Vai trò của CIA trong cuộc đảo chính tại Chile
Tuesday, October 28, 2014 20:42
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Ngày 9/9/1973, trong khi đang ăn trưa tại Da Carla, một nhà hàng Italy ở Santiago, Chile, một đồng nghiệp chợt xuất hiện và thì thầm vào tai Jack Devine – một điệp viên bí mật của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) hoạt động tại Chile: “Hãy gọi ngay về nhà, có việc khẩn”. Chile là nhiệm vụ đầu tiên của Jack Devine ở nước ngoài. Đối với một nhân viên tình báo trẻ đầy nhiệt huyết thì đó là một công việc béo bở.
Tổng thống Allende. |
Trong suốt vài tháng trước đó đã xuất hiện tin đồn về một cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Chile Salvador Allende. Lực lượng chống đối Tổng thống Allende đã xuống đường biểu tình. Các cuộc đình công và kinh tế hỗn loạn đã khiến cho các mặt hàng nhu yếu phẩm rất khan hiếm. Thi thoảng, người ta lại nghe thấy tiếng bom làm rung chuyển thủ đô. Cả đất nước dường như căng thẳng và kiệt quệ. Nói cách khác, đó chính xác là một nơi mà mọi điệp viên CIA mới vào nghề muốn tới.
Devine kín đáo rời nhà hàng tới trụ sở CIA để gọi điện cho vợ. Vợ Devine đang trông 5 đứa con ở nhà và đây là lần đầu tiên cả gia đình cùng sống ở nước ngoài nên Devine cho rằng vợ có thể gọi điện cho anh về bất kỳ chuyện gì. Nhưng lần này, Devine có linh cảm đây là cuộc gọi rất quan trọng và liên quan tới công việc của mình. Vợ Devine thông báo với chồng: “Một người bạn đã gọi từ sân bay. Anh ấy đã rời Chile, anh ấy bảo em nói với anh. Quân đội đã quyết định hành động. Nó sẽ diễn ra vào ngày 11/9, và hải quân sẽ đi đầu thực hiện”.
Cuộc gọi đó là từ một “người bạn”, một doanh nhân và là cựu điệp viên trong hải quân Chile, đồng thời là một nguồn tin của CIA. Không lâu sau đó, một nguồn tin thứ hai của Devine là một doanh nhân có liên hệ với quân đội Chile muốn gặp Devine khẩn cấp. Devine đã đồng ý gặp tại nhà người này khi trời tối. Người này đã xác nhận thông tin về vụ đảo chính và cho biết thêm một chi tiết quan trọng: Đảo chính sẽ bắt đầu lúc 7 giờ sáng.
Có được hai nguồn thông tin trên, Devine liền gửi điện về trụ sở CIA ở Langley thông qua một đường dây tối mật CRITIC. Đường dây này có quyền ưu tiên số một và chuyển thẳng tới cấp cao nhất của chính phủ, có nghĩa là Tổng thống Richard Nixon và các nghị sĩ Mỹ cấp cao ngay lập tức nhận được. Bức điện cho biết: “Một cuộc đảo chính sẽ được thực hiện ngày 11/9. Toàn bộ lực lượng vũ trang và lực lượng cảnh sát quốc gia Chile đều tham gia. Một tuyên bố sẽ được phát trên kênh phát thanh Agricultura lúc 7 giờ sáng 11/9. Cảnh sát quốc gia Chile có trách nhiệm bắt giữ Tổng thống Salvador Allende”.
Bản ghi nhớ về cuộc họp giữa Tổng thống Nixon và CIA. |
Quay ngược bánh xe thời gian trở lại 3 năm trước, chính quyền Mỹ đã từng hỗ trợ một âm mưu đảo chính đối với ông Allende. Tháng 9/1970, sau khi ông Allende giành được số phiếu cao nhất so với hai đối thủ còn lại trong cuộc bầu cử tổng thống Chile, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã triệu tập Giám đốc CIA Richard Helms tới Nhà Trắng và nói rằng cần phải kích động một “cuộc đảo chính phòng ngừa”, ngăn không cho ông Allende nhậm chức. Giám đốc CIA cho rằng ngăn ông Allende nhậm chức sẽ thất bại và gây đổ máu, đặc biệt là nếu thực hiện gấp gáp trong một thời gian ngắn theo yêu cầu của Tổng thống Nixon.
Tuy nhiên, Tổng thống Nixon khăng khăng rằng cần phải thử vì điều đó cần thiết cho lợi ích của nước Mỹ và đã ra lệnh cho CIA phải giữ bí mật về kế hoạch này với Đại sứ Mỹ tại Chile và những quan chức Mỹ khác tại Chile. Âm mưu này có tên Track II, nối tiếp Track I – những nỗ lực về chính trị và chiến dịch tuyên truyền mà Washington đã tiến hành trước đây nhằm ngăn ông Allende được bầu làm tổng thống.
Track II rõ ràng là một sai lầm lớn. Quân đội Chile không muốn tham gia đảo chính sau cuộc bầu cử, và người dân Chile không ủng hộ chống đối ông Allende. Mặc dù chiến thắng của ông là rất sát sao, nhưng ông Allende đã được bầu thông qua hệ thống dân chủ mà quân đội Chile hậu thuẫn trong hơn một thế kỷ qua. Vào thời điểm đó, không có một lý do nào để chống lại ông Allende.
Các nhân viên CIA ở Santiago không hứng thú với cuộc đảo chính này và giám đốc CIA tại Chile tỏ rõ thái độ hoài nghi. Ông ngay lập tức gửi điện tín về cho chính phủ Mỹ sau chiến thắng của ông Allende trong cuộc bầu cử, nói rằng hiện tại hầu như không có cớ gì để hành động và các lựa chọn rất hạn chế.
Tuy nhiên, Nhà Trắng đã phớt lờ cảnh báo trên và ra lệnh phải hành động. Tháng 9/1970, ông Richard Helms thậm chí đã cử người phụ trách hoạt động mật của CIA tới Santiago để nói với giám đốc CIA tại Chile rằng nếu ông không sẵn sàng kích động đảo chính thì ông ta có thể về Mỹ ngay ngày hôm đó. Trước sức ép này, CIA ở Chile buộc phải hứa sẽ làm hết sức có thể.
Ngày 22/10/1970, một nhóm sĩ quan quân đội về hưu đã tìm cách khởi xướng đảo chính bằng cách bắt cóc tướng René Schneider, Tư lệnh Lục quân Chile, người kịch liệt phản đối sự can thiệp của quân đội vào các hoạt động chính trị nước này. Tuy nhiên vụ bắt cóc đã thất bại: Thay vì bắt cóc René Schneider, những người thực hiện đã làm ông thiệt mạng.
Người dân ngay lập tức tập trung ủng hộ cho ông Allende, người nhậm chức tổng thống Chile 12 ngày sau đó. Vào thời điểm đó, mọi âm mưu đảo chính kết thúc và Tổng thống Nixon phải thay đổi mạnh chính sách của mình. Mục tiêu mới là hỗ trợ lực lượng chính trị đối lập Chile và tránh để Tổng thống Allende có lý do để khai thác tâm lý chống Mỹ để tăng cường uy tín trong nước và huy động sự ủng hộ của quốc tế.
Kỳ cuối: Mở ra chế độ độc tài
[next]
Trong chính sách mới này, CIA nối lại chiến lược hỗ trợ các lực lượng chính trị đối lập của ông Allende và bảo đảm rằng ông không thể xóa bỏ các thể chế dân chủ như các phương tiện truyền thông, các đảng phái chính trị và các tổ chức công đoàn do phe đối lập Chile thành lập. CIA cũng được lệnh phải liên lạc với quân đội, tuy nhiên chỉ để thu thập thông tin tình báo, không phải là kích động đảo chính.
Dinh Tổng thống Chile bị bắn phá trong cuộc đảo chính.
Về vấn đề truyền thông, trách nhiệm quan trọng nhất của Devine, đặc vụ CIA tại Chile trong thời gian đó là giải quyết vấn đề “đối tác”, đặc biệt là mối quan hệ của CIA với El Mercurio, tờ báo lâu đời nhất và có sức ảnh hưởng lớn nhất tại Chile.
Ông chủ của tờ báo này lo sợ chính phủ của Tổng thống Allende sẽ sung công tờ báo. Chính lo sợ này đã khiến chủ tờ báo trở thành một “đồng minh tự nhiên” với CIA. Tờ báo chưa bao giờ sử dụng biện pháp tuyên truyền để cố tình lừa bịp người đọc về những chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Allende. Nhưng giữa ranh giới mong manh, tờ báo đã cố tình nổi bật những tin bài về việc chính phủ tịch thu tài sản tư nhân, về những hành động bạo lực và trái luật của một số thành phần trong liên minh của chính phủ và về ám ảnh thảm họa kinh tế.
Dần dần, tờ El Mercurio trở thành một cơ quan của CIA. Năm 1971, chính quyền đã chặn đường tiếp cận giấy in báo của tờ El Mercurio. Khó khăn với tờ này thêm chồng chất khi quảng cáo giảm, khiến nó có nguy cơ đóng cửa. Trong tình hình đó, CIA đã bỏ 2 triệu USD trong vòng 2 năm để tờ báo có thể tiếp tục phát hành.
Về vấn đề nguồn tin, do CIA vẫn quyết tâm ủng hộ kẻ thù của Tổng thống Allende nên CIA ráo riết tìm những người có thể cung cấp cho chính phủ Mỹ những bí mật và hành động theo mệnh lệnh của CIA.
Nguồn tin đầu tiên của đặc vụ Devine là một thành viên cấp cao thuộc Đảng Cộng sản Chile, người mà CIA tại Chile đã có liên lạc thường xuyên và kéo dài trong nhiều năm nhưng chưa được đưa vào trong danh sách trả tiền. Sau khi gặp quan chức Chile nói trên thông qua một người trung gian, cả hai đã ngã giá hợp tác là 1.000 USD/tháng.
Trong quân đội Chile, CIA vẫn duy trì một số nguồn tin nhưng số lượng không nhiều và cũng không quan trọng bằng nguồn ở các phương tiện truyền thông và các đảng chính trị.
Devine cũng có một số nguồn tin “bình dân” khác, một trong số đó là một phụ nữ lớn tuổi thuộc tầng lớp trung lưu. Bà này gợi ý tổ chức một cuộc biểu tình mà phụ nữ sẽ tham gia bằng cách mang nồi niêu xoong chảo cùng với biểu ngữ phản đối tình trạng thiếu lương thực và những vật dụng thiết yếu trong gia đình. Devine đã đưa cho bà ta vài trăm USD để thực hiện.
Dưới sự tiếp tay đó của Devine, cuộc biểu tình kiểu này ngày càng lan rộng, khiến chính phủ của ông Allende lao đao. Có thông tin CIA còn đứng đằng sau cả cuộc đình công của hiệp hội lái xe tải Chile.
Tướng Pinoche.
Mùa xuân 1973, khi nền kinh tế Chile suy giảm mạnh và biểu tình trên đường phố ngày nào cũng xảy ra, tin đồn về đảo chính bắt đầu lan rộng. CIA ở Chile liên tục gửi báo cáo về tổng hành dinh ở Mỹ trong nhiều tuần nhưng các chuyên gia phân tích của CIA và cả một số quan chức ngoại giao ở Đại sứ quán Mỹ tại Chile lúc nào cũng hoài nghi, thậm chí mỉa mai vì CIA ở Chile gửi quá nhiều cảnh báo giả.
Tuy nhiên, thông tin đảo chính mà Devine nhận được từ ba nguồn tin “chất lượng cao” sau khi rời nhà hàng ăn ở Santiago có vẻ chắc chắn và chi tiết hơn cả. Suốt cả đêm 10/9/1973, Devine liên tục nhận được các cú điện thoại lạ với những thông điệp lạ, kiểu như “Đứa bé sẽ chào đời vào ngày mai”, rồi “Chú Jonas sẽ vào thành phố ngày mai”…
Theo các nguồn tin, 7 giờ sáng đảo chính sẽ xảy ra. Thế nhưng, Devine và CIA ở Chile chờ qua cả thời điểm này mà mọi chuyện vẫn án binh bất động. Họ sợ rằng uy tín của họ sẽ tan tành vĩnh viễn nếu lần này họ lại phát cho trung tâm một cảnh báo đảo chính giả. Mãi đến 8 giờ, tức là một tiếng sau, CIA ở Chile mới hay tin hải quân bắt đầu đảo chính ở thành phố Valparaiso.
Tới 9 giờ, lực lượng vũ trang đã kiểm soát hầu như toàn bộ Chile ngoại trừ trung tâm Santiago. Khi biết có đảo chính, Tổng thống Allende đã từ chối từ chức và đi thẳng tới dinh tổng thống. Quân lính ngập đường, những cuộc giao tranh nhỏ và rời rạc nổ ra. Rào chắn được dựng lên xung quanh Đại sứ quán Mỹ. Hệ thống giao thông đình trệ.
Gần trưa, máy bay phản lực của không quân Chile gầm thét trên bầu trời Santiago và bắn rocket vào dinh tổng thống. Thành phố chìm trong tiếng súng. Khoảng 14 giờ, binh lính Chile xông vào dinh tổng thống. Quân đội đã lên kế hoạch chỉ bắt sống Tổng thống Allende, chứ không hành quyết ông. Nhưng ông Allende đã tự tử để tránh bị quân đội bắt. Đúng 14 giờ 30, chế độ độc tài của tướng Pinochet đã thực sự bắt đầu.
Mỹ xem sự ra đi của Allende là một chiến thắng quan trọng. Tổng thống Nixon và cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger rất hài lòng. Tất nhiên là cả CIA ở Chile, lực lượng đã tạo ra được một môi trường cho cuộc đảo chính.
Sau đảo chính, Chile sống dưới chế độ độc tài của tướng Pinochet với hàng loạt vụ vi phạm nhân quyền, bắt bớ hàng loạt, tra tấn, giết chóc. Chế độ Pinochet đã tàn sát hơn 2.200 người vì lý do chính trị và đã bỏ tù hơn 38.000 người, nhiều người trong số đó bị tra tấn dã man.
Đó chính là hậu quả của cuộc đảo chính mà CIA có nhúng tay vào ở Chile. Hậu quả kinh hoàng đến mức chính Devine đã viết một báo cáo về tình hình Chile, trong đó đề xuất Mỹ thực hiện một cuộc đảo chính lật đổ tướng Pinochet để đưa Chile trở lại chế độ dân chủ. Tuy nhiên, tài liệu do Devine viết không bao giờ được giám đốc CIA ở Chile gửi về cho trung ương.
Theo http://baotintuc.vn/
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us