ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: www.nguoiduatin.vn
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Tỷ phú đầu tiên của đế chế đá đỏ Quỳ Châu: Tiền chất đống, vàng bạc đeo trĩu cổ
Thursday, January 29, 2015 19:18
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


“Trong vòng hơn một năm, tôi bỗng giàu lên. Có hôm tiền chất đầy mấy bao tải, tôi cất bao tải tiền dưới gầm giường!”, ông Hiệp kể.

Nhắm mắt bắt… tiền tỷ

Tin tức trên báo Gia đình Xã hội, thập niên 90 của thế kỷ trước, miền tây xứ Nghệ sục sôi bởi đá đỏ. Thời điểm đó, những thông tin sốt dẻo nhất được tung ra từ đồi tỷ, đồi triệu và hàng chục mỏ đá quý ở mảnh đất Quỳ Châu. Chuyện người ta nhặt được viên đá bằng hạt ngô, phủi bụi bán ngay chân núi cũng đút túi hàng chục, hàng trăm triệu đồng đã “đốt nóng” miền tây Nghệ An.

Kể lại câu chuyện cách đây vài thập niên nhưng trong lời nói của người đàn ông từng nổi danh “miền đá đỏ” một thời, Đinh Nho Hà (ở xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) vẫn khiến người nghe cảm nhận được cái nóng toát ra như những cơn gió Lào ngày đổ lửa. “Kiếm tiền thời đó dễ lắm. Đá đỏ nhiều đến nỗi nhắm mắt mua đá vẫn lãi tiền tỷ”, anh Hà khẳng định.

Anh vẫn nhớ như in những phi vụ kinh doanh đá đỏ đầu tiên trong đời: “Năm 1991, sau khi tậu một viên đá giá 42 triệu đồng tại Nghệ An, tôi tức tốc ra Hà Nội kiếm nơi đổ hàng. Trên đường đi, trong đầu chỉ nghĩ bán được 60-70 triệu đồng đã là lãi to. Ra tới nơi, khách hàng vừa nhìn viên đá đã phát giá 98 triệu đồng. Khách phát giá, còn mình thì phát sốt. Số tiền lãi nhiều gấp bội dự tính nên không ngần ngại, tôi bán ngay. Sau này, mức giá chuyển nhượng của viên đá này lên ngót 2 tỷ đồng”.

Đó vẫn chưa phải là lần lãi nhất, ít lâu sau đó, anh mua 2 viên đá với giá 15 triệu đồng, bán được những 70 triệu đồng. Anh Hà nhớ lại lần đầu tiên gom tiền đi buôn đá, hành trang lúc lên đường chỉ vỏn vẹn có 700.000 đồng, anh tậu được viên đá đỏ hình mai rùa. Anh kể: “Mua được hàng vừa tiền chưa kịp vui, đêm về tay chân run lẩy bẩy như sốt rét vì lo… lỗ vốn. Trằn trọc cả đêm, mong mau tới sáng để bán hàng hồi vốn. Mờ sáng hôm sau, vị khách đầu tiên đặt giá 5 triệu đồng, cuối cùng, các mức giá lần lượt đội lên từ 70 đến 100 triệu đồng”. Trong vòng 1 năm (từ tháng 10/1990 đến tháng 10/1991), với 700.000 đồng tiền vốn, anh đã kiếm được ngót nghét 300 cây vàng nhờ buôn đá.

Tỷ phú đầu tiên của đế chế đá đỏ Quỳ Châu: Tiền chất đống, vàng bạc đeo trĩu cổ - Ảnh 1

Viên đá quý hàng chục kara ở dạng thô.

Tỷ phú đầu tiên của đế chế đá đỏ Quỳ Châu

Thông tin trên báo VTC News, cơn bão đá đỏ xảy ra đã hơn 20 năm, nhưng đối với ông Đỗ Văn Hiệp thì nó như vừa hôm trước.

Một hôm mò ra khe Cháy gặp đám thợ đào bới, ông hỏi và được trả lời là làm quặng, tức khí, sẵn đang rảnh rỗi, ông Hiệp rủ 2 người con trai vào đầu nguồn khe Lá Dong cách đó không xa lắm, đào liên tiếp mấy lỗ bên suối, tìm được 3 viên đá. Trong đó, viên to nhất bằng hạt lạc, đập tách đất đá xung quanh thấy óng lên màu đỏ au, trong vắt, hai viên còn lại màu xanh biếc, chừng 7,8 ly.

Ông Hiệp bỏ vào túi rồi về. Lúc ngang qua đám thợ đang hì hục ở khe Cháy, ông móc viên to nhất ra nói với gã chủ thầu tên Ngự: “Các chú có mua cái này tôi bán cho”. Gã chủ thầu mắt tròn mắt dẹt khi nhìn thấy viên đá lóng lánh trong vắt trên bàn tay ông Hiệp. Tuy nhiên, gã lắc đầu từ chối và im lặng tiếp tục công việc.

Tầm nửa tháng sau, có vẻ như không kiếm được viên nào khá khẩm, gã tìm đến gặp ông Hiệp khi ông đang ngồi uống nước chè trước cửa nhà. Gã hỏi địa điểm mà ông Hiệp đào được 3 viên đá bữa trước, rồi khẩn khoản bảo dẫn đám thợ tới đó. Đồng thời gã hỏi xem ông có bao nhiêu đá thì cứ bán hết cho gã.

Tỷ phú đầu tiên của đế chế đá đỏ Quỳ Châu: Tiền chất đống, vàng bạc đeo trĩu cổ - Ảnh 2

“Trong vòng hơn một năm, tôi bỗng giàu lên. Hồi đó tôi thu về toàn tiền mệnh giá 5.000 đồng, có hôm tiền chất đầy mấy bao tải, tôi cất bao tải tiền dưới gầm giường!”, ông Hiệp kể. (Ảnh: VTC News).

Gom trong nhà được 15 viên, toàn kích cỡ như hạt đậu, có viên trên nóc tủ, viên thì đứa cháu đang buộc dây đeo chơi ở cổ, viên thì chui dưới gầm giường mới tìm thấy, ông Hiệp mang hết ra cho chọn.

Lúc đó, ông cũng không nghĩ mấy viên đá nhiều màu sắc ấy lại có giá trị cao đến vậy. Gã chủ thầu trả 1 viên 70 ngàn đồng (thời đấy tiền mệnh giá cao nhất cũng chỉ có 5 ngàn, và một con trâu đực to chỉ có 300 ngàn, thì 15 viên mua được tới 3 con trâu). Thấy có lãi, ông Hiệp bán luôn.

Chồng tiền mặt xong, gã chủ thầu liền quay sang năn nỉ cho đám thợ nhập với gia đình ông Hiệp đi tìm kiếm đá quý. Ông dẫn vào đầu nguồn khe suối đó đào bới. Ngày thứ 2 đào bới, đã kiếm được một viên gần bằng củ lạc.

Không biết thông tin lan truyền kiểu gì, nhưng sáng đào được đá, chiều đã có 2 chiếc ô tô biển số Hà Nội xuất hiện ở Châu Bình, toàn dân buôn đá đỏ, dò hỏi tìm đến tận nhà ông Hiệp.

Viên đá ấy do ông Hiệp đào được nên ông được quyền mang đi bán. Lúc đó chưa biết giá cả thế nào, mà gã chủ thầu cũng như đám thợ cũng không ai biết, vì lần đầu tiên đào được viên đá to và đẹp đến như vậy. Nghĩ mãi, ông Hiệp nói bừa : “Đúng 20 triệu tôi bán”.

Ông chủ buôn đá quý xem đi xem lại mãi, rồi bảo bớt cho 500 ngàn. Lúc đó, ông Hiệp cùng mọi người mới giật mình, bàng hoàng sững sờ khi biết được giá trị của những viên đá mà trước vẫn nhặt về cho con cháu chơi, gấp trăm, gấp ngàn lần những hạt vụn vàng cám mà hàng ngày ông vẫn cùng đám con cháu hì hục đào đãi bên sông.

Ngay tức khắc, số tiền được chồng ngay trước mặt, gồm 3 bao tải lớn, tiền 5000 đồng, 2000 đồng và 1000 đồng, mất cả buổi mới đếm được hết. Ông Hiệp phải lấy xe ba gác chở 3 bao tải tiền về, xếp chật cả nhà.

Chia tiền cho mọi người, bản thân ông Hiệp được lĩnh phần lớn nhất 5 triệu đồng, cũng là một con số lớn thời bấy giờ mà trước nay ông chưa bao giờ mơ tới. Tuy nhiên chỉ ít lâu sau, nghe đồn viên đá ấy bán lại ở thành phố Vinh được gần 600.000 USD, sau đó được bán tiếp qua đất Thái Lan với giá trị cao hơn gấp nhiều lần, ông mới giật mình tiếc nuối.

Câu chuyện lộ ra, ngay tức khắc gây dư luận ầm ĩ, những người người dân chân chất quanh năm ruộng vườn ở Châu Bình nổi cơn sốt xình xịch, bỏ bê hết cả ruộng nương, lao đi tìm đá.

Chỉ tay vào đồi Mồ ngay trước mặt, ông Hiệp cho biết, có tiền, ông mua ngay một miếng đất khá lớn ven đồi, định làm một trang trại. Sau khi quây hết hàng rào lại, nghĩ đến viên đá bán được 20 triệu đồng hồi trước, ông huy động cả nhà đào bới, vừa để làm nền vừa hy vọng vận may tìm đến với mình một lần nữa.

Cứ thế, ông Hiệp đào theo kiểu hên xui, cứ cuốc xẻng bổ xuống, sâu đến 1 mét mà không thấy có vỉa đá thì lại chuyển sang đào hố khác. Nếu có vỉa đá, nhất là đá cuội, thì kiểu gì cũng tìm thấy đá rubi ở đó, theo kiểu đá ngậm đá.

Mất mấy tháng đào bới, ông kiếm được 6 viên, trong đó có 1 viên đá đỏ au lóng lánh to bằng hạt mít, cứng hơn sắt thép, đập mãi mới bóc tách được lớp cuội bên ngoài. Ông bán viên đó được 350 triệu đồng.

Lúc đầu, thấy cha con ông đào, rồi có đá bán ra tiền triệu, mọi người cũng xúm vào đào bới, lật tung cả mồ mả. Họ hàng thân thích của những người đã chết chôn ở đồi Mồ ra phản đối dữ lắm, nhưng được đút tiền, lại thấy có lợi, thế là họ cũng lao vào cơn lốc đá đỏ đó.

Với 6 viên đá quý, ông Hiệp bán được hơn 1 tỷ đồng. Ông cứ ngồi rung đùi uống trà trước cửa nhà, ngày ngày không thiếu dân buôn đá quý ong ve gạ mua, ưng giá lá bán. Bên cạnh đó, nhiều người dân ở Châu Bình cũng đào được đá, có viên họ giấu đi, có viên thì lại đem bán lại cho ông Hiệp. Ai đào được đá ông mua hết, rồi thấy có lãi lại bán đi.

Chỉ thời gian ngắn, tài sản của ông Hiệp lên tới hơn 3 tỷ đồng, một con số khủng khiếp thời bấy giờ. Trong nhà, tiền chất hàng đống, chỗ nào nhét được là nhét. Bản thân ông và vợ con vàng bạc đeo nặng trĩu cổ, tính theo kilogam chứ không tính bằng chỉ. Có tiền, ông xây cho con cháu mỗi người một ngôi nhà.

“Trong vòng hơn một năm, tôi bỗng giàu lên. Hồi đó tôi thu về toàn tiền mệnh giá 5.000 đồng, có hôm tiền chất đầy mấy bao tải, tôi cất bao tải tiền dưới gầm giường!”, ông Hiệp kể. Vợ ông, bà Kim Thị Tâm chuyên nấu mì tôm bán cho đám thợ và khách qua đường. Những năm đá đỏ lên cơn “sốt xình xịch”, mì tôm cũng đắt như tôm tươi. Từ đá đỏ, mì tôm, đôi vợ chồng nghèo có của ăn, của để.

Nhưng đồng tiền làm ra quá dễ, thường đến ngay đấy mà cũng đội nón ra đi ngay đấy. “Nhiều tiền, tôi nhảy vào lô đề. Ban đầu tôi đánh nhỏ, trúng vài lần, nhưng càng đánh lớn càng thua to. Cuối cùng tôi nhẵn túi, chẳng còn đồng nào. May mà trước khi “nướng” mấy bao tải tiền vào đề đóm tôi dành dụm được một ít xây nhà cho con!”, ông Hiệp tiếp chuyện. Tiền khô cháy túi, lại trở về với những năm tháng nghèo khó. Vợ chồng ông dựng lều quán bán hàng ăn bên quốc lộ 48 sống lần lần qua ngày, đoạn tháng.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.