Với việc cổ đông nhỏ của BJC không thông qua, TCC Holdings sẽ tiếp tục đàm phán để tiếp tục thực hiện thương vụ này.
Theo tin tức trên TTXVN: Bangkok Post đưa tin, nỗ lực của Tập đoàn Berli Jucker (BJC) mua lại hệ thống bán sỉ Cash & Carry thuộc tập đoàn Metro (Đức) tại Việt Nam đã thất bại hôm 8/1 sau khi các cổ đông của BJC nhất trí bỏ phiếu không thông qua thỏa thuận trị giá 655 triệu euro (25 tỷ baht) này.
Theo đó, 88,5% cổ phần có quyền biểu tham dự đại hội – không bao gồm cổ đông lớn nhất là TCC Holdings, sở hữu 73,7% cổ phần – đã nói không với kế hoạch trên.
Các cổ đông nhỏ lo ngại công ty Thái Lan sẽ phải đối mặt với những rủi ro tài chính và nguy cơ kiện tụng cao nếu theo đuổi thương vụ này với các điều kiện bổ sung liên quan đến việc thanh toán hợp đồng.
Weerawong Chittmittrapap, một giám đốc của BJC, cho biết công ty này có thể phải huy động tới 1,31 tỷ euro để hoàn tất việc mua lại Metro Việt Nam.
Ông nói: “Nếu các cổ đông bỏ phiếu ủng hộ việc mua lại Metro Việt Nam theo các điều khoản mới, BJC sẽ phải chịu nhiều rủi ro và gánh nặng về tài chính”. Theo ông Chittmittrapap, công ty này có thể phải huy động những khoản vay khổng lồ lên tới 40,52 tỷ baht và tỷ số nợ trên vốn cổ phần sẽ tăng lên 1,99 lần.
Ông Weerawong nhận định rằng TCC Holding, thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi – cổ đông lớn nhất trong BJC, sẽ tiếp tục đàm phán với Metro AG về việc làm sao để việc mua lại Metro Việt Nam sẽ diễn ra công bằng và thành công hơn đối với cả 2 bên.
Ông khẳng định: “Nếu cả 2 bên có thể giải quyết tất cả những trở ngại và thúc đẩy thương vụ với những điều kiện công bằng hơn, TCC Holding sẽ một lần nữa đưa thương vụ này ra đại hội cổ đông”.
Ảnh minh họa.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Metro Việt Nam hoạt động ở nhiều tỉnh thành Việt Nam, nhưng trụ sở chính đặt tại TPHCM và theo nguyên tắc nếu Metro chuyển nhượng cho đối tác Thái Lan BJC thì hồ sơ xin chuyển nhượng phải nộp lên Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM để đơn vị này thẩm định và trình lên các bộ ngành xem xét trước khi có quyết định điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.
Một nguồn tin có thẩm quyền từ cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài tại TPHCM cho biết họ đã nghe thông tin về việc chuyển nhượng của Tập đoàn Metro trên báo chí từ mấy tháng nay nhưng đến nay (tháng 1-2015) cơ quan này vẫn chưa nhận hồ sơ xin chuyển nhượng từ phía nhà đầu tư.
Trong khi đó các cổ đông của BJC mới đây đã đồng lòng phản đối thương vụ mua lại hệ thống kinh doanh Metro ở Việt Nam với giá 655 triệu euro (tương đương chừng 875 triệu đô-la Mỹ). Cụ thể, tại đại hội cổ đông của BJC diễn ra hôm qua (9-1), các cổ đông của BJC lo ngại rằng, nếu tiếp tục theo đuổi vụ mua lại Metro với giá 25 tỉ baht Thái (655 triệu euro) tập đoàn BJC có nguy cơ đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng về tài chính và pháp lý, theo Bangkok Post.
Người phụ trách truyền thông của Metro Việt Nam, khi được TBKTSG Online liên hệ về việc này, đã trả lời rằng Metro Việt Nam không được quyền phát ngôn bất cứ điều gì về thương vụ mua bán giữa hai bên và họ cũng không nắm thông tin về vụ việc này.
Theo người này, ngay từ đầu thương vụ này là do lãnh đạo hai tập đoàn Metro ở (Đức) và BJC (Thái) đàm phán với nhau; Metro Việt Nam chỉ là công ty thành viên thừa hành; do đó mọi thông tin liên quan đến thương vụ này phải do phía Metro Đức công bố chính thức.
Cũng theo người này, việc kinh doanh hiện nay của Metro Việt Nam vẫn diễn ra bình thường.
Một siêu thị Metro tại Việt Nam – Ảnh: TTXVN.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online liên quan đến sự quan ngại của đơn vị mua BJC nếu giao tiền trước cho Metro chưa chắc được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư từ phía Chính phủ, một cán bộ từng làm trong ngành xúc tiến đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng ông không nghĩ là Chính phủ Việt Nam sẽ không cấp phép chuyển nhượng theo yêu cầu của nhà đầu tư.
Theo người này, bất cứ doanh nghiệp trong và ngoài nước nào nếu có nhu cầu chuyển nhượng vốn cho đơn vị khác thì cũng được phép nếu doanh nghiệp đó hoàn tất các nghĩa vụ thuế và đáp ứng những quy định của Nhà nước. Trường hợp của Metro cũng không ngoại lệ bởi đây cũng là một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư như những nhà đầu tư khác.
Metro được xem là một trong những trường hợp đặc biệt ở Việt Nam. Tập đoàn này đã khởi sự kinh doanh khi Việt Nam chưa chính thức mở cửa thị trường phân phối cho nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ. Để được phép mở đến tám trung tâm ở các thành phố lớn của Việt Nam, Metro đã đăng ký mở chuỗi siêu thị bán sỉ, cam kết không cạnh tranh trực tiếp với nhà bán lẻ trong nước và mang lại nhiều sự hỗ trợ cho các nhà cung cấp địa phương. Trên thực tế, hệ thống bán sỉ này cũng ngấm ngầm bán lẻ.
Việc kinh doanh thuận lợi, Metro tiếp tục mở rộng ra nhiều tỉnh, thành và tới nay đã có 19 trung tâm phân phối trên cả nước, hai trung tâm trung chuyển hàng rau quả và cá tươi, tất cả đều dưới hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài – điều mà chưa có nhà phân phối nước ngoài nào khác làm được, nhất là các nhà bán lẻ bị “vướng” quy định về thẩm định nhu cầu kinh tế khu vực (ENT) đối với việc mở trung tâm bán lẻ thứ hai.
Hầu hết các trung tâm phân phối của Metro ở Việt Nam có vị trí ở các cửa ngõ ra vào các thành phố lớn, có quy mô lớn, hiện đại và đồng nhất. Đó là niềm ao ước của bất kỳ một nhà phân phối nào.
Tiểu thương quanh nhà ga Metro: Bao giờ cho đến ngày xưa?
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2015-01-10 22:08:32
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/thuong-vu-mua-lai-metro-viet-nam-co-nguy-co-do-vo-a170551.html