Giá xăng dầu đã qua 8 lần giảm giá nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn “án binh bất động”, dù giá xăng chiếm tới 40-60% tỷ lệ cấu thành giá cước của loại hình dịch vụ này.
Doanh nghiệp vận tải móc túi toàn dân?
Tin tức trên báo Đầu tư, giá xăng giảm nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn “án binh bất động”, dù giá xăng chiếm tới 40-60% tỷ lệ cấu thành giá cước của loại hình dịch vụ này.
Trong các yếu tố cấu thành giá bán nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, chi phí vận tải thường chiếm tỷ lệ không nhỏ. Riêng trong lĩnh vực vận tải hàng hoá, chi phí xăng dầu chiếm 40-60% tỷ lệ cấu thành giá cước. Vậy nhưng, đa phần doanh nghiệp vận tải hiện vẫn “không biết” xăng dầu đã giảm giá liên tục kể từ ngày 28/7 đến nay. Ngành vận tải hàng hóa còn lấy lý do phải chở đúng tải trọng, nên dù giá xăng dầu giảm, họ vẫn chưa có lãi như thời chở gấp đôi, gấp ba tải trọng tối đa.
Thực trạng xăng dầu liên tục giảm giá 8 lần trong gần 3 tháng qua, nhưng giá hàng hóa, dịch vụ khác hiện vẫn “án binh bất động”.
Một thực tế đáng nói là, trong tháng 10, dù giao thông – vận tải là nhóm có mức giảm giá 1,02%, dịch vụ giao thông công cộng giảm 0,45% so với tháng 9/2014, nhưng rổ hàng hóa này giảm giá chủ yếu do giá xăng dầu giảm, còn giá cước vận tải vẫn đứng yên. Không bấu víu được lý do nào hợp lý để giải thích cho việc không hạ cước vận tải, lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, trong đó có các hãng taxi, thì đưa lý do chưa giảm giá cước là do… ngại điều chỉnh vì mất thời gian và mất thêm chi phí.
Xăng dầu giảm giá, song cước vận tải không giảm, vô hình trung, tất cả doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (trừ doanh nghiệp kinh doanh vận tải) đang bị móc túi. Nói vậy là bởi trong 10 tháng đầu năm nay, ngoài 2.536 triệu lượt hành khách bị móc túi, còn hàng chục triệu lượt tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã phải trả giá cước vận tải hàng hóa cao hơn thực tế với số tiền không nhỏ.
Câu hỏi đặt ra là, ngoại trừ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giảm giá vé tàu hỏa gần 7%, vì sao các doanh nghiệp vận tải vẫn “bình chân như vại” khi giá xăng dầu – yếu tố quan trọng hình thành nên cước vận tải – giảm liên tục với tổng mức giảm trên dưới 13%? Từ thực tế này, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ việc các doanh nghiệp vận tải thỏa thuận ngầm không giảm giá cước. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước về giá phải vào cuộc điều tra làm rõ. Nếu quả thật có sự câu kết ngầm, thông đồng về giá cước vận tải để trục lợi thì phải xử lý thích đáng.
Cước vận tải hành khách, hàng hóa không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bình ổn giá, nhưng Luật Giá cũng quy định, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá, cơ quan nhà nước có quyền kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ khi giá có biến động bất thường. Ngoài ra, Nhà nước có trách nhiệm điều tiết giá để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.
Như vậy, về mặt pháp lý, cơ quan quản lý nhà nước đã có cơ sở để tiến hành thanh tra, kiểm tra yếu tố hình thành cước vận tải; thanh tra, kiểm tra hiện tượng câu kết, cố tình “neo” cước vận tải… không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp vận tải “móc túi” toàn dân.
Giá xăng dầu đã qua 8 lần giảm giá nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn “án binh bất động”, dù giá xăng chiếm tới 40-60% tỷ lệ cấu thành giá cước của loại hình dịch vụ này. (Ảnh minh họa).
Lí lẽ của doanh nghiệp vận tải
Thông tin trên báo Nhân dân, khi giá xăng giảm 7 lần, hầu hết các Hiệp hội và doanh nghiệp (DN) ngành vận tải, khi được hỏi vì sao giá cước thời gian qua chỉ tăng không giảm, đều có chung câu trả lời: Rất khó giảm ngay!
Theo lý giải của Chủ tịch Hiệp hội Ta-xi tải Hà Nội Nguyễn Phúc Thành, chi phí xăng dầu chỉ chiếm khoảng 20% tổng doanh thu vận tải (23 đến 24% với xe chạy xăng và 16 đến 17% với xe chạy dầu), vì thế đây chưa phải yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với giá cước vận tải.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá xăng dầu chỉ gây ảnh hưởng mạnh khi tăng, giảm đột biến. Trước đây, mỗi khi xăng dầu tăng giá, thường tăng với biên độ lớn (10 đến 15%), cho nên các DN vận tải phải ngồi lại cùng nhau tính toán và thống nhất việc điều chỉnh giá cước, nhằm bù đắp chi phí xăng dầu tăng vọt.
Mỗi dịp như vậy, sẽ tạo ra hiệu ứng đô-mi-nô trên cả nước, các DN vận tải từ bắc vào nam đều điều chỉnh giá cước. Nhưng thời gian gần đây, tuy điều chỉnh nhiều lần, nhưng giá xăng dầu giảm rất nhỏ giọt, cho nên không có tác động nào đáng kể khiến giá cước vận tải giảm.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam (VATA) Nguyễn Văn Thanh chia sẻ: Tuy giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm bảy lần liên tiếp, nhưng thường với biên độ rất nhỏ, chu kỳ ngắn.
Trong khi đó, việc thay đổi giá cước vận tải bao giờ cũng cần độ trễ nhất định, thời gian kéo dài, đồng thời thủ tục đăng ký tăng hoặc giảm với cơ quan quản lý nhà nước cũng không hề đơn giản.
Như đối với vận tải hàng hóa, các DN phải tiến hành thương thảo rõ ràng với khách hàng, còn đối với vận tải hành khách, phải có sự tính toán, kê khai cẩn thận, sau đó phải được chấp thuận của một số cơ quan liên quan tại địa phương mới có thể tiến hành điều chỉnh giá mới cho người dân.
Một DN ta-xi với vài nghìn đầu xe, chỉ riêng việc gọi hết các xe về bến, kiểm định, cài đặt lại đồng hồ tính tiền, in hóa đơn,… cũng mất ít nhất cả tháng, chưa kể chi phí cho việc này không hề nhỏ.
Bên cạnh đó, tuy giá xăng dầu giảm, nhưng nhiều yếu tố khác trong cấu thành giá cước vận tải lại tăng giá, chẳng hạn như giá phụ tùng săm lốp, phí bảo trì đường bộ,… Ðặc biệt, việc siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện trong thời gian qua cũng tác động mạnh mẽ đến giá cước vận tải.
“Vì vậy, giá cước vận tải rất khó giảm ngay được. Nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng, vì giá cước vận tải đang trở lại đúng bản chất của nó, không còn giá “ảo” như trước nữa” – Chủ tịch VATA Nguyễn Văn Thanh nhận định.
Ðiều này cũng trùng với quan điểm của Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công. Thứ trưởng cho rằng: Từ trước đến nay, mặt bằng giá cước vận tải đường bộ thường không phản ánh đúng thực chất. Các DN vận tải đã lợi dụng ngân sách nhà nước, lợi dụng kết cấu hạ tầng giao thông và sự buông lỏng trong quản lý nhà nước để kinh doanh vận tải với giá rẻ. Nếu việc kiểm soát tải trọng xe được thực hiện tốt và nghiêm túc, mặt bằng giá khi đó sẽ trở về đúng bản chất.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy nghịch lý trên thị trường vận tải hiện nay, khi siết chặt tải trọng phương tiện, giá cước lập tức được nâng lên rất cao. Nhưng thực tế, một số DN đang lợi dụng chủ trương này, “lập lờ đánh lận con đen”, vẫn cố tình chở quá tải, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN và “móc túi” người tiêu dùng.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2014-11-01 22:32:13
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/gia-xang-dau-giam-gia-8-lan-cuoc-van-tai-van-im-lang-la-vang-a160400.html