Một đường dây làm bằng giả đáp ứng nhu cầu 600 bằng trong một năm, hãy thử suy nghĩ trong cả nước có bao nhiêu đường dây như vậy?
Vụ việc 20 cán bộ ngành y tế dùng bằng giả gây chấn động ngành y và dư luận xã hội thời gian qua. Khiến niềm tin của người dân đối với Ngành Y tế đã thấp, nay lại giảm sút thêm.
Đặc biệt là trong số 20 cán bộ này có người sử dụng bằng giả vài chục năm mà không ai biết. Có nhiều người trực tiếp làm việc liên quan đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân như khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, điều trị cho bệnh nhân.
Ông Lê Văn Lệ sử dụng bằng giả làm việc suốt 20 năm mới bị phát hiện. Khi bị phát hiện ông đã làm tới chức Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đông Thắng, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa.
Bà Lê Thị Thúy (29 tuổi, quê xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa). Với tấm bằng Dược sĩ trung học giả do Trường Trung học Y tế Hà Nội cấp, bà đã làm việc tại Khoa Dược vật tư thiết bị y tế (Bệnh viện Nội Tiết tỉnh Thanh Hóa) 8 năm liền. Công việc hàng ngày của bà là cấp phát thuốc cho bệnh nhân.
Tiến sỹ Đỗ Kim Sơn, GĐ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) phát biểu với Báo Người Lao Động: “Không có bằng cấp, chuyên môn mà thăm khám, cấp phát thuốc, điều trị cho bệnh nhân là cực kỳ nguy hiểm. Những người mua bằng để làm bác sĩ chính là “lang băm” làm liều, coi thường tính mạng người bệnh”
Tiến sỹ Hoàng Bùi Hải, Trường ĐH Y Hà Nội cũng trao đổi với Báo Người Lao Động rằng: “Ngành y là một ngành khoa học vừa tự nhiên vừa xã hội, tuyển đầu vào đã khó, quá trình học lại vất vả. Thời gian học dài, lúc ra trường còn cần học thêm nữa, bên cạnh đó luôn phải có thầy kèm cặp đến khi trở thành người làm việc độc lập. Cán bộ ngành y sử dụng bằng giả thì đúng là hại bệnh nhân”.
Bằng giả không chỉ xuất hiện ở Ngành Y tế, mà xuất hiện trong tất cả các nghành khác, đặc biệt là trong hệ thống công chức nhà nước.
Trong một phiên họp Hội đồng Quốc gia về giáo dục Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận bày tỏ “Thực tế những người có bằng giả, hay bằng thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể ‘chui’ vào hệ thống công chức nhà nước, chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân”.
Nhu cầu bằng giả xuất phát từ đâu
Vì sao bằng giả ở hệ thống công chức nhà nước rất nhiều nhưng tư nhân hay nước ngoài thì rất ít. Nguyên nhân chủ yếu là tệ nạn ‘con ông cháu cha’ và lo lót chạy việc, nhiều người dù đã thuộc diện ‘con ông cháu cha’ rồi, nhưng để vào được cơ quan nhà nước thì đòi hỏi cũng phải có bằng cấp; Bên cạnh đó là tệ nạn ‘chạy chọt’ xin việc tại cơ quan nhà nước cũng rất nhiều. Vì thế mà nhu cầu bằng giả là rất cao.
Năm 2014, công an TP.HCM đã triệt phá đường dây làm bằng giả do Phạm Đăng Thành (SN 1990, quê Quảng Ngãi) cầm đầu, đường dây này chuyên làm bằng ĐH, Thạc sỹ, Tiến sỹ , chỉ riêng đường dây này đã tiêu thụ 600 bằng giả trong năm 2014.
Chỉ một đường dây mà đã tới 600 bằng giả tiêu thụ một năm, đây là chưa kể những đường dây khác. Con số này cũng cho thấy nhu cầu bằng giả là rất lớn.
Vấn nạn này cũng gây ra chảy máu chất xám trong khu vực nhà nước, người có tài thật sự sẽ bỏ nhà nước sang làm cho công ty tư nhân hay công ty nước ngoài, bởi lẽ người dùng bằng giả là con ông cháu cha sẽ được trọng dụng hơn người có năng lực, như Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến trao đổi với Việt Nam Net rằng: “Không chỉ vì những nơi đó trả lương cao hơn mà còn do môi trường công tác và thăng tiến là bình đẳng” .
Tiến sỹ Bùi Hoàng Hải giải thích vấn nạn bằng giả với Báo Người Lao Động: “Họ suy nghĩ cái gì cũng có thể mua bán được. Đã ‘mua’ nhiều thứ rồi, cái gì cũng thấy dễ, còn bằng cấp để hợp thức hóa cái vỏ bọc thì có sao đâu? Ban đầu là mua chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, sau đó đến bằng đại học rồi cả tiến sỹ. Toàn xã hội đâu đâu cũng cần bằng cấp, học hành thật thì lâu nên đi mua cho nhanh” .
Tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và Phát triển trao đổi với Báo Người Lao Động rằng: “Chỉ có cơ quan, doanh nghiệp nhà nước mới thu nhận những người dùng bằng giả hoặc bằng thật chất lượng giả, bởi nếu họ làm không hiệu quả, yếu kém, thua lỗ thì đã có nhà nước, nhân dân chịu. Theo ông, chính cơ chế tuyển dụng nặng về bằng cấp đã làm nản lòng nhiều người giỏi, tạo cơ hội cho nhiều người dùng bằng giả”.
Lý giải vì sao người có bằng giả không thể vào được công ty tư nhân hay công ty nước ngoài, Tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh nói với Người Lao Động rằng: “vì việc tuyển dụng, đề bạt nhân viên ở đó gắn chặt với quyền lợi của ông chủ, của doanh nghiệp. Khi tuyển, người ta đã định rõ vào vị trí nào, để làm việc ở vị trí đó thì phải đáp ứng được những yêu cầu gì; không đạt yêu cầu dứt khoát không tuyển. Vì thế, khi có được một thị trường lao động đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh, chúng ta sẽ hạn chế được những người bằng thật – kiến thức giả vào bộ máy nhà nước”.
Nạn làm bằng giả hiện nay
Để làm một tấm bằng giả, người ta có thể thông qua dò hỏi, hoặc cũng có thể tìm kiếm trên internet. Nếu lên google tìm kiếm “làm bằng giả” sẽ có kết quả sau:
Dù có một số đường dây làm bằng giả bị phát hiện, nhưng hoạt động làm bằng giả vẫn lớn, lý do không chỉ nhu cầu xã hội cao, mà còn thu nhập mang lại rất lớn.
Nếu tính trung bình 1 tấm bằng giả là 6,5 triệu đồng, và một đường dây tiêu thụ hơn 600 tấm bằng giả cho một năm, thì thu nhập một năm là 4 tỷ đồng ( trong khi đó chi phí đầu tư rất thấp).
Làm sao để xóa vấn nạn bằng giả
Trên thế giới có áp dụng một cách chống bằng giả khá phổ biến, đó là trên mỗi tấm bằng cần có ghi mã của bằng đó, khi muốn xác minh bằng thật hay giả thì chỉ cần nhập mã này vào website của trường cấp bằng, nếu bằng thật sẽ hiện thông tin, nếu là giả sẽ không có thông tin nào.
Đấy là cách làm hết sức đơn giản lại dễ thực hiện.
Nhưng vấn đề sâu xa hơn cũng cần phải giải quyết đó là vấn nạn ‘con ông cháu cha’, chạy chức chạy quyền, cũng như vấn nạn xem trọng bằng cấp cũng cần có cơ chế để xóa bỏ.
Theo daikynguyenvn.com