Những bức vẽ tiền sử về loài “lợn-hươu” và phác họa bàn tay người có niên đại ít nhất 40.000 năm in trên vách bảy hang động tại hòn đảo Sulawesi, Indonesia đã viết lại lịch sử nghệ thuật thế giới.
Kết quả tính toán dựa trên độ phân rã urani cho thấy, 12 mẫu phác thảo bàn tay màu đỏ và 2 hình vẽ chi tiết của loài động vật khá giống lợnhươu (pig-deer) được tìm thấy tại Sulawesi, phía đông nam đảo Borneo, Indonesia có niên đại khoảng 35.000 – 40.000 năm tuổi, tương đương với khoảng thời gian ra đời của những bức bích họa được tìm thấy ở Tây Ban Nha và một hang động nổi tiếng tại Pháp.
Đây cũng là một trong những hình vẽ tay tồn tại từ ít nhất 39.900 năm trước ở Indonesia, đồng thời là bản vẽ lâu đời nhất được khoa học biết đến, theo một nghiên cứu mới được công bố hôm Thứ Tư (8/10) trên tạp chí Nature.
Đã có hơn 100 bức tranh hang động được tìm thấy ở Indonesia kể từ năm 1950. Năm 2011, các nhà khoa học phát hiện một số điểm nhô lên kỳ lạ trên các bức vẽ được gọi là cavepopcorn. Bằng cách sử dụng công nghệ phân rã urani tiên tiến, các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra cavepopcorn và xác định được niên đại gần 40.000 năm của bức vẽ.
Mặc dù không thuộc nhóm nghiên cứu nhưng nhà sinh vật nhân chủng học John Shea thuộc ĐH Stony Brook, New York gọi đây là một khám phá quan trọng làm thay đổi suy nghĩ của giới khoa học về con người và nghệ thuật cổ xưa.
Trước phát hiện này, các chuyên gia từng cho rằng châu Âu là cái nôi của nghệ thuật thế giới. Hiểu biết về thời điểm nghệ thuật ra đời rất quan trọng bởi “đó là ranh giới xác định sự phát triển của nhân loại”, nhà khảo cổ và địa hóa học Maxime Aubert tại Đại học Griffith ở Úc nói.
Shea cho biết, “Sẽ rất khó để thực hiện những bức vẽ như vậy, họ (tác giả các bức vẽ trong hang động tại Indonesia) thậm chí còn là những chuyên gia vượt xa chúng ta hiện giờ trong lĩnh vực này”.
Thiên Hà, Hồ Duyên – Theo Epoch Times, Reuters