Tốc độ tăng trưởng sản lượng mì ăn liền tiêu thụ trên thị trường nội địa đang chậm lại. Lựa chọn phân khúc phổ thông để gia nhập ngành mì ăn liền có thể là bước đi khôn ngoan của Kinh Đô nếu…
Cuối tuần qua, thị trường mì ăn liền Việt Nam ghi nhận sự gia nhập ngành mới của CTCP Kinh Đô khi công ty này chính thức tung ra các sản phẩm Mì Đại Gia Đình. Với mức giá tham khảo 3.500 đồng/gói, Kinh Đô gây bất ngờ cho giới quan sát bởi những nhận định trước đó về khả năng dòng sản phẩm mì ăn liền của công ty này sẽ nhắm vào phân khúc cao cấp.
Tuy nhiên, lựa chọn phân khúc phổ thông để gia nhập ngành mì ăn liền có thể là bước đi khôn ngoan nếu Kinh Đô tận dụng được lợi thế về công nghệ từ việc hợp tác chiến lược với Saigon Vewong, kiểm soát chặt được nguồn nguyên liệu đầu vào, chất lượng đầu ra, lượng dầu ăn còn giữ lại trên mỗi gói mì đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm…
Người ta từng ví von cuộc chiến mì ăn liền là cuộc chiến của các đại gia “tỷ đô” bởi sự mạnh tay trong chi đầu tư dây chuyền, công nghệ sản xuất và chi cho hoạt động marketing bán hàng của các doanh nghiệp trong ngành.
Kinh Đô lựa chọn hợp tác với Sài Gòn Vewong để gia nhập ngành hàng mì ăn liền theo hình thức OEM (Original Equipment Manufacturer – sản xuất theo thiết bị gốc – thuê gia công) sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro nhờ chi phí sản xuất thấp.
Bên cạnh đó, Kinh Đô có thể tận dụng lợi thế sẵn về kênh phân phối rộng khắp cả nước để đưa sản phẩm mì ăn liền nhanh đến tay người tiêu dùng.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Kinh Đô cho biết, đến thời điểm hiện tại mì ăn liền của Kinh Đô đã mặt trong hệ thống 101 nhà phân phối, 86.000 điểm bán lẻ. Như vậy, điều còn lại Kinh Đô phải đầu tư cho các hoạt động quảng cáo, nhận diện thương hiệu, nghiên cứu phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới có lợi sức khỏe đáp ứng xu hướng tiêu dùng của thị trường.
Theo báo cáo của tổ chức BMI về ngành hàng thực phẩm và đồ uống Việt Nam quý II/2014 dự báo đến năm 2018, sản lượng mì ăn liền tiêu thụ trên thị trường đang trong đà tăng trưởng chậm lại kể từ năm 2012, dự kiến đạt mức tăng trưởng thấp nhất vào năm 2016. Câu hỏi đặt ra rằng nếu dự báo của BMI có độ chính xác cao thì Kinh Đô có đang quá mạo hiểm hay không?
Tốc độ tăng trưởng sản lượng mì tiêu thụ trên thị trường Việt Nam.
Báo cáo chi tiết của một tổ chức chuyên nghiên cứu về thị trường cho thấy, sự tăng trưởng chậm lại của ngành đến từ khu vực đô thị Việt Nam, trong khi nhu cầu và sản lượng tiêu thụ ở khu vực ven đô và nông thôn vẫn tăng nhanh và đang dần chiếm tỷ trọng ưu thế. Đây có thể lý do khả dĩ giải thích cho việc Kinh Đô lựa chọn phân khúc phổ thông để cho ra đời sản phẩm mì.
Báo cáo của BMI cũng cho thấy, lượng mì ăn liền tính trên đầu người được BMI dự báo sẽ tăng dần qua các năm để đạt mức 0,43 kg mì/người/năm (tương đương khoảng 6-7 gói mì/người/năm) vào năm 2017 từ mức 0,21kg/người/năm ở năm 2011.
Dĩ nhiên thời gian sẽ trả lời cho những hoài nghi về khả năng thành công của Kinh Đô ở ngành hàng thực phẩm thiết yếu – ngành hàng quy mô lớn nhưng cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, Kinh Đô có những thế mạnh như sở hữu hệ thống phân phối lớn và nhiều tiền mà không phải doanh nghiệp nào cũng có.
Theo Trí thức trẻ
Theo : thethao.zing.vn
2014-11-28 16:32:24
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/vi-sao-kinh-do-nhay-vao-phan-khuc-mi-an-lien-pho-thong-a164157.html