Lương trung bình trong năm 2012 của Việt Nam ở mức xấp xỉ 181 USD/tháng, chỉ cao hơn so với Lào (119 USD), Campuchia (121 USD) và Indonesia (174 USD).
Lương trung bình ở Việt Nam chỉ hơn 3 nước ASEAN
So với các quốc gia ASEAN, lương tháng trung bình trong năm 2012 của Việt Nam ở mức xấp xỉ 181 USD, chỉ cao hơn so với Lào (119 USD), Campuchia (121 USD) và Indonesia (174 USD).
Mức lương này chỉ bằng khoảng một nửa so với Thái Lan (357 USD), chưa bằng 1/3 của Malaysia (609 USD) và chỉ bằng 1/20 của Singapore (3.547 USD). Đây là số liệu trích từ báo cáo về tiền lương toàn cầu 2014 – 2015 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Báo cáo cho biết, tăng trưởng tiền lương trên thế giới vào năm 2013 đã giảm xuống mức 2%, so với mức 2,2% của năm 2012, tới nay vẫn chưa bắt kịp mức 3% của giai đoạn trước khủng hoảng. Theo báo cáo, khoảng cách chênh lệch lớn về tiền lương giữa các quốc gia ASEAN phản ánh sự khác biệt lớn trên nhiều phương diện, trong đó có năng suất lao động.
Những quốc gia ứng dụng công nghệ mới, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, khuyến khích cải cách cơ cấu và cải thiện kỹ năng nguồn nhân lực, cũng là những quốc gia tạo ra nền tảng cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, và chuyển dịch sang những hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Lương tháng trung bình trong năm 2012 của Việt Nam ở mức xấp xỉ 181 USD. (Ảnh minh họa).
Lương ngành nào cao nhất?
Kết quả điều tra lực lượng lao động năm 2013 do ILO thực hiện cho thấy, lao động ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức lương cao nhất với bình quân 7,23 triệu đồng/tháng. Điều thú vị là lao động nữ đang làm việc trong hai ngành này được trả lương cao hơn nam giới.
Đứng thứ hai là ngành hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ và hoạt động kinh doanh bất động sản. Những ngành này có mức lương bình quân hàng tháng cao nhất, tương ứng là 6,53 triệu đồng và 6,4 triệu đồng. Trong khi đó, ngành nông, lâm, thủy sản lại có mức lương bình quân tháng thấp nhất (2,63 triệu đồng).
Báo cáo cho thấy, trong khi các ngành nông nghiệp chiếm khoảng một nửa lực lượng lao động nhưng tỷ lệ lao động làm công ăn lương của ngành này chỉ chiếm hơn 10% trong tổng số lao động làm công ăn lương ở Việt Nam, và là ngành có sự chênh lệch lớn.
Cụ thể, nếu như tỷ lệ chênh lệch lương theo giới ở Việt Nam chỉ ở mức chưa đến 10%, nhưng đối với ngành nông nghiệp – ngành có mức lương rất thấp, con số này là 32%. Đây là mức chênh lệch lớn nhất so với tất cả các ngành.
Đánh giá về vấn đề này, bà Sandra Polaski, Phó tổng giám đốc ILO cho biết, đối với người lao động, tiền lương là nguồn thu nhập chính – trên thế giới, tiền lương là nguồn sinh kế của hơn một nửa số lao động có công ăn việc làm.
Ở hầu hết các nước châu Á đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tỷ lệ lao động làm công ăn lương trong tổng số lao động có việc làm ở mức thấp hơn, do trình độ phát triển và do ngành nông nghiệp và canh tác quy mô nhỏ còn phổ biến. Nhưng số lượng lao động làm công ăn lương đang tăng mạnh.
Vì thế, mức lương và sức mua của tiền lương có ảnh hưởng lớn đối với mức sống. Tất nhiên, câu hỏi thế nào là đủ cho một mức sống đảm bảo cần phải được xem xét cẩn trọng.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2014-12-08 18:32:26
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/luong-trung-binh-o-nuoc-ta-la-bao-nhieu-a165820.html