Chỉ vì phát hiện một đối tượng lạ chưa xác định mà Thụy Điển huy động cả Hải-Lục-Không quân tìm kiếm từ thứ 6 tuần trước đến nay là vì vụ tàu ngầm Liên Xô mắc cạn gần căn cứ hải quân Karskrona vẫn ám ảnh họ.
Ngày 27/10/1981, con tàu ngầm mang số hiệu S-363 thuộc Hạm đội Baltic của Liên Xô (cũ) đã đi lạc vào sâu trong lãnh hải Thụy Điển. Thủy chiều rút xuống quá nhanh khiến thủy thủ đoàn trở tay không kịp và toàn bộ con tàu dài 76m nặng 1350 tấn mang theo 60 thủy thủ đã phơi mình trên mặt nước. Viên chỉ huy Gustchin và thủy thủ đoàn đã tìm mọi cách nhưng đều vô ích, chỉ còn cách duy nhất là chờ đợi thủy triều lên.
Ảnh minh họa.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như vị trí con tàu ngầm mắc cạn của Liên Xô không nằm cách căn cứ hải quân Karskrona của Thụy Điển chỉ có 2 km – khu vực mà không một chiếc tàu nước ngoài nào được phép đi qua.
Không đầy 1 giờ sau, con tàu đã bị phát hiện. Một tàu tuần tra mang số hiệu V-03 của Thụy Điển đã chạm mặt S-363. Tin tức về một tàu ngầm lạ đột nhập trái phép vào lãnh hải và bị mắc cạn gần căn cứ Karskrona đã ngay lập tức được báo về các cơ quan chức năng của Thụy Điển. Một lệnh phong tỏa vùng biển nói trên được ban bố ngay tức khắc.
Những trận địa pháo bờ biển được báo động khẩn cấp và đều hướng nòng về phía con tàu mắc cạn. Ở trên không, máy bay chiến đấu và trực thăng chống ngầm gầm rú. Trên mặt biển, tàu chiến của Thụy Điển cũng bắt đầu dàn trận. Thậm chí Hải quân Thụy Điển còn được lệnh thả thủy lôi, bom vào những khu vực biển gần nơi chiếc S-363 mắc cạn để cảnh cáo và xua đuổi những đồng đảng (nếu có) của chiếc S-363. Nằm trong thiên la địa võng của Thụy Điển, S-363 nhiều lần định lợi dụng thủy triều để tháo chạy nhưng đều không thành nên cuối cùng phải treo cờ Liên Xô bộc lộ thân phận.
Trong khi đó, ở Liên Xô, nhận được tin báo tàu ngầm S-363 bị bao vây ở Thụy Điển, Kremli lập tức ra lệnh cho một biên đội tàu hỗn hợp gồm 2 tàu khu trục lớp Kashin, 1 tàu khu trục lớp Kildin, 1 tàu hộ vệ lớp Riga, 1 tàu trang bị tên lửa lớp Nanuchka và 3 tàu kéo viễn dương. Tất cả do Đô đốc A.Kalinin chỉ huy, tức tốc lên đường tới vùng biển Thụy Điển.
Nhưng lực lượng hùng hậu của Liên Xô cũng không thể làm gì được trước sự cảnh giác cao độ và bố phòng chặt chẽ của Thụy Điển. Trước sự uy hiếp của những nòng pháo, tàu thủy lôi và máy bay chiến đấu Thụy Điển, lực lượng Liên Xô chỉ có thể đứng nhìn ở bên ngoài biên giới Thụy Điển.
Không thể giải cứu được con tàu mắc cạn, Liên Xô đành phải chấp nhận xin lỗi và bồi thường cho Thụy Điển 658.000 USD để chuộc tàu về. Ngày 7/11/1981, chiếc S-363 được ra khỏi vùng biển Thụy Điển để đi về cảng Leiepaja sau đúng 10 ngày mắc cạn.
Vụ việc đã gây căng thẳng cho quan hệ Liên Xô với Thụy Điển không chỉ trong thời gian đó. Đối với phía Liên Xô, người ta giải thích nguyên nhân vụ việc là do chiếc la bàn hồi chuyển trên tàu ngầm S-363 hoạt động không chính xác khiến Đại úy Gustchin ngỡ rằng tàu mình vẫn đang ở ngoài khơi Ba Lan nhưng thực tế nó đã “lạc” vào lãnh hải Thụy Điển.
Tuy nhiên, ở phía Thụy Điển và phương Tây, đây được xem là một hành động có chủ ý của Liên Xô bởi vì lúc này Chiến tranh Lạnh vẫn còn đang tiếp diễn.
Có một điều đáng sợ nữa mà chỉ gần đây, qua tiết lộ của một số sĩ quan và thủy thủ Liên Xô (cũ) có mặt trên chiếc tàu ngầm S-363 khi đó, người ta mới biết rằng S-363 lúc đó mang theo một số đầu đạn hạt nhân và họ đã nhận được lệnh phóng thủy lôi mang đầu đạn hạt nhân vào các mục tiêu Thụy Điển nếu phía Thụy Điển bắt giữ hoặc xâm nhập tàu.
Chính nỗi ám ảnh từ vụ việc này mà từ thứ 6 tuần trước đến nay, Thụy Điển đã mở một đợt tìm kiếm lớn quyết tìm cho ra “đối tượng lạ” mà họ nghi ngờ là tàu ngầm nước ngoài đang hoạt động trong vùng nước gần quần đảo Stockholm của họ.
Cho đến lúc này, các tin tức về “đối tượng lạ” mà Thụy Điển đang tìm kiếm rất nhiễu loạn. Một số phương tiện truyền thông dựa vào tín hiệu vô tuyến mà con tàu phát ra để đặt giả thiết đây là tàu ngầm Nga đang gặp sự cố.
Bộ Quốc phòng Nga hôm Chủ nhật đã bác bỏ cáo buộc này. Cũng trong ngày Chủ nhật, hãng tin tức RIA Novosti của Nga lại dẫn một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho rằng đối tượng lạ có thể là tàu ngầm của Hà Lan. Tuy nhiên, ngay sau khi tin này được đăng lên RIA, Hải quân Hoàng gia Hà Lan đã lên tiếng phủ nhận.
* Bài viết có sử dụng một số tư liệu từ sách Lật lại những trang hồ sơ mật của Nxb Thông tấn
Trần Vũ
Xem thêm video clip : Mỹ không kích, tiêu diệt hàng trăm tay súng IS
2014-10-21 19:32:12
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/thuy-dien-quyet-tim-ra-tau-ngam-la-vi-am-anh-vu-viec-nam-1981-a153804.html