Gà Hồ là giống gà quý, xưa kia được chọn làm sản vật của làng dâng lên vua chúa nên gà Hồ còn được gọi là gà tiến vua. Gà được nuôi theo phương pháp dân dã, tự nhiên, chủ yếu bằng thóc gạo nên thịt hồng, thơm ngon, có giá trị kinh tế cao.
Làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh nổi tiếng với giống gà Hồ xưa nay. Giống gà này tương truyền có lịch sử hơn 600 năm, từng được chọn làm sản vật tiến vua.
Nhìn bên ngoài, gà Hồ khá giống với gà Đông Tảo (Hưng Yên) nên người dân lấy việc quan sát đôi chân là cách tốt nhất để phân biệt. Chân gà Hồ to, có vảy mịn, bản tròn, cao trường. Chân gà Đông Tảo ngắn, xù xì và sờ vào có phấn ở tay. Cân nặng trung bình của một con gà Hồ khoảng 5 – 6 kg và có thể được định giá lên tới 3 triệu đồng nếu bán theo dạng gà thịt với mức 500.000-700.000 đồng/kg tùy mẫu mã, tuổi gà và trống mái. Thông thường, gà càng to, giá bán càng đắt. Một con gà Hồ to nhất có thể đạt trọng lượng đến hơn 6 kg.
Người làng cho biết, đây là giống gà quý, xưa kia được chọn làm sản vật của làng dâng lên vua chúa nên gà Hồ còn được gọi là gà tiến vua. Gà được nuôi theo phương pháp dân dã, tự nhiên, chủ yếu bằng thóc gạo nên thịt hồng, thơm ngon, có giá trị kinh tế cao.
Chân gà Hồ to, có vảy mịn, bản tròn, cao trường.
Tuy nhiên, không phải ai mang tiền vào giữa làng Lạc Thổ đều mua được gà Hồ làm thịt. Ngoài 1 – 2 tháng áp Tết, khách phương xa tìm về làng cũng rất khó để mua được gà lấy thịt bởi ở làng này, ngày thường mỗi hộ nuôi cũng chỉ sở hữu một, đôi bộ gà Hồ trưởng thành để nhân giống chứ không có gà lớn bán sẵn.
Thông thường nuôi một con gà Hồ từ lúc mới nở tới khi lấy thịt mất khoảng 1 năm. Gà mái cho loạt trứng đầu tiên khi tròn 8 tháng tuổi, gà trống thì phải tròn 1 năm mới tập tọe đạp mái. Gà nuôi tốt tới lúc lấy thịt có thể đạt cân nặng cao nhất lên tới hơn 6kg.
Một người dân làng Lạc Thổ cho biết, một con gà từ 5 đến 6kg có giá bán lên tới 3 triệu đồng. Gà to nhưng thịt bùi, thơm ngon chứ không khô bã. Những ngày cuối năm, áp Tết, khách thập phương đổ về làng Lạc Thổ mua gà Hồ rất đông, đem lại thu nhập từ vài chục tới cả trăm triệu cho nhiều hộ nuôi. Do thời gian nuôi dài, giá đắt đỏ nên gà Hồ lấy thịt chỉ được dân làng bán trong dịp Tết
Một con gà từ 5 đến 6kg có giá bán lên tới 3 triệu đồng.
Ông Nguyễn Đăng Chung – Hội trưởng Hội gà Hồ kể chuyện ngày xưa, các cụ nuôi gà Hồ bằng bí kíp cơm nóng nghiền cùng cám xay, nặn cỡ ngón tay rồi nhồi cho gà như các bà phe phẩy vẫn nhồi ngan, nhồi vịt ăn bánh đúc trước khi đến cổng chợ vậy. Loại hỗn hợp nóng sốt và giàu dinh dưỡng trên sẽ giúp cho gà tiêu hóa rất nhanh, cái mề chẳng mất mấy thời gian co bóp đồng hóa thức ăn, khiến cho trọng lượng gà chẳng mấy chốc hóa khổng lồ đến ngoại cỡ trong họ hàng nhà hai chân.
Giờ đây, chẳng biết do giống gà đã thoái hóa hay không còn ai nhồi kiểu này nên con gà kỷ lục mà ông Nguyễn Đăng Chung nuôi được cũng chỉ cỡ 6,5kg. Để vỗ đạt đến trọng lượng lý tưởng ấy, ông phải mất cỡ 2-3 năm nuôi theo dạng thả vườn và nhất là chỉ cho ăn thóc, ngô chứ tuyệt nhiên không dùng cám công nghiệp thì thịt mới thơm, ngon, giòn sật đúng chất gà Hồ.
Ông Chung kể: “Gà Hồ do có trọng lượng khác thường nên cách chế biến cũng cầu kỳ. Chúng được làm lông, mổ moi và giàng (tạo dáng bằng các thanh tre buộc lại) theo thế quỳ, bay, phục… luộc trong nồi trăm lít dễ đến hơn nửa giờ mới sôi. Khi nồi luộc sôi được một chốc phải tắt bếp ngâm đến khi gà tự chín để khỏi bị nứt da, xấu dáng, thịt giữ nguyên vị ngọt đậm đà. Con gà lúc ấy đem bày lên bàn thờ gia tiên nom bệ vệ, uy nghi như một con đại bàng đang xòe cánh.
Ngoài món luộc, gà Hồ còn chế biến được rất nhiều món mà đặc sắc nhất phải kể đến món nem… da gà vô tiền khoáng hậu. Gà Hồ vốn có lớp da rất dày tựa bì lợn, một con gà cỡ trên 5kg lột cũng phải được 1kg da. Da ấy được đem luộc chín, thái con chì nhỏ rồi bóp với thính làm bằng đỗ tương rang, muối, gia vị, lá chanh… làm thành món nem ăn sậm sựt, thơm ngon, rất khoái khẩu và vô cùng tốn rượu. Thịt gà Hồ xào lăn, nấu đông hay đem nấu xáo đều ngon có tiếng. Ngay cả đến bộ xương cùng cổ cánh đem hầm đỗ đen, ngải cứu ăn cũng đặc vị Đông Hồ”.
Hiện nay, do thị trường của những người sành điệu, lắm tiền, nhiều của rất chuộng chất lượng gà Hồ nên ngay cả chính dân trong vùng cũng ít khi được thưởng thức đặc sản quê mình mà toàn bóp mồm, nhịn miệng để bán cho giới nhà giàu ở Hà Nội.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2015-01-30 15:56:13
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/vi-sao-ga-ho-co-gia-nghin-do-a173237.html