BRUSSELS – Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc đã tổ chức cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 33 vào hôm thứ Hai (8/12) – một sự kiện diễn ra định kỳ nửa năm một lần. Tuy nhiên, điều khác biệt lần này là sau những cuộc thảo luận đằng sau cánh cửa đóng kín là một cuộc họp báo mà ở đó báo chí được phép đặt câu hỏi.
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi có một buổi họp báo bởi vì chúng tôi đều cảm thấy phải có trách nhiệm với công chúng, với báo chí, với những nghị sỹ Nghị viện Châu Âu, với cả Trung Quốc và EU”, theo ông Gerhard Sabathil, giám đốc phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Duơng thuộc Cơ quan Hành động Đối ngoại Châu Âu đồng thời là người đại diện cho EU trong cuộc đối thoại này.
Khi được hỏi EU đã nêu lên những vấn đề gì với Trung Quốc, ông Sabathil cho biết có rất nhiều điều mà họ đưa ra thảo luận.
“Quyền của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở Tây Tạng, Tân Cương, và cụ thể, chúng tôi đã đề cập đến quyền tự do biểu đạt, tự do tôn giáo và tín ngưỡng, về thủ tục tòa án, về những vấn đề của chế độ hộ khẩu và cải cách ở Trung Quốc. Chúng tôi cũng nhắc đến một số cái tên vốn nằm trong sự hiểu biết của người dân Châu Âu”, ông chia sẻ.
Khi được hỏi về Hồng Kông, ông Sabathil khẳng định vấn đề này cũng được nêu lên. Ông Lý Quân Hoa đến từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, đây là một vấn đề luập pháp, chứ không phải nhân quyền, vì ông này coi các cuộc biểu tình ở Hồng Kông là “bất hợp pháp”.
Ông Lý nói EU và Trung Quốc có quan điểm tương đồng ở một số lĩnh vực nhưng cũng bất đồng ở các lĩnh vực khác. Một điểm bất đồng giữa hai bên là định nghĩa về nhân quyền.
“Khi chúng tôi xem xét vấn đề nhân quyền, tôi cho rằng quan điểm của châu Âu và Trung Quốc không giống nhau. Theo quan điểm của EU, tôi nghĩ, nhân quyền chủ yếu tập trung vào những quyền tự do của công dân, quyền hạn của chính phủ, nhưng ở Trung Quốc, chúng tôi đề cập đến quyền được phát triển và quyền được sống còn”, ông này nói qua một người phiên dịch.
Ông này nói rằng hệ thống nhân quyền của một nước nên được phán xét bởi người dân của nước đó và chỉ có người dân Trung Quốc mới có thể đánh giá thành tích nhân quyền của nước họ, nói thêm rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc có tỷ lệ ủng hộ cao.
Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền lại vẽ ra một bức tranh khác biệt.
Theo báo cáo thế giới năm 2014 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, “chính quyền [Trung Quốc] vẫn là một nhà nước một đảng độc tài. Họ tùy tiện kìm hãm các quyền [tự do] biểu đạt, lập hội, hội họp và tôn giáo; cấm các công đoàn và tổ chức nhân quyền độc lập; duy trì sự kiểm soát của Đảng đối với tất cả các cơ quan tư pháp.“
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới xếp Trung Quốc đứng thứ 175 trên tổng số 180 nước về sự tự do báo chí, còn Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gọi Trung Quốc là một “nhà nước độc tài”.
Ông François Godement – Giám đốc Chương trình châu Á và Trung Quốc của Hội đồng Ngoại giao Châu Âu (ECFR), viết một bài bình luận hôm thứ Hai (8/12) chỉ trích EU vì đã không nói chuyện thẳng thắn hơn với Trung Quốc về thành tích nhân quyền tệ hại của nước này.
“Các nhà lãnh đạo Châu Âu đã cố gắng hết sức để tách biệt kinh tế khỏi chính trị nhưng điều tệ nhất là họ đã giữ im lặng về vấn đề nhân quyền nhằm thu hút tín dụng và đầu tư từ Trung Quốc”, theo bình luận của ông Godement trên trang ECFR.
Ông kết luận, “Điều cần thiết là một chính sách đối ngoại của Châu Âu mạnh hơn và những thể chế EU mạnh hơn”.
Theo daikynguyenvn.comom