Với mức đầu tư lên đến 10 triệu đô la Mỹ, Parkson Landmark do Công ty TNHH Parkson Việt Nam quản lý được xem là trung tâm mua sắm cao cấp và quy mô nhất Việt Nam từ trước đến nay. Những sau 3 năm đi vào hoạt động, Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu theo kế hoạch đề ra.
Ngày 2/12/2011, Parkson đã khai trương TT mua sắm cao cấp tại Parkson Landmark 72 (tòa nhà Keangnam – đường Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội).
Với tổng diện tích mặt bằng bán lẻ lên đến hơn 35.600m2, có quy mô 5 tầng, phân chia thành các khu vực kinh doanh riêng biệt tạo cho người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn các mặt hàng theo nhu cầu với nhiều thương hiệu mỹ phẩm, nước hoa, thời trang danh tiếng trên thế giới và VN cùng các khu ẩm thực, siêu thị và các dịch vụ khác.
Sự kiện này từng được coi là “đánh dấu sự phát triển mới của Parkson tại thị trường phía Bắc”, nâng số trung tâm thương mại mang thương hiệu Parkson tại Việt Nam lên con số 8. Với mức đầu tư lên đến 10 triệu đô la Mỹ, Parkson Landmark do Công ty TNHH Parkson Việt Nam quản lý.
Với mức đầu tư lên đến 10 triệu đô la Mỹ, Parkson Landmark do Công ty TNHH Parkson Việt Nam quản lý.
Hoành tráng là thế, nhưng sau 3 năm đi vào kinh doanh, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu theo kế hoạch đề ra.
Thông báo chấm dứt hợp đồng thuê ký giữa các đối tác (chủ quầy hàng) và Công ty TNHH Parkson Hà Nội về việc cho thuê mặt bằng kinh doanh tại Trung tâm thương mại (TTTM) Parkson thuộc Tòa nhà Keangnam Landmark Tower (Parkson Landmark), thừa nhận, kể từ khi mở cửa kinh doanh năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu theo kế hoạch đề ra. Các quầy hàng thuê ở đây cũng phải đối mặt với những khoản lỗ lớn cho đến nay.
“Đứng trước tình hình này và sau khi có sự cân nhắc kỹ lưỡng từ Ban giám đốc, chúng tôi rất tiếc phải thông báo đến quý đối tác rằng toàn bộ TTTM Parkson Landmark sẽ dừng hoạt động kinh doanh ngay lập tức kể từ ngày ban hành thông báo này và ngày kinh doanh cuối cùng ở đây là 2/1/2015” – Tổng giám đốc Tung Chee Sung yêu cầu trong văn bản.
Trong ngày mùng 3 và mùng 4/1, từ 8h sáng đến 22h đêm, lãnh đạo Parkson cho hay các cửa hàng có thể vào trong TTTM này để thu dọn hàng hóa tại quầy của mình.
Thông báo đột ngột này khiến chủ của gần 200 gian hàng tại Parkson Keangnam hết sức bất ngờ.
Theo thông tin trên ĐS&PL, sau khi văn bản phát ra, lực lượng bảo vệ đã đóng tất cả các cửa “nhốt” khách hàng, chủ quầy hàng, nhân viên trong gần 2 giờ đồng hồ tại trung tâm nhằm ngăn cản không cho mọi người mang đồ ra ngoài.
Sau đó, bảo vệ mới mở một cửa duy nhất để mọi người ra ngoài, không được mang theo hàng hóa, khiến khách hàng bức xúc.
Đến khoảng 2h chiều, các quầy hàng mới bắt đầu chuyển đồ ra ngoài. Các mặt hàng tiêu dùng, nội thất, quần áo, mỹ phẩm… được đóng thùng để chuyển lên xe ba gác, xe tải – đang xếp hàng đợi ngoài sân.
Trong ánh sáng hắt ra từ Parkson và đèn đường, đồ đạc được khuân ra, nhiều hàng không kịp đóng thùng, vứt ngổn ngang trước cổng.
Hầu hết các chủ bán hàng tại đây đều cho hay hợp đồng thuê quầy tại đây vẫn còn thời hạn. “Gia đình đầu tư hơn 2 tỷ đồng, cửa hàng mới đi vào hoạt động được vài tháng bị ép đóng cửa thế này vô tình đã đẩy gia đình đi vào con đường phá sản trong khi hợp đồng vẫn còn hiệu lực gần 1 năm nữa”, chị Nguyễn Thị Diễm Châu, chủ một quầy hàng ăn tại tầng hầm B1, than thở.
“Chúng tôi đang hoạt động bình thường mà bên cho thuê chấm dứt hợp đồng, không có thông báo trước, nhất là vào dịp cuối năm mà thay đổi như thế này chúng tôi sao chuẩn bị kịp”, anh Nguyễn Đức Minh, kinh doanh đồ uống tại TTTM Parkson Keangnam Landmark 72, cho biết.
Những thông điệp tiêu cực về thương hiệu Parkson
Thông tin trên báo Đại lộ, ông Nguyễn Thế Khoa, CEO công ty Green Standard tỏ ra khá bất ngờ về việc Parkson Landmark đột ngột đóng cửa.
Theo ông Khoa đánh giá, dù có bất cứ lý do gì được đưa ra, nhưng với quyết định dừng ngay lập tức hoạt động của Parkson Landmark như vậy chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến thương hiệu của đơn vị này.
“Nguyên nhân đóng cửa được phía Parkson đưa ra là do vấn đề thua lỗ thì có thể thấy đó là quyết định bắt buộc phải làm của họ.Nhưng cách làm đóng cửa đột ngột như vậy của Parkson thì lại thiếu đi sự khôn ngoan. Cách làm đó, thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với nhà đầu tư, khách hàng. Bởi lẽ, khi mở một trung tâm thương mại cao cấp, thông báo trên website thì sẽ có các khách hàng quen thuộc sử dụng. Khi đóng cửa, thì cần phải có những thông báo trước, cụ thể về thời gian chứ không thể trong một vài ngày. Việc dừng kinh doanh ngay tức khắc sẽ khiến khách hàng bức xúc, khó chịu và chắc chắn, sau này, không ai dám thuê mặt bằng của Parkson nữa”- ông Khoa nói.
Ông Khoa cũng đặt câu hỏi, dường như ẩn sau sự việc đóng cửa đột ngột này của Parkson Landmark có một vấn đề gì đó rất lớn, khiến đơn vị này phải đưa ra quyết định nhanh chóng như vậy.
Do kinh doanh thua lỗ, trung tâm mua sắm cao cấp Parkson Landmark đã phải đóng cửa
Ngoài ra, ông Khoa cũng nhấn mạnh thêm: “Đối với Parkson, tôi được biết họ có thẻ tích điểm cho khách hàng mỗi khi mua một món hàng. Nay Parkson Landmark đóng cửa thì các thẻ này sẽ ra sao, ai sử dụng? Vẫn biết rằng, thực tế, thẻ này sẽ dùng được trên toàn chuỗi hệ thống dịch vụ của Parkson, nhưng ở đây thẻ được đơn vị phát hành cho tôi ở điểm này. Chúng tôi là người ở điểm này thì chúng tôi mới sử dụng ở đây. Không có thể nào, tôi phải đi thêm cả chục km để vào trung tâm Parkson mua hàng với thẻ đó. Điều đó là không thể. Chúng ta phải có sự tôn trọng tối thiểu đối với khách hàng, nhất lại là một trung tâm thương mại cao cấp, có dịch vụ bán hàng, hậu mãi tốt…”- ông Khoa bày tỏ.
Đồng quan điểm đó, ông Trần Chiến Bình, CEO Teamwork Communications cũng cho hay, xét về mặt kinh doanh đơn thuần, khi kinh doanh hòa vốn hoặc lỗ thì đơn vị kinh doanh quyết dừng công việc kinh doanh để cắt lỗ là điều hết sức bình thường.
“Tuy nhiên, theo tôi trong trường hợp này, quyết định “dừng ngay lập tức” của Parkson rõ ràng gây sốc và gây ra hỗn loạn không đáng có và chắc chắn phương hại đến uy tín thương hiệu. Công chúng hay mua sắm tại đây sẽ nhận được những thông điệp tiêu cực về thương hiệu Parkson. Những chủ shop đã, đang và sẽ hợp tác với thương hiệu này sẽ cảm thấy sự bất an trong việc hợp tác lâu dài với Parkson”- ông Bình đưa quan điểm.
Ông Bình bày tỏ quan điểm riêng của mình, ở đây khó có thể nói được quyết định dừng ngay lập tức Parkson Landmark là dũng cảm hay thiếu khôn ngoan.
“Parkson hành động dựa trên lợi ích của họ, sau đó là lợi ích của chủ cửa hàng và cuối cùng mới là lợi ích của shopper và chủ tòa nhà Keangnam. Nếu xét về thiệt hại thương hiệu mà Parkson phải gánh chịu, có thể thấy đây là một hành động “cực chẳng đã””- ông Bình nói.
Còn theo chuyên gia marketing Đỗ Anh Tú, ngoài việc bị ảnh hưởng về thương hiệu, với quyết định dừng ngay lập tức như vậy, Parkson còn có thể bị xem xét đến vấn đề pháp lý.
“Quyết định của Parkson đã gây tổn hại đến thương hiệu nghiêm trọng. Nhưng ngoài ra, về thủ tục pháp lý dựa trên hợp đồng, nếu có vi phạm thì Parkson còn có thể bị kiện và đền bù vì những tổn thất gây ra đối với các khách hàng, nhà đầu tư của mình. Tuy nhiên, việc bắt buộc phải làm điều này, theo tôi dường như phải có một lý do gì đó rất đặc biệt”- ông Tú chia sẻ.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2015-01-04 22:40:20
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/parkson-landmark-co-muc-dau-tu-khung-co-nao-a169662.html