Khi các loại súng B-40, B-41 không còn thực sự hiệu quả trong chống tăng, quân đội Việt Nam đã và đang cải tiến trang bị kho vũ khí chống tăng của mình để đảm bảo khả năng tác chiến.
Súng chống tăng Matador
Súng do quân đội Singapore phối hợp với công ty Rafael Advanced Defense Systems của Israel và công ty Dynamit Nobel Defence của Cộng hòa Liên bang Đức phối hợp phát triển. Hiện loại súng chống tăng này hiện đã được trang bị cho Hải quân đánh bộ Việt Nam.
Súng chống tăng Matador hiện đã được trang bị cho Hải quân đánh bộ Việt Nam.
Loại súng này có cỡ nòng 90mm, nặng 8,9 kg và sử dụng đạn nặng 2,6 kg. Toàn bộ chiều dài của súng là khoảng 1m.
Theo thông số kỹ thuật, tầm bắn hiệu quả của súng là 500m. Nó có thể xuyên giáp xe tăng hoặc phá các bức tường gạch, bê tông cốt thép. Nó được cho là có thể tiêu diệt tất cả các loại xe bọc thép và xe tăng hạng nhẹ.
Súng chống tăng Matador có thể được lắp kính ngắm đêm trong những trường hợp tác chiến ban đêm.
Dòng chống tăng AT chủ lực
Các xe tăng ngày nay giáp dày hơn khiến các súng B-40, B-41 không còn thật sự hiệu quả khi tác chiến. Do vậy, các tên lửa chống tăng ngày càng được sử dụng nhiều.
Bộ đội huấn luyện với tên lửa chống tăng B-72.
Ở Việt Nam, từ năm 1972, tên lửa chống tăng được đưa vào sử dụng đầu tiên ở Quảng Trị. Đây là loại tên lửa do Liên Xô sản xuất, NATO gọi là AT-3 còn ở Việt Nam quen gọi là B-72. Tên lửa B-72 nặng từ 10 đến 12,5 kg với toàn bộ chiều dài khoảng 1m và đường kính 12,5 cm. Tầm bắn hiệu quả từ 500 đến 3000m với đầu đạn 2,6 kg. Trong lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường, B-72 đã tiêu diệt loại xe tăng hiện đại nhất của Mỹ khi đó là M-48A3.
Sau chiến tranh, Việt Nam tiếp tục được trang bị bổ sung loại tên lửa chống tăng hiện đại hơn là B-87 (tên gốc là 9K111 Fagot còn NATO gọi là AT-4). B-87 hiện đại hơn B-72 với những cải tiến về cơ cấu phóng, thiết bị ngắm bắn và điều khiển đồng thời khả năng xuyên giáp cũng tăng lên đáng kể (xuyên được 400mm thép đồng nhất ở góc chạm 0 độ và 200mm ở góc chạm 60 độ).
Sau đó nữa, Việt Nam lại được bổ sung loại B-89 (tên gốc là 9M113, NATO gọi là AT-5). Về cơ bản B-89 gần giống B-87 chỉ khác về ống phóng và thiết bị ngắm bắn. Tên lửa B-89 được cho là đủ khả năng vô hiệu hóa tất cả các loại xe tăng, thiết giáp có mặt trên thế giới. Đầu đạn của B-89 có khả năng xuyên giáp tới 800mm thép đồng nhất.
Súng chống tăng SPG-9 tự sản xuất
SPG-9 Kopye là loại pháo nòng trơn không giật chống tăng do Liên Xô (cũ) phát triển và đưa vào sử dụng từ năm 1962. Đây là một vũ khí rất thành công của Liên Xô và đã được xuất khẩu đến hàng chục quốc gia trên thế giới.
Súng đã có mặt ở Việt Nam từ lâu và hiện tại công nghiệp quốc phòng trong nước đã tự sản xuất được loại súng này.
Một khẩu đội SPG-9.
Súng có khối lượng 59 kg khi có kèm chân và 47,6 kg khi không có chân. Tốc độ bắn tối đa của súng 6 phát/phút với sơ tốc đầu đạn 300 đến 700m/s. Súng có khả năng bắn nhiều loại đạn khác nhau như: đạn chống tăng tiêu chuẩn, đạn chống tăng sử dụng đầu nổ lõm 2 lần PG-9NT để tiêu diệt các xe tăng được trang bị giáp phản ứng nổ.
Trong tháng 7 vừa qua, tại trường bắn Quân khu 9, súng SPG-9T2 đã được lắp đặt lên xe thiết giáp M-113 và bắn thử thành công.
Trần Vũ (Tổng hợp)
2014-11-06 16:24:10
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/cac-loai-sung-chong-tang-trong-bien-che-quan-doi-viet-nam-a161056.html