Cựu Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc phụ trách an ninh Chu Vĩnh Khang (Trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình (Phải) (Chinanews)
Chu Vĩnh Khang đã bị bắt. Theo thông báo chính thức, Chu bị kết tội “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng,” mặc dù bản án chính thức có lẽ sẽ không liệt kê những tội ác nghiêm trọng nhất của Chu.
Tuyên bố này là đỉnh điểm cho một vở kịch khởi nguồn từ tháng năm 2012, khi Đại Kỷ Nguyên đưa tin rằng chủ tịch Đảng khi đó là Hồ Cẩm Đảo đã đồng ý với quyết định điều tra Chu Vĩnh Khang. Thuộc giới chóp bu trong Đảng, cuộc điều tra có thể dẫn tới lệnh bắt giữ gần như là điều chưa có tiền lệ từ trước đến nay.
Kể từ khi đó, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã dàn dựng một chiến dịch có hệ thống chống lại Chu, bằng cách bắt giữ hoặc điều tra thân tín và cấp dưới trong ngành dầu khí của ông ta có trụ sở tại Tứ Xuyên và trong bộ máy an ninh.
Vào tháng mười hai 2013 một số kênh truyền thông tiếng Trung nói rằng Chu đã bị bắt giữ. Đại Kỷ Nguyên đã đưa tin về việc những tin đồn này đang lan truyền rộng rãi nhưng không thể độc lập xác thực chúng.
Nhưng tất cả các dấu hiệu đều chỉ rõ ra rằng Chu đã bị bắt.
Các báo cáo truyền thông ngày 29 tháng 7 phơi bày vụ bắt giữ Chu dưới cái mác chống tham nhũng. Thực chất, tham nhũng là lý do được viện ra cho các chiến dịch thanh trừng mà Tập Cận Bình đang tiến hành.
Một bài xã luận đăng trên Đại Kỷ Nguyên vào tháng mười hai năm 2013 đã phân tích hậu trường đằng sau để làm rõ nguyên do thật sự của việc bắt giữ Chu.
Chu Vĩnh Khang cuối cùng sẽ bị truy tố, dù cho không phải với tội ác kinh khủng nhất của ông ta
bởi Heng He, Đại Kỷ Nguyên
Từ khi vụ án chấn động của Bạc Hy Lai vỡ lở vào tháng hai năm 2012, đã có các tin đồn về việc Chu Vĩnh Khang, cựu trùm an ninh và thành viên quyền lực nhất của Ủy ban thường vụ Bộ chính trị, đang dính vào rắc rối.
Bạc Hy Lai đã là một ngôi sao chính trường trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc cho tới khi cánh tay phải của ông ta, Vương Lập Quân, chạy trốn vào Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Thành Đô để xin tị nạn. Bạc cũng là một thân tín của Chu Vĩnh Khang. Sau khi Bạc bị thanh trừ, người ta tin rằng tiếp theo sẽ sớm đến lượt Chu. Tuy nhiên sau mỗi bài báo đoán già đoán non, Chu lại xuất hiện trước công chúng hoặc một số kênh truyền thông sẽ lên tiếng phản bác lại các tin đồn gây ảnh hưởng xấu đến ông.
Tuần trước, ít nhất ba kênh truyền thông Trung Quốc ở hải ngoại đưa thông tin rằng Chu Vĩnh Khang đã chính thức mất tự do. Hiện vẫn chưa rõ ràng rằng ông ta đang ở trong tình trạng nào, bị quản thúc tại gia hay đang phải chịu một loại hình thức thẩm vấn bạo ngược của Đảng gọi là “song quy.”[1] Khác với những lần trước, lần này Chu không hề có xuất hiện trước công chúng.
Các dấu hiệu
Mặc dù ĐCSTQ chưa chính thức tuyên bố quyết định điều tra Chu Vĩnh Khang, nhưng tất cả các dấu hiệu đều chỉ về cùng một hướng. Giờ đây nó chỉ còn là vấn đề thời gian đưa ra tuyên bố chính thức.
Dấu hiệu đầu tiên đến từ Đại hội Đảng lần thứ 18 vào tháng mười một năm 2012, hơn 10 quan chức cấp tỉnh đã bị điều tra hoặc thậm chí bị bắt giữ. Hầu hết những người này đều có quan hệ mật thiết với Chu Vĩnh Khang. Phần lớn họ hoạt động trong ngành dầu khí và hệ thống pháp luật, nơi Chu đã từng giữ các vị trí hàng đầu và cài cắm thân tín trước khi rời đi.
Dấu hiệu thứ hai là việc tạp chí Tài Tân đăng một loạt bài về thủ đoạn làm giàu của một nhóm các gia đình có liên hệ chặt chẽ với nhau trong ngành dầu khí Trung Quốc. Hai cái tên được nhắc đến trong những bài viết trên là cặp găng tay trắng – những người trung gian chuyên làm các công việc bẩn thỉu như rửa tiền, cho gia đình nhà Chu Vĩnh Khang. Bài báo đã đề cập đến con trai, con dâu, và bố mẹ vợ của Chu Vĩnh Khang.
Bài báo gần đây nhất đã được đăng ngày 22 tháng mười một, ngay sau Phiên họp toàn thể thứ ba của Đại hội Đảng lần thứ 18, kết thúc vào ngày 22 tháng mười một. Tại thời điểm đó, hầu hết mọi người đều không kỳ vọng rằng các chứng cứ ám chỉ về Chu Vĩnh Khang sẽ được nêu lên lần nữa.
Tạp chí Tài Tân được cho là có liên hệ mật thiết với Vương Kỳ Sơn, nhân vật chính đứng sau chiến dịch chống tham nhũng hiện nay. Bài viết của tờ báo này bày tỏ quan điểm ủng hộ lời tuyên bố trên các kênh truyền thông Trung Quốc ở hải ngoại rằng quyết định bám theo Chu đã được phê duyệt tại Phiên họp toàn thể của Đảng lần thứ ba .
Các cáo buộc có thể
Theo hầu hết các báo cáo truyền thông, tội chính của Chu Vĩnh Khang là tham nhũng, đảo chính, và giết người. Tuy nhiên, tất cả những tội này sẽ không nhất định xuất hiện trong bản án chính thức được đưa ra chống lại Chu.
Không còn nghi ngờ gì nữa, ông ta sẽ bị buộc tội tham nhũng. Khác với Bạc Hy Lai, tiền tham nhũng của Chu chủ yếu đến từ ngành công nghiệp dầu khí, vốn là ngành bị chiếm lĩnh độc quyền và mang lại nhiều lợi ích nhất ở Trung Quốc. Người ta tin rằng Chu đã tham nhũng hàng tỷ nhân dân tệ.
Cáo buộc giết người cũng có thể được đưa vào. Theo thông tin từ các cơ quan truyền thông, Chu đã sát hại người vợ đầu tiên để có thể lấy một nữ phát thanh viên của đài truyền hình CCTV. Ngoài ra còn có thông tin về âm mưu ám sát các nhà lãnh đạo của đảng hiện nay, bao gồm hai lần với Tập Cận Bình.
Cáo buộc lạm dụng quyền lực chống lại Bạc Hy Lai bao gồm cách Bạc giải quyết vụ việc vợ ông ta ám sát doanh nhân người Anh Neil Heywood, nên rất có thể Chu sẽ bị buộc tội giết người hoặc tội mưu sát. Câu hỏi đặt ra là tình tiết nào sẽ được sử dụng.
Đảo chính có lẽ là tội nghiêm trọng nhất trong quan điểm của giới lãnh đạo ĐCSTQ. Nó cũng là một trong những lý do quan trọng nhất giải thích tại sao Tập Cận Bình phải hạ bệ Chu Vĩnh Khang, mặc dù Chu đã nghỉ hưu, thời điểm mà cựu thành viên của Ủy ban thường vụ Bộ chính trị thường được cho là không thể đụng tới.
Cuộc đảo chính mà Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai đã mưu tính không phải là để chống lại cựu chủ tịch Đảng Hồ Cẩm Đào và cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo, mà là để chống lại Tập Cận Bình.
Nếu Chu Vĩnh Khang không bị trừng phạt một cách công khai, Tập sẽ được nhìn nhận là một lãnh đạo yếu kém, và điều này có thể dẫn đến sự nguy hiểm trong chính trường.
Chu cũng cho Tập một cơ hội. Tập và nhóm lãnh đạo mới của ông ta không thể phát động một chiến dịch cải tổ chính trị thật sự, nhưng ông có thể sử dụng chiến dịch chống tham nhũng để lấy được lòng dân. Hạ bệ Chu sẽ cho Tập một cơ hội thiết lập thiện chí của ông trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Quyền lực của Chu
Cho tới nay, hầu hết các báo cáo đã thiếu mất phần quan trọng nhất của vụ án: tội ác thật sự của Chu và căn nguyên quyền lực chính trị của Chu.
Chu Vĩnh Khang từng là Tổng giám đốc của tập đoàn dầu khí Trung Quốc PetroChina trong 12 năm và do đó đứng ngang hàng với một bộ trưởng của Hội đồng nhà nước. Sau một năm làm bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chu đã được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tứ Xuyên. Vào thời điểm đó, Chu Vĩnh Khang chỉ là một trong hàng trăm quan chức cấp bộ hay cấp tỉnh.
Bước ngoặc đầu tiên của ông ta đến vào năm 2002. Công cụ quan trọng nhất Giang Trạch Dân sử dụng trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, mà bắt đầu vào tháng bảy 1999, là lực lượng an ninh và tuyên truyền. Lực lượng an ninh được điều phối bởi Ủy ban Chính trị và Pháp luật (UCP).
Giang Trạch Dân không hài lòng với kết quả làm việc của Bộ Công An (BCA), vốn là lực lượng chủ yếu tiến hành cuộc đàn áp. Để thúc đẩy quá trình đàn áp, ông ta cần một người nào đó đứng cùng phe ông ta để kiểm soát BCA, người nào đó mà ông có thể tin tưởng, người nào đó đã được chứng minh là rất tàn nhẫn. Giang đã tự tay chọn lựa Chu Vĩnh Khang, mặc dù Chu không có bất cứ kinh nghiệm nào trong ngành cảnh sát.
Việc trở thành Bộ trưởng Bộ Công an không đảm bảo việc Chu bước vào trung tâm quyền lực chính trị một cách tự nhiên. Chưa từng ai lãnh đạo Bộ Công an có thể lọt vào nhóm những người ra quyết định.
Tuy nhiên, trường hợp của Chu là ngoại lệ. Đầu tiên Giang Trạch Dân hết nhiệm kì Tổng bí thư ĐCSTQ, và sau đó là chức vụ Chủ tịch nước. Ông ta rất cần đảm bảo rằng di sản chính yếu và có lẽ là duy nhất của ông ta, cuộc đàn áp Pháp Luân Công, sẽ vẫn tiếp tục sau khi ông nghỉ hưu.
Ông đã mở rộng số lượng thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị từ bảy người lên chín người, với hai thành viên mới được thêm vào là La Cán từ Uỷ ban Chính trị và Pháp luật. Lý Trường Xuân từ ban tuyên truyền. Trong khoảng thời gian đó, ông đã thay đổi nguyên tắc ra quyết định bên trong Ủy ban Thường vụ.
Nguyên tắc mới là: Mỗi thành viên tự lo công việc của anh ta và không ai có thể phủ quyết người khác. Nguyên tắc mới đảm bảo rằng Giang, mặc dù đã chính thức nghỉ hưu, vẫn có đủ số phiếu để ngăn chặn sự thay đổi đối với chính sách đàn áp Pháp Luân Công. Nó cũng đảm bảo rằng chỉ một người của Giang, La Cán, sẽ tiến hành cuộc đàn áp.
Khi La Cán nghỉ hưu vào năm 2007, Chu Vĩnh Khang thừa hưởng không chỉ cương vị lãnh đạo của Ủy ban Chính trị và Pháp luật mà còn cả chiếc ghế của La Cán trong Ủy ban thường vụ Bộ chính trị. Chu tiến nhập vào hàng ngũ lãnh đạo chóp bu thông qua lực lượng an ninh, điều chưa từng có tiền lệ trước đây. Điều này có thể xảy ra nhờ vào chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công của Giang Trạch Dân.
Cơ hội lớn thứ hai của Chu Vĩnh Khang đến vào năm 2008. Vào năm đó, Bắc Kinh tổ chức Thế vận hội Olympics. Mức độ an ninh của thế vận hội là cực kỳ nghiêm ngặt, nghiêm ngặt hơn bất cứ sự kiện thể thao nào khác. Liệu có thật sự cần thiết phải huy động 1 triệu người, bao gồm quân đội, cảnh sát vũ trang, cảnh sát và tình nguyện viên để ngăn chặn các cuộc tấn công không có thực? Thật ra, đó là điều cần thiết đối với Chu Vĩnh Khang.
Vào năm 2008, ĐCSTQ chính thức công bố “năm thế lực thù địch,” bao gồm những kẻ khủng bố, “những kẻ cực đoan trong tôn giáo,” và các nhóm ly khai sắc tộc. Cũng vào năm đó, ĐCSTQ đã chính thức thiết lập một hệ thống “duy trì ổn định,” nằm dưới sự kiểm soát của Ủy ban Chính trị và Pháp luật (UCP) và Chu Vĩnh Khang.
Chu Vĩnh Khang không sợ tình trạng rối loạn. Ông ta sợ nếu không có rối loạn. Nơi đâu có rối loạn, nơi đó có cơ hội cho Chu. Nếu không có rối loạn xảy ra, thì nó phải được tạo ra.
Từ khi thành lập hệ thống duy trì ổn định, Chu Vĩnh Khang đã thành công trong việc mở rộng tài nguyên của UCP và sử dụng các biện pháp được phát triển trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công để mở rộng áp dụng cho ‘các thế lực thù địch’. Chính bản thân Chu cũng nhờ đó mà mở rộng được quyền lực cá nhân của mình.
Tội tham nhũng, đảo chính, và mưu sát Tập Cận Bình- những tội danh này đều có thể xảy ra với người nắm giữ quyền lực vô hạn như ông ta. Quyền lực đó đến từ chính sách đàn áp Pháp Luân Công của Giang Trạch Dân và sau đó là từ hệ thống duy trì ổn định.
Tuy nhiên, Chu Vĩnh Khang sẽ khó có thể bị cáo buộc với tội danh chống lại nhân loại và hủy hoại hệ thống pháp trị ở Trung Quốc, mặc dù mục đích hạ bệ ông ta là để nhằm bảo vệ sự thống trị của Đảng.
[1]Song quy: tạm hiểu là “quy định kép”, nói đến những cách thức nằm ngoài luật pháp của Đảng nhằm khởi tố và trừng trị các thành viên, những người bị triệu tập đến một địa điểm và thời gian xác định để thẩm vấn. Viên chức vi phạm này có thể bị giam giữ vô thời hạn, bị từ chối đại diện hợp pháp, và không được phép liên lạc với thế giới bên ngoài.
Theo Vietdaikynguyen.com