Trong tay chiến sĩ Việt Nam, các quả tên lửa Sam-2 đã diệt được B-52 còn các pháo phản lực được tháo rời từng nòng đã nhiều lần tập kích hỏa lực bí mật bất ngờ khiến quân Mỹ khiếp đảm.
Pháo mang vác
Thời kháng chiến chống Mỹ, quân đội ta được Liên Xô viện trợ một số hệ thống pháo phản lực BM-14, BM-21. Tuy nhiên, thời kỳ đầu kháng chiến chống Mỹ, các hệ thống pháo phản lực này chưa phù hợp với điều kiện tác chiến của quân ta. Bởi vậy các nhà khoa học quân sự của quân đội ta tìm cách cải tiến đã tháo rời từng nòng pháo BM-14 để tạo thành pháo mang vác mang tên A-12.
Bác Hồ và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước xem bắn trình diễn A-12.
A-12 gồm 12 ống phóng được điểm hỏa bằng pin điện. Ưu điểm của A-12 so với pháo phản lực BM-14 là có thể điểm hỏa cùng lúc 12 quả đạn hoặc bắn từng quả một (trong khi BM-14 chỉ phóng được từng quả).
Bên cạnh A-12, Việt Nam cũng đề nghị Liên Xô cải tiến pháo phản lực BM-21 theo hướng tháo rời từng nòng để tiện sử dụng ở chiến trường miền Nam. Loại pháo phản lực này mang tên DKB có nghĩa là loại DKZ dùng ở chiến trường B.
Theo sách Lịch sử pháo binh, trong năm 1965, 1966, chủ yếu lực lượng pháo binh chi viện cho miền Nam là pháo mang vác như các loại: cối, A-12, DKB. Các loại pháo mang vác của quân đội ta đã đánh nhiều trận đạt hiệu quả cao như trận A-12 pháo kích sân bay Đà Nẵng ngày 28/2/1967. Với 15 loạt phóng gồm 140 viên đạn đã phá hủy 94 máy bay, 200 xe quân sự và loại khỏi vòng chiến đấu nhiều giặc lái cùng nhân viên kỹ thuật.
Pháo ĐKB đánh trận đầu tiên ở chiến trường miền Nam là trận pháo kích sân bay Biên Hòa ngày 12/5/1967. Trung đoàn pháo binh 724 sử dụng 41 khẩu ĐKB cùng 6 khẩu cối 82mm và 6 khẩu ĐKZ 75mm phối thuộc đã tập kích bất ngờ vào sân bay Biên Hòa. Kết quả trận đánh làm hỏng và phá hủy 150 máy bay, loại khỏi vòng chiến 800 phi công và nhân viên kỹ thuật của địch.
Các khẩu pháo mang vác tiếp tục là hỏa lực lợi hại của quân đội ta trên chiến trường miền Nam cho đến khi thống nhất đất nước.
Mìn định hướng MĐH-10
Mìn định hướng MĐH-10 được sử dụng phổ biến trên chiến trường miền Nam thời đánh Mỹ. Ngành quân giới Việt Nam sau nhiều thử nghiệm đã sản xuất thành công mìn phóng mảnh định hướng MĐH-10. Tên MĐH-10 là viết tắt của mìn định hướng và số 10 nghĩa là trọng lượng mìn khoảng 10 kg.
Một quả mìn định hướng MĐH-10.
Sức nổ của mìn tương đương 1 đơn vị bộ binh bắn đồng loạt bằng súng trường, có khả năng diệt bộ binh ở cự ly 100m và xa hơn. Khi ghép 3 đến 5 quả mìn lại có thể phá rào thép gai tạo cửa mở rộng 2m và sâu 30m.
Sản xuất mìn định hướng MĐH-10 tại xưởng quân giới.
Xưởng quân giới Nam Bộ đã sản xuất hàng loạt quả mìn loại này để cung cấp cho quân dân ta đánh Mỹ. Riêng trong nội thành Sài Gòn, các đội biệt động đã nhiều lần sử dụng mìn định hướng để diệt địcch. Đặc biệt là trận đánh vào nhà hàng Mỹ Cảnh bên sông Sài Gòn năm 1965 với 2 quả mìn định hướng đã diệt hàng trăm nhân viên tình báo và sĩ quan Mỹ.
Tên lửa Sam-2
Đầu năm 1965, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam các tổ hợp tên lửa phòng không Sam-2 để thành lập 2 trung đoàn tên lửa phòng không. Số lượng các đơn vị tên lửa phòng không tiếp tục tăng lên cùng với các chiến dịch không kích ác liệt của Mỹ nhằm phá hoại miền Bắc.
Trong cuộc đối đầu với Không quân Mỹ, các tên lửa Sam-2 là vũ khí quan trọng của quân đội ta để bảo vệ các mục tiêu trọng yếu. Ít nhất tên lửa Sam-2 đã trải qua 2 thử thách về mặt kỹ thuật do Mỹ thay đổi thủ đoạn. Đầu tiên là thủ đoạn gây nhiễu radar rồi đến gây nhiễu rãnh đạn khiến tên lửa mất điều khiển.
Tổ hợp tên lửa phòng không Sam-2 ở Việt Nam.
Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972 là trận chiến quyết liệt nhất trong cuộc đối đầu giữa lực lượng phòng không Việt Nam nói chung, tên lửa Sam-2 nói riêng với Không quân Mỹ. Việt Nam đã thắng lợi giòn giã khi diệt được hơn 30 máy bay B-52 cùng hàng chục máy bay khác của Mỹ.
Tuy huyền thoại Việt Nam nối tầng cho tên lửa Sam-2 để diệt B-52 là không có thật nhưng những sự linh hoạt trong chiến thuật và sự điêu luyện trong kỹ năng chiến đấu của các kíp chiến đấu là một yếu tố quan trọng để giành chiến thắng.
Theo cuốn sách Điện Biên Phủ trên không – chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam, một kíp chiến đấu của tên lửa Sam-2 khi đối đầu với Mỹ không những phải khó khăn để xác định mục tiêu trong màn nhiễu dày đặc mà còn phải có kỹ năng điêu luyện để tránh tên lửa Shrike.
Tên lửa Shrike của Mỹ có thiết bị cảm biến sóng radar. Khi phát hiện sóng radar của ta, máy bay Mỹ phóng tên lửa này. Quả tên lửa sẽ lao thẳng theo cánh sóng radar vào trận địa ta để tiêu diệt kíp chiến đấu tên lửa. Đối phó với thủ đoạn này, các trắc thủ radar Việt Nam có cách khắc phục, hễ thấy máy bay Mỹ phóng tên lửa thì lập tức ngắt làn sóng làm cho tên lửa Shrike mất mục tiêu nên sẽ đánh chệch mục tiêu.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều yếu tố linh hoạt, sáng tạo của chiến sĩ tên lửa Việt Nam để thắng giặc Mỹ.
Trần Vũ
Xem thêm video: Sư đoàn 324 diễn tập đánh địch trên địa bàn rừng núi
2015-01-13 20:56:30
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/mot-so-vu-khi-loi-hai-cua-viet-nam-thoi-danh-my-a170972.html