Mực xé hiện đang là món ăn chơi được nhiều người ưa thích, và cũng là món dễ bị làm giả. Vụ việc gần đây nhất mà cơ quan chức năng phát hiện là vụ việc 4 tấn da trâu bò dạng sợi giống mực xé tại TPHCM.
Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh, TP.HCM nhận được tin báo của quần chúng đã phát hiện khoảng 4 tấn sợi da trâu, bò có hình dáng giống hệt mực xé.
Vụ việc được phát hiện khi đoàn đi kiểm tra một lò mổ gia súc nằm trên xã Vĩnh Lộc A vào ngày 24/12. Theo đó, tại khu vực ấp 1A, xã Vĩnh Lộc A, đoàn phát hiện có một lao động nữ đang phơi khoảng 4 tấn sợi da trâu, bò màu trắng (lấy ra từ phần mềm bên trong của da – PV) bốc mùi tanh nhẹ.
4 tấn da bò dạng sợi giống hệt mực xé.
Gia đình chị Bé là người làm công chịu trách nhiệm phơi lô hàng nói trên cho biết, chủ hàng quê ở Tiền Giang thuê phơi 1 tấn trả 400.000 đồng đã hơn 1 năm nay, còn sản phẩm sau khi phơi xong không biết người ta đưa vào sản xuất việc gì.
Đoàn kiểm tra tiếp tục làm việc với chủ hàng là ông Hoàng Tuấn Bình (SN 1985), ông Bình cho biết số da dạng sợi trâu, bò nói trên được mua “tươi” lại của một doanh nghiệp ở huyện Nhà Bè. Sau khi mang về thuê lao động phơi khô 1 nắng (từ sáng đến chiều) thì đưa vào cơ sở ở ấp 2 để xay ra thành bột (trông giống như thịt chà bông).
Từ bột “da bò” này, ông Bình trộn chung với bột sò, bột bắp để làm thức ăn chăn nuôi phục vụ cho mấy ao cá mà gia đình ông đang nuôi tại ấp Phú Hữu, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.
Ông Bình xác nhận số lượng da sợi trâu, bò tại hiện trường và kho lên đến 10 tấn cùng 2 tấn thành phẩm. Khi được hỏi da trâu, bò dạng sợi có dinh dưỡng gì không mà đưa vào chế biến thức ăn chăn nuôi? Ông Bình khẳng định: “Trong da bò chứa 40% đạm”.
Đoàn kiểm tra cho rằng cần phải xác minh lại nguồn gốc da trâu bò dạng sợi.
Do đây chỉ là lời khai nhận ban đầu của ông Bình, đoàn kiểm tra cho rằng cần phải xác minh lại nguồn gốc da trâu bò dạng sợi và thực sự ông Bình có chế biến đưa vào nuôi cá trong phạm vi gia đình hay phục vụ vào mục đích kinh doanh nào khác, đặc biệt vì sao số lượng chế biến từ da dạng sợi này lại quá lớn rơi vào thời điểm 2 tháng giáp Tết?
Do ông Bình không xuất trình được giấy phép kinh doanh, giấy đăng ký kiểm dịch động vật cũng như địa điểm SX không đảm bảo vệ sinh môi trường, nên trước mắt Đoàn kiểm tra đề nghị chủ hàng ngưng hoạt động chế biến thức chăn nuôi, đồng thời quyết định mức xử phạt hành chính là 3,5 triệu đồng.
Đây không phải lần đầu tiên cơ quan chức năng phát hiện vụ việc nghi làm mực khô xé giả
Chiều 14/8/2014, kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Đức Thắng nằm trong Ga đường sắt Giáp Bát, Đội Phòng chống hàng giả (Công an Hà Nội) đã phát hiện nhiều bao mực khô xé và thuốc Đông dược không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cụ thể, cơ quan chức năng đã phát hiện 38 bao tải dứa màu xanh chứa mực khô xé nhỏ (có mùi vị và màu sắc giống hệt mực thông thường) do Trung Quốc sản xuất với tổng trọng lượng hơn 1.700 kg cùng 53 thùng cacton chứa hơn 12.000 hộp thuốc các loại không có tem, nhãn phụ.
Đối với số mực khô xé do nghi ngờ có dấu hiệu làm giả, cảnh sát đã gửi mẫu lên Viện Khoa học hình sự để tiến hành kiểm nghiệm, xác minh. Kết quả cho thấy, thành phần của số mực khô xé này chỉ có 30,6% là protein, còn lại là những chất chưa xác định được.
Tại kho, cảnh sát đã đốt thử mẫu mực xé này, thấy có mùi khét, còn khi ngâm với nước lại co dãn và đàn hồi như dây cao su. Theo một cán bộ điều tra thì “không loại trừ trong thành phần của sản phẩm có cả cao su non nhằm tạo độ kết dính”.
Mực khô xé giả bị cơ quan chức năng phát hiện đốt cháy như cao su.
Ngày 27/8/2013, Đội quản lý thị trường số 4, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã tạm giữ lô hàng chưa xác định được chủ sở hữu gồm mực khô xé sợi với số lượng 30 bao, tương đương 1,5 tấn. Số hàng này không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp, không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thực phẩm nhập khẩu.
Điều nguy hiểm là sau khi đưa mẫu đi kiểm tra thì cơ quan chức năng phát hiện toàn bộ lô hàng 1,5 tấn trên đều là mực giả, thành phần không đúng với nguồn gốc tự nhiên của con mực.
Cụ thể, kết quả phân tích của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc – mỹ phẩm – thực phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ rõ: Mẫu mực khô xé nhỏ giả có hàm lượng protein đạt 30,9%, thấp hơn so với quy định 60,1%.
Đặc biệt, mẫu mực khô xé nhỏ giả có xuất hiện 5,6% chất xơ, là chất không có trong thành phần con mực.
Hay cuối năm 2011, cơ quan QLTT Hải Phòng đã thu hồi và tiêu hủy 1.040 kg mực khô xé giả. Theo cơ quan quản lý thị trường cho hay: loại mực khô xé giả được tạo thành từ hợp chất xen-lu-lô (chất được dùng trong công nghiệp thực phẩm, được tổng hợp từ xơ của củ sắn dây và tinh bột hoặc từ nhiều nguồn bã nguyên liệu khác), tẩm ướp hương vị mực kết hợp với công nghệ cán, ép để sản xuất hàng loạt. Do sợi mực to, dài và giá rẻ hơn so với mực khô thông thường nên được thu hút được nhiều người tiêu dùng mua và sử dụng.
Phân biệt mực khô xé thật- giả:
Cách phát hiện mực khô giả xé sợi sẽ khó phát hiện hơn mực khô nguyên con do loại này thường đã được tẩm ướp thêm gia vị để đánh lừa cảm giác của người ăn. Tuy nhiên nếu tinh ý, bạn vẫn có thể thấy, sợi mực giả xé sợi sẽ dai hơn mực thật, khi đốt thử có mùi khét.
Đặc biệt, giá mực khô nguyên con hay xé sợi nếu làm giả thường có giá rất rẻ (khoảng 150.000 – 180.000 đồng/kg).
An Nhiên (Tổng hợp)