Đại học Tokyo và Đại học Keio vừa phối hợp phát triển chiếc máy ảnh nhanh nhất thế giới có khả năng chụp được 4,4 nghìn tỉ khung hình mỗi giây.
Nhờ sử dụng một công nghệ gọi là “nhiếp ảnh ánh xạ quang học theo chuỗi thời gian” (Sequentially Times All-optical Mapping Photography - STAMP), chiếc camera này nhanh hơn khoảng 1000 lần so với các hệ thống quang học tốc độ cao hiện có trên thị trường, và đây là cơ hội để các nhà khoa học hiểu rõ hơn về những sự việc diễn ra cực nhanh trong tự nhiên và đời sống, ví dụ như sự phản ứng giữa các chất hóa học với nhau, sự dẫn nhiệt, chuyển động của dòng chất lỏng, vật lý plasma,…
Công nghệ STAMP còn sử dụng một “màn trập quang học” thay cho màn hình trập cơ hoặc màn trập điện tử vốn đang được xài phổ biến trên các máy ảnh tiêu dùng. Màn trập siêu nhanh này có thể đóng mở trong chỉ 1 phần 1 nghìn tỉ của một giây. Tất nhiên, để đánh đổi với tốc độ cao thì hệ thống STAMP chỉ có thể cho ra những bức ảnh với độ phân giải 450 x 450 pixel. Mặc dù nghe có vẻ thấp nhưng các máy ảnh khoa học phức tạp cũng chỉ cho ra ảnh cỡ này nhưng lại hoạt động chậm hơn.