Ảnh chụp bức tượng một nhà sư người Nhật. (Ảnh: Wolfgang Michel/Wikimedia Commons) Hình nền: Tranh phong cảnh của Tensho Shubun. (Wikimedia Commons)
Hơn 1.000 năm trước, một nhà sư người Nhật Bản là Kukai đã thể hiện tín tâm của mình vào một nghi thức tu luyện Tức Thân Phật (Sokushinbutsu), thông qua việc hành hạ thân thể và tự ướp xác. Để đạt đến trạng thái “nhục thân bất hoại” (thân xác toàn vẹn sau khi viên tịch), người tu luyện theo môn này phải bỏ ra rất nhiều năm khổ tu. Nếu thành công, vị sư đó sẽ được đặt trong đền thờ để các tín đồ có thể đến chứng kiến và thờ phụng.
Kukai (774 – 835 Trước Công Nguyên) là một nhà sư, công chức, học giả, nhà thơ, nghệ sĩ, đồng thời là người sáng lập của giáo phái bí truyền Shingon (kết hợp các yếu tố từ Phật giáo, Đạo Shinto, Đạo giáo, và nhiều tôn giáo khác). Ông và những tín đồ thực hành Shugendo, một triết lý nhằm đạt được sức mạnh tâm linh nhờ việc hành thân xác và tuân thủ giới luật. Đến cuối đời, Kukai đi vào trạng thái thiền định sâu, không sử dụng thực phẩm và nước, dẫn đến cái chết tự nguyện. Ông được chôn cất trên Núi Koya thuộc tỉnh Wakayama. Sau đó ít lâu, ngôi mộ được khai quật và Kukai, được gọi là Kobo-Daishi sau khi chết, lúc phát hiện trông thần thái như đang ngủ, với nước da không đổi, cùng mái tóc vẫn khỏe và cứng.
Từ thời điểm đó, quá trình tu luyện Tức Thân Phật bắt đầu phát triển, và một số tín đồ sùng đạo của giáo phái Shingon bắt đầu tự thực hiện việc khổ tu này. Các tín đồ không coi việc thực hành Tức Thân Phật như một hình thức tự sát, mà là một hình thức tu luyện nhằm đạt được sự giác ngộ.
Trong cuốn “Các vị Phật sống: Các vị sư tự ướp xác ở Yamagata, Nhật Bản”, tác giả Ken Jeremiah chỉ ra rằng rất nhiều tôn giáo nhìn nhận thân thể bất hoại như một dấu hiệu của phước lành đặc biệt hay năng lực siêu nhiên.
Quá trình tự ướp xác
Quá trình ướp xác trải qua nhiều bước nghiêm ngặt và đau đớn. Trong vòng 1.000 ngày đầu tên, các nhà sư có chế độ ăn đặc biệt chỉ gồm hạt và trái cây, đồng thời vận động cường độ cao để tiêu hết tất cả lượng mỡ trong cơ thể.
Trong vòng 1.000 ngày kế tiếp, bữa ăn của họ chỉ bao gồm rễ và vỏ cây. Trong giai đoạn cuối của giai đoạn này, họ sẽ uống trà độc làm từ nhựa cây Urushi, khiến họ nôn mửa và nhanh chóng làm mất các chất dịch ra khỏi cơ thể. Loại cây này cũng đóng vai trò như một chất bảo quản, có tác dụng tiêu diệt giòi và vi khuẩn có thể khiến cơ thể phân hủy sau khi chết.
Trong giai đoạn cuối, sau hơn 6 năm chuẩn bị khắc khổ, nhà sư sẽ nhốt mình vào trong một mộ đá có kích thước chỉ lớn hơn cơ thể một chút, nơi ông sẽ tiến nhập vào trạng thái thiền định. Ông sẽ ngồi trong thế kiết già, và giữ tư thế cố định như vậy cho đến khi chết, Một ống dẫn không khí được luồn vào bên trong. Mỗi ngày, vị sư sẽ gõ một tiếng chuông để thông báo cho bên ngoài biết ông vẫn còn sống. Khi tiếng chuông ngừng reo, ống dẫn không khí sẽ được rút ra, và ngôi mộ sẽ được niêm phong trong giai đoạn 1.000 ngày cuối cùng của nghi thức này.
Vào thời điểm cuối giai đoạn này, ngôi mộ sẽ được mở ra để xem nếu nhà sư đó có thành công trong việc ướp xác hay không. Nếu thân thể được phát hiện trong tình trạng bảo quản, vị sư đó sẽ được tôn như biểu tượng của Phật và được thờ phụng trong chùa. Ngược lại nếu thân thể bị phân hủy, nhà sư sẽ được niêm phong lại trong ngôi mộ và được tôn kính nhờ khả năng chịu đựng, nhưng sẽ không được thờ cúng.
Nghi thức tự ướp xác cổ đại tiếp tục được tiến hành cho đến thế kỷ 19, khi nó bị chính phủ Nhật Bản ban hành lệnh cấm. Ngày nay, Tức Thân Phật không còn được bất kỳ trường phái Phật giáo nào ở Nhật ủng hộ hay thực hành.
Người ta cho rằng có hàng trăm nhà sư đã tiến hành phương pháp này, nhưng chỉ có 28 người thành tựu. Rất nhiều nhà sư được thờ cúng trong các ngôi đền ở Nhật Bản. Trường hợp nổi tiếng nhất là của nhà sư Shinnyokai Shonin ở đền Dainichi-Boo, trên đỉnh núi thần thánh Yudono. Những trường hợp khác có thể thấy ở đền Nangakuji, ở vùng ngoại ô thành phố Tsuruoka, và đền Kaikokuji ở thành phố nhỏ Sakata.
Theo vietdaikynguyen.com