Câu chuyện của Danh (Nhân vật trong bài viết đã được đổi tên)
Cứu sống một bệnh nhi qua cơn thập tử nhất sinh là niềm vui không bút mực nào tả xiết của người thầy thuốc. Thế nhưng, làm sao để bệnh nhi ấy có thể trở về nhà và sống một cuộc sống bình thường? Làm sao để những bệnh nhi bé bỏng ấy vượt qua những ám ảnh lo sợ về cái chết? Câu chuyện về cậu bé Nguyễn Hữu Danh, một bệnh nhi sốt xuất huyết nặng vừa xuất viện, sẽ cho chúng ta một cái nhìn rõ hơn về điều đó.
Vượt qua cửa tử thần
16 giờ 45 phút ngày 29 tháng 6 năm 2007, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đón bệnh nhi Nguyễn Hữu Danh, 6 tuổi rưỡi, được chuyển đến từ bệnh viện tỉnh với bệnh cảnh sốt xuất huyết độ IV, sốc kéo dài, tái sốc, suy hô hấp, viêm phổi, tổn thương đa cơ quan. Đây là một trường hợp bệnh nặng với nhiều biến chứng. Bé Danh đã rơi vào trạng thái hôn mê và được trợ giúp hô hấp qua chiếc máy thở suốt 17 ngày, dùng thuốc vận mạch để hỗ trợ tuần hoàn, hỗ trợ dinh dưỡng bằng cách bơm sữa qua ống thông dạ dày gần 20 ngày, tiên lượng về khả năng sống sót là rất mong manh. Thế nhưng, sau hơn 20 ngày điều trị dưới sự theo dõi chặt chẽ và chăm sóc tận tình của những y bác sĩ khoa Hồi sức, bé Danh đã dần tỉnh lại và hồi phục. Ngày 17 /7 /2007, em đã được rút ống nội khí quản giúp thở và bắt đầu nói chuyện được.
Tìm lại nụ cười
Câu chuyện vẫn chưa dừng lại
Vài ngày sau khi rút ống nội khí quản, Danh bắt đầu không nói chuyện với mọi người, kể cả cha mẹ. Em không dám nuốt nước bọt vì ám ảnh những ngày phải đặt nội khí quản để thở máy. Em bứt tóc, cắn môi mà không biết đau. Tình hình càng xấu thêm khi Danh có biểu hiện đuổi mẹ khi mẹ đến gần, không ngủ và từ chối tiếp xúc với tất cả.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, trưởng Đơn vị Tâm lý đã được mời đến để kiểm tra tình trạng sức khỏe tinh thần của Danh. Lần đầu tiên tiếp xúc với bác sĩ, em chỉ mở mắt nhìn. Bác sĩ Thanh nhận định Danh có những dấu hiệu rối loạn hành vi sau bệnh nặng chết đi sống lại. Em có khuynh hướng thoái lui, muốn nói những điều suy nghĩ nhưng không nói được, từ đó dẫn đến hành vi bứt tóc, cắn môi. Sau khi phân tích cho người thân của bé Danh hiểu về tình trạng của cháu, bác sĩ Thanh và cha mẹ bé Danh bắt đầu bắt tay vào tạo lập lại những thói quen thường ngày của Danh trước kia, giúp em dần làm quen trở lại. Mẹ Danh đem vào cho em chiếc gối em thường nằm ở nhà, những đồ chơi em thường chơi, kể lại chuyện trường lớp trước đây. Thỉnh thoảng mẹ tắm và mát xa cho Danh, khuyến khích em đi, đứng, ngồi – những kỹ năng đã bị đánh mất trong gần 1 tháng hôn mê.
Ngày 25 /7: Danh được chuyển lên Khoa Sốt xuất huyết để được tiếp tục điều trị. Tình trạng sức khỏe thể chất của em xem như đã hồi phục tốt. Tại đây, em được điều trị toàn diện với sự phối hợp của các chuyên khoa: sốt xuất huyết, hô hấp, vật lý trị liệu phục hồi chức năng, tâm lý trị liệu. Đặc biệt, phòng Trợ giúp xã hội Bệnh viện Nhi Đồng 1 phối hợp với các mạnh thường quân đã giúp cho em số tiền 20.000.000 đồng để trang trải trong những ngày nằm viện.
Ngày 26 /7: Danh bắt đầu chịu nói chuyện với bác sĩ và mẹ, em không còn chảy nước bọt, không cắn móng tay. Em được các bác sĩ cho mượn nhiều sách truyện để đọc. Khi được cho ăn sữa chua, em ăn rất ngon lành
Cuối tháng 7: Danh được xuất viện. Em đã nói chuyện nhiều hơn nhưng giọng vẫn còn thì thào, đã tự đi đứng được và sụt mất 4 kg.
Đoạn kết
Một tháng sau, bé Danh được ba mẹ đưa trở lại thăm Bệnh viện Nhi Đồng 1. Em đã lên cân bằng với trước khi nằm viện, và đáng mừng hơn khi mẹ Danh báo với các bác sĩ rằng: em đã được đến trường, chị còn khoe Danh đã biết đếm từ 1 đến 100. Khi hỏi Danh có còn nhớ gì về những tháng ngày nằm viện, em chỉ cười và trả lời bằng giọng rõ và to: “Con quên rồi”.
Ừ, thì hãy để tâm hồn non nớt của con quên đi những điều đau đớn. Con thích đi học là một điều tốt. Hãy mở rộng tâm hồn và đón nhận những niềm vui trong năm học mới, con nhé!
Bé Danh đang ăn sữa chua tại Đơn vị Tâm lý |
Bé Danh trở lại thăm BV sau 1 tháng xuất viện |
Song Ngư
(ghi theo lời kể của Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh – Trưởng Đơn vị Tâm lý BV Nhi Đồng 1)
2014-12-29 04:52:08
Nguồn: https://hotreem.wordpress.com/2013/04/16/nhung-cau-chuyen-doanh-nhan/