Lăng mộ niên đại 2.100 năm của Lưu Phì, con trưởng của Hán Cao tổ Lưu Bang, đã được khai quật tại tỉnh Giang Tô, trong đó chứa đầy kho báu gồm vàng bạc và các báu vật cổ.
Mộ của Tề vương Lưu Phì đã được tìm thấy trên một ngọn núi gần các khu vực đông đúc dân cư ở tỉnh Giang Tô. Tề vương qua đời vào năm 128 trước Công nguyên khi trị vì được 26 năm, lúc mới được 32 tuổi. Dù những kẻ đào mộ đã mấy lần động đến lăng của Lưu Phì, các nhà khảo cổ học vẫn phát hiện còn hơn 10.000 cổ vật quý giá, làm từ vàng, bạc, đồng và ngọc bích, theo báo cáo đăng trên chuyên san Chinese Archaeology. Họ còn tìm thấy vài cỗ xe ngựa kích thước nguyên bản và hàng chục xe cỡ nhỏ khác.
Khu lăng mộ có chiều dài và chiều rộng khoảng 490m, gồm 3 ngôi mộ chính, 11 mộ của tùy giá, 2 hố chứa xe và ngựa, 2 hố chôn vũ khí, theo các chuyên gia của Viện Bảo tàng Nam Kinh. Trong đó, ụ đất lớn nhất với chiều dài đến 150m từng là nơi để mộ của Tề vương. Lăng có hai đường hầm dài dẫn đến phòng chôn cất. Đây cũng là nơi đặt nhiều tế phẩm và vật phẩm chôn theo nhằm phục vụ cho nhu cầu sau khi chết của Lưu Phì, theo quan niệm thời xưa.
Tề vương khi còn sống nổi tiếng với thói xa hoa và chuộng sức mạnh cơ bắp, nên lăng mộ của ông chứa đầy vũ khí, gồm kiếm, đầu mũi giáo, nỏ, kích, dao và hơn 20 mô hình xe ngựa. Các nhà khảo cổ học còn tìm thấy các dụng cụ chơi nhạc như đàn cầm, núm lên dây đàn bằng ngọc.
Ở ngôi mộ thứ hai, các chuyên gia tìm được quan tài bằng ngọc, cũng là phát hiện ấn tượng nhất trong toàn bộ lăng mộ, bên cạnh đồ dùng vàng, bạc, đồng các loại. “Dù hầm mộ trung tâm đã bị cướp phá, cấu trúc của quan tài ngọc vẫn còn nguyên vẹn, có nghĩa đây là quan tài ngọc đầu tiên không bị hư hại từng được phát hiện trong lịch sử khảo cổ học tại Trung Quốc”, theo báo cáo trên chuyên san Chinese Archaeology. Và cũng là lần đầu tiên họ tìm được các tượng voi và tê giác, cho thấy Trung Quốc lúc bấy giờ đã bắt đầu giao thương với nước ngoài.
Khi Lưu Phì mất, con Lưu Tương kế thừa tước vị chư hầu vương, gọi là Tề Ai vương. Vào năm thứ 7 kể từ khi cha mất, Lưu Tương xuất quân đánh họ Lã, lúc này triều Hán rơi vào tay của thái hậu Lã Trĩ. Trước sức ép từ quân của Tề vương, quyền lực quay lại tay của họ Lưu, và Lưu Hằng con của Lưu Bang trở thành Hán Văn đế.
Theo thanhnien, dailymail