Giả Khánh Lâm, cựu Chủ tịch và Bí thư Đảng ủy của Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc, tại một hội nghị ngày 16/12/ 2011 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Tin đồn lan truyền gần đây bởi một nhân vật nổi tiếng trên Internet, rằng Giả bị bắt giữ trong một cuộc điều tra tham nhũng. (Mark Ralston/Pool/Getty Images)
Tuần trước, các trang mạng Trung Quốc lan tuyền tin đồn rằng một trong những quan chức cấp cao của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là ông Giả Khánh Lâm (Jia Qinglin) đang bị chính quyền bắt giữ. Ông Giả là cựu lãnh đạo của Ủy ban cố vấn cấp cao trong ĐCSTQ, và từng là thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Thông tin bắt giữ ông Giả được lan truyền bởi Cheng Lingxu, một nhà báo cao cấp và là người phụ trách chuyên mục báo, đồng thời là giám đốc trang web bất động sản Xiafun.com.
Ngày 11 tháng 7, Cheng đăng tải lên cả trang cá nhân của mình tại hai trang mạng xã hội Sina Weibo và Wechat rằng: “Theo một nguồn tin đáng tin cậy, và 100% tuyệt đối chính xác, thì cựu Chủ tịch Hội nghị Cố vấn Chính trị Nhân dân Trung Hoa, Giả Khánh L., đã bị bắt giam vào nhà tù SH tại TP. Hohhot đêm qua. Hơn 500 binh lính đã được gửi đi từ Quân đoàn 38 Quân đội Giải phóng Nhân dân”. Hohhot là thủ phủ của Khu tự trị Nội Mông Cổ ở phía Bắc Trung Quốc. Cheng đã sử dụng chữ “L” khi viết tên của Giả Khánh Lâm để tránh khỏi hệ thống kiểm duyệt tại Trung Quốc. Còn địa danh “nhà tù SH” mà Cheng nhắc đến hiện vẫn chưa được xác định.
Cheng viết thêm: “Những ai đã mua bất động sản cho gia đình ông Giả nên thật thận trọng”. Vợ cũ và con rể của Giả được cho là có dính líu tới nhiều vụ đầu tư bất động sản trứ danh, trong đó có cả việc đầu tư vào một biệt thự xa hoa tại Bắc Kinh. “Có một câu nói về ‘hệ thống gia tộc Giả’ trong ngành, bởi việc tham gia của gia đình ông ta vào lĩnh vực bất động sản”, Cheng viết trong một bài Weibo khác: “Rất nhiều nhà phát triển và các dự án bất động sản là bí mật thuộc sở hữu của gia tộc này”.
Chính quyền đã nhanh chóng ra tay chặn đứng tin đồn này. Không chỉ những bài viết của Cheng bị xóa, mà tài khoản của ông trên Weibo và trang blog mini Tencent cũng hoàn toàn bị xóa sổ ngày 14 tháng 7.
Sau lời nhận xét của Cheng, nhiều người khác cũng khẳng định về vụ bắt giữ ông Giả, mặc dù thông tin của họ không đáng tin cậy như của Cheng.
Hà Thanh Liên (He Qinglian), một nhà phân tích chính trị và là một tác giả nổi tiếng Trung Quốc, đã đăng tải một bài bình luận về vụ việc này trên Đài Truyền thanh Voice of America Chinese, cho rằng tin đồn này có vẻ đáng tin. “Là một người thành đạt, Cheng chắc chắn biết rằng những nội dung nào là cấm kỵ ở Trung Quốc. Nhất định phải có lý do nào đó khiến ông tiết lộ tin này. Chứ không phải ông ấy chỉ ngồi rỗi rãi mà chẳng làm gì cả, để rồi lại muốn nếm mùi của những thứ như chốn nhà tù”.
Nếu tin đồn về việc bắt giữ ông Giả là đúng, thì vẫn còn một “con hổ” nữa mà chủ tịch Tập Cận Bình muốn hạ bệ (cụm từ “con hổ” trong tiếng Trung thường được dùng để chỉ những quan chức cấp cao tham nhũng). Và cũng giống như rất nhiều con hổ khác đã bị săn hạ trong cuộc thanh trừng gần đây, ông Giả có quan hệ mật thiết và lâu dài với cựu lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, Giang Trạch Dân.
Cả Giả và Giang cùng làm việc trong Sở Công nghiệp Máy móc trong giai đoạn từ 1960 đến 1970. Trong những năm 1980 và 1990, ông Giả trong hơn một thập kỷ là một quan chức cấp cao của tỉnh Phúc Kiến, một tỉnh ven biển nằm ở phía Đông Nam Trung Quốc. Sau khi Giang trở thành Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1993, Giả được đề bạt lên làm Thị trưởng TP. Bắc Kinh vào năm 1996. Năm 1997, ông trở thành thành viên của Bộ Chính trị, một cơ quan quyền lực của ĐCSTQ mà từ đó bầu chọn thành viên cho Ủy ban Thường vụ, nơi đề ra các quy định cho Quốc hội Trung Quốc.
Con đường quyền lực của Giả không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Năm 1999, vụ tham nhũng buôn lậu nghiêm trọng xung quanh Tập đoàn Xiamen Yuanhua đã tạo nên khủng hoảng trong sự nghiệp chính trị của Giả. Lai Changxing là người sáng lập của mạng lưới buôn lậu Yuanhua, người từng trở thành tội phạm bị săn lùng gắt gao nhất ở Trung Quốc sau khi ông ta đào tẩu sang Canada cho đến khi bị trả về nước năm 2011. Một lần, Lai trả lời ký giả Hồng Kông rằng ông ta rất thích có mối quan hệ mật thiết với Giang Trạch Dân.
Cùng lúc ấy, tin đồn cũng ám chỉ phu nhân của Giả, bà Lin Youfang, cũng liên quan đến việc kinh doanh buôn lậu này.
Các bản tin chính thức của Trung Quốc nói rằng, những hoạt động của nghiệp đoàn Yuanhua đã đạt đến mức khó có thể tin được: buôn lậu dầu tinh chế, dầu thực vật, ôtô, thuốc lá, và xa hơn nữa là tổng giá trị khoảng 53 tỷ nhân dân tệ (tương đương 6,4 tỷ USD), và trốn thuế hải quan lên đến 27 tỷ nhân dân tệ, bắt đầu từ 1996. Lai cũng từng phải đút lót cho Quân đội Giải phóng Nhân dân để đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu của mình.
Cho đến 2002, 14 người, bao gồm cả các quan chức liên quan đến vụ án này, đều bị tử hình. Trong khi đó, 300 cán bộ tỉnh đã được đưa ra xét xử, theo thông tin Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam.
Nhưng Giả, dưới sự giúp đỡ và bảo trợ chính trị của Giang Trạch Dân, đã tránh được mọi hậu quả từ vụ việc này. Không chỉ vậy, không lâu sau đó, vào năm 2003, ông ta đã được thăng chức lên làm Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Hoa. Đây là một tổ chức do ĐCSTQ điều hành và được hỗ trợ để tư vấn cho ĐCSTQ, và cũng đồng thời kết nạp các phần tử không là Đảng viên nhưng là tinh hoa trong xã hội. [Một cơ quan tương tự Mặt Trận Tổ Quốc ở Việt Nam-BTV]
Con đường sự nghiệp của Giả có thể hé lộ lý do tại sao Giang Trạch Dân lại luôn che chở và đề bạt ông ta. Điều đáng chú ý nhất, đó là ông ta là một trợ thủ nhiệt thành trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Kể từ chiến dịch chính trị cá nhân của Giang năm 1999, và sau khi ông ta nhận thấy Pháp Luân Công phát triển nhanh chóng trong xã hội, và những nguyên lý tu luyện phù hợp với giá trị tinh thần truyền thống là một thách thức về mặt ý thức hệ đối với chế độ, Giả đã tích cực tham gia vào cuộc đàn áp. Sau khi Giang phát động cuộc bức hại tàn bạo, thì Giả, một quan chức cấp cao trong ĐCSTQ tại Bắc Kinh từ 1999-2002, đã ra lệnh thực hiện một loạt vụ bắt giữ, giam cầm, và cuộc tra tấn các học viên Pháp Luân Công tại thành phố của ông ta, và triển khai ngày càng lan rộng.
Vụ tự thiêu tại Quảng trường Thiên An Môn năm 2001 được nhiều người cho là một trò bịp bợm tinh vi do bộ máy tuyên truyền của chính phủ dựng nên, nhằm vu khống và bôi nhọ môn tu luyện Pháp Luân Công. Sự việc này cũng do Giả giám sát. Về vai trò của Giả trong chiến dịch trừ khử Pháp Luân Công, Giả đã bị những người ủng hộ Pháp Luân Công tại hải ngoại kiện ra tòa án tại Áo, Tây Ban Nha, và Hà Lan với các tội danh “”tội ác diệt chủng, tội tra tấn, và tội ác chống lại nhân loại”. Theo một trang web chính thức của Pháp Luân Công là Minghui.org, đơn kiện được đệ trình trong chuyến thăm của Giả tới các quốc gia này.
Theo Vietdaikynguyen