà. Các nguồn tin cho biết các nhà lãnh đạo dự kiến thảo luận về cách thức chiến dịch chống tham nhũng tiếp diễn cũng như trường hợp “các con hổ lớn hơn” bị bắt.
Một cuộc họp tại Bắc Đới Hà năm 2012, khi đó Tập Cận Bình (hàng đầu, thứ 6 từ trái sang) đang giữ vị trí Phó Chủ tich. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ông Trương lưu ý: “Việc công bố điều tra vụ cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang cho thấy ông Tập không muốn thảo luận vụ đó tại Bắc Đới Hà. Họ có thể bàn về các trường hợp tham nhũng khác lớn hơn”.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hồng Kông) ngày 8-8 dẫn lời ông Jonathan Holslag, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc đương đại (Bỉ), rằng thách thức lớn nhất của ông Tập là bị cô lập. “Lãnh đạo các doanh nghiệp đang mất kiên nhẫn với chính sách kinh tế của ông, còn quân đội than phiền vì bị tước một số đặc quyền đặc lợi” – ông Holslag nói.
Sau sự sụp đổ của Chu Vĩnh Khang, cuộc chiến chống tham nhũng của Tập Cận Bình sẽ bước vào một giai đoạn phức tạp hơn. Tuy lợi ích từ việc gia tăng ủng hộ và quyền lực chính trị là hiển nhiên, nhưng rủi ro cũng đáng kể. Cho đến nay, các chiến dịch điều tra đã dẫn đến bắt giữ 36 quan chức cấp cao, từ chủ tịch tỉnh đến bộ trưởng cùng hàng nghìn quan chức dưới quyền.
Một hệ quả có thể nghiêm trọng nữa là sự chia rẽ nội bộ Trung Quốc. Chiến dịch của ông Tập gây ra nỗi sợ hãi chưa từng có trong giới quan chức. Nếu đồng minh hay phe đối địch của ông Tập nghĩ mình có thể là con hổ tiếp theo sa lưới, bản năng sinh tồn sẽ thúc đẩy họ thách thức quyền lực của Tập Cận Bình. Sự đoàn kết của lực lượng lãnh đạo, luôn được coi là cơ sở vững chắc để đảm bảo ổn định, có nguy cơ biến mất.
“Việc ông Tập thực hiện (hạ bệ Chu) cũng mang đến nguy cơ, đó là ông ấy bị biến thành đối tượng dè chừng của nhiều phe cánh trong đảng, những người đang nắm các mảng khác nhau như kinh tế, chính quyền”, Willy Lam, một nhà phân tích chính trị độc lập ở Hong Kong, nhận xét.
Theo Nld, VNE