Những chiếc bình pha lê
Wednesday, October 15, 2014 13:31
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Tình yêu, và rất nhiều thứ tình cảm đẹp đẽ khác nữa, đều mang trong nó nhiều sắc thái, nhiều thang bậc và nhiều dị bản. Trong những sắc thái, thang bậc hay dị bản ấy đều có một thứ tình cảm làm xương sống bên trong cho mọi thứ bám vào, một thứ tình cảm giống như khi người ta thấy một cây hoa đang khô héo thì họ muốn vun tưới để nó tươi tốt trở lại, giống như khi người ta thấy một viên ngọc còn thô bị hắt hủi thì họ muốn tạo tác để nó tìm thấy vị trí xứng đáng của mình… Thứ tình cảm ấy, tôi gọi là “lòng yêu”.
Ở một góc nhìn nào đó, lòng yêu chứa trong mỗi con người cũng giống như một thứ cam lộ quý giá chứa trong những chiếc bình pha lê. Những giọt nước ấy tưới vào những mầm cây, những mầm cây trở nên sum suê, xanh tốt. Những giọt nước ấy tưới lên đất đai khô cằn, đất đai khô cằn trở thành những cánh đồng phì nhiêu. Những giọt nước ấy tưới lên những con người, những con người trở nên mạnh mẽ, cao thượng. Những giọt nước ấy đổ đầy vào cuộc sống, cuộc sống bỗng chốc đẹp đẽ như thiên đường… Những giọt nước ấy là những giọt nước kỳ diệu.
Vậy những giọt nước ấy đến từ đâu?
Khi sinh ra, con người không có sẵn trong mình lòng yêu, như những chiếc bình pha lê không có sẵn những giọt nước. Nhờ có giáo dục mà con người biết đến sự cao thượng, biết đến đức hi sinh, biết đến lòng đồng cảm, biết đến lẽ công bằng, biết đến sự dâng hiến, biết đến tình nhân loại, biết đến tính nhân văn… và đó là những thứ nguyên liệu cần thiết để điều chế lòng yêu. Tất nhiên, trong công thức điều chế ấy luôn cần chất xúc tác là lòng yêu mà người khác trao tặng – thứ mà hầu hết chúng ta đều đã nhận được từ gia đình và những người thân ngay từ hồi nhỏ. Hầu hết, nhưng không phải là tất cả.
Khi một con người đã biết điều chế lòng yêu cho mình, họ sẽ tìm thấy trong cuộc sống này bao nhiêu là nguyên liệu cho nó. Một chú chim non đang chập chững tập bay, một bông hoa đang nở nụ cười hàm tiếu, một con gà lạc mẹ kêu những tiếng kêu khắc khoải, hay một chiếc lá non bị bứt xuống mặt sông cũng có thể gợi lên trong họ lòng yêu. Một đứa trẻ khóc òa vì cú ngã đầu tiên khi tập đi, một người thầy đặt cặp kính xuống bàn sau khi miệt mài bên giáo án, một người lính vội ép một cánh hoa trong trang sổ nhỏ, hay một cô gái phải làm điếm để nuôi các em thơ… cũng có thể gợi lên trong họ lòng yêu. Và cứ thế, cứ thế, lòng yêu trong họ lớn dần, lớn dần, như một trái tim không ngừng đón nhận những dòng tinh hoa của đất trời tuôn chảy. Và rồi, họ trở thành một chiếc bình pha lê đầy ắp những yêu thương.
(Lòng yêu là sự phản chiếu và chắt lọc tinh túy từ đất trời)
Nhưng yêu thương là để trao đi, cũng giống như những giọt nước là để tham gia vòng tuần hoàn vĩ đại của nước. Sự sống nảy sinh nhờ những dòng chảy bất tận như thế, và tình yêu, và hạnh phúc con người cũng nảy nở nhờ vào sự trao đi lòng yêu giữa người với người.
Những con người ích kỷ là những chiếc bình bé xíu, những chiếc bình tự đóng kín vòm miệng lại để không cho nước chảy ra. Như thế, nước không chảy ra được thì nước cũng không chảy vào được.
Những con người nhút nhát là những chiếc bình có miệng vòm rất nhỏ. Bao nhiêu yêu thương đổ vào cũng chẳng đọng lại được bao nhiêu. Và vì thế mà cũng chẳng thể trao gửi nhiều yêu thương.
Những con người tham lam giống như một chiếc bình thủng đáy. Nước đổ vào rồi cũng ngấm ra. Nên với họ, bao nhiêu lòng yêu dành cho cũng là không đủ, và họ cứ muốn hơn nữa, hơn nữa… Màà họ thì chẳng thể trao đi bao giờ.
Sẽ có rất nhiều những khuyết tật ở những chiếc bình, những khuyết tật trong quá trình gia công và chế tạo nó – quá trình giáo dục và tự giáo dục ở con người. Nhưng hãy thôi nói về những điều đáng tiếc và để dành thời gian cho những điều đẹp đẽ hơn, những chiếc bình tròn trịa, hoàn mĩ, biết tự làm đầy mình và biết trao đi.
Những con người biết làm đầy mình và biết trao đi, họ là những con người đẹp đẽ. Vẻ đẹp của họ có thể không nằm ở những gì thuộc về họ, mà nằm ở những gì họ thuộc về, bởi vẻ đẹp đó là vẻ đẹp của sự trao đi. Xung quanh một con người có lòng yêu và biết trao đi yêu thương, cỏ cây cũng trở nên xanh tốt hơn, chim muông cũng ca hát líu lo hơn, con người cũng trở nên yêu đời hơn, và bầu không khí ở đó luôn đầy ắp những điều nhân văn mới mẻ. Xung quanh một con người có lòng yêu và biết trao đi yêu thương, đâu đó có màu sắc của thiên đường.
Nhưng con người có lòng yêu và dám trao đi lòng yêu ấy bị giới hạn bởi tình yêu. Xã hội đặt ra những nguyên tắc khắt khe về tình yêu để bảo đảm sự bền vững của hôn nhân và gia đình. Những kẻ xấu xí đã vấy bẩn tình yêu bằng những toan tính hẹp hòi và ích kỷ, tước đi vẻ đẹp nguyên nghĩa của tình yêu con người, đánh mất niềm tin của con người vào sự thiêng liêng và kỳ diệu của tình yêu.
Khi một người trao đi lòng yêu, là họ đang mong muốn một điều gì đó đẹp đẽ được tồn tại, được nảy nở ở cái thực thể mà họ trao đi kia, và họ tự cảm thấy mình đẹp đẽ, mình nảy nở vì lòng đồng cảm và cộng cảm với thực thể ấy. Nhưng nếu họ mong được hồi đáp về mình lòng yêu từ thực thể kia, thì tức là họ đã có một kỳ vọng vào tình yêu, và kỳ vọng đó có thể ngăn cản việc tiếp tục trao đi lòng yêu của họ – nếu tình yêu kia không tồn tại.
Khi một người trao đi lòng yêu, có thể họ chỉ muốn trao đi lòng yêu mà không muốn nhận lại điều gì bởi họ không muốn vướng bận vào tình yêu. Con người ngày nay đã quen với thứ tình yêu duy nhất là tình yêu nam nữ nên có thể họ sẽ lảng tránh lòng yêu kia như lảng tránh tình yêu nam nữ, hoặc hồi đáp cho lòng yêu kia bằng tình yêu nam nữ, hoặc sự kỳ vọng vào lòng yêu kia như là kỳ vọng tình yêu nam nữ nảy nở giữa hai người. Và sự hồi đáp đó, hay sự kỳ vọng đó làm khổ cho chính người được trao tặng lòng yêu và cho người trao tặng lòng yêu – người chỉ muốn trao đi vì những điều tốt đẹp được nảy nở.
Khi một người trao đi lòng yêu, có thể họ trao nhầm cho những người không xứng đáng, những người ích kỷ và tham lam, những người coi lòng yêu của người khác như là một thứ để chiếm hữu, để mưu cầu, những người coi lòng yêu như là công cụ để mở ra những lợi ích khác như vật chất hay xác thịt. Việc trao nhầm ấy có thể khiến lòng yêu của con người bị hút cạn, bị lợi dụng, bị vấy bẩn, và điều đó tự làm mất đi bản chất và ý nghĩa của lòng yêu – làm nảy nở những điều đẹp đẽ ở những thực thể được trao tặng.
Khi một người trao đi lòng yêu, có thể họ sẽ bị vướng phải những định kiến xã hội lệch lạc và hẹp hòi. Người ta nhìn nhận lòng yêu ấy như là tình yêu và nghi ngờ, và phán xét động cơ cũng như phẩm giá của con người ấy. Lòng yêu ấy vì thế mà khô hạn, mà héo mòn…
Nhưng dù thế nào, lòng yêu vẫn cần được trao đi. Nếu lòng yêu không trao đi, nó sẽ tự làm mất đi sự diệu kỳ của nó và trở thành một thứ tình cảm ứ đọng, tù túng, làm đau khổ chính cái người mang theo lòng yêu, và là điều đáng tiếc cho người cần đến lòng yêu. Điều cần làm, có lẽ là một thỏa thuận nào đó giữa người trao đi và người được nhận, rằng cái mà họ trao đi chỉ là lòng yêu thôi chứ không phải tình yêu, chỉ là một sự đồng cảm và mong muốn vun đắp những điều đẹp đẽ ở trong nhau thôi chứ không phải là sự gắn bó với nhau… Bởi tình yêu, bởi sự gắn bó ấy nó cần một hạt giống nữa – hạt giống tình yêu – sự hòa hợp tự nhiên giữa hai con người, để có thể nảy nở, ươm mầm và vươn lên, trong khi lòng yêu chỉ là những giọt nước kỳ diệu.
Những con người có lòng yêu, xin hãy trao đi lòng yêu và đừng nhầm lẫn cũng như gây ra sự nhầm lẫn nó với tình yêu, bởi cuộc sống này đang cần lòng yêu hơn lúc nào hết! Những con người chưa giàu có lòng yêu, hãy đón nhận lòng yêu và đừng kỳ vọng rằng đó là tình yêu, để vun đắp cho chính mình và cho lòng yêu của mình. Rồi một ngày kia sẽ đến lượt mình trao đi…
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us