Trung Quốc đã triển khai giàn khoan mới đến biển Hoa Đông, khu vực Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, ngày 3-9.
Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 3-9, giàn khoan mới có tên Khải Hoàn – 1 (Kaixuan-1) do công ty đóng tàu Cosco đóng. Hiện chưa rõ vị trí neo đậu giàn khoan này có nằm gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hay không.
Ngày 17-7, giàn khoan được công ty đóng tàu Cosco chuyển giao cho Cơ quan dịch vụ giàn khoan Trung Quốc, vốn thuộc Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc. Đến nay, cả hai đơn vị này vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về thông tin trên.
Theo thông báo của Cosco, Khải Hoàn-1 đã có sự khởi đầu suôn sẻ để thực hiện các hoạt động khoan dầu cũng như đủ khả năng chống chọi với bất kỳ cơn bão nào. “Khải Hoàn-1 là hệ thống giàn khoan tiên tiến có khả năng khoan sâu tới 5.200 m” – thông báo nêu rõ.
Tuần báo Thượng Du cho biết Khải Hoàn-1 dài 66,71 m, rộng 67,06 m, có giá trị khoảng 180 triệu USD.
Năm 1995, Bắc Kinh tuyên bố đã phát hiện mỏ khí đốt tự nhiên dưới lòng biển Hoa Đông. Trung Quốc gọi là mỏ Xuân Hiểu, còn Nhật Bản gọi là Shirakaba. Trung Quốc khẳng định Xuân Hiểu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình song Nhật Bản phản đối quyết liệt và cho rằng đó là EEZ của Tokyo.
Đến năm 2008, hai bên nhất trí cùng phát triển và khai thác mỏ khí đốt trên nhưng cho đến nay chưa đạt được thêm bước tiến nào.
Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền gay gắt tại khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Nguy cơ đối đầu quân sự gia tăng khi cả hai nước đều phái tàu và máy bay tới khu vực này.
Thời gian qua, Bắc Kinh cũng gây căng thẳng với các nước láng giềng liên quan chủ quyền biển đảo gồm tranh chấp với Philippines và Việt Nam ở biển Đông.
Hồi tháng 5, Trung Quốc đẩy căng thẳng leo thang khi triển khai giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đến giữa tháng 7, Bắc Kinh rút giàn khoan sau khi tuyên bố hoàn thành công việc khảo sát.
Theo NLD