Tranh thêu chữ thập được nhiều người yêu thích do có nhiều mẫu mã phong phú. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ thêu của loại sản phẩm này có thể sử dụng những loại hóa chất không đảm bảo là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh với người sử dụng.
Những sản phẩm từ tranh thêu chữ thập còn được sử dụng để làm đồ phong thủy trong gia đình. Ảnh: Q.T
Tranh thêu chữ thập được nhiều người ưa chuộng do giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng và nhất là có thể sử dụng làm các sản phẩm gia dụng trong nhà như: Khăn trải bàn, tranh treo thường, vỏ gối, mặt túi xách… Ngoài ra, chúng còn có thể sử dụng để làm một số vật dụng nhỏ hơn như móc chìa khóa, ví. Do làm thủ công nên những sản phẩm này được người dân đặc biệt yêu thích và còn trở thành trào lưu thêu tranh làm quà tặng trong giới trẻ. Lý do tranh thêu trở nên cuốn hút với chị em
Cũng chính do nhu cầu sử dụng làm quà tặng lớn nên gần đây dịch vụ thêu tranh thuê ngày càng trở nên phổ biến và trở thành một trong những phương pháp kiếm tiền hiệu quả đối với một số người lao động, sinh viên có nhiều quỹ thời gian rãnh rỗi. Nguyễn Phương Anh – sinh viên Cao đẳng Sư phạm nghệ thuật Hà Nội chia sẻ: “Do chỉ phải học một buổi ở trường nên tôi nhận thêm thêu tranh ở nhà, trung bình một tháng cũng kiếm thêm được 1 – 2 triệu đồng. Mỗi bức tranh thêu đều được tính tiền theo kích thước, số lượng các ô thêu nên có thể thanh toán công cả khi tranh chưa hoàn chỉnh”.
Theo chị Hoàng Thanh Lam – chủ cửa hàng tranh thêu chữ thập tại Khương Thượng (Hà Nội) cho biết: “Trung bình một sản phẩm tranh thêu hoàn chỉnh cũng phải sử dụng đến 50-60 màu chỉ; cá biệt có những bững tranh khổ lớn còn phải dùng đến 200-300 màu chỉ. Chính vì điều này, tranh thêu chữ thập cũng có phân khúc về giá rõ ràng, tranh nhỏ sử dụng ít màu chỉ vài trăm nghìn nhưng tranh lớn và sử dụng nhiều chỉ màu sau khi hoàn chỉnh có giá lên đến vài chục triệu đồng”. Xem thêm: Chọn bức tranh thêu tay thế nào cho đẹp
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, để thêu được tranh thêu chữ thập nhà sản xuất thường làm cho vải thêu cứng hơn so với vải bình thường bằng một loại hóa chất. Đồng thời, chỉ thêu của loại sản phẩm này có thể sử dụng những loại hóa chất không đảm bảo chất lượng gây kích ứng, mẩn đỏ cho da.
Khảo sát của phóng viên tại các cửa hàng bán tranh thêu chữ thập trên đường Nguyễn Thái Học, Phạm Ngọc Thạch, Láng Hạ…, sản phẩm này thường được đóng gói trong những túi ni-long và trên bao bì không có nhãn mác, nhãn phụ bằng tiếng Việt ghi rõ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, thành phần, chất lượng sản phẩm. Theo chị Nguyễn Hương Giang (Kim Liên- Hà Nội): “Khi mua hàng chúng tôi cũng chỉ quan tâm đến cách thêu và tập trung vào việc lựa chọn hình ảnh của sản phẩm, ít người quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng chỉ thêu cũng như màu chỉ nhuộm có an toàn hay không”.
Theo ông Trần Hồng Côn – Giảng viên Khoa Hóa trường Đại học Khoa học tự nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội: Chất aromatic amine có trong thuốc nhuộm các loại vải, chỉ thêu kém chất lượng có khả năng gây ung thư với người sử dụng. Đồng thời vì aromatic amine có độ pH khá cao nên nếu tiếp xúc với da thường xuyên có thể gây kích ứng da, đặc biệt là da trẻ em vì làn da trẻ dễ mẫn cảm. Tuy nhiên, độc chất này chỉ gây hại khi quần áo, vải vóc còn mới; nếu bình thường thì sẽ không có vấn đề gì nhưng khi mặc trẻ nhỏ va quệt vào miệng thì sẽ nguy hại.
Bên cạnh đó, theo bà Trần Thị Thu Dung – Giám đốc Trung tâm thí nghiệm Dệt may: “Các amin thơm gây ung thư có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo là các chất bị cấm có trong vải. Đồng thời, formandehyt có trong vải và chỉ thêu kém chất lượng cũng được xem là chất có nguy cơ gây ung thư, dị ứng cho người sử dụng. Cả hai chất này đều được Bộ Công Thương quy định phải kiểm tra đối với các mặt hàng dệt may theo Thông tư số 32/2009/TT – BCT. Ngoài ra, tại Việt Nam chưa có đơn vị nào nhập khẩu mặt hàng tranh thêu chữ thập có chứng nhận kiểm nghiệm chứng minh đạt tiêu chuẩn an toàn. Điều này có thể gây mất an toàn cho người sử dụng vì họ có thói quen vuốt, mút chỉ để xâu kim vào lúc thêu tranh hay sử dụng tranh thêu vào các sản phẩm gia dụng như gối, khăn trải bàn…”.
Không chỉ vậy, tranh thêu chữ thập còn là nguyên nhân gây cận thị, đau nhức cổ, vai gáy đối với nhiều người thêu trong thời gian dài, cường độ liên tục. Nguyễn Phương Anh – sinh viên Cao đẳng Sư phạm Hà Nội cho biết: “Tôi thường xuyên phải thức khuya thêu tranh cho kịp tiến độ. Do vậy, mắt của tôi thường xuyên phải hoạt động trong môi trường dưới ánh sáng yếu và cơ thể cũng ít vận động hơn. Điều này đã dẫn đến việc thị của tôi lực nhanh chóng suy giảm, chân tay đau nhức. Thời gian đầu chỉ cận 1,5 đi-ôp nhưng từ khi nhận tranh thêu đến nay độ cận đã là 3 đi-ôp…”.