Một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ cầm tấm khiên “Captain America” vài giờ sau khi cảnh sát Hồng Kông dỡ bỏ tất cả hàng rào do người biểu tình dựng nên trong khu vực Monk Kok, ngày 17/10/2014. Uỷ ban Chấp hành Quốc hội về Trung Quốc (CECC) của Mỹ đã xem xét các cam kết của Trung Quốc đối với Hồng Kông trong bối cảnh các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đang diễn ra trong thời gian gần đây. (Ảnh: Benjamin Chasteen/Epoch Times)
Tại buổi điều trần về Hồng Kông do Uỷ ban Chấp hành Quốc hội về Trung Quốc (CECC) tổ chức, CECC đã yêu cầu Bắc Kinh phải có trách nhiệm đối với việc đã gây trở ngại cho các lợi ích của Mỹ tại Hồng Kông. Đồng thời, Ủy ban cũng lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia về Trung Quốc nhằm điều tiết vai trò của Mỹ ở thành phố này.
Phiên điều trần đạt được sự đồng thuận cao cho thấy Mỹ và các nước dân chủ khác cần hỗ trợ công khai hơn đối với người biểu tình Hồng Kông. Phiên họp cũng đề cập đến việc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm đối với các bản hiệp ước và nghĩa vụ pháp lý mà nước này đã ký kết.
Theo Tiến sĩ Richard C. Bush III (Viện Brookings), Mỹ có các giá trị tài chính lớn tại đặc khu tài chính Hồng Kông. Khoảng 1.200 công ty Mỹ và khoảng 60.000 người mang quốc tịch Mỹ đang cư trú tại đây. Tiến sỹ Richard nhận định, con số này “nhiều hơn cả người Mỹ gốc Hồng Kông sinh sống tại Hoa Kỳ. Điều này đóng góp quan trọng cho xã hội của chúng ta”.
Nếu các nhà lãnh đạo ở Hồng Kông, vốn chịu ảnh hưởng bởi Bắc Kinh, bác bỏ hoàn toàn yêu cầu của công chúng về dân chủ, thì thể chế đặc biệt và sự thịnh vượng của Hồng Kông vốn được coi là trung tâm tài chính của châu Á sẽ bị đặt trong hoàn cảnh nguy hiểm, cựu đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Mỹ (từ năm 2007-2009) – ông Mark P. Lagon cho hay. Khi đó Hồng Kông “sẽ không khác gì các thành phố của Trung Quốc với tham nhũng, kiểm duyệt và ô nhiễm”.
“Điều sỉ nhục”
“Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã hứa với cộng đồng quốc tế rằng người dân Hồng Kông sẽ được hưởng quyền tự do nhất định và có thể tự do bầu các lãnh đạo của họ… Hiện nay, Trung Quốc đang thất hứa. Một số người ở Đại lục còn tìm cách đánh lạc hướng vấn đề này bằng cách cáo buộc Mỹ đứng đằng sau các cuộc biểu tình. Không đúng, những người có suy nghĩ đúng đắn đều tin rằng… mong muốn tự do và dân chủ của người dân Hồng Kông là điều chính đáng”, Thượng nghị sỹ, Chủ tịch của CECC – ông Sherrod Brown Ohio cho hay.
Đồng chủ tịch của CECC, đại diện của New Jersey là ông Chris Smith nói: “Không có bàn tay đen tối nào của các lực lượng nước ngoài đằng sau các cuộc biểu tình” và Bắc Kinh nên “có cái nhìn kỹ lưỡng hơn” nếu muốn hiểu được lý do đằng sau các cuộc biểu tình ấy.
“Đó là điều sỉ nhục đối với những thanh niên trẻ tuổi cùng những người khác… khi cho rằng chỉ vì lý do nào đó mà họ trở thành con rối của nước ngoài. Những lời bịa đặt đó thật đáng xấu hổ”, ngài Lord Francis Christopher Patten ở quận Barnes, thống đốc cuối cùng của Anh Quốc tại Hồng Kông nhiệm kỳ 1992-1997 trước khi bàn giao về cho Đại lục vào năm 1997 đưa ra ý kiến. Ông hiện là Đại pháp quan của trường Đại học Oxford.
Trong các cuộc họp APEC diễn ra tại Bắc Kinh vài tuần trước, Tổng thống Obama đã gửi thông điệp tới Chủ tịch Tập Cận Bình qua một câu nói của ông Bush, “phong trào biểu tình ở Hồng Kông chính là sản phẩm “cây nhà lá vườn”.
Trung Quốc thất hứa
Ông Patten nhấn mạnh, tự do và quyền tự bầu cử của Hồng Kông phải được đảm bảo qua một hiệp ước ký với Liên Hợp Quốc, bản Tuyên bố Trung-Anh. “Nhưng nghĩa vụ ký kết trong hiệp ước đã không được thực hiện. Nước Anh từng có nghĩa vụ với Trung Quốc trước năm 1997 và từ năm 1997, Trung Quốc phải có nghĩa vụ với nước Anh”.
Bộ trưởng Anh và các nghị sĩ “có quyền và nghĩa vụ về đạo đức để tiếp tục kiểm tra xem, liệu Trung Quốc có giữ đúng giao kèo hay không”, trích dẫn từ văn bản của ông Patten; cùng lời cam kết của trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc ở Hồng Kông là Lữ Bình trên Nhân dân Nhật báo rằng, Hồng Kông sẽ có đầy đủ thẩm quyền để thực hiện phổ thông đầu phiếu, và chỉ báo cáo về Đại lục khi đã chọn ra ứng cử viên.
“Hồng Kông có thể phát triển nền dân chủ như thế nào trong tương lai là hoàn toàn nằm trong phạm vi đặc quyền của Hồng Kông. Chính quyền trung ương sẽ không can thiệp”, ông Lữ Bình tuyên bố.
Trong khi, Luật cơ bản của Hồng Kông đảm bảo “một nước, hai chế độ” đến năm 2047, “các quan chức Trung Quốc tiếp tục giải thích theo quan điểm khác”, ông Lagon đánh giá. Đại sứ Lagon sẽ trở thành Chủ tịch của tổ chức Nhà Tự do (Freedom House) vào tháng 1/2015.
Đại sứ Lagon nhấn mạnh, khi người Hồng Kông xuống đường phản đối phán quyết của chính quyền trung ương về việc các ứng tranh cử trưởng đặc khu phải qua sàng lọc, thì “cảnh sát đã không làm gì để bảo vệ người dân khỏi các cuộc tấn công của những tên côn đồ ủng hộ Bắc Kinh”. Việc gây hấn, sử dụng hơi cay đã gây ra nhiều rắc rối. Bởi vì “người biểu tình không có hành vi bạo lực, việc gây hấn đó rõ ràng là hành động xâm phạm đến quyền tụ tập ôn hòa của người dân”, theo Điều 27 của Luật cơ bản về bảo đảm tự do ngôn luận và báo chí.
Một trong các lãnh đạo của phong trào là Hoàng Chi Phong đã bị bắt cùng nhiều người khác. Ông Lagon cho biết, anh Hoàng đã bị bắt giữ hơn 40 giờ. Luật sư của anh đã phải nộp một bản kiến nghị bảo thân (habeas corpus) để anh Hoàng được tại ngoại. Thật không may, kiến nghị này không có giá trị tại Trung Quốc, ông Lagon nhấn mạnh.
“Tôi thấy thật đáng buồn khi chính phủ Hồng Kông không thể hiện bất kỳ tài điều hành chính trị nào trong nỗ lực hướng đến việc đối thoại với sinh viên… Cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, nên công khai ủng hộ nguyện vọng của người dân Hồng Kông… Công khai hỗ trợ để chứng minh cho Trung Quốc thấy, cộng đồng quốc tế không lùi bước về vấn đề nhân quyền, cũng như cho các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông và Trung Quốc biết là họ không đơn độc”, ông Lagon nhận định.
Ông Patten nói rằng, ông hoan nghênh các bình luận ít dè dặt hơn của chính phủ Vương Quốc Anh về những vấn đề đang diễn ra ở Hông Kông. Ông cũng cho hay, cần làm nổi bật hơn nữavề quyền tự chủ, tự do và dân chủ tại Hồng Kông.
“Tôi nghĩ rằng cần có cuộc hội đàm và đưa những vấn đề đặc biệt hệ trọng này của Trung Quốc ra công luận”, ông Patten cho hay.
Đại sứ Lagon cũng quan sát thấy, chính quyền Bắc Kinh đã ngăn chặn các phương tiện thông tin và truyền thông xã hội đưa tin tức về Hồng Kông. Ông trích dẫn bản báo cáo của Freedom House sẽ được công bố vào ngày 04/12 cho thấy: “Chính quyền Bắc Kinh kiểm duyệt thông tin ở Trung Quốc trong tháng 10/2014 còn gắt gao hơn vào tháng 6/2014, thời gian diễn ra lễ kỷ niệm 25 năm sự kiện Thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn”.
Trưởng đặc khu cần cung cấp báo cáo chân thật
Vì từng là thống đốc ở khu vực này, ông Lord Patten hiểu được những phức tạp của chính quyền Hồng Kông.“Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh và chính phủ của ông cần phải thay đổi chính sách”, Đại sứ Patten cho biết. Báo cáo cho hay, chính quyền của ông Lương đệ trình lên Bắc Kinh “không đúng sự thật về mức độ ủng hộ của cộng đồng nhằm bóp méo sự thật”. Do đó, ông Lương cần phải gửi bản báo cáo chính xác.
Phương pháp Ủy ban Bầu cử hiện đang áp dụng là bầu ra trưởng đặc khu từ 1.200 thành viên đã thông qua sự cho phép của chính quyền Trung Quốc. Bất ứng viên nào không phù hợp với tiêu chí sẽ bị Bắc Kinh loại ra, điều này giống với mô tả của ông Patten về “kiểu bầu cử của Iran: Bạn chỉ có thể bỏ phiếu cho bất cứ ai mà chúng tôi chọn”.
Đại sứ Lord Patten Chris ở London, Anh, ngày 17/9/2013. Ông Lord Patten, Thống đốc Hồng Kông cuối cùng của Anh, điều trần trước Uỷ ban Chấp hành Quốc hội về Trung Quốc vào hôm 20/11. (Ảnh: Oli Scarff)
Ông Patten cho biết, phương pháp này vi phạm Luật Cơ bản, trong đó Ủy ban bầu cử phải có quyền “đại diện rộng rãi”. Ông lưu ý các thành viên của Ủy ban chỉ chiếm 7% tổng số cử tri của Hồng Kông. Hơn nữa, “các thủ tục của Ủy ban nhằm ngăn chặn việc đề cử bất kỳ ứng viên nào ủng hộ dân chủ”. Quyền lực vẫn nằm trong tay chính quyền đặc khu về việc đề cử các ứng cử viên.
Ngoài ra, ông Patten còn nêu ra vấn đề của cuộc bầu của lập pháp này khi thiếu yêu cầu của sinh viên. “Điều ngạc nhiên là sau 17 năm khi chủ quyền được bàn giao từ Vương Quốc Anh sang Trung Quốc, Hồng Kông vẫn không có một cơ quan lập pháp được bầu trực tiếp”.
Khuyến cáo
Cả ông Bush và ông Lagon đã hỗ trợ hoàn toàn các dự luật giống nhau được đưa vào Hạ viện (HR 5696) và Thượng viện (S. 2922) hôm 13/11, do Dân biểu Smith và Thượng nghị sĩ Brown đệ trình. Đạo luật về Nhân quyền và Dân chủ của Hồng Kông được cải thiện dựa trên Đạo luật về Chính sách Hoa Kỳ-Hồng Kông năm 1992, nhằm chỉ đạo Bộ trưởng Ngoại giao báo cáo về các quyền lợi của Mỹ tại Hồng Kông lên Quốc hội, từ ngày 31/3/2015 và các báo cáo thường niên sau đó. Các dự luật của quốc hội chỉ rõ, báo cáo này sẽ bao gồm “sự phát triển của các tổ chức dân chủ ở Hồng Kông”.
Dự luật này làm sống lại báo cáo gần nhất vào năm 2007. Báo cáo sẽ tái hỗ trợ Quốc Hội Mỹ trong việc đánh giá sự tiến bộ về nền dân chủ của Hồng Kông.
Được thành lập vào năm 2000, Uỷ ban Chấp hành Quốc hội về Trung Quốc (CECC) là tổ chức của Mỹ nhằm điều tra và khuyến khích Trung Quốc tuân thủ các tiêu chuẩn về nhân quyền quốc tế và các quy định của pháp luật ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ủy ban bao gồm 9 thành viên từ Hạ viện, 9 thành viên từ Thượng viện và 5 cán bộ quản lý cấp cao do Tổng thống chỉ định.
Theo vietdaikynguyen.com