Đòn trừng phạt mới này của EU sẽ ảnh hưởng nặng nề đến Rosneft
Các nước thành viên Liên minh châu Âu đã chính thức thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga do vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Các biện pháp này bao gồm hạn chế các đại công ty dầu khí nhà nước của Nga thu hút vốn từ các thị trường tài chính châu Âu.
Tuy nhiên, chúng sẽ bắt đầu có hiệu lực ‘trong vòng một vài ngày tới’ chứ không phải có hiệu lực ngay vào ngày 9/9 như nhiều người mong đợi.
Mơ hồ về thời gian
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nói các biện pháp này là nhằm để ‘thúc đẩy Nga thay đổi con đường làm bất ổn miền đông Ukraine’.
Tuy nhiên EU cũng chủ ý mơ hồ về thời hạn hiệu lực của các biện pháp cấm vận này để họ có thời gian đánh giá việc thực thi lệnh ngừng bắn được đồng ý hồi tuần trước, phóng viên châu Âu của BBC Chris Morris cho biết.
“Tùy vào tình hình trên thực địa, EU sẵn sàng xem xét lại toàn bộ hay một phần các lệnh trừng phạt,” ông van Rompuy nói.
Lệnh ngừng bắn dường như vẫn trụ vững mặc dù người đứng đầu Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, bên trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn này, mô tả nói là ‘dễ lung lay’.
“Tùy vào tình hình trên thực địa, EU sẵn sàng xem xét lại toàn bộ hay một phần các lệnh trừng phạt.”
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy
Trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, phe ly khai thân Nga đã có những bước tiến lớn ở miền đông Ukraine và chiếm được những khu vực gần với thành phố cảng chiến lược Mariupol.
Ngành khí đốt của Nga không bị đụng đến trong lệnh cấm vận mới nhất này. Tuy nhiên, các công ty dầu hỏa nhà nước lớn thì bị dính, chẳng hạn như Rosneft, vốn đã bị Mỹ trừng phạt trước đó.
Nga đã cảnh báo họ sẽ cấm các hãng hàng không quốc tế bay qua không phận của họ nếu EU vẫn áp dụng các biện pháp trừng phạt này.
Các nhà ngoại giao cho biết các công ty dầu khí Rosneft, Transneft và bộ phận dầu của Gazprom, công ty nhà nước độc quyền về khí đốt, đều bị trừng phạt.
Họ sẽ bị cấm tiếp cận thị trường tài chính. Đây là một vấn đề nghiêm trọng đối với Rosneft. Công ty này hồi tháng trước đã yêu cầu Chính phủ Nga cho vay 42 tỷ đô la Mỹ.
Poroshenko thăm tiền tuyến
Ông Poroshenko đã ủy lạo các binh sỹ đang chiến đấu ở Mariupol
Cũng trong ngày 8/9, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết phiến quân thân Nga đã thả 1.200 tù binh.
Việc thả tù binh này diễn ra sau khi có lệnh ngừng bắn vốn bao gồm điều khoản trao đổi tù binh, ông Poroshenko nói.
Ông Poroshenko đưa ra thông tin này trong khi đang đi thăm tiền tuyến ở Mariupol – nơi bị phe ly khai nã pháo liên tục trong những ngày qua.
Tại đây, Tổng thống Ukraine đã nói rằng hệ thống phòng thủ của thành phố sẽ được củng cố và phiến quân sẽ ‘thất bại tan nát’ nếu họ tiến vào thành phố.
Mariupol là thành phố cuối cùng ở vùng Donetsk vẫn nằm trong tay quân Chính phủ Ukraine và là một hải cảng chiến lược án ngữ cửa ngõ vào bán đảo Crimea vốn đã bị Nga sáp nhập hồi tháng Ba.
Các biện pháp cấm vận mới này cũng mở rộng danh sách các quan chức và cơ quan Nga bị chế tài đi lại và đóng băng tài sản, trong đó có các lãnh đạo phe ly khai ở đông Ukraine.
Trước đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo Moscow sẽ đáp trả ‘tương xứng’ các biện pháp trừng phạt mới.
Nếu lệnh cấm không phận Nga được đưa ra thì ‘nhiều hãng hàng không đang khốn khó sẽ phá sản’, ông được một tờ báo Nga dẫn lời nói.
‘Khí đốt là chuyện khác’
Châu Âu sẽ khó xoay sở nếu đường ống khí đốt của Nga bị gián đoạn
Nhận định về gói trừng phạt mới này, phóng viên kinh tế của BBC Andrew Walker, nói:
“Rosneft có vai trò rất quan trọng trong thị trường năng lượng châu Âu. Khoảng 90% lượng dầu thô EU tiêu thụ là được nhập khẩu và Nga là nhà cung cấp lớn nhất vượt xa các nhà cung cấp khác.
Gói trừng phạt này dường như không ảnh hưởng trực tiếp đến việc này. Chúng chỉ cấm Rosneft tìm vốn từ các thị trường tài chính châu Âu.
Tuy nhiên với việc dầu thô được vận chuyển chủ yếu bằng đường biển nếu như nó bị gián đoạn thì EU có thể tìm nhà cung cấp khác thay thế Nga. Điều chắc chắn là sẽ tốn chi phí hơn nhưng có thể làm được.
Còn khí đốt là chuyện khác. Đó là lý do tại sao ngành kinh doanh chính của Gazprom không nằm trong danh sách cấm vận lần này.
Khí đốt từ Nga được vận chuyển đến châu Âu thông qua các đường ống và EU sẽ rất khó xoay sở nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn chứ không như dầu khí được đưa vào bằng đường biển.”
Theo BBC