Giới tài phiệt Hong Kong lũ lượt kéo về Bắc Kinh để bàn cách đối phó với phong trào đòi dân chủ của sinh viên.
Trong lúc hàng ngàn sinh viên Hong Kong đang bắt đầu chiến dịch bãi khóa kéo dài một tuần để đòi quyền dân chủ cho đặc khu hành chính này, một nhóm tài phiệt hàng đầu của thành phố đã kéo về Bắc Kinh để thảo luận tương lai chính trị của vùng đất này với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
400 học giả Hong Kong kêu gọi người dân sát cánh cùng sinh viên đấu tranh đòi dân chủ
Các nhà tài phiệt Hong Kong đến Bắc Kinh lần này là những “ông trùm” trong nhiều lĩnh vực, từ bất động sản cho tới ngân hàng và sản xuất, bao gồm cả các đại diện của các tổ chức kinh doanh Hong Kong và các ủy viên Chính hiệp Trung Quốc.
Báo chí Hong Kong cho hay đoàn đại biểu này có hơn 60 người, với đoàn trưởng là cựu Trưởng đặc khu Hong Kong Tung Chee-hwa, một nhân vật xuất thân từ gia tộc đóng tàu giàu có.
Đây là đoàn lãnh đạo doanh nghiệp lớn nhất của Hong Kong tới Bắc Kinh kể từ năm 2003 đến nay, khi Hong Kong chấn động bởi làn sóng biểu tình quy mô lớn phản đối việc chính quyền định thông qua một dự luật chống lật đổ có tên gọi là Điều 23. Sau cuộc biểu tình này, ông Tung buộc phải từ chức và dự luật kia bị xếp xó.
Hầu hết các nhà tài phiệt Hong Kong đều có lợi ích rất lớn ở Trung Quốc đại lục, và thường hậu thuẫn hoặc im lặng trước các chính sách của Bắc Kinh đối với Hong Kong. Nhóm tài phiệt này cũng có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình lựa chọn nhà lãnh đạo Hong Kong.
Các nhà tài phiệt này đã chỉ trích các nhà hoạt động dân chủ của Hong Kong, những người đang đấu tranh đòi Trung Quốc chấm dứt can thiệp vào cuộc bầu cử lựa chọn nhà lãnh đạo của họ bằng quy định chỉ có những nhân vật được Bắc Kinh chỉ định mới được quyền ra tranh cử.
Ông Tung Chee-hwa, cựu trưởng đặc khu Hong Kong dẫn đầu đoàn tài phiệt đến Bắc Kinh
Ông Lui Che-woo, chủ tịch tập đoàn xây dựng K Wah Group và là nhà sáng lập công ty đánh bạc Galaxy ở Macau, một trong những nhà tài phiệt tham gia đoàn này tuyên bố thay vì bãi khóa, sinh viên Hong Kong nên làm gì đó “tích cực” cho sự phát triển của Hong Kong.
Trong số các thành viên đoàn tài phiệt này có người giàu nhất châu Á Li Ka-shing, chủ tịch công ty Cheung Kong và ông Lee Shau-kee, chủ tịch công ty phát triển đất đai Henderson. Chuyến đi này được xem là cơ hội để giới tài phiệt Hong Kong bày tỏ quan điểm về tương lai chính trị của thành phố này với Bắc Kinh.
Giáo sư Willy Lam thuộc Đại học Hong Kong nhận định: “Đây là lúc Bắc Kinh gửi thông điệp đến các tài phiệt Hong Kong rằng nếu họ không ủng hộ Bắc Kinh một cách quyết liệt, lợi ích kinh doanh của họ ở đại lục và Hong Kong sẽ bị ảnh hưởng. Tất nhiên, thông điệp đó sẽ được truyền đạt một cách rất tinh vi”.
Giáo sư Lam cho rằng chuyến đi của các tài phiệt Hong Kong thể hiện một vị thế mong manh của Bắc Kinh hiện nay. Ông nói: “Họ biết người dân Hong Kong vẫn rất không hài lòng với cơ chế bầu cử do họ đề xuất. Thế nên họ cần những ông lớn có nhiều tiền của và ảnh hưởng để có thể thuyết phục được dư luận”.