Hàng ngàn sinh vật có hình thù và màu sắc kỳ lạ dạt vào bãi biển đã khiến du khách ngạc nhiên.
Ngày 20/8, hàng ngàn sinh vật biển có màu sắc và hình dáng kỳ lạ đã dạt vào bờ biển bang California (Mỹ), khiến du khách vô cùng bối rối và các nhà khoa học phải lập tức vào cuộc để giải thích hiện tượng bí ẩn trên.
Ông David Bader, giám đốc giáo dục tại Công viên Hải dương Thái Bình Dương ở California giải thích: “Tên khoa học của loài sinh vật này là Velella velella. Chúng là loài sinh vật có hình dáng trông rất giống loài sứa nhưng không phải là sứa”.
Hàng ngàn sinh vật lạ dạt vào bờ biển khiến du khách ngạc nhiên
Có tên gọi khác là “kẻ nương theo gió”, loài sinh vật này có một chiếc vây lớn trong suốt gắn trên cơ thể màu xanh hình bầu dục có kích thước không lớn hơn lòng bàn tay.
Theo ông Bader, loài sinh vật này trôi nổi trên mặt nước và sử dụng chiếc vây của mình như một chiếc buồm để tiến vào bờ biển mà không bị sóng cuốn trôi.
Ban đầu loài sinh vật kỳ lạ này xuất hiện ở Washington và Oregon, đến giữa tháng Bảy chúng bắt đầu dạt về San Francisco. Chúng đồng loạt đổ bộ vào bãi biển California từ giữa tuần này, khiến du khách vô cùng ngạc nhiên và bối rối.
Loài sinh vật này sử dụng xúc tu của mình để tấn công và làm tê liệt con mồi, tuy nhiên chúng lại không quá nguy hiểm đối với con người. Ông Bader giải thích: “Vết cắn của loài sinh vật này không mạnh lắm, và thậm chí không thể xuyên qua được da người”.
Loài Velella velella có hình dáng và màu sắc kỳ lạ
Thức ăn của loài Velella velella là sinh vật phù du và trứng cá mà chúng bắt được nhờ các xúc tu mềm của mình. Trong khi trôi nổi trên mặt biển và dạt theo gió, chúng trông không khác gì những bong bóng biển.
Theo cô Julie Bursek thuộc Khu Bảo tồn Biển Quốc gia Mỹ, loài sinh vật này không thể sống lâu trên bãi biển, và khi chết đi, màu xanh trên cơ thể chúng nhạt dần, cho đến lúc chỉ còn lại chiếc vây trong suốt.
Ông Bader nói: “Rất nhiều người chưa từng nhìn thấy loài Velella velella, và họ ngỡ rằng đó là một loài sinh vật kỳ lạ mới xuất hiện. Chúng chỉ dạt vào bờ biển khi gió đổi chiều, và điều đó khiến mọi người ngạc nhiên”.
Theo Khampha