Mig-17 là máy bay cổ lỗ từ thời Thế chiến II nhưng 20 năm sau, người Việt Nam vẫn dùng nó lập nên những kỳ tích thắng các máy bay hiện đại của Mỹ.
Những “mắt muỗi” đáng gờm
Tình báo Mỹ biết rằng vào những năm 1964, 1965, Không quân Việt Nam chỉ có từ 40 đến 60 máy bay, chủ yếu là các máy bay chiến đấu cũ như Mig-17, Mig-15. Cả số lượng và chất lượng đều không là gì so với Không quân Mỹ. Bởi thế họ đã coi thường Không quân Việt Nam là một lực lượng bé như “mắt muỗi”. Tuy vậy, ngay trận đầu giáp mặt, những “mắt muỗi” Mig-17 đã cho Mỹ một bài học nhớ đời.
Theo sách Lịch sử dẫn đường không quân, sáng ngày 3/4/1965, trận không chiến đầu tiên giữa phi công Việt Nam và phi công Mỹ đã diễn ra tại vùng trời Hàm Rồng tỉnh Thanh Hóa. Lực lượng ta có 1 biên đội 4 chiếc Mig-17 đánh chính cùng 2 Mig-17 bay nghi binh phối hợp.
Biên đội đánh chính gồm các phi công: Phạm Ngọc Lan – số 1, Phan Văn Túc – số 2, Hồ Văn Quỳ – số 3, Trần Minh Phương – số 4. Hai máy bay nghi binh yểm hộ có: Trần Hanh và Phạm Dấy.
Tranh minh họa một trận không chiến giữa Mig-17 Việt Nam với các máy bay hiện đại của Mỹ.
Lúc 9h40 phút, ta phát hiện máy bay địch bay vào đánh cầu Hàm Rồng, cầu Tào và Đò Lèn. 9h47 phút, đôi bay nghi binh cất cánh rồi nhanh chóng lấy độ cao 6000m vào hoạt động ở khu vực Ninh Bình. Một phút sau, biên đội đánh chính cất cánh.
Đến gần Thanh Hóa, biên đội được lệnh tăng độ cao và vào tiếp cận địch với góc 90 độ. Số 4 phát hiện địch đầu tiên. Đó là một chiếc F-8 ở khoảng cách 18 km. Tiếp đó cả biên đội đều phát hiện địch đang triển khai đội hình chuẩn bị vào ném bom cầu Hàm Rồng.
Nhận thấy thế đánh có lợi, số 1 chỉ huy biên đội vứt thùng dầu phụ và tăng tốc độ xông vào máy bay địch. Biên đội tách thành 2 đôi bay. Số 1 và số 2 đi với nhau, số 3 và số 4 đi với nhau.
Số 1 Phạm Ngọc Lan được số 2 yểm trợ chắc chắn, đã bám sát và nổ súng bắn cháy một chiếc F-8U – máy bay cường kích phản lực của Không quân Mỹ. Đây là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị Không quân Việt Nam bắn rơi.
Một biên đội Mig-17 của Trung đoàn Không quân 923. Ảnh: Wikipedia.
Cùng lúc đó, số 3 được số 4 yểm hộ đã bám theo 2 chiếc khác và nổ súng nhưng cự ly còn xa nên địch chạy thoát. Vài phút sau khi số 1 nổ súng, số 2 báo cáo phát hiện địch ở bên phái. Số 1 ra lệnh “bám theo, vào công kích, tôi yểm hộ”. Số 2 Phan Văn Túc đã bình tĩnh giữ tốt điểm ngắm và tiến vào gần bắn liền ba loạt đạn. Chiếc F-8U thứ 2 đảo cánh rồi bốc cháy rơi xuống.
Lúc 10h17 phút, Sở chỉ huy Quân chủng lệnh cho cả 2 tốp thoát ly khỏi khu chiến Hàm Rồng và khu nghi binh Ninh Bình. Các số 2, 3, 4 đều chủ động bay bằng địa tiêu, kết hợp với hỗ trợ của sở chỉ huy đã hạ cánh an toàn xuống Nội Bài. Riêng số 1 do hết dầu, tuy được phép nhảy dù nhưng phi công đã cố gắng hạ cánh bắt buộc thành công xuống một dải cát dài ven sông Đuống.
Đây là trận đánh mở màn cho cuộc đối đầu giữa Không quân Việt Nam và Không quân Mỹ trong những năm 1960, 1970.
Đánh quần vòng
Theo hồi ký Phi công tiêm kích của Đại tá Lê Hải, trong thời gian đầu đánh máy bay Mỹ, ta thường xuất kích biên đội 4 chiếc Mig-17, đánh độc lập ở độ cao trung bình, đánh quần vòng ở cự ly gần. Lối đánh này nhằm nhằm phát huy tính năng cơ động tốt trên mặt phẳng của Mig-17 và hạn chế ưu điểm tốc độ lớn của máy bay địch.
Trong lối đánh quần vòng, các máy bay của hai bên xen kẽ nhau ở trên không trong một vòng tròn. Trong đó, một chiếc máy bay của ta đang bám theo một chiếc máy bay địch để tìm cách nổ súng nhưng có thể chính ta đang là mục tiêu của một máy bay địch ở phía sau mà không biết.
Trong sách Bí mật những trận không kích của quân đội Mỹ vào miền Bắc Việt Nam, một phi công Mỹ có mô tả về kiểu đánh này: Ngày 12/7/1967, tôi tham gia trận không kích đầu tiên vào vùng ven biển. Chúa ơi, tôi còn nhớ rõ ngày đó có 24 máy bay tham gia vào chiến dịch này. Phi đội 162 có 4 chúng tôi – Bellinger, Butch Verich, Rick Adams và tôi. Chúng tôi bay lên phía Bắc và lộn lại lao xuống khu vực thành phố Hải Phòng …
Một chiếc máy bay F-8U của Không quân Mỹ. Ảnh minh họa.
Khi chúng tôi bay qua một tầng mây, tôi nhìn xuống thì phát hiện ra một chiếc Mig đang bay qua một lỗ hổng của một đám mây phía dưới. Tôi kêu lên: “Mig đang ở vị trí 9 giờ”.Tôi lao xuống qua đám mây nhưng không nhìn thấy chiếc Mig đó ở chỗ mà tôi nghĩ nó phải ở đó. Sau đó tôi nhìn quanh thì phát hiện chiếc Mig đang bay ngay phía trước của tôi. Tôi chuẩn bị lao về phía chiếc Mig đó. Tôi kéo phanh tốc độ ra, cố gắng hạ thấp tốc độ bay vì thế tôi không thể bay vượt lên trên chiếc Mig.
Cho dù chúng tôi không biết sự xuất hiện của chiếc Mig khi tôi kêu lên nhưng Charlie Tinker nhỏm đầu lên nhìn quanh để quan sát và vô tình làm tuột chiếc tai nghe liên lạc nên chúng tôi không thể liên lạc qua bộ đàm. Tinker bay ngay trước mũi chiếc Mig. Tôi gào to kêu anh ấy lượn đi nhưng Tinker không nghe thấy tôi cảnh báo là có Mig và cũng không nhìn thấy chiếc Mig. Tôi mải kêu và quá hoảng sợ nên quên cả bấm cò khai hoả.
Một chiếc Mig khác đột ngột xuất hiện bên phía trái của tôi và cố gắng lộn lại phía sau của tôi để nhả đạn. Tinker nhìn thấy chiếc Mig này và cắt ngang một cách diệu nghệ. Bellinger thì bay phía sau tôi, thế là trên bầu trời có 3 chiếc máy bay của Mỹ và 2 máy bay của Bắc Việt, bay theo vòng tròn cố gắng nhằm vào đuôi của nhau để găm đạn. Khi chúng tôi đuổi nhau đến vòng thứ hai thì Belly kêu lên thất thanh: ‘Tôi bị trúng đạn rồi! Tôi bị trúng đạn rồi?” Tôi khai hoả một quả tên lửa ngắrn vào một chiếc Mig nhưng lúc đó chiếc Mig đang lượn đi. Trong bốn khẩu súng trên máy bay của tôi thì có một chiếc bị kẹt không nhả đạn được. Tôi bắn trúng ngay cánh của chiếc Mig bay phía trước của tôi, có lẽ chiếc này bị trúng một hay hai lần gì đó nhưng hoả lực không đủ mạnh để hạ gục nó. Sau đó tôi lượn vào mây và bay nhanh ra phía biển”.
Những ổ phục kích
Một chiến thuật khác khá hiệu quả của Mig-17 là phục kích. Để thực hiện chiến thuật này, các máy bay Mig-17 sẽ cất cánh và lợi dụng địa hình để ẩn nấp. Khi sở chỉ huy thấy điều kiện có lợi, biên đội Mig sẽ được dẫn bay vào công kích các tốp máy bay ném bom của địch đang bay tới. Lối đánh này đã nhiều lần ngăn chặn thành công các tốp ném bom của địch khiến chúng rối loạn và ta bắn cháy được nhiều máy bay địch.
Trong hồi ký Phi công tiêm kích, Đại tá Lê Hải có kể về một trận phục kích như vậy của Trung đoàn Không quân 923. Ông viết: Lúc 16h30 ngày 24/4/1967, nhiều tốp F-4 và F-105 từ biển bay vào đánh khu vực Đông Triều, Quảng Yên. Sở chỉ huy lệnh cho biên đội xuất kích và dẫn biên đội vòng đến khu vực Sơn Động – Hà Bắc (nay là Bắc Giang) để thuật phía mặt trời, lợi cho việc quan sát.
F-105, loại máy bay ném bom được Mỹ dùng phổ biến trong cuộc chiến ở Việt Nam.
Biên đội gồm các phi công: Mẫn, Địch, Bảy, Hôn triển khai đội hình cảnh giới. Dẫn đường ở mặt đất tiếp tục thông báo, địch cách ta 30km, rồi 20km, bên phải 30 độ. Số 3 Nguyễn Bá Địch báo cáo: Địch bên phải, phía trước, 10km. Biên đội trưởng Mẫn bình tĩnh ra lệnh: “Vứt thùng dầu phụ, tăng lực, số 2 theo tôi đánh tốp đầu, số 3 đánh tốp sau”.
Bốn chiếc F-4 đầu tiên vòng ra phía biển, chúng tăng lực, khói phun ra thành từng dã dài, đen ngòm trên bầu trời. Hai chiếc F-4 ngoặt gấp xuống thấp, hai chiếc sau mở rộng giãn cách, hòng lừa đôi Míc-17 vào giữa, phóng tên lửa. Số 1 Võ Văn Mẫn không lạ gì thủ đoạn này của bọn tiêm kích Mỹ. Anh quan sát nhanh thấy số 2 Nguyễn Bá Địch ở thế công kích có lợi hơn, liền hạ lệnh “số 2, bám chiếc F-4 sau, tôi yểm hộ”.
Số 2 ngoặt gấp, tăng lực, bám sát chiếc F-4 đang cố cơ động. Đến cự li 400m, anh nổ liền hai loạt. Ba khẩu pháo đồng thời phun lửa. Chiếc F-4 trúng đạn nổ tung, rơi chúi đầu xuống rặng núi phía trước”.
Trận này các phi công ta thắng, bắn rơi được địch mà không bị tổn thất nào. Nói về trận này, Đại tá Lê Hải nhấn mạnh: “Từ trận này, Trung đoàn thêm kinh nghiệm đánh phục kích, trên các sân bay địch không ngờ ta có thể cất cánh, xuất hiện ở hướng và nơi địch bất ngờ. Đây là nhân tố quan trọng của Mig-17 – loại máy bay có tốc độ hạn chế và hỏa lực chỉ có súng đánh ở cự li gần”.
Ngoài ra, Không quân Việt Nam còn tổ chức các trận đánh kết hợp giữa Mig-17 và Mig-21 cũng như kết hợp các máy bay với trận địa phòng không mặt đất tạo nên một vùng phòng không dày đặc với đủ tầng cao, đủ loại hỏa lực.
Với thế trận đó, Không quân Việt Nam đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ mà chịu tổn thất ít hơn. Theo nhà nghiên cứu Vladimir Ilyin của Nga, từ tháng 5 đến tháng 12/1966, trong các trận không chiến, Mỹ đã mất 47 máy bay mà chỉ hạ được 12 chiếc của Việt Nam. Tuy nhiên các phi công Mỹ cũng không phải những kẻ bất tài. Họ đã dày công xây dựng các chương trình huấn luyện để đối phó lại chiến thuật của Việt Nam. Mời độc giả đón đọc bài sau: Những thiệt hại của Không quân Việt Nam trước chiến thuật mới của Mỹ.
Trần Vũ
2014-12-06 22:08:25
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/chien-thuat-thang-khong-quan-my-cua-mig-17-viet-nam-a165533.html