Thiệu Ung, một nhà tư tưởng – nhà vũ trụ học lỗi lạc (Jane Ku)
Thiệu Ung (1011-1077 SCN) là một triết gia, một thi nhân, một nhà vũ trụ học thời Bắc Tống. Ở tuổi thanh xuân, ông là người thông minh đĩnh ngộ và quyết chí tìm tòi nắm bắt được nguyên lý diễn hóa của vũ trụ.
Mặc dù hiện nay do cuộc Cách mạng Văn hóa nên tên tuổi Thiệu Ung không được đông đảo người dân Trung Quốc biết đến, tuy nhiên ngài là một trong những học giả uyên bác nhất trong hệ thống Nho học Trung Hoa. Một số lời châm ngôn của ngài hiện vẫn được sử dụng phổ biến, như câu “nhất niên chi kế tại vu xuân, nhất nhật chi kế tại vu thần, nhất sinh chi kế tại vu cần” (lập kế hoạch cho một năm, khởi đầu từ mùa xuân; lập kế hoạch cho một ngày, khởi đầu từ sáng sớm; lập kế hoạch cho một đời, khởi đầu từ sự chuyên cần)
Sáng tạo nên một trường phái tư tưởng mới
Là một trong “năm nhà Lý học thời Bắc Tống”, Thiệu Ung cùng Chu Đôn Di, Trương Tái, Trình Hạo, Trình Di đã khai sáng nên Tống Minh Lý học (còn gọi là Lý học), là một nhánh phát triển của Nho học Trung Hoa.
Trong năm người, ngài Thiệu Ung có lẽ là nhân vật huyền bí nhất. Những nghiên cứu và đóng góp của ngài cho Lý học rất độc đáo và khác biệt so với những học giả khác, do ngài có xuất thân từ Đạo gia, lại tu tập và nghiên cứu về những khả năng và hiện tượng siêu nhiên.
Công trình tiêu biểu nhất của ngài là “Hoàng cực kinh thế thư”, có hàm nghĩa là “Sách về những nguyên lý tối cao trong thế giới vật chất”.
Trong tác phẩm này, ngài minh họa những chân lý trong cuộc sống dưới góc độ Thái Cực, Đạo, âm và dương, Thiên và Địa, lý trí và tình cảm, thần và người, v.v., để giải thích về nguồn gốc và sự phát triển của vũ trụ, bao gồm cả xã hội nhân loại.
Đó chính là nền tảng của Tống Minh Lý học. Từ triều nhà Tống đến cuối triều nhà Thanh, các học giả đã hoàn chỉnh Lý học dựa trên thành tựu của ngài Thiệu Ung và bốn học giả trên.
Cống hiến trọn đời cho khoa học và điều huyền bí
Khi bước vào tuổi trung tuần, ngài xa lánh hồng trần, sống ẩn dật để nghiên cứu, viết sách và dạy học.
Ngài có kiến thức sâu rộng đối với các loại điển tịch kinh thi, nhưng lại khiêm nhường và từ tốn với các học giả khác. Mỗi khi đi du ngoạn, ngài đều được quan viên cùng các hiền sỹ ở các địa phương tranh nhau đón tiếp. Nhà vua nhiều lần triệu mời ngài ra làm quan nhưng ngài đều nhã nhặn khước từ.
Dựa theo nguyên lý Bát Quát trong Chu Dịch và tư tưởng Đạo gia, ngài Thiệu Ung đã tạo nên hệ thống học thuyết riêng về nguồn gốc vũ trụ.
Ngài tin rằng vạn vật đều có số mệnh và mọi thứ đều có thể được lĩnh hội bằng cách chia chúng ra làm các phần tương ứng với các con số.
Theo Britannica Encyclopedia, “Ý tưởng toán học của ngài Thiệu Ung cũng ảnh hưởng đến triết gia thế kỷ thứ 18 ở Châu Âu, Gottfried Wilhelm Leibniz, khi phát triển hệ thống nhị phân—tức là chỉ dựa vào 2 chữ số”.
Ngài cũng được thừa nhận là một trong những học giả xuất sắc nhất về khả năng tiên tri và nhìn thấu quá khứ. Tương truyền rằng ngài tiên đoán vô cùng chính xác, như trong câu chuyện dưới đây về khả năng siêu phàm của ngài.
Một sớm mùa xuân, ngài Thiệu Ung dựng sạp toán mệnh dưới chân cầu. Tình cờ có một lão nông đi qua và muốn biết về số mệnh của mình. Ngài Thiệu Ung yêu cầu ông lão bốc một xăm giấy đã viết sẵn ký tự Trung Quốc. Người nông dân chọn một xăm và đưa cho ngài Thiệu Ung. Đó là chữ “筷” (chiếc đũa). Ngài Thiệu Ung nói với lão nông dân “chúc mừng ông, hôm nay ông sẽ có một bữa trưa ngon miệng. Ông cứ về nhà và đợi nhé.”
Ông lão về nhà thì thấy có người cháu trai đang đợi cửa. Người cháu thưa: “Dạ, hôm nay là lễ mừng thọ 60 tuổi của cha cháu, cha muốn mời bác đến nhà dự tiệc ạ”. Ông lão ngạc nhiên đi thay xiêm y và vui vẻ đi dự tiệc.
Chiều hôm ấy cũng có một người khác đến xem toán mệnh. Anh ta cũng bốc được chữ “筷”. Nhưng lần này ngài Thiệu lại nói: “Điềm dữ, hôm nay anh sẽ gặp nạn và bị tống giam”. Người này nghĩ ngay rằng làm gì có chuyện anh sẽ bị bắt giam nếu anh ấy cứ ở trong nhà. Thế nên anh về nhà rồi leo lên giường đi ngủ.
Đột nhiên, anh ta bị thức giấc vì có một người phụ nữ đang hét toáng lên rằng con lợn nhà anh đang phá vườn rau nhà cô. Trong phút chốc giận dữ, anh đã thượng cẳng chân hạ cẳng tay với cô ta, khiến cô bị thương, ngã xuống, rồi đột ngột qua đời. Ngay sau đó, anh ta bị bắt và tống vào ngục.
Cuối chiều, khi ngài Thiệu Ung đã chuẩn bị gói ghém đồ đạc ra về, một người cưỡi ngựa từ phương nam đến và đề nghị ông ở lại. “Ông lão, tôi nghe danh ông thần cơ diệu toán, nên tôi muốn ông toán mệnh giúp”. Một lần nữa, người này lại bốc được chữ “筷”. Ngài Thiệu cho anh ta biết rằng đây không phải điềm lành và anh sẽ bị ướt sũng cuối ngày hôm ấy.
Tuy nhiên, hôm ấy trời nắng ráo và quang đãng, anh chàng chẳng thèm để ý đến lời cảnh báo và thúc ngựa bỏ về. Vừa mới bước vào cửa, anh đã bị ướt sũng nước. Vợ anh không biết chồng mình đang vào nhà, đã hắt thau nước bẩn vào người anh.
Dự đoán tương lai của Trung Quốc
Ngài Thiệu Ung còn là một nhà thơ. Một trong những kiệt tác của ngài là mười bài “Mai Hoa Thi”, được nhiều người cho rằng đã dự đoán chính xác những sự kiện quan trọng trong lịch sử Trung Quốc.
Một số học giả đã liên hệ những bài thơ của ngài với sự đổi thay triều đại xảy ra sau khi ngài mất. Người ta cho rằng bài thơ thứ mười trong “Mai Hoa Thi” dự báo về Trung Quốc ngày nay, trong đó đề cập đến sự lên ngôi của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền và kết cục sụp đổ của ĐCSTQ, cùng những dự đoán khác.
Mặc dù chưa bao giờ làm quan hay làm sư, những tác phẩm về văn chương và vũ trụ học của ngài Thiệu Ung đã có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng tinh thần trong xã hội cổ đại Trung Quốc.