Hãng tin PTI (Ấn Độ) cho biết chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động đã làm gia tăng bầu không khí căng thẳng trong chính trường Trung Quốc. Chỉ tính riêng tháng 7-2014, ít nhất 6 quan chức tự kết liễu đời mình. Trước đó, hồi tháng 3, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Tin tức Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Ngũ Phong nhảy lầu tự vẫn.
Ông Tề Hạnh Phát, học giả của Trường ĐH Sư phạm Hoa Đông, nói với tờ The New York Times: “Các cán bộ tham nhũng ở các mức độ khác nhau và lúc nào cũng có thể bị điều tra. Thông tin vừa được đưa ra vào buổi sáng thì ngay buổi chiều, họ đã bị giam giữ. Điều đó thực sự đáng sợ. Sau một thời gian, cảm giác tội lỗi vì hành vi hối lộ, tham nhũng có thể khiến quan chức tìm đến cái chết”. Tờ Đại Công báo dẫn lập luận của ông Tào Kiến Minh, chuyên gia nghiên cứu về tham nhũng của Trường ĐH Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh, cho rằng tự tử có thể là cách để quan chức bảo vệ gia đình và phe cánh. Đó là do “các quan chức bị điều tra rơi vào tình thế phải tiết lộ bí mật cũng như khai ra các đồng nghiệp và bạn bè của họ”, theo lời một đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc nói với báo The Times of India.
Trong một diễn biến khác, hãng tin Reuters ngày 11-9 dẫn nguồn tin riêng cho biết nhà chức trách Trung Quốc đang tìm kiếm bằng chứng về mối liên hệ giữa cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang với cái chết của người vợ đầu Vương Thục Hoa. Cho đến nay, không có mấy thông tin về vụ tai nạn xe hơi cướp đi sinh mạng của bà Vương vào năm 2000, không lâu sau khi ly dị chồng. Theo truyền thông Trung Quốc, có ít nhất một chiếc xe mang biển quân sự liên quan đến vụ tai nạn. Có thể nói nỗ lực tìm kiếm mối liên hệ trên nhằm củng cố việc khởi tố ông Chu Vĩnh Khang.
Theo NLD