Cước vận tải đòi tăng 20-60% trong khi các cơ quan chức năng đang yêu cầu doanh nghiệp vận tải giảm giá cước cho phù hợp với sự biến động của giá xăng. Dường như đang có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong vấn đề này.
Trong khi Bộ Tài chính cùng Bộ GTVT đang tích cực kiểm tra giá cước vận tải ô tô giảm chưa hợp lý; nhiều doanh nghiệp vận tải (DN) lại đòi tăng giá tới 60%.
Thông tin trên báo Tiền Phong, Bến xe phía Nam (Hà Nội vừa nhận được 2 bộ hồ sơ tăng giá DN. Cụ thể, công ty TNHH Hiền Phước trong bảng kê khai mức giá gần đây đã tăng giá cước tuyến Bắc Nam với mức dao động 20-60% tùy thời điểm.
Ví dụ, chiều Sài Gòn – Hà Nội giá vé sẽ tăng từ 880.000 đồng/khách lên 1.408.000 đồng/khách áp dụng từ ngày 10/2 đến 19/2; chiều ngược lại giữ nguyên. Sau Tết Nguyên đán chiều Hà Nội – Sài Gòn tăng từ 880.000 đồng lên 1.408.000 đồng/khách áp dụng từ 19/2 đến 25/2, chiều ngược lại giữ nguyên.
Đại diện DN này lý giải trước Tết Âm lịch, lượng khách đi lại chiều vào Sài Gòn giảm nhiều, doanh thu không thể bù đắp được chi phí. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, đơn vị đã đầu tư lô xe mới, dẫn đến chi phí khấu hao và các chi phí cố định khác cũng tăng theo. Còn sau Tết, DN này cũng đưa ra lý do doanh thu không đủ bù đắp nổi chi phí chiều ngược lại. Phương án tăng giá sẽ có hiệu lực từ ngày 30/1/2015.
Tương tự, Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải và Thương mại Hùng Thắng (tuyến Hà Nội – Thanh Hoá), trong mẫu phương án giá gửi cơ quan chức năng cũng tăng 40% giá vé (từ mức 80.000 đồng/khách lên 112.000 đồng/khách). Lý do DN này đưa ra tương tự: Tăng giá do dịp Tết khách hàng chỉ đi một chiều và chiều còn lại chạy rỗng. Mức giá mới của DN này có hiệu lực từ ngày 8/2 đến 28/2.
Phương án tăng giá cũng được các DN thông báo với Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội). Cụ thể, Công ty THNN Chín Nghĩa tăng giá vé chiều Hà Nội – Quảng Ngãi từ mức 350.000 đồng/khách lên mức 490.000 đồng/khách, tức tăng 40% từ ngày 19/2 đến 21/2; HTX xe khách Trung Nam tăng giá lần lượt 20-60% tùy vào từng thời điểm, nhưng xoay quanh mấy ngày Tết (từ ngày 31/1 đến 21/2).
Theo giải thích của một số nhà xe tại Bến xe phía Nam: Những năm trước, tăng mức phụ thu là bình thường. Năm nay, vì xăng dầu giảm mạnh nên giá cước vận tải mới bị để ý nhiều như vậy.
Người tiêu dùng bức xúc
Trước thông tin các doanh nghiệp xin tăng giá cước vận tải, nhiều người dân tỏ ra rất bức xúc.
Anh Thiện (Cầu Giấy, HN) bày tỏ quan điểm: “Biết là tăng để bù lỗ xe chạy rỗng.Nhưng thử tính xem, nếu giá xăng dầu vẫn như cũ nằm ở ngưỡng trên 20.000 đồng/lít thì sao? Bây giờ còn có hơn 15.000/lít xăng, có nghĩa là giảm khoảng 40% chi phí xăng cộ. Nếu giữ nguyên giá vé thì đã lời 40% chi phí xăng dầu so với thời điểm trước rồi. Có tăng thì cũng tăng vừa phải thôi chứ, mức sống càng ngày càng cao, chi phí trả cho công sức người lao động có bao giờ được tăng 40 đến 50% đâu… Tết năm nào giá xe cũng tăng vọt so với ngày thường, cứ lí do ngày thường không ai đi rồi Tết tăng giá là không được, nhưng thực chất ngày thường các tuyến xe khách vẫn hoạt động vẫn sinh lợi nhuận, chúng ta hãy tính toán thử rồi sẽ hiểu được những gì họ nói. Chỉ mong cơ quan chức năng thật chặt chẽ với chủ các hãng xe và có những quy định rõ ràng để giúp ích cho dân.”
“Nếu bạn là người nơi khác lên làm việc tại Hà Nội, rồi mỗi dịp Tết đến về quê dù giá vé có đắt nhưng không còn phương án nào tốt hơn ngoài đi xe khách, thậm chí nếu không đặt vé trước còn không có vé về… thì mới hiểu được niềm vui khi giá xăng giảm và hi vọng giá vé xe khách giảm. Giờ nghe các đơn vị vận tải đòi tăng giá vé lên đến tận từ 20-60%, trong khi giá xăng đã giảm xuống mức rất thấp, thực sự cảm thấy rất bức xúc, vô lý quá. Điều cần hơn cả đó là sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội vận tải có mức điều chỉnh hợp lý tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với một giá cước vận tải hợp lý.”
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2015-01-29 04:40:21
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/cuoc-van-tai-doi-tang-20-60-trong-danh-xuoi-ken-thoi-nguoc-a173048.html