ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: ZeroEnergyVN
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Ký sự Organic – Kỳ 2: Bài ca không dễ hát
Friday, October 3, 2014 6:46
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Thực phẩm “sạch” trong các siêu thị giờ đây không còn an toàn nữa, vì không ai kiểm định dư lượng hóa chất của nó có ở mức “cho phép” hay không, nhưng dù dư lượng “cho phép” đi chăng nữa thì nhiều người vẫn không thích.
B4INREMOTE-aHR0cDovLzMuYnAuYmxvZ3Nwb3QuY29tLy1PWHkxU2Y3M2dSUS9WQzJBSjY5SUo3SS9BQUFBQUFBQVJRUS9Ucm5HM0ZHT2FNSS9zMTYwMC9PcmdhbmljLWFuaHRyb25nYmFpLmpwZw==
Trong vườn organic cây ăn trái có thể chen nhau xanh tốt với cây rừng
mà không cần phân bón, thuốc trừ sâu
Dân thành thị bây giờ đổ xô tìm mua thực phẩm hữu cơ (Organic foods), là thứ đối với rau quả thì không sử dụng phân hóa học, không phun thuốc trừ sâu, đối với thịt cá thì không sử dụng hóa chất trong thức ăn, không dùng thuốc kháng sinh, không dùng thuốc kích thích tăng trưởng. Trên thị trường đang quảng cáo các thực phẩm như vậy, giá mắc hơn thực phẩm thường. Nhiều người đã mua, đã ăn, nhưng chưa ai mục sở thị chúng được làm ra như thế nào, có thật như quảng cáo hay không.
Nông nghiệp hữu cơ (Organic farming), cao hơn nữa là nông nghiệp tự nhiên (Natural farming) trên thế giới có hai vị “sư tổ”, là ông Bhaskar Save, người Ấn Độ và ông Masanobu Fukuoka người Nhật. Bhaskar Save, một lão nông được tôn là vị thánh sống của ruộng vườn organic, còn Masanobu Fukuoka là vị giáo sư đạt đến cảnh giới vô vi trong nông nghiệp tự nhiên. Đọc những gì hai ông viết và những gì người ta viết về hai ông, tôi bỗng nhớ ông nội bà nội tôi, bởi vì những gì mà hai ông làm cũng na ná như những gì mà ông bà tôi đã làm ngày xưa. Tôi cũng nhớ làng tôi, cái làng trong lành đến mức thỉnh thoảng có anh chàng từ thị trấn về đây “cưa gái”, trên đường phì phèo điếu thuốc thơm là cả làng nghe mùi.
Thức ăn của tổ tiên ông bà chúng ta chính là organic foods, giờ đây thứ thức ăn đó đã tuyệt chủng, còn chăng chỉ có ở những nơi tít mù ngoài tầm hướng dẫn của các bề trên nông nghiệp. Những cái làng trong lành như làng tôi cũng đã tuyệt chủng.
Viết về thực phẩm hữu cơ, các nhà báo của chúng ta thường cao giọng đề cao hay phản biện, nhưng cũng chỉ nghe, đọc hoặc nhìn những thứ được bày bán mà chưa ai có cơ hội trải nghiệm. Cho nên những bài báo loại này không khác mấy những lời đồn. Để viết được những gì mà lão nông Bhaskar Save làm, một nhà khoa học Ấn Độ đã phải tình nguyện theo ông suốt 30 năm.
Ở Ấn Độ, cuộc cách mạng xanh có sức mạnh mãnh liệt xua đuổi đói nghèo trong ngắn hạn, song đã để lại những di hại khủng khiếp cho môi trường sống, nghĩa là tích tụ nghèo đói cho tương lai, nhưng cũng có một làn sóng ngược mãnh liệt không kém để hồi phục thiên nhiên mà lão nông Bhaskar Save là đại biểu. Đến nay Ấn Độ đã cấp chứng nhận 2,5 triệu ha đất trang trại đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Còn nước ta thì sao ? Quá khứ thì tuyệt chủng, hiện tại chưa có gì, còn tương lai thì mù mịt. Một số trang trại, một số nhà vườn đang nỗ lực đi theo hướng này nhưng chưa ai tin, hớ một chút là bị các nhà báo không có chút thực tế nào lớn tiếng “phản biện”.
Từ lâu tôi đã nung nấu ý định về quê kiếm đất trồng cây nuôi heo nấu cơm cho vợ, như ngày xưa ông nội tôi đã làm. Cách đây hai năm, theo sự “xúi giục” của cựu Tổng Biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế, gia đình tôi đến xã này mua một mảnh đất với giá 1 ha, chưa bằng giá 1 mét vuông đất ở trung tâm Hà Nội, quyết trồng trọt chăn nuôi theo cách của ông bà chúng tôi, có học hỏi những lời dạy của các vị “sư tổ”. Thành bại chưa tính đến, mục đích là tạo một chỗ cho sau này gia đình được tự do “hát câu no lành”, cũng là để trải nghiệm xem có làm được organic hay không, nhằm phục vụ hữu ích cho nghề báo. Em trai tôi, một nông dân “cày đường nhựa” ở Củ Chi, có chút ít kinh nghiệm làm vườn từ thời ba tôi trồng dâu nuôi tằm ở Bảo Lộc, tình nguyện lên coi ngó. Vợ chồng tôi cũng làm trực tiếp trong thời gian có thể.
Điều may mắn là mảnh đất chúng tôi mua phần lớn vẫn còn hoang hóa chưa ai canh tác, nửa phía dưới sát bầu một phần còn đầm lầy mọc nhiều cỏ ống, rải rác vẫn còn một số cây của rừng nguyên sinh còn sót lại.
Việc đầu tiên là giữ nguyên những cây rừng, từ bụi mua, bụi dũ dẽ đến cây sến, duối, gáo, găng tu hú …, chỉ chặt bỏ những cây “ngoại lai” và dọn sạch mọi thứ rác rưởi vô cơ. Đương nhiên tất cả các loại cỏ đều giữ, riêng cỏ ống và cỏ tranh được ưu tiên bảo vệ. Chúng tôi khoanh lại một khoảnh 1/3 diện tích, đem cỏ ống phía dưới lên trồng kín, xen với sậy, rồi trồng rải trên đó tre, chuối, mít, khế, ổi, bưởi, chanh.., tất cả đều là cây “thuần Việt”, không trồng cây lai. Người chúng tôi thuê cuốc đất trồng cỏ ống thỉnh thoảng tủm tỉm cười, chắc nghĩ ông bà này điên.
Để “đa dạng hóa” các loại cây con “thuần Việt”, chúng tôi nhờ người thân tìm mua : gà kiến, heo cỏ, tre mỡ, trụ lông (một loại bưởi nổi tiếng ở làng Đại Bình), cau, chuối (chuối sứ hột, chuối cau, chuối thanh tiêu) và … phân bò từ Quảng Nam gửi vào. Chúng tôi mua giống ổi găng từ Hà Nội, bắp thì lấy những trái bắp giống cổ truyền bà con dân tộc treo giàn bếp ở Quảng Trị. Nhà báo Võ Như Lanh (cựu Tổng Biên tập thời báo Kinh tế Sài Gòn) có lần lên thăm đã thú vị cười ngất khi nghe tôi nói mang phân bò từ Quảng Nam vào, chẳng cần giải thích ông cũng hiểu tôi đem số phân bò đó không phải để bón cây mà … rải khống trên đất, cho những mầm cỏ dại từ quê tôi theo phân bò vào đây tự mọc.
Cái khoảnh đất khoanh riêng đó chúng tôi nuôi heo kết hợp với nuôi gà. Quanh chỗ ở làm giàn bầu bí, phía dưới trồng rau. Diện tích còn lại từ từ nghiên cứu làm các thứ khác. Chỗ lầy trũng đào thêm thành ao để “dụ” cá hoang dã từ bầu lên ở, thả thêm cá thác lác và cá rô đồng tự nhiên, mặc cho chúng tự sống tự sinh, hoàn toàn không cho ăn.
Thành công đầu tiên là một giàn bầu và giàn đậu rồng trĩu quả, không biết làm gì cho hết trái. Thử đem ra chợ, 10 kg bầu 100% organic bán được … 30 ngàn đồng. Nhìn giàn bầu mà chán ngán.
Một hôm, nhìn qua bên kia hàng rào nơi đang trồng sắn, thấy chị chủ vườn mang bình xịt phun thuốc. Tôi hỏi chị phun gì, bảo phun thuốc diệt rầy sáp. Mấy hôm sau, nhìn đám ổi, đám bưởi vườn nhà thấy rầy sáp dày đặc, kéo theo là đám kiến hôi bám đầy. Rầy sáp ăn hại mầm cây và tiết ra chất ngọt hấp dẫn kiến hôi, kiến hôi vừa ăn chất ngọt do rầy sáp tiết ra vừa rỉa rói nhựa cây, đồng thời mang rầy sáp đi phát tán. Theo chân rầy sáp, nấm bồ hóng phủ xuống làm lá cây thân cây đen kịt. Trên cây trồng cũng đầy các thứ sâu to sâu nhỏ. Nhìn sâu rầy thi nhau đua nở mà phát rầu. Nghe nói kiến vàng là thiên địch của sâu rầy, tôi tìm tổ kiến treo lên mấy cây bưởi, chắc bắp sẽ hữu hiệu. Ngặt nỗi gà nhà tôi là gà kiến, vốn hảo món kiến, nên chúng ăn hết kiến dưới gốc rồi nhảy lên tổ kiến ăn sạch cả kiến lẫn trứng. Ba lần bảy lượt treo ổ kiến đều thất bại. Thử treo ổ kiến chỗ không có gà, cũng không được, vì bị kiến hôi tiêu diệt. Kiến vàng treo nhiều lắm chỉ đôi ba tổ, còn kiến hôi dù nhỏ con hơn nhưng thiên la địa võng dưới đất, lực lượng bao giờ cũng áp đảo, kiến vàng làm sao mà chống nổi. Phải xịt thuốc ư ? Nếu vậy thì chúng tôi lên đây làm gì cho tốn sức. Đành mặc kệ nó.
Mới một khúc dạo đầu đã thấy bài ca Organic hoàn toàn không dễ hát. Được cái an ủi là chim chóc đã về, sáng chiều hót líu lo. Tre phát triển thành bụi, ong rừng bắt đầu về làm tổ… (còn tiếp)
Nguồn Thanh nien
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.