Để phát triển quân đội tiến lên hiện đại cần có một ngành công nghiệp quốc phòng phát triển. Thời gian vừa qua, ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng.
Chế tạo thành công nhiên liệu tên lửa
Mấy năm trước, Viện Thuốc phóng-Thuốc nổ của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã chế tạo thành công thỏi nhiên liệu tên lửa hỗn hợp ký hiệu là 9X195. Đây là loại nhiên liệu dùng cho động cơ tên lửa hành trình, tên lửa phòng không.
Nhiên liệu tên lửa hỗn hợp được sử dụng phổ biến trong nhiều loại tên lửa từ tầm ngắn đến các loại tên lửa cấp chiến dịch, chiến lược. Thành phần của nhiên liệu tên lửa hỗn hợp gồm chất cháy-kết dính, chất ô-xi hóa và các phụ gia năng lượng cao như bột nhôm, các chất nổ mạnh, phụ gia tốc độ cháy, phụ gia công nghệ…
Việt Nam đã có thể chủ động được nhiên liệu tên lửa.
Theo báo Quân đội Nhân dân năm 2012 đưa tin: Công nghệ sản xuất thỏi nhiên liệu tên lửa hỗn hợp rất phức tạp và luôn được các quốc gia giữ bí mật. Vì vậy, việc nghiên cứu chế tạo thành công thỏi nhiên liệu tên lửa hỗn hợp 9X195 có ý nghĩa quan trọng, khẳng định năng lực từng bước làm chủ công nghệ hiện đại của đội ngũ các nhà khoa học kỹ thuật quân sự Việt Nam.
Sản phẩm của đề tài có thể sử dụng để hỗ trợ công tác nghiên cứu, đào tạo, chế tạo thử nghiệm nhiên liệu tên lửa hỗn hợp và ứng dụng để sản xuất thỏi nhiên liệu tên lửa hỗn hợp quy mô phòng thí nghiệm, nhằm phục vụ cho trang bị, thay thế một số thỏi nhiên liệu của động cơ hành trình tên lửa đang có trong trang bị, đồng thời mở ra khả năng tự sản xuất các tổ hợp tên lửa phòng không.
Nghiên cứu thành công sơn tàng hình
Công nghệ tàng hình ngày càng có vai trò quan trọng trong việc chế tạo các loại vũ khí, thiết bị quân sự để đảm bảo tỉ lệ sống sót của nó trước các loại radar của đối phương. Các nhà khoa học quân sự Việt Nam cũng đã tích cực nghiên cứu lĩnh vực này và đã đạt được thành tựu quan trọng. Đó là chế tạo thành công sơn hấp thụ sóng radar kí hiệu PD/RAP-MEH.
Sơn tàng hình là một vật liệu quan trọng để đảm bảo cho các mục tiêu quân sự sống sót trước radar đối phương trong chiến tranh hiện đại. Ảnh minh họa.
Sản phẩm do Viện Khoa học và Công nghệ quân sự chế tạo. Đây là loại vật liệu đặc biệt dùng để sơn phủ lên bề mặt các mục tiêu quân sự nhằm bảo vệ mục tiêu trước sự phát hiện, định vị của radar đối phương.
Theo đó, sơn PD/RAP-MEH có tác dụng hấp thụ sóng radar nhờ sự thay đổi hệ chất kết dính và tham số cấu trúc của màng… Được biết các nguồn nguyên liệu để sản xuất sơn này có sẵn ở trong nước nên chi phí chế tạo thấp mà hiệu quả không thua kém so với sản phẩm nhập ngoại.
Tự đóng được tàu chiến hiện đại
Tháng 6 vừa qua, Việt Nam vừa hạ thủy cặp tàu tên lửa tự đóng thứ 2. Các tàu này thuộc lớp Molniya do Việt Nam tự đóng theo giấy phép và dây chuyền công nghệ của Nga.
Các tàu Molniya dài 56,9m, rộng 10,2m với trọng tải 510 tấn.
Một tàu Molniya trong cặp đầu tiên do Việt Nam tự đóng.
Mặc dù trọng tải nhỏ nhưng ưu điểm của tàu này là tốc độ cao và hỏa lực mạnh. Tàu được trang bị đến 16 ống phóng tên lửa với các tên lửa được sử dụng là Kh-35 Uran-E. Tên lửa này có tầm bắn 130 km với đầu đạn theo lý thuyết có thể diệt tàu chiến 5000 tấn của đối phương.
Ngoài ra trên tàu còn có 1 pháo hạm tốc độ cao cỡ nòng 76mm và nhiều hệ thống thiết bị điện tử hiện đại khác.
Bên cạnh các tàu Molniya, ngành đóng tàu quân sự Việt Nam còn đạt được một thành tựu quan trọng khác với việc tự thiết kế và đóng thành công tàu pháo TT-400TP.
Từ năm 2010, Việt Nam bắt đầu nghiên cứu thiết kế loại tàu này. Sau 2 năm xây dựng, con tàu đầu tiên đã được hạ thủy thành công.
Tàu TT-400TP trang bị hệ thống vũ khí hiện đại với pháo hạm cao tốc AK-176 và pháo cao tốc (AK-630). Ngoài ra có tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp cùng nhiều hệ thống quang-điện tử hiện đại khác tích hợp như radar, hệ thống nhận diện địch ta…
Chế tạo thành công máy bay không người lái
Theo tin từ Viện Kỹ thuật quân sự Phòng không-Không quân, đơn vị này hồi tháng 7 đã chế tạo và thử nghiệm thành công mẫu máy bay không người lái tốc độ cao UAV-02 có những tính năng kỹ-chiến thuật vượt trội.
Cụ thể UAV-02 có sải cánh 2,8m, dài 2,5m. Nó có thể bay nhanh tối đa 250 đến 350 km/h với trần bay 8000m và tầm hoạt động 100 km.
Máy bay không người lái UAV-02 do Việt Nam tự sản xuất.
UAV-02 đã được đưa vào sân bay Thọ Xuân để thử nghiệm làm mục tiêu cho các máy bay Su-30MK2 tập chặn kích. Đợt thử nghiệm được đánh giá rất thành công cho thấy UAV-02 hoàn toàn đáp ứng được nhiệm vụ này.
Viện Kỹ thuật quân sự PK-KQ cho biết đơn vị đang tiếp tục hoàn thiện 2 mẫu tiếp theo là UAV-03 và UAV-04 với những cải tiến về công nghệ như hệ thống điều khiển độc lập dẫn đường quán tính INS, nâng tốc độ hành trình cho UAV lên 0,85 Mach (cận âm) và tăng bán kính hoạt động để có thể bay giám sát biển, đảo…
Chế tạo thành công giáp chống tên lửa B-72 cho xe tăng
Để bảo vệ xe tăng trước các loại vũ khí chống tăng, các cán bộ kỹ thuật thuộc Viện Thuốc phóng, thuốc nổ (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã nghiên cứu, chế tạo thành công một loại giáp trang bị cho xe tăng chống được sự tấn công của một số vũ khí, đặc biệt là tên lửa chống tăng B72-loại vũ khí chống tăng hiệu quả, đang được rất nhiều nước trên thế giới sử dụng.
Xe tăng T-54 của Quân đội Việt Nam. Ảnh minh họa.
Để chống lại tên lửa B-72, các nhà khoa học ở Viện Thuốc phóng – Thuốc nổ đã lựa chọn phương án tạo một vụ nổ chủ động khác đặt giữa dòng tập trung và mặt cần bảo vệ. Với cách này, áp suất cao của sản phẩm nổ do vụ nổ chủ động gây ra sẽ tác động trực tiếp vào các phần tử động năng của dòng tập trung làm thay đổi hướng của các phần tử động năng, làm mất tính đẳng hướng khi đâm xuyên của dòng tập trung; góp phần làm tán xạ dòng, làm cho mật độ dòng không còn cao khiến mật độ năng lượng của dòng không cao, dẫn đến giảm khả năng xuyên, thậm chí mất khả năng xuyên; tác động vào chuôi dòng làm mất nguồn cung cấp vật chất cho quá trình hình thành dòng.
Miếng giáp phản ứng nổ gồm ba phần: Phần tử nổ, thân hộp giáp và cơ cấu gá, trong đó, phần tử nổ là bộ phận chính có chức năng cản xuyên, được thiết kế lượng nổ kẹp giữa hai tấm thép. Theo tính toán, giáp phản ứng nổ tăng khả năng bảo vệ xe tăng trước các loại vũ khí chống tăng thông thường có chiều sâu xuyên thép dưới 450mm.
Làm chủ công nghệ nhiệt luyện nòng pháo
Nòng pháo là chi tiết làm việc trong điều kiện rất khắc nghiệt về nhiệt độ và áp suất nên đòi hỏi phải có cơ tính tổng hợp cao, trong đó đặc biệt chú ý đến độ bền, độ dai va đập và khả năng chống mài mòn. Quá trình chế tạo nòng pháo phải kết hợp nhiều công nghệ như công nghệ nấu luyện, đúc thép; công nghệ gia công cắt gọt; công nghệ mạ lỗ nòng và đặc biệt quan trọng là công nghệ nhiệt luyện.
Việt Nam đã làm chủ được công nghệ nhiệt luyện nòng pháo.
Quá trình nhiệt luyện là yếu tố giúp đảm bảo độ bền, tuổi thọ cao cho nòng khi làm việc trong điều kiện nhiệt độ và áp suất rất cao. Theo tin từ báo Quân đội nhân dân, công nghiệp quốc phòng nước ta hiện đã nhiệt luyện được nòng pháo súng cối 100mm, nòng súng DKZ82-B10 có chiều dài 1.400mm; phôi nòng SPG-9 có chiều dài 2.300mm khối lượng khoảng 100kg; nghiên cứu nhiệt luyện thành công phôi nòng pháo 37mm có chiều dài 2.500mm, khối lượng hơn 200kg; chế tạo thành công thiết bị nung tôi tần số công suất 300kW…
Trần Vũ
2014-10-30 23:56:14
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/5-tien-bo-quan-trong-cua-cong-nghiep-quoc-phong-viet-nam-a160226.html