NGỌC PHƯƠNG NAM. Tôi đã có một ít bài viết về Nguyễn Du (Tâm sự Nguyễn Du qua Đối tửu, Nguyễn Du và những câu thơ tài hoa; Đèo Ngang và những tuyệt phẩm thơ cổ; Nguyễn Du viếng mộ Liễu Hạ Huệ; Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ.) . Gần đây, tôi đọc được một số bài viết mới ( Nguyễn Du – Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương; Tết, đọc lại thơ Nguyễn Du; Đọc Nguyễn Du, nhớ Nguyễn Khuyến, Khóc Tố Như) khá hay, soi sáng thêm những góc nhìn mới. Nay tôi xin chép lại trong cùng chuyên mục để thuận tiện tra cứu và giúp bạn đọc dễ theo dõi.
Nguyễn Du – Nguyễn Công Trứ
Nguyễn Du
Tóc bạc cám thương người phận mỏng
Lưng gầy trĩu nặng nỗi bể dâu
Ngực yếu, trái tim thì quá nặng
Nhờ thơ san sẻ bớt niềm đau.
Nguyễn Công Trứ
Khi mũ cánh chuồn, lúc mo cau
Sang hèn, cao thấp khác gì nhau
Đánh giặc, khẩn hoang ngàn dặm đất
Không quên thơ phú với…cô đầu!
Vương Trọng
Nguồn: Blog Vương Trọng
Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương
Nguyễn Hưng Quốc
Hình: Wikipedia Commons
Đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du, tôi nghĩ đến Nguyễn Khuyến. Và cũng nghĩ đến một người khác nữa: Hồ Xuân Hương.
Nguyễn Du được xem là ông hoàng của thơ Việt Nam, còn Hồ Xuân Hương lại được tôn vinh là “bà Chúa thơ Nôm”. Giữa “ông hoàng” và “bà chúa” dường như có một điểm chung: mối tình kéo dài ba năm.
Trước khi nói về mối tình của họ, xin nói một chút về Hồ Xuân Hương. Cho đến nay, hầu như giới phê bình và nghiên cứu đều đồng ý với nhau một điểm: Đó là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất và cũng là nhà thơ độc đáo nhất của Việt Nam. Về điểm thứ nhất, tôi rất tâm đắc với bảng xếp hạng của Xuân Diệu: Nguyễn Trãi, Đoàn Thị Điểm (nếu bà thực sự là tác giả của bản dịch Chinh phụ ngâm hiện hành), Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và Tú Xương là năm nhà thơ lớn nhất trong văn học cổ điển Việt Nam. Về điểm thứ hai, cũng đã có nhiều người nhấn mạnh: với những bài thơ Nôm còn lại hiện nay, Hồ Xuân Hương là một hiện tượng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Việt Nam. Hồ Xuân Hương có thể không bằng Nguyễn Du ở sự bát ngát trong tâm tình, sự lộng lẫy và đa dạng của bút pháp, đặc biệt, Hồ Xuân Hương không có một tác phẩm nào đồ sộ, nguy nga có thể sánh được với Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhưng mặt khác, Hồ Xuân Hương lại độc đáo hơn Nguyễn Du. Độc đáo hơn vì cá tính mạnh mẽ hơn, phong cách sắc sảo hơn, ngôn ngữ dữ dội hơn. Nguyễn Du là người đi đến tận cùng nỗi đoạn trường chung của nhân loại. Hồ Xuân Hương là người đi đến tận cùng màu sắc riêng tây trong một con người. Nguyễn Du là đóa hoa đẹp nhất trong các loài hoa. Hồ Xuân Hương là đóa hoa lạ nhất trong các loài hoa. Chung quanh Nguyễn Du, châu tuần nhiều nhà thơ khác, gần gũi ở nhiều khía cạnh, tuy mức độ tài hoa có thể ít hơn. Chung quanh Hồ Xuân Hương hầu như không có ai cả. Nguyễn Du cao ngất mà không lẻ loi. Hồ Xuân Hương, ngược lại, là một hiện hữu dị thường, một mình chiếm riêng một góc trời.
Nhưng nhà thơ được xem là độc đáo nhất của Việt Nam ấy lại là một hiện tượng vô cùng phức tạp. Phức tạp, trước hết, là về tư liệu. Trước, người ta không biết gì về bà. Đến độ nhiều người nêu lên giả thuyết: bà không có thật. Tên của bà chỉ là một cái tên giả của một hay một số nhà thơ nam tinh nghịch nào đó. Sau, người ta tìm ra khá nhiều tài liệu về bà. Nhưng những tài liệu ấy lại mâu thuẫn với nhau đến độ nếu tin vào chúng, chúng ta sẽ có không phải một mà là hai hay ba nhà thơ mang tên Hồ Xuân Hương khác nhau. Hoàn toàn khác nhau.
Trong các khám phá liên quan đến Hồ Xuân Hương, quan trọng nhất là việc phát hiện tập thơ Lưu Hương Ký vào năm 1963. Tập thơ gồm 52 bài: 24 bài chữ Hán và 28 bài chữ Nôm. Đặc biệt, trong tập thơ có một bài tựa viết năm 1814 của một người có biệt hiệu là Tốn Phong, người Nghệ An. Trong bài tựa, Tốn Phong tự nhận mình là bạn của Hồ Xuân Hương, tự Cổ Nguyệt Đường, con cháu họ Hồ ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Chính Hồ Xuân Hương đã nhờ ông viết lời tựa ấy: “Đây là tất cả thơ văn trong đời tôi từ trước đến nay, nhờ anh làm cho bài tựa.”
Xuất hiện vào năm 1814, đó là văn bản cổ nhấtvà cũng đáng tin nhất liên quan đến thơ Hồ Xuân Hương. Trước khi tập Lưu Hương Ký được phát hiện, toàn bộ những bài thơ Nôm được truyền tụng lâu nay đều chỉ được lưu hành trong dân gian trong cả một thế kỷ. Chúng chỉ được sưu tập và in thành sách vào năm 1913 (nhà xuất bản Xuân Lan).
Tuy nhiên, ở đây lại xuất hiện một số vấn đề: một, không có bài thơ nào trong tập Lưu Hương Ký năm 1814 và Thơ Hồ Xuân Hương năm 1913 trùng nhau cả; hai, phong cách và giá trị của hai tập thơ cũng khác hẳn nhau: thơ trong cuốn sách in năm 1913 vốn chứa đựng các bài thơ được truyền tụng rộng rãi lâu nay sắc sảo và độc đáo bao nhiêu, thơ trong Lưu Hương Ký lại hiền lành và bình thường bấy nhiêu.
Trước hai hiện tượng trên, chúng ta có thể có ba giả thuyết chính:
1. Có hai Hồ Xuân Hương khác nhau. Tạm gọi là HXH1, tác giả của các bài thơ được truyền tụng rộng rãi lâu nay, và HXH2, tác giả của tập Lưu Hương Ký do Tốn Phong viết lời tựa. Một số nhà nghiên cứu không quyết liệt đến mức xem HXH1 và HXH2 là hai người khác nhau, nhưng, khi phê bình, họ tạm loại trừ HXH2 ra khỏi phạm vi phân tích và đánh giá. Họ chỉ tập trung vào HXH1 với những bài thơ họ cho là thực sự xuất sắc.
2. Có một Hồ Xuân Hương thật và một Hồ Xuân Hương giả. HXH2 là Hồ Xuân Hương thật, có văn bản đàng hoàng và khả tín; còn HXH1, tức tác giả của những bài thơ nổi tiếng trong quần chúng lâu nay, từ “Khóc Tổng Cóc” và ”Khóc ông phủ Vĩnh Tường” đến “Làm lẽ”, “Không chồng mà chửa”, “Bánh trôi nước”, “Quả mít”, v.v… là Hồ Xuân Hương giả. Giả ở đây được hiểu theo nghĩa là: Đó chỉ là biệt hiệu được dựng lên để che giấu tông tích của một người thật, có thể là một hay một nhóm nhà nho nghịch ngợm nào đó. Họ làm thơ để cợt nhã, nhưng, dưới áp lực nặng nề của dư luận thời phong kiến, phải ngụy trang dưới một cái tên bịa là Hồ Xuân Hương. Nhưng Hồ Xuân Hương này lại không dính líu gì đến Hồ Xuân Hương, tác giả của Lưu Hương Ký và là bạn của Tốn Phong.
3. Cả HXH1 và HXH2 chỉ là một. Tuy nhiên, thuộc nhóm này, có hai khuynh hướng khác nhau:
3.1.Chỉ có những bài thơ trong Lưu Hương Ký là thực sự của Hồ Xuân Hương. Còn những bài thơ tương truyền của HXH1, trải qua trên dưới một thế kỷ truyền miệng, đã ít nhiều bị/được dân gian hóa. Giống như ca dao. Điều này giải thích tại sao chúng không còn giống hẳn với phong cách của những bài thơ trong Lưu Hương Ký. (Đó là chưa kể nhiều bài thơ bị gán đại cho Hồ Xuân Hương.)
3.2.Xem tất cả những bài thơ được truyền tụng lâu nay và những bài thơ trong Lưu Hương Ký là của một tác giả. Không chút thắc mắc nào cả. Khuynh hướng này có chút ngây thơ. Nhưng đó là cách dễ dàng nhất. Bởi vậy, có vẻ càng ngày càng có nhiều người chấp nhận.Trong phạm vi một bài viết ngắn để đăng trên blog, tôi không có tham vọng đi sâu vào các vấn đề nêu trên. Vả lại, thành thực mà nói, bản thân tôi cũng còn hết sức phân vân. Tôi biết, trên thế giới, không ít người từng thử nghiệm nhiều phong cách khác nhau. Tuy nhiên, điều ấy chưa từng xảy ra ở Việt Nam, nhất là ở thời Trung Đại, lúc ngay cả ý niệm về cái gọi là phong cách cũng chưa hề xuất hiện. Tất cả những cái gọi là phong cách của các tác giả cổ điển Việt Nam đều có tính chất tự phát. Đã là tự phát thì cũng không thể có vấn đề ngụy trang.
Bởi vậy, ở đây, khi nói đến mối tình giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, chúng ta tạm giới hạn vào HXH2, tác giả của Lưu Hương Ký (và một số bài thơ vịnh Hạ Long do Hoàng Xuân Hãn sưu tầm được).
Đó là một mối tình có thật chứ không phải là giai thoại. Bằng chứng là một bài thơ có nhan đề “Cảm cựu kiêm trình Cần Chánh học sĩ Nguyễn Hầu”, trong tập Lưu Hương Ký. Bài thơ như sau:
Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung,
Cậy ai tới đấy gửi cho cùng.
Chữ tình chốc đã ba năm vẹn,
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập,
Phấn son càng tủi phận long đong.
Biết còn mảy chút sương siu mấy
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong.
Nhan đề bài thơ nghĩa là “Nhớ người cũ – viết gửi Cần chánh học sĩ Nguyễn hầu”. Xin lưu ý là, trong nguyên tác, ngay dưới nhan đề là một tiểu chú: “Hầu, Nghi Xuân, Tiên Điền nhân” (Hầu, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân). Cả hai đều cho thấy cái người được gọi là “Nguyễn hầu” ấy không thể là ai khác ngoài Nguyễn Du. Thứ nhất, trùng họ: họ Nguyễn. Thứ hai, trùng quê quán: Nguyễn Du quê quán ở Tiên Điền, Nghi Xuân. Và thứ ba, trùng chức vụ: tháng 2 năm 1813, lúc đang làm Cai Bạ Quảng Bình, Nguyễn Du được thăng chức Cần chánh điện học sĩ, trước khi được cử làm chánh sứ đi Trung Quốc tuế cống.
Dựa vào nhan đề liên quan đến chức vụ của Nguyễn Du, người ta có thể biết bài thơ được sáng tác vào năm 1813, một năm trước khi Hồ Xuân Hương nhờ Tốn Phong viết lời tựa. Nhưng như vậy, mối tình kéo dài “ba năm vẹn” giữa hai người xảy ra vào lúc nào? Hoàng Xuân Hãn đoán nó phải xảy ra vào khoảng 1792-1795, lúc Nguyễn Du còn khá trẻ, khoảng dưới 30 tuổi. Lý do là, sau đó, nhất là kể từ năm 1802, lúc đã ra làm quan, rất ít khi Nguyễn Du có mặt lâu ở Hà Nội. Hết làm tri huyện Phù Dung lại làm tri phủ Thường Tín, rồi vào Huế, và làm Cai Bạ ở Quảng Bình. Nếu ông đi ra Bắc thì cũng chỉ ở lại một thời gian ngắn. Dù sao, đây cũng chỉ là giả thuyết. Cái gọi là mối tình “ba năm” ấy không nhất thiết là gần gũi trọn vẹn ba năm. Ở xa, nhưng thỉnh thoảng gặp nhau, cũng là tình yêu chứ?
Bài thơ trên là một trong những bài thơ hay nhất trong tập Lưu Hương Ký. Hay và cảm động. Nó cho thấy, dù có chút chua chát, Hồ Xuân Hương vẫn còn yêu Nguyễn Du. Và vẫn còn băn khoăn không biết Nguyễn Du có còn nhớ thương mình? Đó là ý nghĩa của chữ “sương siu” ở câu thứ 7, theo Hoàng Xuân Hãn, có nghĩa là bịn rịn.
Không hiểu sao, khi đọc bài thơ trên, tôi cứ ao ước HXH1 và HXH2 là một người. Chỉ là một người.
Cứ tưởng tượng “bà Chúa thơ Nôm” và “ông hoàng” của thơ ca Việt Nam là tình nhân của nhau?
Thì thú vị biết chừng nào.
***
Chú thích:
Tài liệu về Hồ Xuân Hương khá nhiều. Ở đây, tôi sử dụng ba cuốn chính:
Thơ Hồ Xuân Hương của Nguyễn Lộc, nxb Văn Học, Hà Nội, 1982.
Thiên tình sử Hồ Xuân Hương của Hoàng Xuân Hãn, nxb Văn Học, Hà Nội, 1995.
Hồ Xuân Hương, tiểu sử văn bản: Tiến trình huyền thoại dân gian hóa của Đào Thái Tôn, nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 1999.
Tết, đọc lại thơ Nguyễn Du
Nguyễn Hưng Quốc
Tết, buồn, tôi đọc lại một số tập thơ cổ, trong đó có thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Càng buồn.
Thơ chữ Hán của Nguyễn Du (1766-1820) còn lại khá nhiều, khoảng 249 bài, tập hợp trong ba tập: Thanh Hiên tiền hậu tập (sáng tác từ năm 1786 đến 1804), Nam trung tạp ngâm (từ 1805 đến 1812) và Bắc hành tạp lục (sáng tác nhân chuyến đi sứ sang Trung Quốc – 1813). Có thể xem đây là những tập nhật ký của Nguyễn Du từ lúc 21 tuổi đến năm 49 tuổi, 5 năm trước khi qua đời. Đó là nơi Nguyễn Du kể lể về cuộc đời mình và bộc bạch tâm sự của mình một cách trực tiếp, chứ không phải qua trung gian của một câu chuyện dịch từ tiếng Tàu như Truyện Kiều. Điểm nổi bật nhất, toát lên từ cả ba tập thơ, có lẽ là một tâm trạng: buồn rầu.
Buồn nhất là vì nghèo.
Xin lưu ý là Nguyễn Du sinh ra trong một gia đình quý tộc, có thể gọi là đại quý tộc. Cha Nguyễn Du, ông Nguyễn Nghiễm (1708-1776), đỗ Tiến sĩ, có thời gian làm tham tụng, tức tể tướng, dưới quyền Chúa Trịnh. Anh cả, cùng cha khác mẹ của ông, Nguyễn Khản (1734-1786), cũng đỗ Tiến sĩ và cũng có thời gian làm tể tướng. Ca dao thời ấy có câu: “Bao giờ Ngàn Hống hết cây / Sông Rum hết nước, họ này hết quan.”
Có điều, khi Nguyễn Du lớn lên, tất cả những điều đó chỉ còn là những vang bóng một thời. Khi Nguyễn Du được 10 tuổi, cha mất; 20 tuổi, anh cả mất. Gia sản còn lại cho Nguyễn Du chắc chắn không nhiều, nếu không muốn nói là không có gì cả. Nguyễn Nghiễm có đến 8 vợ và 21 người con; mẹ của Nguyễn Du lại là vợ lẽ, lúc Nguyễn Nghiễm đã 48 tuổi (còn bà thì khoảng 16). Sau khi ông chết, phần lớn các bà vợ đều về nhà riêng. Mẹ của Nguyễn Du chỉ là con của một vị quan nhỏ, làm chức câu kế. Hơn nữa, bà cũng mất sớm, 3 năm sau chồng, lúc Nguyễn Du mới 13 tuổi. Sau đó, Nguyễn Du sống với Nguyễn Khản, lớn hơn ông 31 tuổi. Nguyễn Khản giàu có, tài hoa và cũng cực kỳ hào hoa. Nhưng quan lộ của Khản cũng rất lận đận, có lúc lên tột đỉnh vinh quang nhưng cũng có lúc bị giam cầm hoặc trốn tránh đây đó. Vả lại, ông cũng mất khi Nguyễn Du còn khá trẻ, lúc mới 20 tuổi, chỉ có một mảnh bằng nho nhỏ: tam trường (tức chưa phải Cử nhân) và phải chấp nhận làm một quan võ cấp thấp thay thế cho ông bố nuôi, người họ Hà.
Đến năm 1786, lúc Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc Hà và đánh tan chúa Trịnh thì toàn bộ những vinh hoa của dòng họ Nguyễn đều tan thành mây khói. Ngay cả dinh cơ của họ Nguyễn ở Nghi Xuân bị cũng phá sạch. Nguyễn Du dẫn vợ con về quê bà vợ cả ở Thái Bình sống qua ngày. Đó cũng là thời gian ông sáng tác tập Thanh Hiên tiền hậu tập.
Ba hình ảnh xuất hiện nhiều nhất trong tập thơ này là: bệnh, đói và đầu bạc. Nên nhớ lúc này Nguyễn Du chỉ mới trên dưới 30 tuổi. Mà tóc đã bạc trắng (Trong tổng số 65 bài của tập thơ, có 17 bài nhắc đến hình ảnh bạch phát hay bạch đầu): “Bạch đầu đa hận tuế thời thiên” (Đầu bạc thường bực vì ngày tháng trôi mau); hay “Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên” (Tráng sĩ đầu bạc bùi ngùi ngẩng lên trời) hay “Bạch phát hùng tâm không đốt ta” (Tóc bạc rồi, dù có hùng tâm, cũng chỉ biết ngồi suông than thở).
Không biết ông bệnh gì, nhưng lúc nào cũng than bệnh: “Nhất nhất xuân hàn cựu bệnh đa” (Một nhà xuân lạnh, bệnh cũ lại nhiều); “Tam xuân tích bệnh bần vô dược” (Ba tháng xuân ốm liên miên, nghèo không có thuốc); “Cùng niên ngọa bệnh Tuế giang tân” (Suốt năm đau ốm nằm ở bến Tuế giang); “Đa bệnh đa sầu khí bất thư” (Lắm bệnh, hay buồn, tâm thần không được thư thái); “Thập niên túc tật vô nhân vấn” (Bệnh cũ mười năm, không ai thăm hỏi); “Giang hồ bệnh đáo kinh thời cửu” (Bệnh đến trong bước giang hồ đã lâu ngày).
Đã bệnh lại còn nghèo. Phải ở nhờ nhà người khác: “Tiêu tiêu bạch phát ký nhân gia” (Đầu bạc bơ phờ ở nhờ nhà người). Hết nhờ người này sang nhờ người khác: “Lữ thực giang tân hựu hải tân” (Hết ăn nhờ ở miền sông lại đến miền biển). Lúc nào trong túi cũng rỗng không: “Giang nam giang bắc nhất nang không” (Một chiếc túi rỗng không, đi hết phía nam sông lại sang phía bắc sông). Thiếu mặc: “Tảo hàn dĩ giác vô y khổ” (Mới rét mà đã thấy khổ vì không áo). Có khi đói: “Táo đầu chung nhật vô yên hỏa” (Suốt ngày bếp không đỏ lửa). Ngay cả khi Nguyễn Du đã ra làm quan dưới triều Gia Long rồi, có năm vợ con vẫn đói: “Thập khẩu hài nhi thái sắc đồng” (Nhà mười miệng trẻ đói xanh như rau); “Thập khẩu đề cơ Hoành Lĩnh bắc” (Nhà mười miệng ăn đang kêu đói ở phía bắc Hoành sơn). Mười đứa trẻ ở đây chính là con của Nguyễn Du. (Gia phả ghi Nguyễn Du có 3 vợ: bà vợ đầu sinh một con trai tên Nguyễn Tứ; bà vợ thứ hai cũng sinh một con trai tên Nguyễn Ngũ; bà vợ thứ ba sinh mười con trai và sáu con gái; tổng cộng, như vậy, ông có 18 người con. Tuy nhiên, căn cứ vào tên người con đầu, Nguyễn Tứ, chúng ta có thể đoán là ông có ba người con khác, anh hay chị của Nguyễn Tứ, có lẽ đã chết lúc còn nhỏ hoặc ngay trong bào thai.) Đói đến độ có lúc phải xin ăn: “Cơ hàn bất giác thụ nhân liên” (Đâu ngờ phải đói rét để cho người thương).
Nhưng buồn nhất có lẽ là cảm giác bất lực và bế tắc, trong đó có chuyện bất lực và bế tắc về văn chương.
Một điều chắc chắn là ngay từ trẻ, Nguyễn Du đã mê văn chương và biết mình có tài về văn chương, như có lần, nhân dịp ghé thăm ngôi nhà cũ của Liễu Tông Nguyên (nhà thơ đời Đường, 773-819), trong chuyến đi sứ sang Trung Hoa, ông đã tự nhận: “Tráng niên ngã diệc vi tài giả” (Thời trẻ, ta cũng là kẻ có tài năng). Cả đời, ông mê đọc sách. Thuở hàn vi, suốt 10 năm sống nhờ nhà người khác, hầu như lúc nào cũng đối diện với nguy cơ đói ăn và thiếu mặc, vậy mà nhà ông lúc nào cũng đầy sách: “Tứ bích đồ thư bất yếm đa” (Sách vở đầy bốn vách, bao nhiêu cũng không vừa); “Cơ thử duyên sàng khiết ngã thư” (Chuột đói leo giường gặm sách vở của ta). Bệnh, ông nằm với sách: “Chẩm bạn thúc thư phù bệnh cốt” (Cạnh gối có chồng sách đỡ tấm thân bệnh tật). Sau này, năm 1813, ông được vua Gia Long cử làm chánh sứ sang Trung Hoa. Con đường đi sứ từ Huế đến Yên Kinh dài dằng dặc, băng qua những Quảng Tây, Hồ Nam, Giang Nam, Hồ Bắc, An Huy, Hoài Nam, Sơn Đông; trên đường về, lại băng qua Hà Bắc, Sơn Tây, Hà Nam, trước khi nhập lại con đường cũ, qua Hán Dương, Nhạc Dương, Hành Dương, Quế Lâm, v.v… Suốt cuộc hành trình dài đằng đẵng ấy, lúc thì đi bộ, lúc thì đi ngựa, lúc thì đi thuyền, phần lớn thời gian Nguyễn Du dành cho việc đọc sách: “Khách lộ trần ai bán độc thư” (Thì giờ trên đường gió bụi, một nửa là đọc sách).
Mê sách và mê văn chương như thế, nhưng hầu như lúc nào Nguyễn Du cũng ngậm ngùi khi nói đến văn chương. Ông không tin văn chương là đầu mối của bất hạnh (“Vị hữu văn chương sinh nghiệp chướng” – Chưa từng có chuyện văn chương sinh ra nghiệp chướng). Nhưng ông cũng thừa biết văn chương không giúp được gì trong việc giải quyết các bế tắc trong cuộc sống thường nhật, nhất là lúc đất nước nhiễu nhương, hết chiến tranh giữa Tây Sơn và chúa Trịnh thì đến chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Lúc ở ẩn và chịu nghèo đói ở quê vợ, ông nhận ra một sự thật bẽ bàng: “Thư kiếm vô thành sinh kế xúc” (Nghề văn nghề võ đều không thành, sinh kế quẫn bách), “Nhất sinh từ phú tri vô ích / Mãn giá cầm thư đồ tự ngu” (Một đời chuyên về từ phú biết là vô ích / Sách đàn đầy giá, chỉ mình làm ngu mình). Có lúc, nhìn tóc bạc trắng và ngửa mặt lên trời, ông tự hỏi: “Văn tự hà tằng vi ngã dụng” (Văn tự nào đã dùng được việc gì cho ta). Sau, khi ra làm quan với Gia Long, ông được thăng cấp rất nhanh: thoạt đầu (1802) làm tri huyện; mấy tháng sau, đã được thăng lên làm tri phủ; ba năm sau, được thăng Đông Các Đại Học Sĩ; mấy năm sau, làm Cai Bạ, rồi được cử làm Chánh sứ sang Trung Hoa; về, được thăng Hữu Tham tri Bộ Lễ, hàm Tam phẩm. Có thể nói quan lộ của Nguyễn Du rất hanh thông. Nhưng ông vẫn buồn. Thấy cảm hứng văn chương càng ngày càng leo lắt. Trên đường đi sứ, ông than thở: “Lão khứ văn chương diệc tị nhân” (Già rồi, văn chương cũng xa lánh người); rồi lại than thở: “Văn chương tàn tức nhược như tơ” (Hơi tàn, văn chương mảnh như sợi tơ).
Buồn, ông quay sang đọc kinh Phật: “Ngã độc Kim cương thiên biến linh / Kỳ trung áo chỉ đa bất minh” (Ta đọc kinh Kim cương hàng nghìn lượt, những ý nghĩa gọi là sâu xa trong đó phần nhiều không rõ ràng).
Không biết việc đọc kinh Phật có làm ông nguôi ngoai hay không. Nhưng đọc thơ chữ Hán của ông, từ lúc trẻ đến lúc già, hết tập này đến tập khác, lúc nào cũng thấy một tâm trạng hiu hắt.
Bởi vậy, ông mới phân trần:
Tri giao quái ngã sầu đa mộng
Thiên hạ hà nhân bất mộng trung?
(Bạn thường trách bảo hay sầu mộng,
Thiên hạ ai người thực tỉnh không?)
(Phạm Khắc Khoan và Lê Thước dịch)
Đọc Nguyễn Du, nhớ Nguyễn Khuyến
Nguyễn Hưng Quốc
Hình: Wikipedia Commons
Nguyễn Khuyến
Đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du, thấy tâm trạng buồn rầu và cảm giác bế tắc của ông khi nghĩ về chuyện văn chương, tự dưng tôi nhớ đến Nguyễn Khuyến.
Nguyễn Khuyến (1835-1909) ra đời sau khi Nguyễn Du đã mất được 15 năm. Cả hai đều trải qua những thời loạn lạc: với Nguyễn Du, loạn lạc xảy ra lúc còn trẻ; với Nguyễn Khuyến, lúc đã về già. Mức độ của cái gọi là loạn lạc ấy cũng khác: thời Nguyễn Du, đất nước thay chủ, từ Lê-Trịnh sang Nguyễn Tây Sơn và cuối cùng, Nguyễn Gia Miêu (quê gốc của các chúa và sau đó, của các vua Nguyễn, thuộc Tống Sơn, Thanh Hóa); thời Nguyễn Khuyến, không phải là chuyện thay đổi triều đại, mà là chuyện đánh mất chủ quyền: cả nước lọt vào tay thực dân Pháp. Cuối cùng, phạm vi của khái niệm loạn lạc cũng khác: thời Nguyễn Du, chỉ là loạn lạc về chính trị và xã hội; thời Nguyễn Khuyến, loạn lạc một cách toàn diện: không những chỉ trong lãnh vực chính trị hay xã hội mà còn cả trong lãnh vực văn hóa với sự thất thế của chữ Hán và sự lên ngôi của chữ quốc ngữ, từ đó, sự thay đổi trong hệ thống học đường và khoa cử, sự đảo lộn trong bảng giá trị đạo đức cũng như thẩm mỹ.
Cả hai, lúc còn trẻ, chắc chắn có rất nhiều tham vọng. Nguyễn Du thì sinh ra trong gia đình thế gia vọng tộc, lại nổi tiếng tài hoa về văn chương. Nguyễn Khuyến xuất thân trong một gia đình khiêm tốn hơn: cha chỉ đỗ tú tài, làm nghề dạy học và khá nghèo. Nhưng về khoa cử, ông lại hơn hẳn Nguyễn Du: Trong khi Nguyễn Du chỉ đỗ tam trường (tú tài), Nguyễn Khuyến lại thi đỗ cả ba kỳ thi Hương (1864), thi Hội (1871) và thi Đình (1871); hơn nữa, ở cả ba cuộc thi, ông đều đỗ đầu; nổi tiếng cả nước với danh hiệu “Tam nguyên Yên Đổ”. Đó là điều Nguyễn Khuyến rất tự hào. Trong bài “Di chúc”, có đoạn ông viết:
… Đức thầy đã mỏng mòng mong
Tuổi thầy lại sống hơn ông cụ thầy.
Học chẳng có rằng hay chi cả;
Cưỡi đầu người kể đã ba phen….
Mà tự hào kể cũng phải. Nên nhớ trong cả lịch sử khoa cử bằng chữ Hán tại Việt Nam, kể từ khoa thi đầu tiên vào năm 1075 đến khoa thi cuối cùng vào năm 1918, tức hơn 800 năm, chỉ có cả thảy năm người đoạt được danh hiệu “tam nguyên” như thế: Đào Sư Tích (đời Trần), Lê Quý Đôn (1726-1784), Trần Bích San (1838-1877), Nguyễn Khuyến và Vũ Phạm Hàm (1864-1910).
Nhờ đỗ đạt cao, con đường làm quan của Nguyễn Khuyến khá thuận lợi, ít nhất là ở giai đoạn đầu. Hai năm sau khi đỗ khoa thi Hội và thi Đình, ông được bổ làm Đốc học ở Thanh Hóa; năm sau, làm Án sát Nghệ An, rồi mấy năm sau, được thăng làm Bố Chánh tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, sau đó, hoạn lộ của ông bắt đầu bị trắc trở. Năm 1879, vì chuyện gì đó, ông bị đàn hặc và bị điều về Huế, làm Toản tu Quốc tử giám, không còn quyền lực gì cả. Năm năm sau, ông cáo quan, lúc mới 50 tuổi ta. Tổng cộng ông làm quan chỉ được 11 năm.
Có cảm tưởng phần lớn những bài thơ còn lại đến bây giờ của Nguyễn Khuyến đều được sáng tác sau khi ông về hưu. Khung cảnh là khung cảnh làng quê. Một số nhân vật xuất hiện trong thơ ông cũng là những người dân dã. Tâm trạng là tâm trạng của một người đứng ngoài công danh. Tuy nhiên, chính ở đây, chúng ta thấy có sự khác biệt sâu sắc giữa Nguyễn Du và Nguyễn Khuyến. Nguyễn Du hầu như lúc nào cũng phấp phỏng lo sợ, lúc nào cũng cô đơn và cô độc, lúc nào cũng thu mình lại, kín kẽ, giữ gìn, thậm chí có lúc phải đóng kịch: “Dị hương dưỡng chuyết sơ phòng tục / Loạn thế toàn sinh cửu úy nhân” (Ở đất khách, giả vụng về để phòng thói tục; gặp đời loạn vì muốn giữ thân nên luôn sợ người ta). Nguyễn Khuyến thì khác. Ông sống chan hòa với mọi người. Ông xem những người dân quê chung quanh như là bạn bè: “Chú Đáo làng bên lên với tớ / Ông Từ xóm chợ lại cùng ta.” Điểm chung giữa Nguyễn Du và Nguyễn Khuyến là tâm trạng của họ khi nói đến chuyện văn chương: Nhìn đâu cả hai cũng đều thấy bế tắc.
Nguyễn Khuyến xem thời mình sống là một thời “mạt học”: “Mạt học văn chương nhập hạ tằng” (Văn chương trong buổi học vấn suy tàn, đã rơi xuống bậc dưới). Rơi xuống bậc dưới là bậc gì? Nó chỉ trên bậc ăn mày một chút: “Hạnh nhân nho đẳng vi tiên cái” (Cũng may nhà nho còn được xếp trên hạng ăn mày). Thì cũng chẳng có gì lạ. Ngày xưa, ngay một nhà thơ lớn như Đào Tiềm cũng từng có lúc làm thơ xin ăn cơ mà: “Cổ nhân khất thực dĩ thành thi” Người xưa từng đã có thơ “xin ăn”). Biết thế, nhưng Nguyễn Khuyến không thể không trằn trọc tự hỏi: “Sách vở ích gì cho buổi ấy?” và có lúc ứa nước mắt: “Bút nghiễn trầm tư ưng hữu lệ” (Ngẫm nghĩ đến bút nghiên đáng tràn nước mắt).
Bây giờ chúng ta quen nhìn Nguyễn Khuyến như một trong những nhà thơ cổ điển lớn nhất của Việt Nam. Nhưng thuở sinh thời, không chắc Nguyễn Khuyến đã có được mấy tri kỷ. Không đăng trên báo và cũng không in thành sách, thơ ông chủ yếu được truyền tụng trong bạn bè và một số người quen. Nhiều lần, ông nói là ông không cần có nhiều người đọc: “Tạp cú bất tu nhân cộng hưởng” (Câu thơ vặt không cần mọi người thưởng thức) hoặc “Phóng ngâm hà tất vạn nhân truyền” (Thơ ngâm tràn, cần gì phải vạn người truyền tụng). Nhưng có nhắc đến là có ảm ảnh. Mà ám ảnh ấy chắc chắn là buồn.
Một điểm đáng chú ý là khi nhắc đến thơ, ít khi Nguyễn Khuyến nhắc đến đơn vị bài. Mà chỉ dừng lại ở đơn vị câu.
Lúc hứng uống thêm dăm chén rượu
Khi buồn ngâm láo một câu thơ.
(Đại lão)
Rượu ngon nhắp giọng đưa vài chén
Bút mới xô tay thử một hàng.
(Khai bút)
Câu thơ nghĩ, đắn đo không viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa?
(Khóc Dương Khuê)
Ngoài những câu quen thuộc ở trên, Nguyễn Khuyến còn có câu thơ này tôi rất thích và cứ đọc đi đọc lại hoài trong đêm giao thừa vừa qua:
Trầm ngâm tọa đối hàn đăng chước
Nhất cú liên niên, hứng vị cùng.
(Ngồi lặng lẽ dưới bóng đèn, rót rượu uống
Ngâm một câu thơ kéo dài hai năm liền, hứng vẫn chưa cạn).
Ngâm thơ, ở ngay thời điểm giao thừa, từ phút trước sang phút sau đã là hai năm. Hình ảnh thật đẹp.
Một điểm nữa cũng cần lưu ý: Trước hình ảnh “ông đồ” trong thơ của Vũ Đình Liên, Nguyễn Khuyến đã từng là người viết thuê câu đối để sống trong những ngày tết. Chắc chắn là ông viết rất nhiều. Bây giờ chỉ còn lại vài chục câu. Câu nào cũng hay. Với chúng, Nguyễn Khuyến được giới phê bình và nghiên cứu xem là người viết câu đối nhiều, mẫn tiệp, và thú vị nhất trong lịch sử văn học cổ điển Việt Nam, một lịch sử, ở đó, hầu như bất cứ người đi học nào cũng phải viết câu đối.
Trong bài thơ “Đối trướng phát khách” (Bán hàng đối trướng), Nguyễn Khuyến kể về việc bán câu đối của mình như sau:
Sinh thục văn tự cách
Tân xuân hựu phát khách.
Nhất nguyên chí thập nguyên
Đa thiểu giá bình địch
Hữu khách lai mãi chi
Chỉ dĩ can lang bách
Ngã văn tuy bất giai
Khởi bất xứng tam mạch
Khách mãi giá hà liêm
Bất xứng ngã bất dịch
Trì lang khách thả quy
Bất thụ ngã bất thích
Khách khứ độc tư ta
Văn tự hà nhất ách.
(Một lối văn tự dở sống dở chín
Cứ đến năm mới lại đem ra bán.
Từ một đồng đến mười đồng,
Nhiều ít giá phải chăng.
Có một người khách đến mua,
Chỉ đưa có một trăm miếng cau khô.
Văn ta tuy chẳng hay
Há không đáng ba tiền?
Khách sao mua rẻ thế?
Không đáng giá thì ta không bán.
Thôi khách hãy mang cau về.
Không đắt hàng ta cũng không ngại!
Khách đi rồi ta than thở một mình:
“Văn tự mà cũng gặp khó khan đến thế!”)
Đọc bài thơ trên, không thể không nhớ đến Tản Đà (1888-1939). Là một nhà thơ nổi tiếng và tài hoa nhất của Việt Nam trong suốt mấy thập niên đầu của thế kỷ 20, kể từ sau cái chết của Tú Xương (1907) và Nguyễn Khuyến (1909) đến lúc phong trào Thơ Mới ra đời (1932), có lúc, do túng quẫn, Tản Đà phải sống bằng nghề bói toán. Lời quảng cáo đăng báo cũng là một bài thơ:
Còn như đặt quẻ
Nhiều năm (5 đồng) ít có ba (3 đồng)
Nhiều ít tuỳ ở khách
Hậu bạc kể chi mà.
Từ Nguyễn Khuyến đến Tản Đà, ngoài những thay đổi về văn hóa, bao gồm cả văn tự, khoa cử, ý thức hệ và cách sống, còn có hai thay đổi lớn khác ít được nhắc đến: xu hướng chuyên nghiệp hóa và thương mại hóa văn chương.
Khi nào có hứng sẽ bàn tiếp chuyện ấy.
Nguồn: VOA Tiếng Việt (theo blog TS. Nguyễn Hưng Quốc)
Khóc Tố Như.
Huy Việt
Các bạn trẻ giờ không thích truyện Kiều, rằng: “Truyện Kiều hay ở chỗ nào, Nguyễn Du giỏi ở chỗ nào, chẳng qua là tả một con đĩ tàu lại dựa vào cốt truyện có sẵn. Vậy mà mọi người hết lời ca ngợi lại còn tôn vinh danh nhân văn hóa thế giới nữa chứ. Danh nhân văn hóa của các nước có nhiều tác phẩm để đời về văn hóa nước họ và giới thiệu văn hóa nước họ ra thế giới”. Kể ra điều đó không phải không có lý, ngay như Nguyễn Công Trứ cũng đã viết:
“Từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Từ Hải.
Cánh hoa tàn đem bán lại chốn thanh lâu.
Bấy giờ Kiều còn hiếu vào đâu.
Mà bướm chán ong chường cho đến thế.
Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa.
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm.
Bán mình trong bấy nhiêu năm.
Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai”.
(Vịnh Thúy Kiều).
Vậy thì nên đọc Truyện Kiều sao đây?
Nguyễn Du có nhiều tác phẩm thơ văn khác nhau. Thế nhưng nói đến Nguyễn Du danh nhân phải là Nguyễn Du của Truyện Kiều. Bởi Truyện Kiều là một tác phẩm gắn liền với dân tộc Việt Nam, như thịt với xương. Ít có tác phẩm nào mà theo thời gian vẫn được yêu chuộng như Truyện Kiều. Truyện Kiều là tác phẩm “kinh điển”, khẳng định sức mạnh ngôn ngữ và văn hóa dân tộc. Truyện Kiều đã là một bài ca tình yêu và là một cuốn sách Đời, hoà trong đời sống của toàn dân tộc. Ngoài nội dung phong phú và sâu sắc, Truyện Kiều còn là một tác phẩm chứa đựng tinh hoa của ngôn ngữ dân tộc. Ở đó Nguyễn Du đã “mượn” ngôn ngữ bình dân “làm nền” cho ngôn ngữ bác học, lột tả “thượng tầng kiến trúc” xã hội. Học giả Phạm Quỳnh đã nói như chân lý: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, mà tiếng ta còn thì nước ta còn”. Tức là vận mệnh đất nước gắn liền với Truyện Kiều, là bảo vật, là linh hồn của cả dân tộc. Thậm chí trong dân gian còn dùng Truyện Kiều làm sách bói thì chứng tỏ như nó đã ăn sâu thành tập quán trong nhận thức của xã hội.
Kiều, một người con gái đẹp người “làn thu thủy nét xuân sơn”, đẹp nết “thông minh vốn sẵn tính trời, pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm”; xuất thân trong gia đình “thường thường bậc trung” có Vương Quan “nối giòng nho gia”. Kiều “hứa hôn” với Kim Trọng, một chàng trai “vốn nhà trâm anh”,“văn chương nết đất thông minh tính trời. Thiên tư tài mạo tót vời, vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”.
Do sự “búa xua” của thời cuộc, Kiều phải “bán mình chuộc cha”.
Trong lầu xanh Kiều đã gặp Thúc Sinh “cũng nòi thư hương” và “trước còn trăng gió sau ra đá vàng”. Vợ Thúc “Vốn dòng họ Hoạn danh gia, con quan lại bộ, tên là Hoạn Thư”, “Ở ăn thì nết cũng hay, nói điều ràng buộc thì tay chẳng vừa” và cái gì đến cũng phải đến, Kiều bị hành hạ bởi “thói đánh ghen”, để rồi kinh hãi thốt lên “Đàn bà thế ấy thấy âu một người, Ấy mới gan, ấy mới tài, Nghĩ càng thêm nỗi sởn gai rụng rời”.
Thoát Hoạn Thư Kiều lại rơi vào chốn lầu xanh lần nữa, ở đây nàng đã gặp “khách biên đình” Từ Hải, văn võ toàn tài “Một tay xây dựng cơ đồ, bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành” và “đống xương vô định đã cao bằng đầu”. Từ Hải đã nghe lời Kiều để “bó thân về với triều đình”, để rồi “chết đứng trời trồng”. Hết nạn binh đao, “hại một người, cứu muôn người”.
Cuối cùng, sau mười lăm năm lưu lạc, Kiều và Kim Trọng tái hợp.
Nếu Kiều không đơn giản chỉ là Kiều thôi, mà là “con đỏ”nước Việt thì sao nhỉ? Rồi Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải không phải là các nhân vật ấy nữa mà là các thế lực cầm quyền, các thế lực “xưng hùng, xưng bá” trong “thời nội chiến” kéo dài 32 năm thời bấy giờ thì mọi chuyện sẽ khác.
Lúc đầu cụ Nguyễn mô tả xuất xứ của Kiều “Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung…Vương quan là chữ nối dòng nho gia”,
Cái “cơ đồ” của “con đỏ” nước Việt cũng không tồi đấy chứ, nói như Nguyễn Trãi “vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Kiều “hứa hôn” với Kim Trọng cũng chỉ là “con đỏ” đi với nhà cầm quyền, như nhà Lê và nhà Nguyễn.
Các thế lực “vu oan giá họa” (sai nha) có thể là “nội tình” chúa Trịnh đàng ngoài và Trương Phúc Loan đàng trong. Nếu không thì làm sao “cấu thành” nội chiến. Cần phải nói rằng Trịnh – Nguyễn phân tranh nhưng Nguyễn chính danh, còn Trịnh thì không. Bởi khi Nhà Mạc soán ngôi Nhà Lê thì Nguyễn Kim đã phục hồi Nhà Lê, chỉ khi Nguyễn Kim mất thì con rể Trịnh Kiểm đã sát hại con cả của Nguyễn Kim, “đẩy” Nguyễn Hoàng ra rồi “rảnh tay” xây dựng ngôi chúa. Việc Nguyễn Hoàng xây cơ ngơi của chúa Nguyễn có thể chấp nhận được ít ra là dưới con mắt các nhà nho bấy giờ.
Kiều đi với Thúc Sinh “cũng nòi thư hương” thấp thoáng bóng dáng “Cống Chỉnh” (Nguyễn Hữu Chỉnh), cuộc “hôn phối” này cũng lãng mạn đấy chứ. Cũng như Thúc Sinh, “Cống Chỉnh” cũng là “người tử tế”, chỉ nỗi ghen tuông của Hoạn Thư đã đày đọa Kiều, giết chết tình yêu của Kiều, cũng như Công Chỉnh bị giết vì tài ba đến mức “phát ghen’ sợ mất ngôi nen vu cho “âm mưu làm phản”.
Kiều đi với Từ Hải, là “con đỏ” đi với Quang Trung. Nguyễn Du nói về Từ Hải ở hai khía cạnh khác nhau: tài thì đứng đầu nhưng danh thì không chính, nếu như không muốn nói là giặc cỏ, là giang hồ. Điều này không sai và trùng với ý bác Hồ khi “Nguyễn Huệ là kẻ phi thường”. Phi thường nhưng lại là kẻ. “Kẻ” ở đây là đại từ vô nhân xưng, có thể hiểu là không chính danh. Cuối cùng “con đỏ” vẫn trở về với triều Nguyễn.
Chắc Nguyễn Công Trứ không đồng tình cách ứng xử của Nguyễn Du là trung thần nhà Lê nhưng sau đó lại là đại thần nhà Nguyễn. Ông không chịu được thứ tình cảm mâu thuẫn vừa yêu mến Từ Hải lại vừa nể sợ quan Tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến của Nguyễn Du và nhiều người đương thời. Đặc biệt ông không thể tán thành lối sống của phần lớn nho sĩ cùng thời với ông lăn lóc trong chốn hành lạc mà lại luôn luôn lên mặt đạo đức dạy đời, luôn tỏ ra mình là đấng mô phạm, là quan phụ mẫu bách tính.
Tuy nhiên cụ thượng phê là phê thế thôi chứ cụ sinh sau Nguyễn Du 13 năm, mà thưở trai tráng cụ lại lo “ăn chơi nhảy múa” (theo một nghĩa nào đó –con hát mà). Mãi đến năm 42 tuổi cụ mới đỗ giải nguyên và ra làm quan đúng năm Nguyễn Du qua đời, 18 năm sau nội chiến. Thử hỏi “con đỏ” có con đường nào khác trong thế sự đó, họ phải chấp nhận không nhà cầm quyền này thì nhà cầm quyền khác. Vả lại trong lịch sử vẫn luôn tồn tại cuộc “hôn phối” giữa “con đỏ” với các nhà cầm quyền, nếu không thì cũng là “tỳ thiếp”, “con sen” của họ. Nguyễn Du nói về “con đĩ Kiều” nhưng lại không hề “chê bai” hay “mạt sát” mà ngược lại chia sẻ và đầy thông cảm “rằng tài nên trọng mà tình nên thương” . Kiều bán mình để chuộc cha hay kẻ sĩ hy sinh cuộc sống để giữ lấy đạo nhà. Kiều làm đĩ là “bất khả kháng, chính vậy mà cụ Nguyễn phải thốt lên “chữ trinh kia cũng có ba bảy đường”. Đau lắm chứ, không đau sao được khi mà một “kiều nhi” đẹp người, đẹp nết, tài hoa, ngây thơ, trong trắng bị rơi vào hố “bùn nhơ”. Nhiều lần muốn quyên sinh cũng nào có được. Chẳng khác nào kẻ sĩ phải đánh đu với thời cuộc, đánh đĩ với quyền lực. Cái đau của kẻ bất lực trước nàng Kiều đáng thương. Nhưng nhờ hy sinh cuộc sống để giữ đạo nhà, cho nên kẻ sỹ vẫn giữ dược nhân phẩm, lại được qua “cuộc bể dâu” nên vẫn còn đó “quả mai ba bảy đương vừa”. Nhức nhối thế sự lắm Nguyễn Du mới thốt lên: “Không biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng”.
Vậy cớ sao cụ lại tả “con đĩ tàu”? Tả ai có quan trọng gì đâu, thông điệp gửi đến người đọc mới là quyết định, mà điều này thì cụ đã làm được. Nếu không vậy liệu cụ có “tồn tại” được không giữa triều đình còn đầy nghi kỵ với một ông vua “độc tài” và “cay nghiệt” Gia Long và như vậy làm sao có Truyện Kiều. Cụ ra làm quan với Nhà Nguyễn để thể hiện cái tâm, đem chút cái năng lực của “quả mai ba bảy” để giúp dân, phụng sự đất nước, để rồi “tự chết” mà không chịu uống thuốc.
Thử hỏi rằng hà cớ gì một tác phẩm có tính nghệ thuật cao vời vời như thế, lột tả “thượng tầng kiến trúc” (tư tưởng) của một giai đoạn lịch sử của xã hội “nham nhở, chông gai” với tất cả tính “nhân văn” cao nhất có thể được mà tác giả của nó lại không xứng tầm danh nhân thế giới kia chứ?
Khóc Tố Như đồng nghĩa với hiểu Tố Như, có hiểu nỗi đau cụ phải chịu đựng thì mới khóc cụ, khóc cụ tức là cùng khóc với cụ, chia sẻ với cụ. Xin được khóc Tố Như.
Nguồn: Blog Huy Việt – Tiếng vọng thời gian
Trở về trang chính
Filed under: Ngọc phương Nam, Nguyễn Du, Tư liệu chọn lọc về Nguyễn Du Tagged: Tư liệu chọn lọc về Nguyễn Du