Vợ chồng ông chủ Tập đoàn Hòa Phát ‘bay hơi’ hơn 300 tỷ đồng do giá cổ phiếu giảm sâu. Riêng ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Hòa Phát bị “thổi bay” 252.65 tỷ đồng khỏi tài khoản.
“Thổi bay” hơn 300 tỷ trong 1 ngày
Giá dầu phiên đầu tuần rơi xuống mức thấp nhất 5 năm khi giảm 4,3% xuống 66,19 USD/thùng, thấp nhất kể từ 29/9/2009. Dầu bị bán tháo khi Phố Wall dự đoán giá dầu có thể giảm sâu hơn và dư cung toàn cầu sẽ còn tiếp tục tăng đến nửa đầu năm tới.
Giá dầu giảm mạnh, mất 4,3% khiến cổ phiếu năng lượng lao dốc. Kết quả là Phố Wall bị nhấn chìm trong sắc đỏ khi phiên giao dịch ngày 8/12 kết thúc. Diễn biến này trên thị trường Mỹ đã báo hiệu một phần giao dịch “lành ít dữ nhiều” của VN-Index.
Đúng như dự cảm, VN-Index nhanh chóng giảm sâu. Kết thúc phiên 9/12, VN-Index mất tới 16,37 điểm, tương ứng 2,86% và đóng cửa ở mức 555,31 điểm. Cổ phiếu dầu khí “đóng góp” rất lớn vào “đà rơi” của VN-Index. GAS là tâm điểm của thị trường khi giảm sàn. GAS giảm 5.500 đồng/CP xuống 5.500 đồng/CP xuống 75.500 đồng/CP.
GAS “lao dốc” khiến vốn hóa thị trường của Tổng Công ty Khí Việt Nam mất 10.422,5 tỷ đồng (gần nửa tỷ USD). Tổng Công ty Khí Việt Nam là đơn vị chịu thiệt hại nặng nề nhất khi giá dầu giảm sâu. Đứng sau GAS về mức độ mất mát là PVD.
Hôm qua (9/12), PVD cũng giảm sàn khi mất 4.500 đồng/CP và dừng ở mức 65.000 đồng/CP. Giống như GAS, trên bảng giao dịch điện tử, bên dư mua PVD hoàn toàn trắng. PVD “thổi bay” 1.363,83 tỷ đồng vốn hóa thị trường của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí.
Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam cũng được xem là ông lớn dầu khí. Trong khoảng thời gian nửa đầu 2014, PVS gây ấn tượng khi tăng rất mạnh và nằm trong danh sách các cổ phiếu sinh lời nhiều nhất trên cả 2 sàn.
Nhưng khi giá dầu “rơi tự do”, PVS cũng cùng chung “số phận” với GAS, PVD. Hôm nay, PVS giảm sàn, giảm PVS giảm 3.000 đồng/CP, tương ứng 10% và đóng cửa ở mức 27.600 đồng/CP. Như vậy, vốn hóa thị trường của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam đã “bốc hơi” 1.340,1 tỷ đồng.
Ngành dầu khí còn thiệt hại hơn rất nhiều khi hàng loạt cổ phiếu họ dầu khí như PXI, PXT, PXS, PVC,… bị bán tháo và đua nhau giảm sàn.
Thị trường “lao dốc”, không chỉ cổ phiếu dầu khí giảm sâu, nhiều blue-chip của những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam cũng giảm mạnh. HPG là một trong những blue-chip giảm mạnh nhất sàn Tp.CHM.
HPG giảm 2.500 đồng/CP xuống 52.000 đồng/CP. HPG khiến túi tiền của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Hòa Phát bị ảnh hưởng nặng nề. HPG “thổi bay” 252.65 tỷ đồng khỏi tài khoản của ông Long. Lượng cổ phiếu mà bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long nắm giữ mất 77,38 tỷ đồng.
Tập đoàn Kinh Đô cũng phải chứng kiến một phiên giảm sâu của cổ phiếu KDC. KDC mất tới 3.000 đồng/CP và chốt phiên ở mức 48.000 đồng/CP. Anh em doanh nhân họ Trần là những người chịu nhiều mất mát nhất về mặt tài chính.
Cụ thể, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Kinh Đô mất 52,62 tỷ đồng. Ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Giám đốc Kinh Đô mất 41,97 tỷ đồng. Hai anh em họ Trần vẫn đướng trong Top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán.
SSI cũng nằm trong danh sách các blue-chip giảm mạnh. SSI chốt phiên ở mức 29.000 đồng/CP sau khi giảm 1.100 đồng/CP. SSI khiến giá trị cổ phiếu SSI mà ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn SSI mất 31,9 tỷ đồng.
Cổ phiếu thủy sản cũng không thoát khỏi đà lao dốc. MPC giảm tới 2.000 đồng/CP. MPC lấy đi 34,95 tỷ đồng khỏi túi của bà Chu Thị Bình, Phó Tổng giám đốc kiêm Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.
Ông Lê Văn Quang, chồng bà Bình, người đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Minh Phú mất 31,92 tỷ đồng. Ông Quang đứng sau bà Bình 2 bậc trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.
Vợ chồng ông chủ Tập đoàn Hòa Phát ‘bay hơi’ hơn 300 tỷ đồng do giá cổ phiếu giảm sâu.
Đại gia ngành thép Trần Đình Long giàu cỡ nào?
Ông Trần Đình Long sinh năm 1961 tại Hải Dương, tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân.
Ông Trần Đình Long- Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát từ lâu đã luôn được biết đến với danh hiệu là doanh nhân thành công và giàu có nhất ngành thép.
Ông hiện là người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán tập trung của Việt Nam. Hiện tại vợ chồng ông đang nắm giữ hơn 31,5% cổ phần của Hòa Phát trong tay, với tổng trị giá hơn 4.600 tỷ đồng.
Hòa Phát hiện là một trong những doanh nghiệp lớn nhất và có lợi nhuận khủng nhất ngành thép. Tập đoàn này tham gia sản xuất thép xây dựng và ống thép. Bên cạnh đó, Hòa Phát còn tham gia vào nhiều lĩnh vực khác như bất động sản, nội thất, điện lạnh, thương mại…
Tài sản Ông Trần Đình Long và gia đình sở hữu 31,5% cổ phần của Hòa Phát, hiện có trị giá hơn 4.600 tỷ đồng (tính đến 30/9/2013).
Từ năm 1996 đến năm 2005, Trần Đình Long là Chủ tịch HĐQT các công ty thuộc nhóm Hòa Phát. Từ năm 1992 đến năm 1996, ông là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát.
Sau Bầu Đức thì ông Trần Đình Long là vị đại gia thứ hai tại Việt Nam vung hàng trăm tỷ đồng sắm máy bay riêng. Trong năm 2010 ông chủ Hòa Phát đã chi 5 triệu đô la để sở hữu chiếc máy bay trực thăng riêng.
Vừa qua chiếc trực thăng 6 chỗ này đã được đổi bằng máy bay mới loại 12 chỗ cùng chủng loại, hiện đại hơn rất nhiều với giá 7 triệu USD. Ngoài sự tiện nghi về nội thất, số ghế ngồi nhiều hơn, chiếc trực thăng mang mã VN-D668 này có khả năng bay xa hơn giúp ông chủ thép thực hiện chặng Hà Nội – Đà Nẵng mà không cần phải tiếp nhiên liệu.
Không chỉ dừng lại tại đó mỗi tháng ông Long còn phải bỏ ra hàng tỷ đồng để “nuôi” khối tài sản triệu đô này. Cụ thể, mỗi tháng ông chủ Tập đoàn Hòa Phát phải bỏ ra 300 triệu đồng chi phí thuê phi công, khoảng vài trăm triệu đồng để thuê bến bãi và còn rất nhiều khoản chi phí khác như chi phí nhiên liệu, bảo dưỡng, sửa chữa.
An Nhiên (Tổng hợp)