Trang bìa tạp chí Pearson năm 1909 miêu tả câu chuyện của Xác ướp tai họa (Bảo tàng Vương quốc Anh số AE 22542). (Wikimedia Commons). Ảnh nền: Tàu RMS Titanic rời cảng Southampton vào ngày 10/4/1912. (F.G.O. Stuart từ Wikimedia Commons)
Từ khi được mang từ Ai Cập đến Châu Âu vào thế kỷ 19, một món cổ vật Ai Cập cổ đại được biết đến với tên gọi “Xác ướp tai họa” đã gây nên nhiều sự kiện lạ thường. Một trong số những câu chuyện này có thể được coi là chuyện huyền hoặc, nhưng đã được một nhà báo xác nhận tính chân thực vào đầu thế kỷ 20.
Nhà báo Bertram Fletcher Robinson đã dành nhiều tháng nghiên cứu và xác nhận sự thật về những tai nạn liên quan đến món cổ vật này. Nhưng ngay trước lúc hoàn thành công trình của mình, Robinson lại đột ngột qua đời.
Đây phải chăng là lời nguyền của Xác ướp tai họa?
Bertram Fletcher Robinson khoảng năm 1906. (Ted Sherrell/Wikimedia Commons)
Sir Arthur Conan Doyle đã nghĩ như vậy, cũng như nhiều người thân quen khác của Robinson. Nhận định của Doyle về cái chết cũng như công trình nghiên cứu của Robinson, đã được ghi chép trong những ấn bản của tạp chí Pearson và the Daily Express; cả hai tờ báo đều thuộc cùng một người chủ sở hữu.
Robinson bắt đầu nghiên cứu về xác ướp để viết một mục cho tờ Daily Express, với mục đích xóa đi những huyền thoại xoay quanh chủ đề này. Nhưng chính ông lại phát hiện ra những điều cho là huyền thoại này là đúng. Những bài viết được biên soạn và trích dẫn trên trang BFRonline, một tổ chức tiến hành các dự án nghiên cứu về tất cả những khía cạnh cuộc sống và công việc của Robinson (1870–1907), vốn từng là một cây bút nổi tiếng, một nhà chính trị và một người đam mê thể thao.
“Tôi đã cảnh báo Robinson về xác ướp tại Bảo tàng Anh. Nhưng cậu ta vẫn ngoan cố, và thần chết đã tìm đến cậu ấy sau đó”
Sir Arthur Conan Doyle.
Doyle kể về cái chết của Robinson như sau: “Cái chết đến với Robinson được gây ra bởi ‘các nhân tố’ Ai Cập đang canh giữ một xác ướp phụ nữ, bởi vì lúc đó ông đang tiến hành một cuộc nghiên cứu xoay quanh những câu chuyện ma quái về xác ướp. Không thể nào xác định một cách chắc chắn về tính chân thực của việc này… nhưng tôi đã cảnh báo Robinson về xác ướp tại Bảo tàng Anh. Nhưng cậu ta vẫn ngoan cố, và thần chết đã tìm đến cậu ấy sau đó… Tôi bảo cậu ta rằng, cậu đang liều mạng để theo đuổi câu trả lời cho những câu hỏi của mình … Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của Robinson là bệnh sốt thương hàn, nhưng đó có thể chỉ là một cách mà các nhân tố bí ẩn giúp canh giữ xác ướp đã dùng để lấy đi sinh mệnh của cậu.”
Lịch sử của món cổ vật này (thực ra không phải là toàn bộ xác ướp, mà là cái nắp quan tài) đã được đề cập đến trong tạp chí Pearson số ra tháng 8/1909. Người ta cho rằng, chính Robinson đã trải qua khó khăn để xác nhận được tất cả những thực tế đó.
Ảnh bìa Tạp chí Pearson năm 1909 cho thấy câu chuyện của Xác ướp (Bảo tàng Anh số tham khảo AE 22542). (Wikimedia Commons)
Xác ướp này được phát hiện ở Ai Cập bởi một người Ả rập và đã bán nó cho ông W tại một bữa tiệc được tổ chức bởi một “quý bà quyền quý”. Trường hợp của xác ướp này đã được miêu tả trong tạp chí như sau: “Trong ảnh là khuôn mặt của một người phụ nữ, với vẻ đẹp kỳ lạ, nhưng lại có một nét biểu hiện lạnh lùng ma quái”.
“Trên đường trở về từ bữa tiệc, một trong những thành viên đã bị bắn vào cánh tay khi khẩu súng trong tay người hầu ngẫu nhiên phát nổ mà không có lý do rõ ràng. Cánh tay đó phải bị cắt cụt. Người thứ hai bị chết vì nghèo đói khoảng một năm sau đó. Người thứ ba cũng bị bắn chết. Khi đến Cairo, người chủ sở hữu của cỗ quan tài nhận thấy ông đã mất đi một phần lớn tài sản của mình và qua đời không lâu sau đó…
“Khi cỗ quan tài cập bến nước Anh, nó được ông W trao tặng cho một người chị đã lập gia đình sống gần London [BRFonline phỏng đoán đây có thể là người phụ nữ với cái tên Warwick Hunt]. Ngay lập tức, vận đen giáng xuống gia đình họ: các tổn thất rất lớn về tài chính đã khiến gia đình họ gặp nhiều khó khăn”.
“Khi đến Cairo, người chủ sở hữu của cỗ quan tài nhận thấy ông đã mất đi một phần lớn tài sản của mình, và qua đời không lâu sau đó”
Tạp chí Person, tháng 8/1909
Một thợ nhiếp ảnh chụp ảnh cỗ quan tài tuyên bố đã nhìn thấy gương mặt một người phụ nữ còn sống trên cuộn phim, và cũng qua đời không lâu sau đó. Người chủ sở hữu cỗ quan tài này đã tặng nó cho Bảo tàng Anh, nơi nó được lưu giữ khi Robinson nghiên cứu nó, và vẫn ở đó cho đến ngày nay.
Ảnh toàn diện của Xác ướp (Bảo tàng Anh)
Tất cả những câu chuyện này là dựa vào cuộc điều tra về một người đàn ông đã chết từ lâu và dựa vào báo cáo về hai ấn bản báo chí của cùng một chủ sở hữu. Nếu đây là sự thật, thì câu chuyện này quả thật rất kỳ lạ.
Về những lời đồn thổi xuất hiện xoay quanh vết tích của cỗ quan tài được cho là của một nữ tu sĩ thời cổ đại, kể từ khi tạp chí Pearson năm 1909 xuất bản một bài báo, cũng có thể dễ dàng bị phủ nhận.
Tàu RMS Titanic rời cảng Southampton vào ngày 10/4/1912. (F.G.O. Stuart từ Wikimedia Commons)
Xác ướp tai họa được cho là đã nằm trên boong tàu Titanic khi tàu bị chìm, và có thể đây chính là tác nhân chịu trách nhiệm cho thảm kịch này.
Barbara Mikkelson của trang Snopes.com (trang chuyên vạch trần các tin đồn sai lệch) đã tìm hiểu về lịch sử của giả thuyết này và kết luận rằng cỗ quan tài xác ướp chưa bao giờ rời Bảo tàng Anh. Lời đồn thổi bắt nguồn từ nhà báo William Stead và một người đàn ông khác tên là Douglas Murray.
Stead và Murray đã kể câu chuyện về một xác ướp được mang tới nhà một người bạn. Linh hồn của xác ướp được cho là đã phá hủy tất cả mọi thứ có thể phá vỡ trong ngôi nhà, đồng thời mang bệnh tật và tai ương đến những ai tiếp xúc với nó. Sau đó họ nhìn thấy cỗ quan tài tại Bảo tàng Anh, chính là cổ vật được Robinson nghiên cứu. Họ nói rằng khuôn mặt trên cỗ quan tài trông thật đau khổ và rằng linh hồn của nữ tu sĩ là một thế lực hắc ám đang lảng vảng trong thế giới con người.
Stead là một hành khách trên con tàu Titanic định mệnh và đã chìm xuống biển cùng với nó. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York World, một người sống sót sau thảm họa đã thuật lại câu chuyện về một xác ướp bị nguyền rủa được Stead kể lại cho các bạn đồng hành của ông trên con tàu Titanic.
Rốt cục, câu chuyện về xác ướp bị nguyền rủa, cỗ quan tài tại Bảo tàng Anh, và con tàu Titanic đều bị trộn lẫn vào với nhau thành một truyền thuyết, Mikkelson giải thích.
Theo Vietdaikynguyen.com