Sử dụng thuốc “kích phọt” chỉ cần 2 ngày đã có một mẻ giá trắng mập và không có dễ. Các chuyên gia ATTP lo ngại, với thời gian ngắn việc tồn dư các chất có hại vẫn còn và sẽ thâm nhập vào cơ thể gây ảnh hưởng sức khỏe cho người tiêu dùng.
Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Bắc Giang đang phối hợp với Chi cục Quản lí thị trường tỉnh Bắc Giang điều tra, làm rõ vụ việc tuồn hàng nghìn ống hóa chất kích thích tăng trưởng thực vật vào Việt Nam.
Theo Công an tỉnh Bắc Giang, vào lúc 8h ngày 14/1, trên QL1A đoạn qua ngã tư Kế, thành phố Bắc Giang, lực lượng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) phối hợp với Phòng CSGT công an tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra xe ôtô BKS 12B – 001.53 có biểu hiện nghi vấn.
Thời điểm kiểm tra, chiếc xe khách trên do Nguyễn Văn Khang (SN 1977), trú tại xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) điều khiển đang lưu thông theo hướng Lạng Sơn – Hà Nội.
Hàng nghìn ống hóa chất kích thích tăng trưởng bị thu giữ khi đang trên đường vận chuyển vào Việt Nam (Ảnh: Báo An ninh Thủ đô).
Qua kiểm tra, các lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ trên khoang xe khách tổng cộng 14 bao tải dứa, bên trong có 275.600 ống nhựa loại 2ml. Toàn bộ các bao tải và ống nhựa đều được in bằng chữ Trung Quốc, bên trong ống có chứa dung dịch lỏng màu trắng. Tất cả số hàng trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phối hợp với lực lượng Quản lí thị trường tỉnh Bắc Giang đấu tranh, làm rõ và xác định chủ số hàng là Nguyễn Thị Hiền (SN 1969), trú tại phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn.
Tại cơ quan điều tra, Hiền khai nhận toàn bộ số hàng trên là loại hóa chất “kích phọt” cho giá đỗ, rau xanh, được mua và vận chuyển từ Lạng Sơn về Hà Nội tiêu thụ.
Hiện các lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang đang gửi mẫu hóa chất đi giám định, đồng thời tiếp tục điều tra, làm rõ.
Bỏng da, hỏng mắt, tổn thương bộ máy tiêu hoá
Tuy nhiên, PGS-TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn thực phẩm (Hội KHKT an toàn thực phẩm Việt Nam) khẳng định rằng, hóa chất “kích phọt” giá đỗ lớn nhanh không nằm trong danh mục thuốc BVTV được phép lưu hành tại Việt Nam.
Trước đó, đã nhiều vụ việc sử dụng hóa chất ‘kích phọt’ giá đỗ đã được cơ quan chức năng phanh phui và xử lý. Với cách làm bất chấp sự an toàn cử người sử dụng, nhiều cơ sở kinh doanh đã sử dụng loại hóa chất cấm để rút ngắn thời gian cũng như vẻ đẹp của giá đỗ nhằm thu hút người tiêu dùng.
Theo người có kinh nghiệm sản xuất giá đỗ, trung bình phải 5 ngày mới sản xuất được một mẻ giá đỗ theo phương pháp truyền thống, nhưng nếu sử dụng thuốc “kích phọt” thì chỉ cần 2 ngày là đã có một mẻ giá trắng mập và không có dễ. Các chuyên gia ATTP lo ngại, với thời gian ngắn việc tồn dư các chất có hại vẫn còn và sẽ thâm nhập vào cơ thể gây ảnh hưởng sức khỏe cho người tiêu dùng.
Trước thực trạng thuốc kích phọt được sử dụng khá phổ biến trong trồng trọt, người tiêu dùng quan ngại về độ an toàn của các loại rau, củ, quả trên thị trường, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Đây là các loại thuốc nằm ngoài danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam và bị xếp vào các loại hàng lậu nên nếu phát hiện sẽ bị tịch thu và tiêu huỷ.
Hóa chất “thúc” giá đỗ lớn nhanh không nằm trong danh mục thuốc BVTV được phép lưu hành tại Việt Nam.
Trước đây, cục Bảo vệ Thực vật đã tiến hành xác minh các chất trong các loại thuốc thường được gọi “kích phọt” và thấy đó là chất điều hoà kích thích sinh trưởng, có tác dụng chủ yếu là sử dụng trên giá đỗ. Hoạt chất chủ yếu là thuộc về họ Cytokinins và họ Auxins, có tác dụng kích, thúc sự nảy mầm và sinh trưởng của cây trồng. Những người mua đậu xanh từ Trung Quốc về thì thường gắn kèm với các loại thuốc này”.
Cũng theo ông Hồng, một số nước vẫn sử dụng các loại chất này với những liều lượng nhất định vì sử dụng nhiều quá thì chất lượng không tốt với sản phẩm và người sử dụng. Tuy nhiên, đây là thuốc nằm ngoài danh mục được phép sử dụng của Việt Nam. Thuốc không được kiểm soát nên khi sử dụng thì ngoài chất đó có thể có thêm những loại chất khác không tốt nữa. Vì chưa được đăng ký và chưa được khảo nghiệm kĩ ở Việt Nam nên theo quy định vẫn tịch thu tiêu huỷ để đảm bảo độ an toàn cao và đảm bảo quy định của pháp luật.
Một cán bộ từng công tác tại viện Nghiên cứu rau quả cho biết, kết quả phân tích cho thấy, thành phần chủ yếu trong các ống thuốc tăng trưởng thường là chất 6-BA (6-Benzylaminopurine) và một lượng nhỏ chất PCPA được pha chế trong môi trường kiềm. Do chứa hàm lượng kiềm cao nên nếu tiếp xúc trực tiếp với số thuốc kích thích trên có thể gây bỏng da, hỏng mắt. Nếu nuốt hay hít phải có thể làm tổn thương bộ máy tiêu hóa và hệ hô hấp.
Cách nhận biết rau quả sử dụng chất kích thích tăng trưởng Theo TS. vật lý Nguyễn Văn Khải, lá của rau, quả sử dụng chất kích thích tăng trưởng thường nhạt hơn, thành phần diệp lục ít hơn, lá mềm hơn, tích nước nhiều hơn và vươn dài hơn, biến dạng. Thông thường sau khi sử dụng thuốc từ 3-5 ngày là người nông dân đã thu hoạch. Vẻ bề ngoài rau sạch thường không bóng bẩy, láng mướt như loại vẫn được phun thuốc kích thích. Lá và thân hơi cứng, ít có vẻ mơn mởn. Củ quả sạch thường không được ngâm thuốc để bảo quản trong thời gian dài nên phần cuống vẫn còn tươi, trong khi những loại khác có thể quả vẫn đẹp nhưng phần cuống không còn hoặc quá “cũ kĩ”. Các loại rau cải thường vẫn có những cái lỗ do sâu gây ra. Với giá đỗ, người tiêu dùng có thể tự phân biệt được giá có sử dụng hóa chất hay không bằng mắt thường. Giá đỗ khi ủ theo cách thông thường bằng cách ngâm nước trông giá sẽ chặt hơn, rễ dài như sợi chỉ, không bóng, không to, không mập, có rễ, thân, lá mầm. Giá dùng thuốc kích thích độc hại thì có cọng ngắn, thân mập, đặc biệt là không có rễ hoặc có rễ nhưng rất ngắn chứ rễ không dài như sợi chỉ giống giá đỗ tự nhiên. Nên ngâm giá trong nước muối hoặc sục ôzôn để diệt vi khuẩn, trứng giun sán (nếu có) trước khi ăn. |