Giá xăng dầu đã giảm đến mức giá kỷ lục, các doanh nghiệp vận tải cũng bắt đầu lên kế hoạch giảm giá cước, nhưng giá thực phẩm vẫn “một mình một chợ’ tìm cách “leo thang”.
Giá cước vận tải có thể giảm đến 20%
Từ đầu năm 2014 đến nay, Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã 15 lần điều chỉnh giá xăng và 21 lần điều chỉnh giá dầu. Tính từ tháng 12/2013 đến nay giá xăng đã giảm 5.330 đồng/lít (giảm khoảng 25%), giá dầu đã giảm 6.590 đồng/lít (giảm khoảng 35%) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng ngày 22/12, giá xăng đã điều chỉnh giảm 2.000 đồng/lít.
Ngày 24/12, Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa ký Công điện gửi UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương đề nghị kiểm tra kê khai, niêm yết giá cước, giảm giá cước vận tải phù hợp giá giá nhiên liệu giảm.
Để thực hiện tốt công tác quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt trong giai đoạn Tết Dương lịch và Tết Âm lịch năm 2015 khi nhu cầu vận chuyển của hành khách tăng cao. Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải thành lập đoàn kiểm tra, rà soát việc kê khai và niêm yết giá cước của các đơn vị vận tải trên địa bàn.
Ngày 25/12, tin tức trên báo Dân Việt, Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội có công văn kiến nghị với các đơn vị thành viên điều chỉnh giá cước cho phù hợp với việc giá xăng dầu giảm.
Trao đổi với Dân Việt, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội cho biết, hiệp hội vừa có văn bản kiến nghị các thành viên điều chỉnh giá cước vận tải sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.
Trong đó, Hiệp hội kiến nghị các đơn vị thành viên cân đối các yếu tố cấu thành giá cước (như phí bảo trì đường bộ, phí kiểm định, phí bảo hiểm, tiền lương, chi phí sửa chữa, đầu tư trang thiết bị, nhân lực…) để điều chỉnh lại giá cước cho phù hợp. Hiệp hội đề nghị các doanh nghiệp hoàn thành việc giảm giá cước trước ngày 15/1/2015. Theo ông Liên, nhiều doanh nghiệp vận tải Thủ đô đã đồng ý với kiến nghị của hiệp hội về việc giảm giá cước.
Nhiều doanh nghiệp vận tải đồng ý giảm giá cước.
“Sau khi thảo luận với chúng tôi, đã có khoảng 10 đơn vị vận tải đồng ý giảm giá cước sau khi xăng dầu giảm giá như Hợp tác xã vận tải Thăng Long, taxi Thành Công, taxi Vạn Xuân… Trong đó, Hợp tác xã vận tải Thăng Long dự kiến giảm trên 10% giá cước ở 8 tuyến cố định. Mức giảm của một số đơn vị taxi giảm rơi vào khoảng 3-5%, bởi họ vừa giảm. Tuy nhiên, bên cạnh việc giảm giá cước, chúng tôi cũng đề nghị các đơn vị vận tải phải tiếp tục đầu tư phương tiện, kỹ thuật… để đảm bảo nâng cao chất lượng phục vụ cho khách hàng”, ông Liên nói.
Bà Bùi Thị Phương Lan – Phó chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải Thăng Long cho biết đơn vị này dự kiến giảm giá từ 9,5 đến 20% giá cước trên 8 tuyến cố định. “Chúng tôi đang làm các thủ tục xin giảm giá cước. Tuyến chúng tôi dự kiến giảm 20% giá cước là tuyến Mỹ Đình – Tuyên Quang. Sở dĩ chúng tôi dự định giảm sâu như vậy là đề phòng giá xăng tiếp tục giảm. Nếu xăng mà giảm tiếp thì đỡ phải xin giảm lần nữa”, bà Lan chia sẻ. Theo bà Lan, việc giảm giá cước sẽ được Hợp tác xã vận tải Thăng Long bắt đầu thực hiện từ ngày 15/1/2015, bởi còn phải lo các thủ tục xin giảm giá cước và in vé mới.
Liên quan đến vấn đề giá cước vận tải trong dịp nghỉ lễ Tết dương lịch sắp tới, ông Bùi Danh Liên cho biết, Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội đã đề nghị các đơn vị thành viên không tăng giá trong ngày nghỉ Tết dương lịch, trừ trường hợp xe tăng cường phải trả khách chạy một chiều.
Giá thực phẩm “một mình một chợ”
Khảo sát tại các chợ HN cho thấy, giá thực phẩm vẫn đứng yên, nhiều nhóm hàng còn tăng quanh mức 2.000-10.000 đồng so với trước đó. Trong khi đó, mỗi lần giá xăng tăng trước đây, giá hàng hóa tại chợ nhanh chóng tăng theo với nhiều lý do khác nhau.
Theo khảo sát tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, PV ghi nhận giá các loại thực phẩm, hàng tiêu dùng không hề giảm. Chỉ có một số ít thực phẩm tại các siêu thị trong chương trình bình ổn giá có giảm các loại thịt lợn, trứng, gạo, dầu ăn nhưng không đáng kể (giá trứng giảm 100đ/quả, thịt giảm 2.000 – 3.000đ/kg).
Giá thịt lợn không giảm, giá thịt gà và thịt bò tăng nhẹ.
Tại chợ Ngọc Lâm (Long Biên, HN), giá các loại thịt vẫn chưa có động thái giảm giá. Cụ thể, thịt lợn sấn được bán 95.000 đồng/kg, thịt nạc thăn là 105.000 đồng/kg, thịt nạc mông, thịt nạc vai là 100.000 đồng/kg, thịt ba chỉ, thịt chân giò có giá 90.000 đồng/kg, sườn thăn là 110.000 đồng/kg.
Giá thịt gà ta mổ sẵn tăng từ 130.000 đồng/kg hồi đầu tháng lên 140.000 đồng/kg, thịt gà công nghiệp mổ sẵn tăng từ 65.000 đồng/kg hồi đầu tháng lên 70.000 đồng/kg. Thịt bò từ 240.000 đồng/kg hồi cuối tháng trước đã tăng lên 250.000 đồng/kg; cá chép 70.000 – 80.000 đồng/kg tăng lên 85.000 – 90.000 đồng/kg…
Các loại rau quả cuối vụ cũng tăng giá. Tại chợ Ngọc Lâm (Long Biên, HN), chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), rau muống tăng từ 9.000 đồng lên 10.000 – 12.000 đồng/mớ to hoặc từ 4.000 đồng lên 5.000 – 6.000 đồng/mớ nhỏ, rau ngót 6.000 đồng/mớ, rau cải ngồng 15.000 đồng/kg, dưa chuột 15.000 đồng/kg, khoai tây cũng chỉ còn 22.000 đồng/kg. Bí đao, mướp đắng 17.000 đồng/kg, su hào 5.000 đồng/1 củ.
Lý giải về việc giá thực phẩm chưa giảm theo giá xăng, thậm chí một số mặt hàng thực phẩm lại tăng giá, một số tiểu thương ở chợ này cho rằng giá không giảm bởi tiền hàng, phí vận chuyển vẫn như cũ. Ngày trước giá xăng tăng khiến phí vận chuyển tăng lên khiến các chủ cửa hàng phải tăng giá các mặt hàng bày bán.
“Giá xăng giảm thì có giảm, nhưng nhà cung cấp chưa giảm giá thì dân bán lẻ tụi tôi giảm sao được. Với lại gần đến tết rồi, người nuôi gà thì găm gà đến Tết để bán cho được giá nên giá thịt gà ta cũng tăng vì khan hàng. Các loại rau thì nhiều loại là rau trái mùa nên tất nhiên giá cũng phải cao.”, một tiểu thương cho biết.
Một tiểu thương bán thịt ở chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy cho biết thêm: “Từ trước đến nay, thời điểm này thường không có chuyện giảm giá vì gần đến Tết Nguyên đán. Theo quy luật thì bây giờ sẽ là thời điểm giữ giá để tăng giá vào thời điểm cận Tết”.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2014-12-25 17:32:23